“Gia đình thiện”
Ông tên là Vũ Văn Trương ở thôn Lê Lợi 2 – xã Đông Xuân – huyện Đông Hưng – tỉnh Thái Bình. Một lão nông 67 tuổi, người thấp, nước da nâu, mặt chữ điền, đặc biệt có đôi mắt rất sáng.
Ngôi nhà rộng rãi nhưng đơn sơ của ông mang cái tên khá lạ: "Gia đình thiện". Đây là nơi những người hưởng ứng phong trào từ thiện của ông, lui tới để góp gạo, góp tiền hành thiện.
Gian chính "Gia đình thiện" dành để thờ trời đất, địa linh. Gian ngoài treo rất nhiều lời răn của ông về đạo làm người: “Vì tham, ham trở thành bất nhân, bất chính, vô tin”; “Hiền thiện đạo đức chính thiện là cội nguồn của loài người”; “Thân con người có 3: Sát sinh, trộm cắp, dục"; "Miệng con người có 4: Ác khẩu, hai lưỡi, nói dối, thêu dệt"...
Hỏi ông: “Tại sao nhiều người dân lại gọi ông là “đức Phật”? Như vậy có khác nào tuyên truyền mê tín dị đoan?”, ông Trương cười phá lên: “Phật không phải là thần thánh mà chính là con người. Thiện chính như Phật, hiền chính như thánh, sáng suốt chính như thần, dữ chính như quỷ, ác như ma… Đơn giản vậy thôi, cháu ạ!”
Mọi người nô nức quyên góp ủng hộ "Gia đình thiện". |
Dành dụm nắm gạo mỗi bữa, chắt chiu vài ngàn lẻ mỗi ngày
Ông Trương đã trải qua một tuổi thơ đói khổ nên rất hiểu giá trị của câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cái vị đắng của rau dệu, rau thài lài mà mẹ ông vẫn thường đi hái dọc đường cái mang về luộc cho cả nhà ăn thay cơm, cho đến tận bây giờ ông vẫn không thể quên.
Sau này lấy vợ, không biết “làm kế hoạch” nên đẻ sòn sòn đến 5 đứa con, nhưng gia đình ông vẫn chẳng có tấc đất cắm dùi. Ngoài mảnh ruộng, ông phải làm đủ nghề. 7 con người sống lay lắt trong một túp lều dựng tạm ven đường. Từ sáng đến tối, ông chỉ mặc độc chiếc quần cộc vá víu, ngồi sửa xe đạp, xe máy.
Nhờ tay nghề giỏi nên cuộc sống gia đình cũng dần ổn định. Năm 1990, khi không còn phải chật vật lo chạy ăn từng bữa, ông nảy ra ý tưởng bớt khẩu phần ăn của mình để giúp người nghèo.
Sống ở làng quê nghèo nên ông biết, còn nhiều cảnh đời cơ cực lắm. Mỗi nắm gạo có thể giúp một người trong số họ có được bữa no. Thế là, mỗi lần nấu cơm ông lại bớt ra một nắm gạo; mỗi khi đi chợ, ông giữ lại một vài ngàn lẻ để gom góp giúp những người không may mắn.
Số gạo và số tiền nhỏ ấy, đầu tiên được đưa tới những người cần giúp đỡ trong làng, sau đó mở rộng phạm vi sang các làng bên. Ông không nhớ mình đã âm thầm giúp được bao nhiêu người, nhưng khá nhiều mảnh đời, nhờ nắm gạo nghĩa tình ấy đã vượt qua những vụ giáp hạt túng thiếu.
“Câu lạc bộ trăm ngàn nắm gạo”
Nhưng đến một lúc, cái nghĩa cử âm thầm của ông không còn lặng lẽ nữa, bởi cảm kích và thấm ân nghĩa ấy, những người được ông giúp đỡ thuở trước lại tự nguyện đi giúp người khác.
Sự tiếp nối đó cứ toả rộng. Ban đầu chỉ một vài người ở huyện Đông Hưng theo ông hành thiện. Dần dần tiếng thơm lan dần ra các huyện lân cận, vượt ra khỏi quê lúa vốn còn nhiều vất vả, lan ra Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Vũng Tàu, Bình Dương… rồi vào tận Đắc Lắc. Và cho đến nay có khoảng hơn 600 gia đình ở 10 tỉnh, thành làm theo phong trào “Gia đình thiện”. Số gạo quyên góp đã lên nhiều, rất nhiều nắm gạo (chính vì vậy có người gọi đùa ông Trương là chủ nhiệm “Câu lạc bộ trăm ngàn nắm gạo”) số tiền quyên góp cũng lớn dần lên.
Đến lúc này, ông Trương không thể làm thiện một cách đơn lẻ mà phải nhờ cậy đến các cơ quan chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ tìm các địa chỉ cần giúp đỡ và nhiều lần đi trao quà hộ "gia đình thiện". Hàng trăm triệu đồng và nhiều chục tấn gạo do "gia đình thiện" ủng hộ đã được trao tận tay những mảnh đời khó khăn. Gần đây nhất, những bệnh nhân phong ở Bệnh viện phong Thái Bình đã nhận được gạo, tiền của "gia đình thiện". 2 gia đình nghèo khó, 1 bà mẹ liệt sĩ cô đơn và một gia đình bị hoạn nạn, cũng đã được ông Trương mang món quà 6 triệu đồng/ gia đình đến tận nơi, giúp họ xây nhà.
Mỗi năm "gia đình thiện" chia ra 4 tiết (Xuân, Hạ, Thu, đông) để đại diện các gia đình ở các nơi mang gạo, tiền và quà từ thiện về góp. Tiết Thu năm 2007 vừa được tổ chức ngày 8/11, thu được 20 triệu đồng và 2,5 tấn gạo. Nói về phong trào hàng trăm ngàn nắm gạo, một cán bộ xã Đông Xuân tâm đắc: “Cái hay nhất của việc làm từ thiện này là mọi người dân, dù không giàu có, đều có thể tham gia. Nếu mấy chục triệu dân, ai cũng biết góp một nắm gạo nhỏ, vài ngàn đồng mỗi ngày, thì con số quyên góp sẽ rất lớn”…
Chị Mai với xô gạo và hòm tiền từ thiện tại gia. |
2 lạng gạo và cuộc sống mới
Trong số 600 gia đình âm thầm hành thiện theo ông Trương, có chị Phạm Thị Nhung ở khu An Bình II – thị trấn Vũ Thư – Thái Bình, một trong những người được ông Trương giúp đỡ đúng lúc cơ hàn nhất. Chị kể mình được ông Trương “cứu sống” khi cái chết chỉ còn trong gang tấc. Ông Trương không những đã cứu chị sống lại chỉ bằng 2 lạng gạo, mà còn khai sáng cho chị bằng những việc làm thiện tâm.
Chị có một cuộc sống không suôn sẻ. Lấy chồng, mãi 7 năm sau mới có con. Chưa kịp báo tin mừng thì phát hiện ra chồng đã kịp có con với người đàn bà khác.
Chị Phạm Thị Nhung.
Sinh con được 4 tháng, họ ly hôn. Ôm con lên thị trấn, may mắn xin được vào làm việc ở HTX dệt thảm Bình Minh. Sau 1996, xưởng dệt giải thể. Không nghề, không ruộng, không nhà, chị Nhung phải chật vật sớm tối để sống và nuôi con. Ai thuê gì cũng làm. Cửu vạn, thợ xây, thợ cấy, giặt giũ, lau dọn… chị làm tất.
Nhưng rồi một ngày chị đổ bệnh và được chẩn đoán bị u thận
Trong lúc tử thần đang rình rập thì tôi nhận được sự giúp đỡ của “Phật”. "Phật" gửi về cho tôi hai lạng gạo cùng với những lời khuyên nhủ về niềm tin cuộc sống, về cái tâm thiện có thể thay đổi cả số phận con người.
Lúc ấy, chẳng biết những lời đó đúng đến đâu, nhưng vì thương mẹ, nên con tôi nấu hết cả 2 lạng gạo đó. Một bát, hai bát rồi ba bát… tôi ăn hết. Ăn xong mồ hôi vã ra như tắm. Tôi ngủ một giấc từ 8 giờ tối đến tận 8 giờ sáng hôm sau. Sức khỏe hồi phục trở lại. Với mong muốn được sống để làm việc thiện, lạ thay, bệnh tình tôi ngày một thuyên giảm. Tôi đã khoẻ để sống, nuôi con. Kể từ ngày đó, cứ mỗi lần nấu cơm, tôi bớt lại một nắm gạo, dành dụm vào hũ gạo của “Gia đình thiện” để cứu những người đã từng khốn khó như tôi”.
Chị Nhung đã tham gia việc hành thiện của “Gia đình thiện” được gần 5 năm. Chị bảo: “Số tiền và gạo làm từ thiện tuy không nhiều nhưng điều đó có ý nghĩa rất lớn cho cả người được giúp đỡ cũng như cho bản thân. Bởi, bớt đi một nắm gạo chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình, nhưng lại có thể giúp đỡ được nhiều người trong cơn hoạn nạn. Làm thiện khiến tôi cảm thấy mình có ích cho đời, tinh thần vui vẻ, thanh thản, tràn ngập tin yêu cuộc sống. Điều đó là liều thuốc quý báu nhất cho sức khỏe của tôi”…
Lòng thiện đuổi “bóng ma phiền não”
Chị Nguyễn Thị Mai ở xóm 2 – xã Đông Mỹ - Đông Hưng – Thái Bình, cũng một trong nhiều người được ông Trương "lấy lại sức khỏe", bằng phương pháp như thế.
Chị bị một khối u ở ngực trái từ lúc 18 tuổi. Vì sợ không lấy được chồng nên chị giấu không cho ai biết. Khi sinh con, cái u chèn lên tuyến sữa khiến chị bị tắc tuyến sữa, đau đớn quằn quại, phải đi cắt thuốc Đông y. Sau đó chị vẫn không đi khám chữa vì sợ phát hiện ra mình ung thư.
Cứ như vậy, 2 lần sinh con là 2 lần chị bị khối u đó hành hạ ghê gớm. Khi gặp ông Trương, nghe ông giảng giải về "bóng ma phiền não" khiến người ta sinh bệnh tật, nếu dứt bỏ được thì bệnh tật cũng sẽ tiêu tan. Chị đã làm theo lời răn dạy của ông, đồng thời theo ông góp gạo và tiền từ khẩu phần ăn hàng ngày của gia đình để làm từ thiện.
Lạ thay, từ ngày có mối quan tâm mới là giúp người nghèo, chị không để ý đến bệnh tật của mình nữa. Cho đến khi nghỉ hưu, chị Mai đã dành toàn bộ tâm sức cho “Gia đình thiện”. Bất cứ việc gì của “Gia đình thiện” chị đều xăng xái đi làm không chút nề hà.
“Giờ tôi đã gần 60, nhưng vẫn đi xe máy hàng trăm cây số lên Thái Nguyên, về Nam Định để làm công tác xã hội của “Gia đình thiện” mà chẳng thấy mệt mỏi gì. Làm việc thiện khiến tôi vui vẻ, sức khỏe tốt lên” - Người phụ nữ đó bộc bạch.
Còn có rất nhiều người từng được ông Trương giúp “lấy lại sức khỏe” theo cách đó: Ông Đặng Đình Tất – 64 tuổi ở xóm Đông Hưng – thôn An Để - xã Hiệp Hòa – Vũ Thư, Thái Bình; Chị Nguyễn Thị Sâm (ở Đông Hưng, Thái Bình); Bà Hoàng Thị Ngần (Vũ Thư)… Hiện họ đang sống rất lạc quan và ngày ngày làm việc thiện theo cách của ông Trương.
“Phật” vẫn hút thuốc lào, cuốc đất trồng rau
Ông Trương cho biết: Từ ngày bớt khẩu phần ăn làm việc thiện, ông thấy sức khỏe gia đình tốt lên. Mọi việc trong nhà cũng xuôi chèo, mát mái. Các con ông, trai cũng như gái, khi lập gia đình, ông chỉ trợ giúp 300 ngàn đồng. Vậy nhưng hôm nay ai cũng phương trưởng, tự thân lập nghiệp. Người làm bún, người sửa xe, người làm nương rẫy, người làm may… ở tận trong Đắc Lắc, nhưng tất cả đều ăn nên làm ra nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó.
Ông chiêm nghiệm: Khi chọn được con đường sống đúng đắn thì con người sẽ rũ bỏ được mọi khổ ải. Ông bảo: “Bệnh từ thân mà ra. Thân con người có nhiều ham hố dục vọng. Vì thế khi tôi có niềm tin về thiện tâm, tôi muốn truyền lại niềm tin này tới mọi người, điều đó giúp loại bỏ những ham hố, dục vọng trong con người, giúp họ giải thoát những phiền não, âu lo. Khi không còn phiền não, âu lo thì tự nhiên bệnh tật cũng tiêu tan. Tôi chữa tâm bệnh nên nhiều người không hiểu, chứ thực ra tôi có gì thần thánh đâu? Đây này, tôi vẫn hút thuốc lào, vẫn ăn cơm, uống nước, vẫn cuốc đất trồng rau… như bao người bình thường khác. Tôi không tuyên truyền gì cả ngoài những lời rao giảng về đạo làm người”.
Lâm Vũ
Nguồn: giadinh.net