‘Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành’

Yên Tử, Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) và Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng - Bắc Giang) là ba đại danh lam của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần.

Sau những chiến công huy hoàng ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông, cả Đại Việt dưới triều Trần sống trong không khí của Phật pháp, khi chính nhà vua cởi hoàng bào khoác áo cà sa.

Vua Trần Nhân Tông xuất gia không phải để lánh đời, mà đó là con đường vị Phật hoàng thống nhất các dòng Phật giáo để xây dựng dòng Trúc Lâm Yên Tử riêng, định hình nền tảng tư tưởng cho Đại Việt.

 

 

Chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang

Sau khi xuất gia, Hương Vân Đại Đầu Đà (tên hiệu của Vua Trần Nhân Tông) đã đi khắp các chốn trong nhân gian. Ngài đã đến vùng đất này, thấy Vĩnh Nghiêm có một thế đất đẹp, đã chọn là nơi tu hành. Để rồi sau đó, Vĩnh Nghiêm trở thành một trong những chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chính tại nơi đây, Đệ nhất tổ của Trúc Lâm, Đức Hương Vân Đại Đầu Đà từng thuyết pháp. Cũng nơi đây, Đệ nhị tổ Pháp Loa định chức tăng trong thiên hạ...

700 năm đã trôi qua, không còn hình ảnh lưu lại của Vĩnh Nghiêm thủa ấy, nhưng hẳn chùa Vĩnh Nghiêm giờ đã khác xưa nhiều lắm. Sử cũ chép rằng, người xưa đã cho trồng những rừng thông trên con đường vào chùa, khiến nơi đây trở thành chốn tùng lâm uy nghiêm. Giờ những cây thông mới được trồng lại phần nào gợi lại khung cảnh xưa kia. Duy có một điều không đổi, đó là thế đất "quy ẩm thuỷ", thế con rùa đang uống nước. "Con rùa uống nước", chính là một quả đồi thấp, mà những toà ngang dãy dọc của ngôi chùa ngự trên lưng quả đồi ấy.

Từ chỗ thế đất cao này, phóng tầm mắt ra xa có thể thấy nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Khu vực này năm xưa còn gọi là khu vực ngã ba Phượng Nhãn. Xa xa hơn nữa, chính là vùng Lục Đầu Giang Kiếp Bạc.

Về kiến trúc, Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa lớn với bốn khối: chùa Phật, nhà tổ, gác chuông hai tầng tám mái và nhà Trai kiểu chuôi vồ. Toàn bộ cảnh chùa có độ cao thấp khác nhau, tạo ra một nhịp điệu phong phú. Song đó không phải điều làm nên ấn tượng của ngôi chùa này. Từ đây nhìn ra xa là ngã ba Lục Nam - sông Thương, xa hơn nữa là Lục Đầu Giang. Dường như có mối liên hệ giữa ngôi chùa này với những địa danh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông? Nhớ về Phật hoàng Trần Nhân Tông, trước khi xuất gia, Ngài là một nhà chính trị, và việc Ngài xuất gia, cũng là một nhiệm vụ chính trị.

Trên bản đồ đất nước, Yên Tử và Quỳnh Lâm tiếp đến là Vĩnh Nghiêm là một vệt án ngữ phía Đông Bắc của Tổ quốc. Hơn thế, đất Lục Đầu Giang là một khúc sông hiểm yếu để trên đường từ cửa biển vào đất liền. Có lẽ, khi chọn những địa điểm này như là những thánh địa của Phật giáo nước Nam, yếu tố chính trị cũng đã được Vua Trần Nhân Tông xét đến. Từ đây, những nhà tu hành - những chính trị gia vừa có thể góp sức vào công cuộc bờ cõi, vừa góp sức vào công cuộc giáo hoá chúng tăng.

"Dù cho công đức vô biên/Vĩnh Nghiêm chưa tới, Phúc Duyên chưa tròn". Câu ca ấy của người xưa, một lần nữa khẳng định vị thế của Vĩnh Nghiêm trong Phật giáo nước nhà.

Đến vãn cảnh chùa trong một buổi chiều cô tịch, khi khói lam đã giăng giăng trên những lùm cây, vắt qua các đầu đao cong vút của ngôi chùa, tiếng mõ lốc cốc của những tiểu tăng khiến lòng người như lạc về một miền quá khứ... Trong khung cảnh ấy, dường như bóng những siêu tăng vẫn thấp thoáng sau những gốc thông, lại thêm suy nghĩ về triết lý sống của con người đất Việt, đạo pháp, luôn đồng hành cùng dân tộc.

 

Theo Báo Đại Đoàn Kết

Lịch sử: