BUỔI TỐI THỨ NĂM KHÁI NIỆM VÀ THỰC TẠI

Trong quyển Republic của Plato có một chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về một hang động. Trong hang động có một hàng người, họ bị xiềng lại với nhau bằng một cách mà họ chỉ có thể nhìn vào vách hang bên trong. Họ không thể nào quay lưng lại. Phía sau lưng những người bị xiềng là một ngọn lửa, và có những hình người nhỏ xếp chung quanh như là đang sinh hoạt với nhau. Bóng dáng của những hình người giả này chiếu lên trên vách tường, phía bên trong hang. Những người bị xiềng chỉ có thể thấy bóng dáng thay đổi của những hình người giả trên vách hang, nên họ nhận những bóng hình đó làm một sự thật tuyệt đối. Cho đến một ngày, có một người trong bọn họ cắt được sợi dây xích và có thể quay lại được. Anh ta thấy được đống lửa và những hình người giả, và hiểu rằng những điều anh tin xưa nay đều là giả tưởng. Bóng hình không phải là sự thật mà chỉ là những phản ảnh trên vách. Và có lẽ sau khi thoát ra được khỏi sự xiềng xích, anh đi ra khỏi hang và bước đi trong tự do dưới ánh sáng mặt trời. 

Tình trạng của chúng ta cũng giống như những người bị xiềng trong hang. Bóng người trên vách tượng trưng cho những khái niệm trong cuộc đời mà ta đang sống. Chúng ta bị xiềng xích bằng những đam mê, nhìn cuộc đời qua ý niệm, thành kiến có sẵn trong ta, và nhận những khái niệm này làm thực tại. 

Có nhiều khái niệm mà chúng đã được khắc sâu trong thâm tâm ta, sâu đến nỗi ta không còn nghi ngờ gì nữa. Một thí dụ là chúng ta ai cũng có một khái niệm về nơi chốn, quê hương, quốc gia. Trên trái đất này không có đường nào phân chia giữa những quốc gia hết. Tâm ta tạo ra những đường ranh giới nhân tạo này. Mỗi khi bạn có dịp đi ngang qua một biên giới, bạn sẽ thấy con người đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức để gây dựng cho khái niệm này. Trên thế giới có biết bao nhiêu vấn đề - chánh trị, kinh tế - phát xuất từ ý nghĩ "Ðây là quốc gia của tôi, quê hương của tôi". Nếu hiểu được rằng mọi khái niệm chỉ là kết quả của tư tưởng, ta sẽ có khả năng tự do ra khỏi những ràng buộc. 

Lúc còn ở Ấn Ðộ, có một cô bạn Hy Lạp kể cho tôi nghe một câu chuyện thí dụ về khái niệm nơi chốn của ta như sau. Cô ta tả lại một biên giới giữa hai quốc gia nằm trên một vùng sa mạc. Giữa một vùng đất cát mênh mông, có một chiếc cầu sắt bắt ngang qua một lòng sông cạn khô. Chiếc cầu sắt được sơn nửa xanh, nửa đó. Lòng sông khô cằn là biên giới của hai nước. Chung quanh chẳng có gì ngoài cát nóng và một chiếc cầu sắt hai màu. Chính giữa cầu có một cái cổng bằng sắt, được khóa từ hai bên. Khi có người nào muốn đi từ một "quốc gia" này sang phía bên kia, người gác bên đây sẽ gọi người gác bên kia, cả hai đi đến cánh cổng và mở khóa cùng một lúc. Thế là ta đi ngang qua biên giới, sang một quốc gia khác. 

Khái niệm về thời gian cũng đã in rất sâu vào tâm khảm ta, những ý niệm vế quá khứ, tương lai. Cái mà chúng ta gọi thời gian, thật sự là gì? Trong giờ phút hiện tai ta có một vài tư tưởng như là kỷ niệm, hồi tưởng. Chúng ta góp những tư tưởng này lại thành một nhóm và gọi chúng là quá khứ, và cho rằng chúng đã xảy ra ở một thời điểm xa xôi nào đó, không có thật trong hiện tại. Cũng vậy, ta chìm đắm trong những dự định, mơ mộng và dán cho chúng nhản hiệu thuộc về "tương lai", có nghĩa là chúng chỉ có thật trong một thực tại chưa xảy ra. Ít khi ta hiểu được rằng, thật ra "quá khứ" và "tương lai" chỉ là những gì đang xảy ra trong hiện tại. Tất cả những kinh nghiệm đó chỉ là một sự thật của hiện tại. Quá khứ và tương lai là hai khái niệm mà chúng ta đặt ra với một mục đích. Nhưng nếu đi nhận khái niệm làm một sự thật, quên rằng chúng chỉ là sản phẩm của một tư tưởng, ta sẽ khổ đau vì những sự lo lắng, hối tiếc về quá khứ và những mong chờ, hy vọng cho một thực tại chưa đến. Khi nào ta có thể sống vững vàng trong giây phút bây giờ, hiểu rằng quá khứ và tương lai chỉ là những tư tưởng trong hiện tại, ta sẽ có khả năng tháo gở được sợi dây xích của "thời gian". 

Một khái niệm quan trọng khác mà chúng ta thường dùng đến là khái niệm về nam và nữ. Khi bạn nhắm mắt lại chú ý đến hơi thở, cảm giác, âm thanh, tư tưởng của mình - "nam" và "nữ" ở chỗ nào nếu không chỉ là một khái niệm. Khái niệm về nam và nữ sẽ ngừng hiện hữu khi tâm ta yên lặng. Những làn sóng tưởng tượng nổi lên từ nước, rồi chúng tự phê bình lẫn nhau là cao, thấp, đẹp, xấu. Nói theo lẽ tương đối thì cũng đúng một phần nào, nhưng chúng quên rằng mọi làn sóng đều có chung một bản chất là nước biển. Cũng vậy, một khi ta bị dính mắc vào một khái niệm về hình dáng, hình thể, tâm ta sẽ khởi sanh những sự so sánh, phê phán, phân loại. Sự phân biệt này sẽ làm cho sự chia cách giả tưởng, giữa ta và chung quanh, càng kiên cố thêm lên. Qua sự tu tập thiền quán ta sẽ dần dà từ bỏ những ràng buộc của khái niệm và kinh nghiệm được những yếu tố căn bản tạo dựng nên con người của chúng ta. 

Nhưng có lẽ khái niệm ảnh hưởng ta sâu đậm nhất, khái niệm có khả năng xiềng xích ta trong hang động, giữ ta lại trong vòng sanh tử luân hồi, là khái niệm về một cái Ngã, cái Tôi. Ý niệm rằng phải có một người nào đó đứng phía sau mọi hành động, mọi ý nghĩ, một cá nhân có thật, trường cửu, là bản thể của con người chúng ta. Ngã, tôi, của tôi thật ra chỉ là những ý niệm, khởi lên khi ta cố đi tìm một định nghĩa cho sự liên hệ giữa thân và tâm. Thuở ban đầu thì trong ta chưa ai có cái "Ngã", nhưng bởi vì chúng ta bị dính mắc vào ý niệm này một cách quá sâu đậm, chúng ta bỏ hết công sức ra để bảo vệ, phô trương và phục vụ cho cái tôi tưởng tượng này. Thiền quán sẽ giúp ta thấy được cái Ngã chỉ là một khái niệm, nó không có một tự thể nào, chỉ là một ý niệm được phóng đại lên trong giây phút hiện tại. 

Ðó là những khái niệm hằng trói buộc ta - khái niệm về nơi chốn, thời gian, sở hữu, nam nữ và cái Tôi. Bạn có thể thấy sức mạnh của những khái niệm này. Cả cuộc đời của ta bị chúng chi phối. Kalu Rinpoche, một vị thiền sư Tây Tạng nổi tiếng có viết: 

Anh đang sống trong một thế giới của ảo tưởng, với những hình dáng bên ngoài của sự vật. Nhưng có một thực tại, Anh chính là thực tại đó. Hiểu được điều này,anh sẽ thấy rằng anh chẳng là gì cả. Và cũng nhờ bởi vì không là gì cả, mà anh lại là tất cả. Chỉ có vậy thôi. 

Có bốn pháp quan trọng được gọi là bốn thực tại tuyệt đối (ultimate realty). Ta gọi như thế bởi vì chúng có thể kinh nghiệm được chứ không phải chỉ là ý niệm. Bốn thực tại tuyệt đối này chứa đựng hết trọn vẹn mọi kinh nghiệm của chúng ta. 

1.- Thực tại tuyệt đối đầu tiên là Sắc tức tứ đại. Tứ đại là bốn yếu tố vật chất căn bản cấu tạo nên mọi vật trong vũ trụ: đất, nước, gió và lửa. Trong thiền quán, ta sẽ kinh nghiệm được sự hiện diện của tứ đại trong thân. 
a. Yếu tố đầu tiên là đất. Ðất là một yếu tố thuộc về tính chất nới rộng. Ta kinh nghiệm được yếu tố này qua tính chất: cứng, mềm, nặng, nhẹ của sự vật. Khi ta cảm thấy đau trong thân, nó thuộc về yếu tố đất. Khi ta đi, chân chạm mặt đất, cảm giác đụng chạm, dính liền cũng thuộc về yếu tố đất - tất cả mọi cảm giác cứng, mền hay nới rộng. 
b. Yếu tố lửa là những tính chất nóng, lạnh. Ðôi khi trong những lúc ngồi thiền yếu tố lửa có thể trở nên thắng thế, bạn sẽ cảm thấy như bị lửa đốt. Thật ra thì chẳng có "ai" bị đốt cả, chỉ có yếu tố lửa đang phát hiện cái tánh tự nhiên của nó, tức cảm giác nóng, lạnh. 
c. Yếu tố gió tức là sự chuyển động. Trong lúc đi kinh hành, cái mà ta kinh nghiệm được chỉ là một trò chơi của những yếu tố. Bàn chân và chân chỉ là một ý niệm, một tên gọi mà chúng ta đặt cho nhận thức về một kinh nghiệm. Thật ra thì chẳng có bàn chân, thân hay là cái tôi, chỉ có kinh nghiệm về những động tác và cảm giác đụng chạm mà thôi. 
d. Yếu tố nước tiêu biểu cho tính chất lưu loát và kết hợp. Yếu tố này có trách nhiệm giữ cho những sự vật được liền lại với nhau. Cũng như khi bạn cầm đến bột khô, chúng rời rạc, lả tả ra. Nhưng khi bạn chế vào một chút nước, chúng sẽ lập tức dính lại với nhau. Yếu tố nước rất quan trọng, bởi nó có nhiệm vụ giữ tất cả những yếu tố vật chất khác lại với nhau.

Cùng với tứ đại, chúng ta có thêm bốn tính chất phụ thuộc nữa là : màu sắc, mùi, vị và bổ dưỡng. Cả thế giới vật chất chung quanh ta, có thể được kinh nghiệm qua những yếu tố vừa kể. Chúng ta có thể nhận thức được chúng, mà không cần phải dùng đến tư tưởng. Sàn nhà không có thật. Sàn nhà chỉ là một ý niệm, một tên gọi. Cái mà ta kinh nghiệm được là cảm giác cứng, lạnh hoặc màu sắc khi ta nhìn đến nó. Mắt ta nhìn thấy màu sắc. Mắt ta không nhìn thấy một tên gọi. Khi chúng ta bước ra ngoài sân, đa số thấy "cây cỏ", nhưng đó chỉ là một ý niệm về những đối tượng mà ta nhìn thấy. Cái mà ta thật sự thấy là hình dáng và màu sắc. Rồi tâm ta dán cho nó một nhản hiệu là "cây cỏ". "Thân" cũng chỉ là một ý niệm. Khi ta ngồi thiền, thân biến mất. Lúc ấy ta chỉ kinh nghiệm những cảm giác nóng, lạnh, đau, nhức, những hoạt động của các yếu tố, biến chuyển không ngừng, trong sự vô thường. Sự tu tập thiền quán có khả năng giúp ta ý thức được sự vật trên một bình diện kinh nghiệm trực tiếp chứ không bằng ý niệm qua tư tưởng. Cho nên khi ta nhìn một vật gì, ta sẽ ý thức được màu sắc, hình dạng của chúng. Khi ta đụng chạm một vật gì, ta sẽ trực tiếp cảm giác về nó mà không bị dính mắc vào ý niệm, hay là để những thành kiến của mình xem vào sự nhận xét. 

Nghĩ cũng lạ, ý niệm thì lúc nào cũng giữ y nguyên mà thực tại thì luôn luôn thay đổi. Ý nghĩa của chữ "thân" thì bao giờ cũng vậy, nhưng chính thân ta thì mỗi phút một đổi khác. Những khái niệm về cứng nhắc không thay đổi. Nhưng đến khi ta kinh nghiệm những việc xảy ra chung quanh, ta sẽ nhận thấy được sự biến chuyển cùng tính chất vô thưòng của mọi vật,sự sanh diệt của mọi cảm giác. Kinh nghiệm được mọi sự trong chánh niệm, sẽ làm lộ chân tướng vô thường của chúng. Còn khi chúng ta còn mê mờ trong vòng ý niệm, ta sẽ bị dính mắc trong một ảo tưởng, cho rằng mọi vật là lâu bền, thường hằng. Chính sự dính mắc này đang trói buộc ta trong vòng sanh tử luân hồi. 

Bước đầu của sự tu tập thiền quán, phát triển trí tuệ là kinh nghiệm được hiện thực, chứ không phải chỉ là bóng dáng của nó. Ðược như vậy tự thể của mọi vật sẽ tự nhiên hiện rõ ra trước mắt. 

2.- Thực tại tuyệt đối thứ hai là Tâm. Tâm tức là khả năng hiểu biết, ý thức của mình về một đối tượng nào đó. Ðôi khi, có người cho rằng trong ta có một tâm thức duy nhất, hiện diện từ lúc sanh cho đến khi chết. Tâm thức này được ví như là một quan sát viên, anh ta biết hết mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Và rồi ý niệm này dẫn tới cái chấp về một cái Ngã, cái Tôi bất biến, thường hằng trong mỗi người chúng ta. Ðó cũng bởi vì tâm ta không tĩnh lặng đủ để quan sát tiến trình của sự hiểu biết. Tâm thức của ta sanh lên rồi diệt đi trong mỗi giây phút. Không có một tâm thức duy nhất nào hiện diện từ đầu cho đến cuối, mỗi phút có một tâm thức mới sinh lên rồi diệt đi. Cái thức dùng để nghe (nhĩ thức) khác với cái thức dùng để thấy (nhãn thức), hay để ngửi (tỷ thức), hay để nếm (thiệt thức), hay để suy nghĩ (ý thức). Mỗi giây phút có một tâm thức khác nhau thống trị. Sau một thời gian tu tập, khi nào tâm ta tĩnh lặng, ta sẽ có thể kinh nghiệm được tiến trình này của tâm. Dùng trí tuệ soi sáng dòng biến chuyển và vô thường của tâm thức, ta sẽ thấy được trong ta không có một cá nhân hay một quan sát viên nào cả, chỉ là một diễn biến liên tục thay đổi trong từng giây phút. Ðến giai đoạn này, ta sẽ phá vỡ được ảo vọng về một cái tôi thường hằng có thật. 

3.- Thực tại tuyệt đối thứ ba là Tâm hành hay Tâm sở (mental factor). Tâm hành là tính chất của tâm quyết định một phương thức để đối phó với các đối tượng. Mỗi khi trong ta có một tâm thức nào khởi lên, là có nhiều tâm hành khác nhau cùng phát sanh theo trong lúc ấy, và chúng cũng diệt theo khi tâm thức ấy chấm dứt. Tham, sân, si là ba tâm hành căn bản, là gốc rể những khổ đau của chúng ta. Mọi hành động xấu đều được xúi dục bởi một trong ba tâm hành này. Lấy một thí dụ, tâm tham có đặc tính là bám víu vào một đối tượng. Khi tâm tham nổi lên trong ta, nó có khả năng khiến cho ta trở nên muốn chiếm hữu, gom góp, bám víu, đeo đuổi vào bất cứ chuyện gì ta đang làm. Ðó chỉ là tính cách tự nhiên của tâm tham. Không có người tham, không có cái Ngã, cái Tôi nào đứng phía sau hết, tất cả chỉ là kết quả cho một tâm hành đang làm việc. 

Sân cũng là một tâm hành có đặc tính tự nhiên là thù ghét, chối bỏ đối tượng. Lòng ghen tức, bực mình, giận dữ, bất an, chối bỏ đều là những trạng thái của tâm sân. Lòng sân cũng không phải thật là ta hay của ta, nó chỉ là một tâm hành sanh lên rồi diệt đi. 

Si là một tâm hành có khả năng làm mờ mịt nhận thức, khiến ta không thể thấy rõ được đối tượng. Ta không ý thức được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. 

Ngược lại ta cũng có ba tâm hành có khả năng đem lại hạnh phúc là tâm xả, tâm từ và trí tuệ. Tâm xả có tính chất tự nhiện là rộng lượng, không hối tiếc, không thu giữ. Tâm từ là lòng thương yêu người khác, tình bằng hữu. Trí tuệ là tâm tỉnh thức có khả năng nhìn rõ mọi sự vật. Nó được ví như một ngọn đèn sáng trong tâm. Khi bạn đi vào một căn phòng tối, bạn không nhìn thấy được những vật chung quanh, nên thường bị vấp ngả. Khi bật đèn lên, mọi vật sẽ trở nên sáng tỏ và phân biệt rõ ràng. Ðấy là nhiệm vụ của trí tuệ soi sáng tâm, để ta có thể nhận diện được rõ ràng cả nội dung lẫn tiến trình của thân và tâm. 

Tất cả những tâm hành vừa kể, đều có chung hai đặc tính là vô ngã và vô thường. Không có một cá nhân nào tham lam, không có một người nào sân hận,cũng không có một ai là trí tuệ hay từ bi. Chỉ có một hiện tượng tâm thức sanh lên, kéo theo nó một số tâm hành và làm việc theo nhiệm vụ của nó. Như vậy thì ý niệm về một cái "Tôi" phát xuất từ đâu? Tại sao chúng ta lại bị chi phối bởi cái "Tôi" này nhiều đến thế? 

Trong số những tâm hành có một tâm hành gọi là tà kiến. Nhiệm vụ của tà kiến là nhận những yếu tố thay đổi không ngừng của thân và tâm này là mình. Bởi thế cho nên, khi có một tâm thức nào khởi lên và kéo theo tâm hành tà kiến này, ý niệm về một cái "Tôi" sẽ phát sinh. Nhưng cũng giống như mọi tâm hành khác, nó vô ngã và vô thường, sinh lên rồi diệt đi. Một khi ta có chánh niệm trong giờ phút hiện tại, tà kiến sẽ không thể sinh lên và ta có khả năng thoát ra khỏi ự trói buộc của những khái niệm về "Tôi, của tôi". Mỗi giây phút chánh niệm là một giây phút vô ngã và chân thật. 

Một câu hỏi mà ta thường đặt ra trong những khóa tu như vầy là: "Như vậy ai là người đang giữ chánh niệm?" Thật ra thì chánh niệm cũng là một tâm hành. Nhiệm vụ của nó là nhận diện đối tượng và ý thức được giây phút hiện tại. Gurdjieff gọi tính chất này là tự niệm (self-remembering). Không có một cá nhân nào giữ chánh niệm hết, chỉ có sự làm việc của một tâm hành có nhiệm vụ nhận diện đối tượng mà không dính mắc, ghét bỏ hay ưa thích. Một khi chánh niệm được khai triển, ta sẽ thấy rằng mọi hiện tượng đều chuyển tiếp và không có một cái tôi nào trong đó hết. 

Chúng ta như là một trò chơi ráp hình vĩ đại, gồm những miếng hình nhỏ rời rạc mà ta phải sắp xếp lại cho thứ tự, thành một tấm hình lớn có ý nghĩa. Những miếng hình nhỏ rời rạc ấy là tứ đại, tâm và tâm hành. Khi sắp xếp những yếu tố ấy lại với nhau theo một thứ tự nào đó, ta sẽ có được một người "đàn ông", "đàn bà", "cây", "nhà". Nhưng đó chỉ là một tấm hình lớn làm thành bởi những miếng nhỏ hơn, một khái niệm mà thôi. Chính những nguyên tố căn bản của thân và tâm, những năng lượng đứng phía sau biến đổi chuyển hóa, mới chính là hiện thật kinh nghiệm của ta. 

Thực tại tuyệt đối thứ tư là Niết bàn. Niết bàn là kinh nghiệm của một người đã hoàn toàn giải thoát ra khỏi mọi xiềng xích, bước ra khỏi hang tối và sống tự tại dưới ánh mặt trời. Một người đã giải thoát ra khỏi mọi sự trói buộc của thân và tâm. 

Tất cả những thực tại tuyệt đối vừa kể, đều có thể kinh nghiệm được. Những văn tự mà ta dùng để diễn tả chúng chỉ là ngón tay dùng để chỉ mặt trăng. Kinh nghiệm của thiền quán sẽ giúp ta kinh nghiệm được những hiện thực này, điều ấy hoàn toàn thoát ra khỏi ngoài văn tự. Chúng ta ai cũng đang ở trên một tiến trình phá tung những xiềng xích, kềm giữ ta trong một hang tối si mê. Trong sự tu tập sẽ có những lúc bạn cảm thấy hình như không có một việc gì xảy ra hết, có chăng chỉ là những đau đớn, khó chịu, bực dọc và nghi ngờ. Nhưng thật ra mỗi giây ohút chánh niệm, mỗi giây phút tỉnh thức của bạn, đang làm yếu đi sợi dây xích trói buộc. Chúng ta đang dần dà tích tụ một năng lực tỉnh thức, đến khi chánh niệm và định lực khai triển, tâm ta sẽ trở nên vô cùng vững mạnh và sáng suốt. Chỉ cần kiên nhẫn, thật kiên nhẫn. Rồi chúng ta sẽ kinh nghiệm được thế nào là tiến trình của thân tâm, kinh nghiệm thoát ra ngoài mọi khái niệm, không còn bị vướng mắc vào một cái "Tôi" nào hết, bước ra khỏi hang tối, tự tại dưới ánh mặt trời của tự do và an lạc. 

Hỏi: Xin cho biết ta đã đi từ một thực tại tuyệt đối đến sự suy nghĩ bằng những khái niệm qua cách nào? Làm sao mà ta lại có thể đi xa một sự thực giản dị như vậy? 

Ðáp: Bạn đừng nghĩ sự việc xảy ra giản dị như là chúng ta đã rơi từ một trạng thái sáng suốt vào một trạng thái mê mờ. Không phải như vậy. Tâm tham đắm và si mê là hai nguyên nhân chánh giữ chúng ta trong vòng sanh tử từ vô thủy đến giờ, chúng là động lực kéo ta xoay vòng theo bánh xe luân hồi. Tìm hiểu lý do không ích lợi gì cho bản thân ta cả. Chúng ta phải chấp nhận rằng, hiện trạng bây giờ của mình mới chính là vấn đề quan trọng trước mắt, cần phải được giải quyết. Có một con đường để giải thoát là diệt tâm sân và si. Con đường ấy là con đường chánh niệm, tỉnh thức, biết chú ý đến mọi việc đang xảy ra trên mnột bình diện kinh nghiệm thuần túy. 

Hỏi: Làm sao ta có thể sống trong cuộc đời mà không cần đến khái niệm được? 

Ðáp: Xin bạn đừng hiểu lầm điều này, chúng ta phải biết dùng đến khái niệm. Nhưng điều tôi muốn nói là một khi ta kinh nghiệm chuyện gì vượt ra ngoài khái niệm của mình, là ta không thể chấp nhận được. Chúng ta phải biết sử dụng những tiến trình trong tâm thức của mình, để đối phó với thế giới bên ngoài, với cuộc đời của mình sao cho hữu hiệu. Chân lý hay sự thật có hai bình diện: một là sự thật ước định có nghĩa là những sự thật được diễn tả bằng khái niệm như là nam, nữ, thời gian, không gian, tôi, anh. Bình diện thứ hai là sự thật tuyệt đối bao gồm bốn thức tại mà ta đã nói đến. Chúng ta dùng khái niệm, nhưng đừng nô lệ chúng. Chúng ta phải nhớ rằng chúng chỉ là nhựng sự thật ước định, và đứng phía sau nó mới thật là chân lý. Ở Bồ Ðề Ðạo Tràng, nơi chúng tôi tu học, có một con voi. Những khi chúng tôi đi xuống chợ, chúng tôi thường gặp con voi này thong thả đi ngược lại về phía mình. Chúng tôi đi thiền hành trong chánh niệm, chậm chạp, chú ý đến từng mỗi bước chân. Khi thấy con voi đi ngược lại, chúng tôi không chỉ đứng im đấy mà niệm "thấy, thấy", chúng tôi tránh sang chỗ khác. Sử dụng tiến trình tư tưởng của mình phải đúng chỗ. 

Hỏi: Cảm xúc là gì? 

Ðáp: Cảm xúc là những tâm hành khác nhau. Ghen, giận, thương yêu, vui, buồn đều là những tâm hành. Tất cả mọi cảm xúc đều có tính cách vô ngã. Không có ai đứng sau chúng hết. Không có người nào giận, không có ai đang thương yêu - chỉ là sự chuyển vận của những tâm hành, theo mỗi cách khác nhau. 

Hỏi: Những điều kiện nào làm phát sinh chánh niệm? 

Ðáp: Trí tuệ, hay là nhận thức được sự thật về hiện trạng của mình và thấy đợc con đường giải thoát. Sự tinh tấn, cố gắng là điều kiện phát sinh chánh niệm. Niềm tin và sự tự tin cũng là điều kiện phát sinh ra sự cố gắng, tinh tấn tu tập chánh niệm. 

Hỏi: Xin ông nói thêm về tình thương yêu? 

Ðáp: Cái"không" diễn tả được tình yêu, bởi vì trống không có nghĩa là vô ngã. Khi không có tôi thì sẽ không có người khác. Sự phân biệt nhị nguyên này được tạo nên bởi ý niệm về cái ngã, cái tôi. Khi không còn cái tôi thì tất cả trở thành một, đồng nhất. Và khi ta không còn nghĩ rằng: "tôi đang thường một người khác", tình thương sẽ trở thành một diễn tả tự nhiên cho sự đồng nhất đó. 

Hỏi: Khi tôi có chánh niệm về chính tâm thức của mình, cái gì có chánh niệm? 

Ðáp: Chánh niệm là một tâm hành có nhiệm vụ ghi nhớ đối tượng, không để cho tâm rơi vào sự quên lãng. Chánh niệm có thể được dùng để nhận diện một đối tượng hay là quay lại nhận diện lấy chính nó, chủ thể của đối tượng, hay nói cách khác chính sự nhận biết đó. Nói chung thì quan sát một đối tượng vẫn dễ dàng cho ta hơn, bởi vì ít nhất ta còn có thể đụng chạm nó được. Ðến khi tâm ta thật tĩnh lặng, ta sẽ có khả năng quan sát được chính sự sinh diệt của tâm thức mình. Lúc này, mọi kinh nghiệm sẽ trở nên rất là ngộ nghỉnh, bởi vì ta đã phá vỡ được sự đồng hóa mình với nhận thức, với sự hiểu biết, với cái tôi, một cái ngã chấp rất là sâu kín. Nếu chúng ta ngồi lại quan sát tiến trình của một hiện tượng, nhưng vẫn nghĩ rằng trong ta có một quan sát viên làm chuyện đó, thì điều ấy không khó khăn gì. Nhưng thật ra không có ai làm chuyện quan sát cả. Chỉ có nhận thức phát sinh lên, rồi diệt đi trong mỗi giây phút. Sự nhận thức hay tâm thức ấy cũng chỉ là một tiến trình. Nó vô thường, vô ngã, không có cái tôi nào hết. 

Hỏi: Trí nhớ là gì? Nó hoạt động ra sao? 

Ðáp: Trí nhớ là một hoạt động rất phức tạp của một số tâm hành thuộc về khái niệm. Khái niệm là một tâm hành có nhiệm vụ nhận định, phân biệt được những đức tính riêng biệt của một đối tượng. Nhờ khái niệm mà ta có khả năng nhận định được một đối tượng bằng những kinh nghiệm trong quá khứ. Trí nhớ là một nhóm tư tởng nhận định một đối tượng, đã xảy ra trong quá khứ. 

Hỏi: Vì đâu mà mỗi người có một khuynh hướng hành động khác nhau? 

Ðáp: Nếu ta tiếp tục hành động theo một ý chí nào đó của mình hoài, sau một thời gian nó sẽ tạo nên một khuynh hướng. Ngay bây giờ chúng ta đang củng cố chánh niệm, định lực và trí tuệ, tức là chúng ta đang tạo một khuynh hướng tiến về sự hiểu biết và trí tuệ. Cũng vậy trong quá khứ, ta đã lập đi lập lại một số hành động, ý muốn nào đó, chúng dần dà tạo nên những tánh tình khác nhau trong mỗi chúng ta. Từ đó, chúng ta mỗi người có một khuynh hướng làm một số việc khác nhau. Tánh tình của ta là di sản của những khuynh hướng này. Nhưng tánh tình không phải là một khuynh hướng nào duy nhất, mặc dù có thể là một tâm hành nào đó đang chi phối ta trong lúc ấy. Một người nào tham muốn, có nghĩa là tiếp tục đeo đuổi, bám víu, dính mắc vào đối tượng trong thất niệm, sẽ bị tâm hành tham lam chi phối. Rồi dần dà sự tham lam ấy sẽ hiển lộ ra trong hành động của anh ta. Ngược lại, khi ta tập tánh xả bỏ và từ bi, dần dà những tâm hành này sẽ trở nên vững mạnh và chúng sẽ biểu lộ ra trong tánh tình của ta. 

Hỏi: Còn ý chí thì ở đâu? 

Ðáp: Sự chọn lựa là một tâm hành khác nữa. Những tâm hành đều có liên hê với nhau một cách vô cừng phức tạp. Trong đó có sự lựa chọn, tiến trình quyết định, sự cố gắng. Mỗi tâm hành đều có một nhiệm vụ và đặc tính đặc biệt. Một trong những nguyên nhân gần nhất cho việc thiết lập chánh niệm là được nghe giáo pháp của đức Phật. Nó trở thành một nguyên nhân khơi dậy tâm hành tinh tấn. Ðức Phật thường nhắc nhở về những lợi ích lớn lao cho những ai được nghe giáo pháp của ngài. Chúng sẽ khơi dậy trong ta sự cố gắng tu tập phát triển chánh niệm. Mọi tâm hành, kể cả "ý chí", đều có sẵn tiềm ẩn trong tâm chúng ta. Chúng ta không cần phải làm gì để tạo dựng chúng. Vấn đề là ta muốn trau dồi, đào luyện tam hành nào. Những quyết định chánh đáng có được là nhò học hỏi nơi giáo lý, hiểu được sự thật. Ðiều này là động lực thúc đẩy ta tu tập theo con đường chánh niệm và tỉnh thức, phát triển trí tuệ và hiểu biết. Trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) có nói: Có hành động nhưng không có người hành, việc làm hoàn tất nhưng không có ai thực hiện, có khổ đau nhưng không người thọ khổ, có giải thoát mà chẳng thấy bậc giác ngộ nào" 

Hỏi: Trí thông minh là gì? 

Ðáp: Thông minh là một khái niệm về tư tưởng trên bình diện tâm thức. Ta có thể đào luyện, phát triển và sử dụng nó. Nhưng nó cũng có thể là một trở ngại. Tất cả đều tùy theo ta có một khả năng hiểu được tiến trình của tư tưởng đến mức nào. Nếu chúng ta hiểu được đặc tính của nó, nó sẽ không là một chướng ngại. Nhưng nếu chúng ta đi nhận lầm ý nghĩ về sự vật, với lại chính sự vật, nó sẽ trở thành một chướng ngại, bởivì ta đã lầm lẫn giữa khái niệm và thực tại. Nhưng sự thông minh, tự nó cũng chỉ là một phần nhỏ của tiến trình tâm thân. Ngài tổ thiền sư đời thứ ba, Tăng Xáng,có viết: "Ðừng có mãy may một tâm ghét bỏ nào, cho dù đối với cảm giác hay tư tưởng. Thật ra, chính ở sự hoàn toàn chấp nhận, mới chính là con đường giác ngộ chân chánh". 

Tông phái: