Có một nữ Bà la môn tên là Dhanajani, đệ tử của Bụt. Ông chồng thuộc về dòng họ Bharagvaja, một dòng họ Bà la môn có tiếng tăm và giàu có. Một bữa đem cơm lên cho chồng, không biết cảm hứng làm sao mà bà đọc lên câu: “Namo Tassa Bhagavato Arahato Samasam-Buddhasa” (Kính lạy Bậc Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Bậc Chánh Biến Tri). Ông hỏi: “Bà lẩm bẩm cái gì thế? Ông đó là ai mà bà cung kính và quy ngưỡng như vậy?”. Nữ Bà la môn nói: “Ông chồng yêu quý của tôi ơi, ông chưa biết người này đâu. Nếu mà ông gặp được người này thì ông sẽ thương kính và quy phục liền. Tôi chưa thấy một người nào trên đời mà trí tuệ, đức hạnh, tình thương và tuệ giác lớn như thế”. Vị Bà la môn đó mới thử tìm tới gặp Bụt. Khi gặp Bụt, ông ta đã hỏi về vấn đề giận. Vì Bụt đã trả lời rất hay và ông rất thỏa mãn nên ông đã xin xuất gia. Ông hỏi: “Cái gì mình giết, thì mình được an vui? Cái gì mình giết thì mình hết sầu đau? Ngài là Bậc xuất gia cao quý, Ngài đồng ý nên giết cái gì?”. Bụt trả lời rằng: “Giết cái giận, thì mình hết sầu đau”.
Đây là nguyên văn của kinh:
Giết gì được an lạc?
Giết gì hết sầu đau?
Giết gì Ngài đồng ý
Tôn giả Gotama?
Bụt trả lời:
Giết giận được an lạc
Giết giận hết sầu đau
Nguồn suối của giận hờn
Là chất độc hàng đầu
Tất cả các Bậc Thánh
Đều đồng ý giết nó.
Một vị Bà la môn khác, thuộc cùng dòng họ tên là Bilanjika, nghe nói là người bà con của mình - Bharagvaja - đã đi xuất gia với Bụt. Ông đã nổi giận tìm tới và chửi Bụt. Trong khi đó Bụt chỉ ngồi cười. Vị Bà la môn hỏi:
“Tôi chửi ông, tại sao ông không nói lại?”.
Bụt nói: “Quà đem tới tặng, nếu người ta không nhận thì mình phải tự lãnh lấy chứ!”.
Đoạn này được chép lại trong kinh Tứ Thập Nhị Chương. Khi người ta đem quà tới tặng mà người kia không nhận thì quà đó lại trở về mình. Câu chuyện đó đã tới tai vua Ba Tư Nặc. Khi mình chửi mắng người ta, cơn giận đã làm mình khổ và người bị chửi mắng kia có thể giận hay không giận - trong trường hợp Bụt là không giận. Và những hành động của mình, những lời chửi mắng của mình, trước hết đã làm hại chính mình.
Sau đó, Bụt đọc bài kệ này:
Với kẻ không giận hờn
Cơn giận từ đâu tới?
Sống tự chủ an nhiên
Quán chiếu nên thảnh thơi
Những ai bị chửi mắng
Trở lại chửi mắng người
Kẻ ấy tự hại mình
Và cũng làm hại người.
Những ai bị nói nặng
Không nói nặng lại người
Kẻ ấy thắng trận lớn
Thắng cho mình cho người.
Kẻ ấy làm lợi ích
Đồng thời cho cả hai.
Hiểu được gốc cơn giận
Đã phát sinh nơi người
Tâm ta sẽ thanh tịnh
An lành và thảnh thơi.
Ta là bậc y sĩ
Trị cho mình cho người
Kẻ không hiểu Chánh pháp
Mới cho mình dại thôi!
Ta hãy cùng đọc kỹ bài kệ ấy.
“Với kẻ không giận hờn”, ở đây, có nghĩa là với kẻ không có hạt giống giận hờn trong tâm, thì cơn giận không thể nào phát hiện và lôi kéo kẻ ấy đi được. Sở dĩ ta giận là tại ta có hạt giống giận khá lớn trong lòng ta. Hạt giống giận đó có thể do ông bà hoặc cha mẹ trao truyền lại. Động một chút là ta đã có thể nổi tam bành lục tặc lên rồi. Còn người không có khối giận đó trong tâm thì ai nói gì cũng có thể mỉm cười.
“Sống tự chủ an nhiên
Quán chiếu nên thảnh thơi”
Những người ấy biết sống tự chủ, tự chế ngự mình và tự phòng hộ mình. Nhờ có trí tuệ quán chiếu cho nên họ không bị vướng vào vòng buồn giận. Trí tuệ quán chiếu là năng lượng bảo vệ cho tự thân. Quán chiếu đây là Từ quán, Bi quán, Hỷ quán và Xả quán.
“Những ai bị chửi mắng
Trở lại chửi mắng người
Kẻ ấy tự hại mình
Và cũng làm hại người”
Khi người ta nói nặng mình mà mình nói nặng trở lại, thì lúc đó mình đã tiếp nhận cái bạo động của người ta, để mình làm khổ mình. Khi mình chửi mắng lại, thì mình làm hại người ấy nữa, như thế là mình làm hại cả hai. Người kia đã khổ, mình lại làm cho họ khổ thêm một tầng nữa. Người kia vì khổ quá, có thể chửi mắng thêm một lần nữa, và cũng sẽ làm mình khổ thêm một lần nữa. Và hai bên tiếp tục leo thang. Vì vậy cho nên ta phải tránh việc làm hại cho cả hai bên.
“Những ai bị nói nặng
Không nói nặng lại người
Kẻ ấy thắng trận lớn
Thắng cho mình cho người
Kẻ ấy làm lợi ích
Đồng thời cho cả hai”
Bài kệ này nói về vấn đề chiến thắng; chiến thắng cho mình và chiến thắng cho người kia nữa. Nếu ta thua trận, ta sẽ chửi mắng trả lại và người kia sẽ còn đau khổ hơn. Thắng trận, ở đây, là thắng cho cả hai.
“Hiểu được gốc cơn giận
Đã phát sinh nơi người
Tâm ta sẽ thanh tịnh
An lành và thảnh thơi”
Mình hiểu được tại sao người đó giận mình: người đó vì vô minh, người đó vì có tri giác sai lầm, người đó vì đã tiếp nhận những hạt giống giận hờn từ ông bà, từ cha mẹ và từ xã hội. Hiểu được như vậy thì tâm ta sẽ an tịnh, an lành và thảnh thơi.
“Ta là bậc y sĩ
Trị cho mình cho người”
Ta đóng vai của một vị thầy thuốc. Ta trị bệnh cho ta và trị bệnh cho người. Khi người kia nóng giận mà nói lên, nếu ta mỉm cười, không giận, thì người đó từ từ sẽ hiểu, sẽ biết nhìn lại và sẽ thấy lỗi của mình, và có thể có cơ hội để chuyển hóa và do đó cơn giận được trị liệu. Cho nên người nào làm được như vậy là đang làm một vị y sĩ trị bệnh cho mình và cho người.
“Kẻ không hiểu Chánh pháp
Mới cho mình dại thôi!”
Những người không hiểu Chánh pháp có thể nói rằng: “Cái anh đó dại quá! Tại sao bị chửi, bị nói nặng, bị đàn áp như vậy mà không có phản ứng, không có la mắng trở lại, dại chi mà dại quá!”. Nói như thế họ chứng tỏ họ là những người chưa hiểu được sự hành trì Chánh pháp.
Đoạn kinh trên chúng ta phải học thuộc. Mỗi khi ở trong đại chúng, có người vì thất niệm mà lớn tiếng, ta có thể can thiệp tới bằng cách đọc đoạn kinh này. Kinh ấy trích từ Tương Ưng Bộ, Samyutta Nikaya 1, tr.162.
Ta học thuộc lòng để khi nào bị nói nặng, khi nào cơn giận sắp nổi lên, thì biết trở về hơi thở và tự đọc cho mình nghe bài kệ này. Người đối diện mình, nếu có chút thực tập, sẽ biết mình đang làm gì, sẽ có sự nể nang: “Người này đang thực tập để thắng cho cả hai, người này đang thực tập để làm thầy thuốc trị cho mình và cho người”. Nghĩ như thế tự nhiên cơn giận của người ấy đi xuống và người ấy có thể đến xin lỗi. Còn bài thuyết pháp nào hay hơn nữa là khi nghe người kia chửi mắng và nói nặng mà mình vẫn ngồi yên, thở và đọc kinh.
Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH
(Trích “Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy” - NXB Lá Bối, Hoa Kỳ)