(Ghatikarasuttam)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn đi du hành giữa dân chúng Kosala với đại chúng Tỷ-kheo. Rồi Thế Tôn bước xuống bên lề đường, đến tại một địa điểm rồi mỉm cười. Tôn giả Ananda suy nghĩ: “Do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn lại mỉm cười. Không phải không lý do, Như Lai lại mỉm cười”. Rồi Tôn giả Ananda đắp y về phía một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì. Thế Tôn lại mỉm cười. Không phải không lý do, Như Lai lại mỉm cười.
– Thuở xưa này Ananda, tại địa điểm này là một thị trấn tên là Vebhalinga, phồn thịnh, giàu có và dân cư đông đúc. Này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác sống ở đây, dựa vào thị trấn Vebhalinga. Ở đây, này Ananda, là tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính tại đây, này Ananda. Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ngồi giảng dạy cho chúng Tỷ-kheo.
Rồi Tôn giả Ananda gấp tư y sanghati (tăng-già-lê), trải ra rồi bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, thỉnh Thế Tôn ngồi xuống. Chính tại địa điểm này, hai bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác sẽ sử dụng.
Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
– Thuở xưa, này Ananda, tại địa điểm này là thị trấn tên Vebhalinga, phồn thịnh, giàu có và dân cư đông đúc. Này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã sống dựa vào thị trấn Vebhalinga. Chính tại đây, này Ananda, là tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính tại đây, này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ngồi giảng dạy cho chúng Tỷ-kheo. Này Ananda, chính tại thị trấn Vebhalinga, có người thợ làm đồ gốm tên là Ghatikara, người này là người đàn tín của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vị đàn tín đệ nhất. Thanh niên Jotipala là người bạn chí thân của thợ gốm Ghatikara. Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:
“– Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy”.
Khi nghe nói vậy, này Ananda, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
“– Thôi vừa rồi, bạn Ghatikara, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì?”
Lần thứ hai, này Ananda... (như trên)... Lần thứ ba, này Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:
“– Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy”.
Lần thứ ba này Ananda, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
“– Thôi vừa rồi bạn Ghatikara yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì?”
“– Vậy này bạn Jotipala, hãy cầm đồ gãi lưng và bột tắm, chúng ta hãy đi đến sông để tắm”.
“– Thưa bạn, vâng”.
Này Ananda, thanh niên Jotipala vâng đáp thợ gốm Ghatikara như vậy.
Thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala lấy đồ gãi lưng và bột tắm, đi đến sông để tắm. Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:
“– Này bạn Jotipala, chỗ này cách tu viện Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không bao xa. Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy”.
Khi nghe nói vậy, này Ananda, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
“– Thôi vừa rồi, bạn Ghatikara, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì?”
Lần thứ hai, này Ananda,... (như trên)... lần thứ ba này Ananda, thợ gốm Ghatikara nói với thanh niên Jotipala:
“– Này bạn Jotipala, chỗ này cách tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không bao xa. Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy”.
Lần thứ ba, này Ananda, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
“– Thôi vừa rồi, bạn Ghatikara, yết kiến Sa-môn trọc đầu như vậy để làm gì?”
Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara nắm lấy thanh niên Jotipala ở nơi cổ tay áo và nói:
“– Này bạn Jotipala, chỗ này cách tu viện Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không bao xa. Này bạn Jotipala, chúng ta hãy đi. Chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy”.
Rồi này Ananda, sau khi gỡ thoát cổ áo, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
“– Thôi vừa rồi, bạn Ghatikara, yết kiến vị Sa-môn đầu trọc ấy để làm gì?
Rồi thợ gốm Ghatikara nắm lấy tóc vừa mới tắm xong của thanh niên Jotipala và nói:
“– Này bạn Jotipala, chỗ này cách tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không bao xa. Này bạn Jotipala chúng ta hãy đi, chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành cho tôi được yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác”.
Rồi này Ananda, thanh niên Jotipala suy nghĩ như sau: “Thật là vi diệu! Thật là hy hữu! Thợ gốm Ghatikara tuy sanh thuộc hạ cấp, lại dám nghĩ có thể nắm lấy tóc của ta, dầu ta vừa mới gội đầu, chắc việc này không phải là tầm thường”, rồi nói với thợ gốm Ghatikara:
“– Này bạn Ghatikara, có thật sự là cần thiết không?”
“– Này bạn Jotipala, thật sự là cần thiết. Thật là tốt lành cho tôi được yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác”.
“– Vậy bạn Ghatikara, hãy thả (tay) ra. Chúng ta sẽ đi”.
Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala cùng đi đến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Sau khi đến, thợ gốm Ghatikara đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác rồi ngồi xuống một bên. Còn thanh niên Jotipala thời nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, này Ananda, thợ gốm Ghatikara bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:
“– Bạch Thế Tôn, đây là thanh niên Jotipala, bạn của con, bạn thân tình của con. Mong Thế Tôn thuyết pháp cho bạn con”.
Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, với pháp thoại khích lệ làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala. Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala, sau khi được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác với pháp thoại, khích lệ, làm cho thích thú, phấn khởi, hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi này Ananda, thanh niên Jotipala nói với thợ gốm Ghatikara:
“– Này bạn Ghatikara, khi nghe pháp này, vì sao bạn không xuất gia”?
“– Này bạn Jotipala, bạn không biết tôi sao? Tôi phải nuôi dưỡng cha mẹ già và mù lòa”.
“– Vậy này bạn Ghatikara, tôi sẽ xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.
Rồi này Ananda, thợ gốm Ghatikara và thanh niên Jotipala đi đến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, này Ananda, thợ gốm Ghatikara bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:
“– Bạch Thế Tôn, đây là thanh niên Jotipala, bạn của con, bạn thân tình của con. Mong Thế Tôn xuất gia cho bạn con”.
Và này Ananda, thanh niên Jotipala được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác cho xuất gia, cho thọ đại giới. Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau khi thanh niên Jotipala xuất gia chưa bao lâu, sau nửa tháng, sau khi ở tại Vebhalinga lâu cho đến khi thấy tự thỏa mãn, liền du hành đi đến Baranasi. Ngài tuần tự du hành và đến tại Baranasi (Ba-la-nại).
Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác trú tại Baranasi, ở Isipatana, vườn Lộc Uyển. Này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi được nghe như sau: “Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã đến Baranasi, trú tại Baranasi, Isipatana, vườn Lộc Uyển. Rồi này Ananda, Kiki, vua nước Kasi cho thắng các cổ xe tối thù thắng, sau khi tự mình leo lên một cổ xe thù thắng với các cổ xe thù thắng đi ra khỏi thành Baranasi với đại uy vệ của nhà vua để yết kiến Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Vua đi xe cho đến chỗ nào còn đi được xe, rồi xuống xe đi bộ, đi đến chỗ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, vua ngồi xuống một bên. Này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác với pháp thoại, khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Kiki, vua xứ Kasi đang ngồi một bên. Rồi Kiki, vua xứ Kasi, sau khi được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác với pháp thoại khích lệ, làm cho thích thú, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:
“– Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời con mời ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo”.
Và này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác im lặng nhận lời. Rồi này Ananda, sau khi được biết Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Và này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, sau khi đêm ấy đã mãn, tại trú xứ của mình, cho bày biện các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, cơm vàng khô, các loại cari các hột đen được gạn bỏ, và các món ăn gia vị, rồi báo thời giờ cho Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác được biết:
“– Bạch Thế Tôn giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng”.
Rồi này Ananda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của Kiki, vua xứ Kasi, sau khi đến, liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn cùng với chúng Tỷ-kheo. Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi tự tay thân hầu và làm cho thỏa mãn chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, khi Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã ăn xong, tay đã rời khỏi bát, lấy một ghế thấp rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:
“– Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con an cư mùa mưa tại Baranasi; sẽ có sự cúng dường như vậy cho chúng Tỷ-kheo”.
“– Thôi vừa rồi, Đại vương, Ta đã nhận lời an cư mùa mưa rồi.”
Lần thứ hai, này Ananda,... (như trên)... Lần thứ ba, này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác:
“– Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con, an cư mùa mưa tại Baranasi; sẽ có sự cúng dường như vậy cho chúng Tỷ-kheo”.
“– Thôi vừa rồi Đại vương, Ta đã nhận lời an cư trong mùa mưa rồi”.
Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, suy nghĩ như sau: “Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không nhận lời mời của ta an cư mùa mưa ở Baranasi”, vì vậy cảm thấy thất vọng, ưu phiền. Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, bạch Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.
“– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có người đàn tín hộ trì hơn con?”
“– Đại vương, có một thị trấn tên là Vebhalinga. Tại đấy có thợ gốm tên là Ghatikara. Người ấy là đàn tín hộ trì của Ta, một đàn tín hộ trì tối thượng. Đại vương, Đại vương có nghĩ như sau: “Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không nhận lời mời của ta an cư mùa mưa ở Baranasi”, do vậy, Đại vương cảm thấy thất vọng, ưu phiền. Nhưng thợ gốm Ghatikara không có như vậy, và không sợ như vậy. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói láo, từ bỏ rượu men, rượu nấu. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara thành tựu lòng tin bất thối chuyển đối với Phật, đối với Pháp... đối với Tăng, thành tựu các giới được bậc Thánh ái lạc. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara không có nghi ngờ đối với Khổ, không có nghi ngờ đối với Khổ tập, không có nghi ngờ đối với Khổ diệt, không có nghi ngờ đối với con Đường đưa đến khổ diệt. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara, ăn một ngày một bữa, sống Phạm hạnh, có giới hạnh, theo thiện pháp. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara từ bỏ ngọc và vàng, không có vàng và bạc. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara không có tự tay đào đất hay đào với cái cuốc. Vị này vui lòng làm thành ghè bát với đất lấy từ bờ đê bị sập xuống hay do chuột và chó đào lên, và nói như sau: “Ở đây, nếu ai muốn, hãy bỏ vào từng nhúm các loại gạo có vỏ, từng nhúm các loại đậu que (mugga?), từng nhúm các loại đậu hột (kalaya), và có thể lấy cái gì mình muốn”. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara nuôi dưỡng cha mẹ già và mù lòa. Này Đại vương, thợ gốm Ghatikara sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn từ chỗ ấy, không phải trở lui đời này nữa.
“Một thời, này Đại vương, Ta ở tại thị trấn Vabhalinga. Rồi này Đại vương, Ta vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến cha mẹ của thợ gốm Ghatikara, sau khi đến nói với cha mẹ thợ gốm Ghatikara như sau:
“– Người thợ làm đồ gốm đi đâu?”
“– Bạch Thế Tôn, người đàn tín hộ trì cho Thế Tôn đã đi khỏi và có dặn như sau: Hãy lấy cháo từ nơi nồi, hãy lấy đồ ăn từ nơi chảo mà dùng”.
“Rồi ta, này Đại vương, sau khi lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi. Rồi này Đại vương, thợ gốm Ghatikara đi đến cha mẹ sau khi đến, nói với cha mẹ như sau:
“– Ai đã lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi?”
“– Này con, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, sau khi lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi chảo, ăn xong, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi”.
“Rồi này Đại vương, thợ gốm Ghatikara suy nghĩ như sau: “Thật là lợi ích cho ta, thật là khéo lợi ích cho ta, đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tin tưởng ta như vậy”. Rồi này Đại vương, cho đến nửa tháng, hỷ lạc không rời khỏi thợ gốm Ghatikara, hay cho đến một tuần (không rời khỏi) cha mẹ (người thợ gốm).
“Một thời, này Đại Vương. Ta trú ở thị trấn Vebhalinga, lúc bấy giờ, các cốc bị mưa dột, rồi Ta, này Đại vương, gọi các Tỷ-kheo:
“– Hãy đi, này các Tỷ-kheo, và xem tại nhà của thợ gốm Ghatikara có cỏ hay không?
“Khi được nghe nói vậy, này Đại vương, các Tỷ-kheo bạch với Ta:
“– Bạch Thế Tôn, tại nhà của thợ gốm Ghatikara không có cỏ, nhưng nhà người ấy có mái cỏ”.
“– Này các Tỷ-kheo, hãy đi và rút cỏ từ ngôi nhà thợ gốm Ghatikara.
“Rồi này Đại vương, các Tỷ-kheo ấy rút cỏ từ ngôi nhà thợ gốm Ghatikara. Này Đại vương, cha mẹ thợ gốm Ghatikara nói với các Tỷ-kheo ấy:
“– Quý vị là ai lại rút cỏ ngôi nhà?”
“– Này Đại tỷ, ngôi nhà của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bị mưa dột”.
“– Hãy lấy đi, chư Hiền giả! Hãy lấy đi chư Hiền giả!”
“Rồi này Đại vương, thợ gốm Ghatikara đi đến cha mẹ, sau khi đến thưa với cha mẹ như sau:
“– Những ai đã rút cỏ khỏi ngôi nhà?”
“– Này Con, các Tỷ-kheo có nói: Ngôi nhà của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bị mưa dột”.
“Rồi này Đại vương, thợ gốm Ghatikara suy nghĩ như sau: “Thật là lợi ích cho ta, thật là khéo lợi ích cho ta đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tin tưởng ta như vậy”.
“Rồi này Đại vương, cho đến nửa tháng hỷ lạc không rời khỏi thợ gốm Ghatikara, hay cho đến một tuần, (không rời khỏi) cha mẹ thợ gốm. Rồi suốt cả ba tháng trời, ngôi nhà đứng lấy bầu trời làm mái, nhưng không có mưa rơi vào. Và như vậy, này Đại vương, là người thợ gốm, Ghatikara.
“– Lợi ích thay, bạch Thế Tôn, cho thợ gốm Ghatikara; thật khéo lợi ích thay, bạch Thế Tôn cho thợ gốm Ghatikara, đã được Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tin tưởng! “
Rồi này Ananda, Kiki, vua xứ Kasi, cho người đưa đến thợ gốm Ghatikara, khoảng năm trăm xe gạo có vỏ, gạo vàng khô và các món đồ ăn. Rồi này Ananda, những người nhà vua đi đến thợ gốm Ghatikara và nói:
“– Này Tôn giả, năm trăm xe gạo có vỏ, gạo vàng khô và các món đồ ăn này, do Kiki, vua xứ Kasi, gởi đến cho Tôn giả, mong Tôn giả hãy nhận lấy”.
“– Nhà vua rất nhiều phận sự, rất nhiều việc cần phải làm. Thật là vừa đủ cho tôi, được nhà vua nghĩ đến như thế này”.
– Này Ananda, rất có thể Ông suy nghĩ như sau: “Lúc bây giờ, thanh niên Jotipala có thể là một người khác”. Nhưng này Ananda, chớ có nghĩ như vậy. Lúc bấy giờ, Ta chính là thanh niên Jotipala.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
KINH GHATIKARA, THỨ TÁM MƯƠI MỐT HẾT.