òng tin đức Phật pháp nhân không phải là lòng tin yếu đuối gửi vào sức mạnh siêu nhiên nào đó từ bên ngoài. Đó là lòng tin ở con người. Trong mỗi chúng ta đều có đức Phật pháp nhân, chỉ vì ta không nhìn, không thấy, không biết, nên mới tưởng là không có mà thôi.
Được sự đồng ý của Phương Nam Books, Tuần Việt Nam giới thiệu đến độc giả một số đoạn trích từ tập tản văn Thấy Phật của tác giả Cao Huy Thuần.
... Xin bạn đừng mắc sai lầm của tôi khi đến với Thấy Phật bằng tư thế chuẩn bị đương đầu với một cái gì hóc búa (“Hard Fact” nói theo kiểu Mỹ !). Tôi đọc được đâu đó rằng nếu ta nhìn con đường suy tưởng (hay con đường tu hành) như một bãi chiến trường thì chúng ta quả thực quá yếu đuối, bạc nhược, thấp hèn, bởi sự tiến bộ (hay tinh tấn) phải lệ thuộc vào mức độ đất đai chinh phục của mình và của người khác, đâu còn gì là sự giải phóng, sự tự do (hay sự giải thoát, Niết bàn). Cũng xin đề nghị bạn đừng “dại” như tôi khi đọc quyển sách một cách vội vàng, ham hố như nuốt trộng một món ăn ngon, “ngưu ẩm” một cốc cam lồ. Uổng lắm! Hãy xem nó như một chuỗi hạt, bắt đầu từ đâu cũng được, với tất cả sự an tĩnh và ung dung. Thêm cả sự vui vẻ nữa, vì tác giả cũng là một bậc thầy của sự hài hước, một U mặc đại nhân theo nghĩa thâm thuý của Ngài Chogyam Trungpa: “Cảm thức về hài hước là sự nhìn thấy hai đối cực của một hoàn cảnh đúng y như thế, từ một cái nhìn bay lượn ở trên cao” (Sense of humour means seeing both poles of a situation as they are, from an aerial point of view). Nhìn từ đôi cánh chim ưng, nhưng không phải để vồ chụp, ắt sẽ thấy mọi việc nơi trần gian này đều đáng cười, đáng thương và đáng yêu biết mấy. (Trích lời tựa viết cho cuốn Thấy Phật của Bùi Văn Nam Sơn) |
Vượt lên khả năng hiểu biết hạn hẹp của tri thức suông, Bắc tạng dạy cho chúng ta rằng đức Phật vẫn còn đấy chứ chẳng đi đâu mất cả. Ngài ở cùng khắp, Ngài ở chung quanh chúng ta, ai cũng có thể thấy Ngài nếu tâm sáng, và tùy tâm sáng đến đâu thì thấy Phật rõ đến đấy. Niệm Phật là làm cho tâm sáng và tâm sáng thì Phật hiện, bởi vì Phật ở cùng khắp thì tất nhiên Phật cũng ở trong tâm ta. Đức Phật đó, Bắc tạng gọi là Phật pháp nhân. Kinh Kim Cương nói:
Người nào dung sắc thấy ta
Dùng âm thanh cầu ta
Người ấy hành tà đạo
Không thấy được Như Lai.
Phật pháp nhân không hình không tướng nên không sinh không diệt. Đức Phật đó không rời chúng ta, ta nghĩ đến Ngài, niệm danh hiệu Ngài hàng ngày để tăng trưởng lòng tin đã có sẵn nơi ta. Ai đi sâu vào Phật học sẽ thán phục mối tương quan sâu thẳm giữa trí tuệ và lòng tin. Trong Phật giáo, lòng tin luôn dựa trên trí tuệ, và trí tuệ chỉ có thể sáng chiếu đến chân lý nếu được lòng tin hỗ trợ.
Lòng tin đức Phật pháp nhân không phải là lòng tin yếu đuối gửi vào sức mạnh siêu nhiên nào đó từ bên ngoài. Đó là lòng tin ở con người. Trong mỗi chúng ta đều có đức Phật pháp nhân, chỉ vì ta không nhìn, không thấy, không biết, nên mới tưởng là không có mà thôi. Bởi vậy, đức Bổn Sư của chúng ta cứ nhắc nhở ta hoài: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”.
Là Phật sẽ thành, làm sao có ai không thấy Phật được! Tất nhiên, muốn thấy thì phải tìm. Không tìm cái kim thì dù kim có chích chảy máu tay cũng không thấy. Mà hễ tìm thì chắc chắn phải thấy. Thấy Phật cả trong những sự việc bình thường nhất của đời sống hàng ngày.
Nhà sư Matthieu Ricard, trong quyển sách nổi tiếng viết chung với nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận: “L’infini dans la paume de la main ”(Vô thủy vô chung trong lòng bàn tay), kể câu chuyện nhỏ sau đây:
“Một đêm thu sao sáng, trên triền núi vây quanh tu viện Dzogchen ở vùng Đông Tây Tạng, ngôi chùa hùng tráng mà tôi đã có may mắn được sống ít lâu, một vị ẩn tăng Tây Tạng hồi thế kỷ 19 , Patrl Rimpoché, nằm ngủ giữa trời với một đệ tử. Bỗng ông hỏi học trò:
- Có phải có lần con nói với thầy rằng con vẫn không hiểu bản thể chân thật của tâm là gì phải không?
- Dạ phải.
- Có gì khó hiểu đâu!
Thầy bảo trò đến nằm bên cạnh. Hai thầy trò nằm ngắm trời. Thầy hỏi:
- Con có nghe chó trong chùa sủa không?
- Dạ có.
- Con có thấy mấy ngôi sao kia lấp lánh không?
- Dạ có.
- Ấy, thiền định là vậy!
Vào chính lúc đó, người đệ tử bừng hiểu bản thể của tâm.
Kết quả bao nhiêu năm tu tập thiền định cộng thêm với sự có mặt của thầy và giờ phút tốt đẹp nhất đã làm bừng nở ánh sáng nội tâm”.
Thấy Phật cũng chỉ bình thường vậy thôi. Không phải ở trên ngôi sao kia, mà ở ngay trong lòng. Ra đời cách đây 2.546 năm, đức Phật vẫn còn ở quanh ta để luôn luôn nói với ta tiếng nói từ trong tâm, rằng: Ta đã sinh làm người và từ người, chứ không từ đâu khác, từ Ta, từ chính Ta, Ta đã chứng ngộ.
Cao Huy Thuần