Đáy giếng chứa báu vật
Theo Ni sư Thích Đàm Niệm và Phó giáo sư khảo cổ học Nguyễn Lân Cường, pho tượng mang hình dáng không giống với bất kỳ pho tượng Phật nào trên đất nước Việt Nam này.
|
Pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni sơ sinh bằng đồng đỏ. (Ảnh: Minh Thành).
|
Tượng tạc đức Phật ở thế đứng cởi trần, mặc váy và có giải thắt nút trước bụng. Hai tai to dài, dái tai rất dày, mắt mở to, miệng cười tủm tỉm với má lúm đồng tiền rất rõ ở hai bên, vầng trán cao rộng, trông hình hài ngộ nghĩnh như một chú bé con nhưng thần thái thì hết sức thông tuệ, sáng láng. Tay phải giơ lên, khuỷu tay gập lại, hai ngón tay trỏ và giữa duỗi thẳng chỉ lên trời, còn các ngón khác quặp lại. Tay trái duỗi thẳng và hai ngón trỏ và giữa khép chặt vào nhau chỉ xuống đất, các ngón tay còn lại bắt vào nhau theo tư thế tay thiền. Hai chân giang rộng bằng vai và đặt song song cạnh nhau. Trên ngực có hai núm vú được tạc nổi, giữa bụng có lỗ rốn rất to và rõ nét.
Pho tượng cao 31cm, đứng trên một bông sen đường kính 11,5cm, cao 7cm. Chu vi lớn nhất của gương sen là 36cm. Ở trên mặt, có 12 hạt sen nhú lên. Có 9 cánh hoa sen ở lớp trên cùng, lớp giữa cũng có 9 cánh, lớp dưới cùng 8 cánh. Pho tượng bên trong là sắt, bên ngoài bọc một lớp đồng. Sau lưng có một lỗ yểm hình vuông mỗi chiều 2,3cm.
Theo Ni sư Đàm Niệm, khi mới tìm được pho tượng thì bông sen được gắn vào một cái cuống khá dài, nhưng vì không thể đặt đứng được, nên sau đó nhà chùa đã gắn pho tượng vào một đế vuông bằng xi măng thì tượng mới đứng được. Để tránh cho pho tượng quý này không bị bào mòn bởi thời gian, Ni sư Thích Đàm Niệm đã cho thiếp một lớp vàng thật phủ lên toàn pho tượng.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định được niên đại của pho tượng quý này, song dựa vào hình dáng đặc biệt của pho tượng, một số nhà nghiên cứu khảo cổ học đã phỏng đoán rằng, pho tượng xuất hiện từ thời nhà Lý – thời kỳ hưng thịnh nhất của Phật giáo Việt Nam và có thể chùa Duệ Khánh bây giờ khi xưa cũng là một trong những ngôi chùa lớn của xứ Kinh đô Phật giáo này.
Pho tượng còn thể hiện một trình độ điêu khắc và công nghệ đúc đồng hết sức phát triển thời bấy giờ. Người đúc nên pho tượng không phải là một thợ đúc đồng bình thường mà phải là người rất am hiểu và tinh thông Phật pháp.
Ngoài pho tượng Phật Thích Ca sơ sinh bằng đồng đỏ, cũng trong lần nạo vét giếng đó tốp thợ và nhà chùa còn phát hiện thêm hai quả chuông sắt vẫn còn nguyên vẹn. Một quả có trọng lượng hơn 10 kg, một quả khoảng 8 kg. Hai quả được đúc theo hình chuông phổ biến hiện nay.
Tuy nhiên, nếu xưa nay chuông phổ biến trong các nhà chùa đều được đúc bằng đồng thì hai quả chuông này lại được đúc bằng sắt trộn gang. Điều này đã khiến cho các nhà nghiên cứu phỏng đoán rằng, hai quả chuông này có thể được đúc vào những năm cuối của thế kỷ XIX.
|
Ni sư trụ trì Thích Đàm Niệm và hai quả chuông sắt được phát hiện. (Ảnh: Minh Thành).
|
Ni sư trụ trì còn cho biết thêm, theo lời của một số vị cao niên trong làng thì trước đây vì chiến tranh nên người làng đã buộc phải tiêu hủy toàn bộ kiến trúc của chùa cũ. Một số tượng Phật làm bằng gỗ được truyền lại từ đời xưa bị đốt còn một số báu vật bằng kim loại thì bị ném xuống giếng nhưng không biết trong số đó có bức tượng Phật cổ quý giá này không.
Chỉ nghe là ngày xưa chùa còn nổi tiếng với một khối xúc xích bằng đồng có kích thước rất lớn, nhưng hiện nay vẫn chưa tìm thấy. Có thể nó vẫn còn nằm đâu đó trong khuôn viên của nhà chùa mà chưa có cơ duyên tìm lại được.
Chuyện lạ xung quanh pho tượng
Theo Ni sư Thích Đàm Niệm, Thụ Tiên Ngọc Nữ - nơi tìm thấy pho tượng quý và hai quả chuông là chiếc giếng cổ còn sót lại, được nhắc đến trong một văn bản có tên là “Hương đài thạch trụ” bằng chữ Hán, năm Vĩnh Thịnh thứ hai đời vua Lê Dụ Tông. Theo văn bản này, chiếc giếng cổ này là dấu tích nơi viên ngọc quý của Thụ Tiên Ngọc Nữ rơi xuống.
|
Giếng Thụ Tiên Ngọc Nữ xưa, nay đã được thu nhỏ lại. (Ảnh: Minh Thành).
|
Chuyện kể rằng: Trong đám quần tiên trên thượng giới có nàng Thụ Tiên Ngọc Nữ, nguyên hóa thân từ một gốc mận già. Một hôm, Thụ Tiên Ngọc Nữ phạm lỗi khiến Thánh Tiên vương mẫu vô cùng tức giận, giáng chỉ đày nàng xuống hạ giới. Khi xuống hạ giới, thấy phong cảnh bên bờ sông Tiêu Tương hết sức đẹp đẽ, phồn hậu, không gian thanh bình nàng liền quyết định ở lại và dựng một am nhỏ thờ Phật cầu mong sớm được giải thoát. Trong thời gian ẩn cư tụ tập tại am, Thụ Tiên chuyên chú niệm Phật và ngày đêm cầu phúc cho dân, khuyến dân bỏ ác theo thiện. Một đêm, sau khóa kinh lễ Phật nàng đi dạo trong vùng chẳng may viên ngọc quý mà nàng mang theo từ chốn thiên cung bỗng rơi xuống đất, tỏa ánh hào quang và mảnh đất trước mặt nứt thành cái giếng sâu đầy nước trong vắt.
Dưới thời vua Lý Thái Tông biết chuyện nàng Thụ Tiên Ngọc Nữ, bèn xuống chiếu cho nhân dân địa phương dựng chùa thờ Phật tại nơi Thụ Tiên Ngọc Nữ từng tu tập. Chiếc giếng này hiện vẫn còn trong chùa nhưng đã được nhà chùa thu hẹp lại để xây dựng các công trình khác.
Cũng theo lời của sư trụ trì, sau khi tìm thấy pho tượng, toán thợ xây nhất quyết đòi nhà chùa phải trả pho tượng cho họ vì nghĩ đó là pho tượng đồng đen mà họ có công tìm thấy nhưng nhà chùa đã không đưa. Sợ họ có thể làm nhiều chuyện dại dột, nhiều vị cao niên trong làng đã khuyên vị sư trụ trì nên mang tượng đi gửi. Nghe theo lời của các vị cao niên, Ni sư Thích Đàm Niệm đã mang pho tượng vào gửi tại nhà một phật tử trong làng định khi nào hoàn thành xong đại đường Tam Bảo thì sẽ rước tượng về thờ. Nhưng lạ thay, khi mang tượng đi gửi được một thời gian thì sư trụ trì bỗng nhiên mất tiếng nói dù không ốm không đau. Các tăng ni, phật tử và sư trụ trì vô cùng lo lắng trước chuyện lạ chưa bao giờ gặp phải này. Đến lúc thấy mọi việc có vẻ như yên ắng nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương, nhà chùa cùng các tăng ni, phật tử rước tượng đức Phật về lại chùa thì vị sư trụ trì bỗng nhiên nói lại được như thường.
|
Mặt trước cổng chùa Duệ Khánh. (Ảnh: Minh Thành).
|
Khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này, sợ bị đưa lên báo nhiều người cho là mê tín dị đoan nên nhà sư trụ trì tâm sự thật lòng: “Đây là chuyện lạ mà có thật, tôi tâm sự với các nhà báo để các nhà báo có thêm thông tin chứ không phải là người mê tín hay bịa đặt. Nhà chùa không hề nói dối mà chỉ kể lại theo đúng sự thật những gì đã diễn ra có sự chứng kiến của rất nhiều phật tử trong làng, ngoài làng... Tôi nghĩ âu đó cũng là một mối lương duyên thiên định. Xưa nay, Ngài vốn ngự nơi chốn này nên rước Ngài ra khỏi vùng đất của Ngài là trái đạo, không bao giờ Ngài chịu cho rước đi đâu”. Hiện pho tượng quý này được Ni sư Thích Đàm Niệm cất giấu và thờ phụng rất cẩn thận.
Hà Tùng Long
Nguồn: