(Dhananjanisuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương-xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivapa (chỗ nuôi dưỡng sóc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Sariputta đang du hành tại Dakkhinagiri (Nam Sơn) cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Một vị Tỷ-kheo sau khi an cư mùa mưa ở Rajagaha (Vương-xá) đi đến Dakkhinagiri đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đến nói lên với Tôn giả Sariputta, những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Rồi Tôn giả Sariputta nói với vị Tỷ-kheo ấy đang ngồi một bên:
– Này Hiền giả, Thế Tôn có được không bệnh, mạnh khỏe không?
– Thưa Hiền giả, Thế Tôn không bệnh và được mạnh khỏe.
– Thưa Hiền giả, còn chúng Tỷ-kheo có được không bệnh và mạnh khỏe không?
– Thưa Hiền giả, chúng Tỷ-kheo cũng không bệnh và được mạnh khỏe.
– Ở đây, này Hiền giả, có Bà-la-môn tên là Dhananjani ở tại Tandulapala. Này Hiền giả, Bà-la-môn Dhananjani có được không bệnh và mạnh khỏe không?
– Thưa Hiền giả, Bà-la-môn Dhananjani cũng không bệnh và được mạnh khỏe.
– Này Hiền giả, Bà-la-môn Dhanajani có được không phóng dật không?
– Thưa Hiền giả, làm sao Bà-la-môn Dhannajani có thể không phóng dật được! Thưa Hiền giả, Bà-la-môn Dhananjani ỷ thế vua, bóc lột các Bà-la-môn gia chủ, ỷ thế các Bà-la-môn gia chủ, bóc lột vua. Người vợ trước của Bà-la-môn có thành tín, cưới từ một gia đình có thành tín đã từ trần. Người vợ sau không có thành tín và cưới từ một gia đình không có thành tín.
– Này Hiền giả, thật là một tin không tốt lành! Này Hiền giả, thật là một tin không tốt lành khi chúng ta được nghe Bà-la-môn Dhananjani phóng dật. Rất có thể chúng ta có dịp gặp Bà-la-môn Dhananjani, rất có thể sẽ có một cuộc đàm thoại.
Rồi Tôn giả Sariputta sau khi ở tại Dakkhinagiri cho đến khi vừa ý, liền khởi hành đi Rajagaha (Vương-xá), tuần tự du hành và đến tại Vương-xá. Ở đây, Tôn giả Sariputta trú ở Rajagaha, Veluvana, tại Kalandakanivapa. Rồi Tôn giả Sariputta đắp y vào buổi sáng, cầm y bát, đi vào Vương-xá để khất thực. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Dhananjani đang cho vắt sữa bò ở ngoài thành. Tôn giả Sariputta sau khi khất thực ở Vương-xá xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Bà-la-môn Dhananjani. Bà-la-môn Dhananjani thấy Tôn giả Sariputta từ xa đi tới, sau khi thấy, liền đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đến liền thưa với Tôn giả Sariputta:
– Hãy uống sữa này và chờ cho đến giờ ăn cơm.
– Thôi vừa rồi, Bà-la-môn. Hôm nay ta đã ăn xong. Ta sẽ ngồi nghỉ trưa ở một góc cây. Ông có thể đến đó.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Bà-la-môn Dhananjani vâng đáp Tôn giả Sariputta. Rồi Bà-la-môn Dhananjani sau khi ăn sáng xong, liền đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đến nói lên với Tôn giả Sariputta những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Tôn giả Sariputta nói với Bà-la-môn Dhananjani đang ngồi một bên:
– Này Dhananjani, ông có không phóng dật không?
– Thưa Tôn giả Sariputta, làm sao chúng tôi có thể không phóng dật được, khi chúng tôi còn cha mẹ phải phụng dưỡng, còn vợ con phải nuôi dưỡng, còn đầy tớ, lao công phải nuôi dưỡng, còn có những trách nhiệm bạn bè thân hữu phải làm đối với bạn bè thân hữu, còn có những trách nhiệm bà con huyết thống phải làm đối với bà con huyết thống, còn có những trách nhiệm tân khách phải làm đối với tân khách, còn có những trách nhiệm tổ tiên phải làm đối với tổ tiên, còn có những trách nhiệm Thiên thần phải làm đối với Thiên thần, còn có những trách nhiệm vua chúa phải làm đối với vua chúa, lại còn thân này cần phải làm cho thỏa mãn và trưởng dưỡng!
– Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, các địa ngục quân kéo người ấy đến địa ngục. Người ấy làm được gì khi nói”. Tôi vì cha mẹ đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo tôi đến địa ngục”? Hay cha mẹ của người ấy làm được gì khi nói: “Con chúng tôi vì cha mẹ đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo nó đến địa ngục”?
– Thưa không được, Tôn giả Sariputta. Các địa ngục quân vẫn quăng người ấy xuống địa ngục, dầu người ấy có khóc than.
– Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì vợ con làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, các địa ngục quân kéo người ấy đến địa ngục. Người ấy làm được gì khi nói: “Tôi vì vợ con đã làm các điều phi pháp, đã làm điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo tôi đến địa ngục”? Hay vợ con người ấy có làm được gì khi nói: “(Chồng, cha tôi) vì chúng tôi đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo (chồng, cha tôi) đến địa ngục”?
– Thưa không được, Tôn giả Sariputta. Các địa ngục quân vẫn quăng người ấy xuống địa ngục, dầu người ấy có khóc than.
– Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì đầy tớ lao công làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, các địa ngục quân kéo người ấy đến địa ngục. Người ấy làm được gì khi nói: “Tôi vì các đầy tớ lao công đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo tôi đến địa ngục”? Hay các đầy tớ lao công có làm được gì khi nói: “(Chủ chúng tôi) vì chúng tôi đã làm các điều phi pháp, đã làm các điều bất chánh. Chớ có để các địa ngục quân kéo (chủ chúng tôi) đến địa ngục”?
– Thưa không được, Tôn giả Sariputta. Các địa ngục quân vẫn quăng người ấy xuống địa ngục, dầu người ấy có khóc than.
– Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì bạn bè thân hữu... (như trên với những thay đổi cần thiết...) dầu người ấy có khóc than.
Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì các tân khách... (như trên với những thay đổi cần thiết)... dầu người ấy có khóc than.
Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vi tổ tiên... (như trên với những thay đổi cần thiết)... dầu người ấy có khóc than.
Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì chư Thiên... (như trên với những thay đổi cần thiết)... dầu người ấy có khóc than.
Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì vua chúa... (như trên với những thay đổi cần thiết)... dầu người ấy có khóc than.
Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, có người vì làm cho thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh. Do nhân duyên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh này, các địa ngục quân kéo người ấy đến địa ngục. Người ấy làm được gì khi người ấy nói: “Vì làm cho thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân, tôi đã làm các điều phi pháp, đã làm ra các điều bất chánh này. Chớ có để các địa ngục quân kéo tôi đến địa ngục”? Hay các người khác có làm được gì khi họ nói: “Vì làm cho thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân, người này làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh này. Chớ có để các địa ngục quân kéo nó đến địa ngục”?
– Thưa không được, Tôn giả Sariputta. Các địa ngục quân vẫn quăng người ấy xuống địa ngục, dầu người ấy có khóc than.
– Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Một người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay một người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì cha mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì cha mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.
– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể phụng dưỡng cha mẹ, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Một người vì vợ con làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay một người vì vợ con, làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, một người vì vợ con làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, một người vì vợ con làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.
– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể nuôi dưỡng vợ con, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Một người vì đầy tớ lao công làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay một người vì đầy tớ lao công làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì đầy tớ lao công làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì đầy tớ lao công làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.
– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể nuôi dưỡng đầy tớ lao công, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Một người vì bạn bè thân hữu làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay là người vì bạn bè thân hữu làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, người vị bạn bè thân hữu làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì bạn bè thân hữu làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.
– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể nuôi dưỡng bạn bè thân hữu, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Một người vì bà con huyết thống làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay một người vì bà con huyết thống làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì bà con huyết thống làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì bà con huyết thống làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.
– Này Dhananjani, có những hành động khác, có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể nuôi dưỡng bà con huyết thống, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Một người vì tân khách làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay một người vì tân khách làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì tân khách làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì tân khách làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.
– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể làm các bổn phận tân khách đối với tân khách, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Một người vì tổ tiên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay người vì tổ tiên làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì tổ tiên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì tổ tiên làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.
– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể làm được những trách nhiệm tổ tiên phải làm đối với các tổ tiên, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Một người vì chư Thiên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay người vì chư Thiên làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì chư Thiên làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì chư Thiên làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.
– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể làm được các trách nhiệm chư Thiên, phải làm đối với chư Thiên, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Người vì vua chúa làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay người vì vua chúa làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì vua chúa làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì vua chúa làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.
– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, có thể làm các trách nhiệm vua chúa phải làm đối với vua chúa, không làm các điều ác, làm được các thiện hành. Này Dhananjani, Ông nghĩ thế nào? Người vì làm thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân làm điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay là người vì làm thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân, làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, ai tốt đẹp hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, người vì làm thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp hơn. Và thưa Tôn giả Sariputta, người vì làm thỏa mãn, vì trưởng dưỡng cái thân làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn. Thưa Tôn giả Sariputta, hành trì đúng pháp, hành trì chơn chánh tốt đẹp hơn hành trì phi pháp, hành trì bất chánh.
– Này Dhananjani, có những hành động khác có nhân, đúng pháp, với những hành động này có thể làm thỏa mãn, trưởng dưỡng cái thân, không làm các điều ác, làm được các thiện hành.
Bà-la-môn Dhananjani hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Sariputta dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Bà-la-môn Dhananjani sau một thời gian bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi Bà-la-môn Dhananjani cho gọi một người khác:
– Ông hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: “Bạch Thế Tôn, Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị bạo bệnh, xin cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn”. Rồi Ông đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đến, hãy nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Sariputta, và thưa: “Thưa Tôn giả Sariputta, Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Sariputta và thưa: “Tôn giả, lành thay nếu Tôn giả Sariputta đi đến trú xá của Bà-la-môn Dhananjani”.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Người ấy vâng theo lời Bà-la-môn Dhananjani, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ chân Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.
Rồi đi đến Tôn giả Sariputta, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả Sariputta rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy thưa với Tôn giả Sariputta:
– Thưa Tôn giả, Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Sariputta và thưa: “Thưa Tôn giả, lành thay nếu Tôn giả Sariputta vì lòng từ bi thương xót, đi đến trú xá của Bà-la-môn Dhananjani”.
Tôn giả Sariputta im lặng nhận lời. Rồi Tôn giả Sariputta đắp y, cầm y bát đi đến trú xá Bà-la-môn Dhananjani, sau khi đến, liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Tôn giả Sariputta hỏi Bà-la-môn Dhananjani:
– Ta mong, này Dhananjani, Ông có thể kham nhẫn; ta mong Ông có thể chịu đựng; ta mong khổ thọ được giảm thiểu, không có gia tăng, và sự giảm thiểu được rõ rệt, không có gia tăng!
– Thưa Tôn giả Sariputta, tôi không có thể kham nhẫn, tôi không có thể chịu đựng. Sự khổ thống của tôi gia tăng, không có giảm thiểu. Và sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, ví như một người lực sĩ chém đầu (một người khác) với một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, những ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu tôi. Thưa Tôn giả Sariputta, tôi không có thể kham nhẫn, tôi không có thể chịu đựng. Những khổ thống của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi siết chặt; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, tôi bị cảm đau đầu một cách kinh khủng. Thưa Tôn giả Sariputta, tôi không có thể kham nhẫn, tôi không có thể chịu đựng. Những khổ thống của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với con dao cắt thịt bò sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của tôi. Thưa Tôn giả Sariputta, tôi không có thể kham nhẫn, tôi không có thể chịu đựng. Những thống khổ của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, ví như hai người lực sĩ, sau khi nắm cánh tay của một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân tôi. Thưa Tôn giả Sariputta, tôi không có thể kham nhẫn, tôi không có thể chịu đựng. Những khổ thống của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng được rõ rệt, không có giảm thiểu.
– Này Dhananjani, địa ngục hay bàng sanh, chỗ nào tốt hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, bàng sanh tốt hơn địa ngục.
– Này Dhananjani, bàng sanh hay cảnh ngạ quỷ, chỗ nào tốt hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, cảnh ngạ quỷ tốt hơn bàng sanh.
– Này Dhananjani, cảnh giới ngạ quỷ hay loài Người, chỗ nào tốt hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, loài Người tốt hơn cảnh giới ngạ quỷ.
– Này Dhananjani, loài Người hay Tứ thiên vương thiên, chỗ nào tốt hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, Tứ thiên vương thiên tốt hơn loài Người.
– Này Dhananjani, Tứ thiên vương thiên hay Tam thập tam thiên, chỗ nào tốt hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, Tam thập tam thiên tốt hơn Tứ thiên vương thiên.
– Này Dhananjani, Tam thập tam thiên hay Dạ-ma Thiên, chỗ nào tốt hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, Dạ-ma thiên tốt hơn Tam thập tam thiên.
– Này Dhananjani, Dạ-ma thiên hay Đâu-suất-đà thiên (Tusita), chỗ nào tốt hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, Đâu-Suất-đà thiên tốt hơn Dạ-ma thiên.
– Này Dhananjani, Đâu-suất-đà thiên hay Hóa lạc thiên (Nimmanarati), chỗ nào tốt hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, Hóa lạc thiên tốt hơn Đâu-suất-đà thiên.
– Này Dhananjani, Hóa lạc thiên hay Tha hóa tự tại thiên, chỗ nào tốt hơn?
– Thưa Tôn giả Sariputta, Tha hóa tự tại thiên tốt hơn Hóa lạc thiên.
– Này Dhananjani, Tha hóa tự tại thiên hay Phạm thiên giới, chỗ nào tốt hơn?
– Tôn giả Sariputta đã nói: “Phạm thiên giới”. Tôn giả Sariputta đã nói: “Phạm thiên giới”.
Rồi Tôn giả Sariputta suy nghĩ: “Các vị Bà-la-môn này rất ái luyến Phạm thiên giới. Vậy ta hãy thuyết giảng con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên”.
– Này Dhananjani, ta sẽ thuyết giảng cho Ông con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên. Hãy nghe khéo tác ý, ta sẽ giảng.
– Thưa vâng.
Bà-la-môn Dhananjani vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta thuyết như sau:
– Này Dhananjani, thế nào là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên? Ở đây, này Dhananjani, vị Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Này Dhananjani, như vậy là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên. Lại nữa, này Dhananjani, vị Tỷ-kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với bi... an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với hỷ... an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với xả, cũng vậy phương thứ hai cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại, vô biên, không hận không sân. Này Dhananjani, như vậy là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên.
– Vậy thưa Tôn giả Sariputta, hãy nhân danh tôi cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn và thưa: “Bạch Thế Tôn Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn”.
Rồi Tôn giả Sariputta, dầu cho có những cảnh giới cao thượng hơn cần phải chứng, sau khi an trú Bà-la-môn vào Phạm thiên giới thấp kém, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Và Bà-la-môn Dhananjani, sau khi Tôn giả Sariputta ra đi không bao lâu, liền mệnh chung và được sanh lên Phạm thiên giới.
Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, dầu cho có những cảnh giới cao thượng hơn cần phải chứng, Sariputta sau khi an trú Bà-la-môn Dhananjani vào Phạm thiên giới thấp kém, đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
Rồi Tôn giả Sariputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sariputta bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Bà-la-môn Dhananjani bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn.
– Này Sariputta, vì sao, dầu cho có những cảnh giới cao thượng hơn cần phải chứng, Ông sau khi an trú Bà-la-môn Dhananjani vào Phạm thiên giới thấp kém, đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi?
– Bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: “Những vị Bà-la-môn này rất luyến ái Phạm thiên giới”. Do vậy con mới thuyết giảng con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên.
– Và này Sariputta, Bà-la-môn Dhananjani đã mệnh chung và sanh lên Phạm thiên giới.
KINH DHANANJANI, THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HẾT.