Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng theo tinh thần đạo Phật được thành lập đã ngoài 50 năm.
Hiện nay đời sống xã hội đất nước ta đã có những thay đổi sâu sắc, những thay đổi đó đặc biệt tác động và ảnh hưởng lên lớp trẻ rất nhiều. Đứng trước điều đó, tổ chức Gia đình Phật tử VN cần có những điều chỉnh để vẫn thu hút được giới trẻ tham gia, web site Liễu Quán giới thiệu một trong những trăn trở trên qua bài viết của một huynh trưởng hiện đang sinh hoạt tại GĐPT An Hòa, TP. Huế.
Với bề dày lịch sử 60 năm hình thành và phát triển, Gia đình Phật tử (GĐPT) là một tổ chức tuổi trẻ Phật tử độc đáo đã có chỗ đứng đặc biệt trong dòng chảy phát triển của Phật giáo Việt Nam (PGVN) cũng như xã hội Việt Nam (VN).
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế kỷ 21, bên cạnh những ưu điểm đáng quý, GĐPT đang bộc lộ những điểm yếu tồn tại dai dẳng trong rất nhiều năm qua mà không được giải quyết thỏa đáng. Bằng chứng thống kê cho thấy tỉ lệ tiếp cận thanh thiếu niên Phật tử của tổ chức GĐPT tại 16 tỉnh thành phố miền Trung và Nam của Việt Nam là vào khoảng 5.4% và tỉ lệ tiếp cận thanh thiếu niên nói chung ở các tỉnh thành này là khoảng 0.64%. Vì vậy, để phù hợp với xu thế, GĐPT cần có một sự cải tổ sinh hoạt.
Ý tưởng cải cách sinh hoạt của tổ chức GĐPT chúng ta thiết nghĩ không có gì mới mẻ, và có lẽ đã xuất hiện lâu nay trong tâm tưởng của khá nhiều người trong gần 60.000 huynh trưởng và đoàn sinh trên khắp 16 tỉnh thành đang có sinh hoạt GĐPT [1]. Trong quá trình tìm hiểu, khi đưa ra ý tưởng này, chúng tôi đã từng tâm sự với nhiều quý Thầy, quý Ni, các anh chị huynh trưởng và bạn bè Phật tử cũng như không phải Phật tử và đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Tuy nhiên, do chưa có đầy đủ thuận duyên và cơ hội, cho đến nay ý tưởng này vẫn chưa trở thành hiện thực.
GĐPT cần có những cải cách để phù hợp với sự thay đổi liên tục của đời sống xã hội.
Cần phải cải cách sinh hoạt GĐPT, tại sao?
Để trả lời rốt ráo câu hỏi này, chúng ta cần một bài viết công phu và nghiêm túc và phải được đặt trong bối cảnh lớn là nhu cầu cần phải phát triển và hiện đại hóa Phật giáo trong thời đại mới. Tuy nhiên, nói một cách vắn tắt, GĐPT cần phải được cải tổ bởi vì:
• Thứ nhất, sinh hoạt của GĐPT không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của xã hội VN hiện nay và theo Trần Kiêm Đoàn là GĐPT đang đứng trước những sự thách đố của thời đại mới rất tinh vi và bão liệt.[2]
• Thứ hai, GĐPT không thu hút Phật tử trẻ tuổi, không giữ chân được đoàn sinh lâu dài. Như chúng tôi đã có đề cập trong bài tọa đàm trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, chúng ta đang trao cho các em cái chúng ta có chứ không phải cái các em đang cần.
• Thứ ba, GĐPT không được công chúng tại VN, đặc biệt tại 56 tỉnh thành từ Quảng Trị trở ra biết đến rộng rãi.
Xu hướng hiện tại của thế kỷ 21 cho thấy rằng nếu không thay đổi phương thức sinh hoạt kịp thời thì ngay đến cả một mô hình tập hợp thanh thiếu niên nổi tiếng thế giới như là tổ chức Hướng Đạo Sinh (HĐS), với lịch sử cả 100 năm tuổi, mà tổ chức GĐPT chúng ta đã học tập theo rất nhiều về cách thức tổ chức, thì cũng sẽ đi vào con đường suy yếu dần. Báo cáo thường niên 2004-2005 của tổ chức HĐS Anh Quốc cho thấy một trong những mục tiêu chính của tổ chức này trong thời gian sắp đến là từ năm 2007 sẽ chấm dứt tình trạng giảm số lượng đoàn viên, sau khi số lượng HĐS ở Anh giảm liên tục qua các năm, ví dụ 2002-2003 (giảm 3.2%), 2001-2002 (giảm 4.3%) và thậm chí giảm hơn 10% trong nhiều năm trước đó[3]. Hiện tại, HĐS Anh Quốc đang triệt để cải tổ toàn bộ nội dung và hình thức sinh hoạt và đang có những bước cải thiện đáng kể.
Đánh giá về tình hình GĐPT VN hiện tại, Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Trưởng Ban Hướng dẫn Phật Tử GHPGVN cho rằng GĐPT cần phải thay đổi cách thức sinh hoạt cho phù hợp với tuổi trẻ trong thời đại mới. Hòa Thượng cũng nhấn mạnh rằng về hoạt động xã hội trong thời gian qua, GĐPT chưa tạo ra được một công tác xã hội nào đáng kể [4]. Tại sao Hòa thượng lại nhận định như thế, thật đáng cho chúng ta suy ngẫm.
"GĐPT cần phải thay đổi cách thức sinh hoạt cho phù hợp với tuổi trẻ trong thời đại mới." - Hòa thượng Trưởng Ban Hướng dẫn Nam nữ Phật tử TƯ GHPGVN.
Tại sao phải cải cách ngay bây giờ?
Nếu không phải là bây giờ thì có thể là không bao giờ.
Xin mạn phép được ví tổ chức GĐPT chúng ta như một sản phẩm đang được bày bán trên thị trường và phải tuân theo quy luật cung-cầu của nền kinh tế thị trường. Theo đó, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của VN, sự tham gia hội nhập của đất nước với bạn bè thế giới, tình hình ổn định của xã hội hiện tại và lòng yêu mến Phật giáo càng ngày càng sâu sắc của đông đảo quần chúng, đó là những chất xúc tác quý giá mà chúng ta phải nhanh chóng tận dụng để đưa vào lò nung nhằm cho ra đời một sản phẩm chất lượng cao - một mô hình GĐPT hiện đại của thế kỷ 21. Ngược lại, nếu chúng ta thờ ơ, thụ động và không nhạy bén, cầu thị thì những yếu tố mặt trái của sự phát triển kinh tế và các vấn nạn xã hội đi kèm sẽ tác động cực mạnh đến sản phẩm GĐPT, làm cho chúng ta kém đi cả về chất lượng lẫn số lượng và dẫn đến kết cục xấu nhất là không còn được người tiêu dùng ưa chuộng và vắng bóng trong cuộc sống.
Theo Huynh trưởng cấp Dũng Thiện Điều Nguyễn Thắng Nhu, toàn quốc có gần 60.000 huynh trưởng, đoàn sinh đang sinh hoạt trong tổ chức GĐPTVN ở trong nước (2008).
Theo quan sát chủ quan của chúng tôi, bên cạnh những thách thức và nguy cơ thì những năm gần đây cũng đem lại cho chúng ta một cơ hội quý báu để bắt tay củng cố và phát triển tổ chức GĐPT, theo sau sự kiện đầy ý nghĩa là Trại Họp Bạn Ngành Thiếu Toàn Quốc năm 2007 và sự kiện lịch sử đã diễn ra là Đại lễ Phật đản LHP được tổ chức tại VN, Phật giáo Việt Nam (PGVN) một lần nữa ghi thêm một dấn ấn sáng ngời trong tiến trình phát triển đồng hành cùng lịch sử dân tộc.
Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, PGVN đã và đang có nhiều tiềm lực, như mỏ dầu hỏa rất lớn [5] chưa khai phá hết và vai trò của GĐPT trong dòng chảy phát triển văn hóa PG VN được Hòa thượng nhấn mạnh bằng sự cần thiết phải đưa dạo Phật vào đời sống tuổi trẻ mà GĐPT là một kênh hoạt động rất hữu ích. Theo Hòa thượng, GĐPT sẽ tổ chức những đoàn thanh niên Phật tử, những đoàn Phật tử hoạt động để phát triển một xã hội lành mạnh và từ bi hơn, đóng góp cho sự phát triển chung của cả đất nước.
1. Nguồn số liệu về GĐPT VN: HT Nguyễn Thắng Nhu, báo cáo tại Hội Nghị GĐPT Toàn quốc lần II, (trích dẫn bởi HT Đỗ Kế Lợi (2008). GĐPT VN sau 1975. http://forums.giadinhphattu.vn/viewtopic.php?f=8&t=127 )
2. Trần Kiêm Đoàn (2006) Lá thư huynh trưởng: Tuổi trẻ Phật tử trước sự thách đố của thời đại. Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo. (Website Phật tử VN đăng lại, 30/05/2006, http://www.phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=408)
3. Trang “Báo cáo thường niên” của Tổ chức Hướng Đạo Sinh- Vương Quốc Anh, http://www.scoutbase.org.uk/library/hqdocs/annrpt/
4. An Nhiên (2006) HT. Thích Thiện Duyên: "Thay đổi cách thức sinh hoạt phù hợp với tuổi trẻ". Báo Giác Ngộ. (Website Phật Tử VN đăng lại, 17/08/2006, http://www.phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=884)
5.Theo Vietnamnet, “Đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc”, 06/05/2008,
http://www.tuanvietnam.net//vn/tructuyenvoitop/3665/index.aspx
Quảng Tâm Tôn Thất Kỳ Văn