Những cây chanh đó mọc quanh vườn ở nội viện Phương Khê, trái tương đối nhỏ, vỏ mầu vàng nhạt. Vì nảy sanh từ thân mẹ có tên là cây chanh nên nó cũng được gọi là trái chanh. Chỉ khác, nó không đến với đời như những trái chanh khác. Người ta không dùng nó để ăn, để muối mặn hay để vắt nước uống mà chỉ để ngửi! Chính vì thế, nó tuy là trái chanh, mà lại không phải trái chanh.
Trong một ngày “Monastic Day” Thầy dừng bước, nhìn quanh, rồi ngồi xuống chiếc võng mắc ngang hai thân tre. Tăng thân chúng tôi cũng tìm chỗ, ngồi xuống quanh Thầy. Thầy bỗng lấy trong túi áo ra một trái chanh nhỏ, xoa xoa giữa hai tay rồi nhìn về phía tôi (không biết Thầy thấy tôi đứng đó lúc nào), và Thầy mỉm cười:
- Thầy cho Huệ Trân trái chanh này, nhưng không ăn được đâu nhé, chỉ để ngửi thôi. Thuốc đấy! Giữ được 7 ngày!
Tôi chậm bước đến bên Thầy, quỳ xuống, hai tay đỡ lấy, và cúi đầu nói nhỏ:
- Con cám ơn Thầy.
Xong, tôi lui về chỗ cũ, xòe tay, nhìn trái chanh và ngắm nghía. Đây là trái chanh, mà không phải trái chanh. Tôi ưa khởi lên rất nhanh, những ý nghĩ ngộ nghĩnh như thế. Trái chanh mà không ăn được thì không phải trái chanh. Nhưng chắc cùng giòng họ tổ tiên gia đình chanh nên nó được gọi tên như thế.
Viết đến đây, tôi lại nhớ câu ca dao mà có lẽ không người Việt Nam nào không biết:
“Bầu ơi, thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Bí tuy khác giống với bầu, nhưng có mặt để cùng mang lợi ích cho đời như nhau. Nghĩa là, chiên xào nấu nướng đều thành món xanh thanh đạm, bổ dưỡng trên những mâm cơm.
Nhìn sư cô từ ngoài vườn vào, trên tay bưng một rổ xanh nào bầu, nào bí, nào cải, nào ngò … thì tôi tin chắc rằng, dù bí không lên tiếng kêu gọi, bầu cũng đã hết lòng thương bí, chẳng phải chỉ vì leo chung một giàn mà vì cùng chung lý tưởng cao đẹp là hiến tặng sự sống, góp phần bồi dưỡng cho sức khỏe nhân loại. Rổ rau xanh trên tay các sư cô rõ ràng cùng reo vui hoan hỷ vì chúng biết rằng không phải chúng bị hủy diệt mà là đang chuyển hóa. Từ cây xanh ngoài vườn, chúng sẽ hòa nhập vào tế bào, vào máu, vào xương da các sư cô sư chú. Chúng sẽ được tụng kinh, tọa thiền trong thiền đường, sẽ thiền hành thảnh thơi trên lối sỏi, ngoài đồng cỏ, quanh rừng mai.
Nếu Bầu và Bí có thể nói ngôn ngữ của loài người, thế nào cũng có lúc chúng phải hỏi một số đối tượng:
- Này, hãy nhìn chúng tôi đây, tuy khác giống nhưng chung giàn cũng đủ để chúng tôi yêu thương nhau. Sao quý vị cùng nòi giống, cùng tổ tiên, cùng lịch sử, mầu da, mà quý vị, chẳng những không yêu thương nhau, còn tàn ác với nhau như những kẻ thù không đội trời chung vậy?
Hỏi như thế, liệu Bầu và Bí có câu trả lời không?
Có thể có đấy! Chẳng hạn như nếu Bầu Bí dừng chân ở nước Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng mà hỏi nhà nước câu này thì có thể được trả lời, theo tinh thần những dữ kiện xảy ra và đã được phổ biến, như:
- Tại vì họ không nghe lời. Bảo phải rời tu viện Bát Nhã mà không chịu rời, cứ ngồi niệm Quan Thế Âm! Nói không nghe thì phải bị đuổi, bị đánh chứ còn tại sao nữa!
Hình như không hiểu nổi, Bí lại rụt rè hỏi tiếp:
- Niệm Quan Thế Âm là có tội ư? Trong sách luật của nhà nước có ghi tội này không ạ?
Cả hai sẽ được nghe tiếng quát:
- Đúng là đồ ngu như … cây cỏ! Ai dại gì mà ghi trên giấy trắng mực đen như thế! Nhưng đã ở trong nước thì phải hiểu ý nhà nước. Nhà nước bảo đi là đi, bảo ở là ở. Đã bảo đi mà không đi là phạm trọng tội rồi, phải bị xử nặng tối đa cho đến khi tuân lệnh, thế thôi!
Bầu không thể không góp phần mình, nên cố hỏi:
- Nhưng họ là người tu hành, không bạo động, không làm điều bất thiện và họ đã được nhận ở đây tu học. Người tu mà đuổi khỏi chùa, khỏi tu viện thì đi đâu?
Câu trả lời rất rõ ràng:
- Đi đâu thì đi, không được ở Bát Nhã nữa!
Bí buột miệng:
- Phước Huệ đâu phải là Bát Nhã, sao quý vị lại rượt theo tới bên đó mà đánh, mà đuổi nữa?
- Ơ … A … không được tụ họp đông người nên đuổi khỏi Phước Huệ luôn!
Bầu lại không thể im lặng nữa:
- Tụ họp đông người để tu hành là điều tốt cho bất cứ đất nước nào. Sao lại cấm đoán ạ?
Có lẽ đã nổi nóng, người bị hỏi nói thẳng cho xong:
- Tu gì thì tu nhưng không được tu pháp môn Làng Mai. Pháp môn gì mà chỉ có thở với cười, với ngồi im lặng, đi im lặng, ăn uống im lặng … Đơn giản quá như vậy, ai mà tin nổi, biết đường đâu mà kiểm soát!
À, ra thế! Làm gì cũng phải để nhà nước kiểm soát được thì nhà nước mới an tâm. Nhưng sao nhà nước không kiểm soát trực tiếp bằng cách cùng tu theo Làng Mai? Đơn giản mà! Dễ tu mà! Đó cũng là cách kiểm soát chính xác nhất đấy. Mời nhà nước cùng tu với tăng thân xem họ có hành động gì phạm pháp khi tụng kinh, tọa thiền, ăn cơm chánh niệm, thiền hành thong dong hay không?
Nghĩ thế, nhưng Bầu và Bí đều không đủ sức diễn tả để nói cho mạch lạc, chỉ có thể thì thầm, hội ý nhau rồi cất lời ngắn gọn:
- Pháp môn có khác nhau, nhưng đã là người tu thì đều cùng mục đích để tốt hơn, lành hơn. Sao khác pháp môn mà lại có tội ạ?
Lần này, cả Bầu và Bí đều nghe tiếng quát lớn như tiếng Tổ Đạt Ma khai ngộ cho ngài Huệ Khả:
- Đã bảo, không nghe lời nhà nước là có tội rồi, còn phải chờ làm gì nữa mới có tội!
Dù hoảng vía, nhưng cái tâm lành thiện của Bầu và Bí, không bảo nhau mà cùng can đảm lên tiếng hỏi tiếp:
- Dân phải nghe, dù nhà nước nói đúng hay sai ạ?
- Nhà nước đã nói là đúng, sai làm sao được! Muốn bị đánh như mấy thầy tu ở Bát Nhã không mà hỏi kiểu đó? Hỏi thế là có ý nghi ngờ, chê bai nhà nước hả? hả? hả?
Lần này, âm thanh tăng vùn vụt theo mỗi tiếng “hả” khiến Bầu Bí cùng … ù cả tai, chỉ còn nhìn nhau, thương cảm cho những con người mà lại không biết thương người!
Cả hai bỗng cùng cảm thấy rất hạnh phúc được là Bầu, là Bí; vì nếu lúc này mà Thiên Lôi hay Thượng Đế nào cho chọn lựa, cả hai sẽ không ngần ngại, lại chọn làm rau xanh, được bàn tay người ân cần tưới tẩm, chăm sóc cho đến khi cây trái tốt tươi, đủ sức hiến tặng lợi ích cho đời, hơn là làm người mà không có tim có óc biết thương yêu người!
Mọi loài, mọi vật hiện hữu thế gian đều có sinh có diệt; hay nhìn bằng tuệ nhãn thì đều sẽ chuyển hóa. Thời gian hiện hữu có ý nghĩa chăng là gieo trồng được hạt giống tốt lành để làm đẹp đời này và thăng hoa đời sau. Nên dù thầm lặng như tia nắng, áng mây, hạt mưa hay làn gió cũng đóng góp phần mình vào nghĩa sống. Con người, với trí tuệ và sức mạnh hơn thực vật cỏ cây mà tự gieo trồng hạt xấu thì còn xứng đáng nhận sự hiến tặng của vạn hữu hay không?
Thầy cho tôi “Trái chanh không phải trái chanh” kèm theo lời nhắc nhở “Không ăn được đâu!”, có lẽ Thầy nghĩ, chỉ đứa con phương xa chưa biết loại chanh này thôi, nếu không nói, nó sẽ mang về, xắt gừng, bỏ thêm chút mật, rồi vắt vào mà nấu nước uống thì phiền!
Quả đúng như thế. Khi tôi khoe, được Thầy cho trái chanh thì các sư cô cùng Xóm đều biết đây là “chanh mà không phải chanh”. Một sư cô lớn còn giảng giải thêm “Hương trái chanh này là một vị thuốc giúp hơi thở dễ điều hòa, thông khí quản, em để ngay đầu giường, thỉnh thoảng cầm lên, hít nhẹ, thở sâu. Khỏe lắm đó!”
Thế đấy, nên tuy chanh không phải chanh mà vẫn chất chứa bố-thí-ba-la-mật, chỉ cho mà không chờ nhận lại.
Trong khi người mà không tim không óc thì có còn là người không?
Loại “Người mà không phải người” này thường là đại họa chung cho nhân loại.
Thử mở những trang sử thế giới ra, chúng ta dễ dàng nhận được loại này ngay.
Nên lời phát nguyện : “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật” đã bao ngàn năm nay, mà Ngài Địa Tạng Vương vẫn còn là một vị Bồ Tát!
Huệ Trân
(Phương Khê, Làng Mai- An Cư Kiết Đông 2009-2010)