Buổi sáng hôm nay thức dậy sớm hơn, nhìn ra khoảng trống giữa lòng thành phố thấy một mảng sương mờ mờ, gợi về trong ta một nỗi nhớ rưng rưng, day dứt. Có thể ở quê giờ này mẹ cha đã ra đồng từ rất lâu rồi, mặc dù sương ở vùng trung du bao giờ cũng dày đặc hơn nhiều. Sương mang cái lạnh tê tái thấm vào thịt da, những người nông dân ra đồng như chìm cả màn trời sương bao phủ. Ta nghĩ mà mắt chợt cay cay… Ta nhớ… Những buổi sáng tháng 11, bố dạy rất sớm rang cho chúng con nồi cơm rồi lên rừng đào sắn, mẹ ngồi một góc sân ruôi sắn, cảm giác như sương xuống nhiều làm nặng thêm bàn tay mẹ. Khi có sắn phơi khắp mảnh sân chênh vênh là khi tay bố mẹ lạnh cóng, tóc bố mẹ lấm chấm sương, quần áo bàng bạc sương, sắn ngoài sân căng mọng sương. Con đã giặt xong chậu quần áo ngâm từ đêm qua, cảm giác nước lạnh như sắp đóng băng. Con vội dắt chiếc xe đạp để đến trường, đôi bàn tay run lập cập nhưng vẫn cố ghì chặt tay lái để không loạng choạng, đi thật nhanh để không bị muộn giờ. Nhà mình ngày ấy không có cửa, sương đầu mùa trôi bảng lảng trong nhà như mây. Bố dặn mẹ đi chợ mua tấm vải về căng ở đầu giường khỏi đi ngủ ngấm sương là độc. Mẹ bảo: “Phải chờ đợt sắn này khô đã” Con vẫn nhớ! Vào tháng 11 là trời đã rất nhanh tối, những lớp học chiều tan học muộn, lại phải đạp xe hơn chục cây số mới về đến nhà. Vừa tối, vừa bị sương bao phủ nên mỗi bạn học sinh phải mang theo mình một cây đèn pin nhỏ. Vừa đi vừa nói chuyện thật to, để đứa này nghe thấy tiếng đứa kia mà không tông vào nhau, mà cảm thấy ấm áp hơn trên con đường xa lắc. Có hôm cái xe ô tô bị hỏng một bên đèn, sương lại dày tí nữa thì đâm phải ô tô. Sau phút sợ hãi ấy, bọn con gái thì bật khóc, bọn con trai thì bảo “Mai phải mang cái đèn to hơn mới được, bọn con gái đi đằng sau bọn này nhé. Sắp về đến nhà rồi, không phải lo lắng nhiều đâu”. Vẫn nhớ y nguyên nỗi sợ hãi năm nào… Những ngày nghỉ, bọn bạn cùng xóm lại í ới rủ nhau ra đồng thả trâu, cánh đồng trơ gốc rạ, sương đêm đọng từng giọt vẫn chưa kịp tan. Ánh mặt trời bắt đầu le lói, ấm và đẹp. Cả lũ bỏ mặc đàn trâu vì đồng rộng chúng muốn ăn đâu thì ăn, trâu bò thả theo đàn, ăn theo đàn, về cũng theo đàn. Mỗi đứa chuẩn vị vài củ sắn, củ khoai, rồi vơ rơm dưới đồng, hái củi trên đồi nướng chín thơm lừng. Mỗi đứa chia nhau một củ, ăn nhồm nhoàm đen thui cả mồm. Vẫn nhớ mãi cái mùi lùi lụt ấy, tưởng như sau này chẳng được ăn cái gì ngon lành đến thế… Mẹ đã lôi áo rét ra giặt giũ rồi khâu lại những miếng rách, chỗ tuột chỉ hay bị gián nhấm. Mấy năm mới được mua áo mới một lần, cả mùa đông có khi đứa nào cũng chỉ có hai cái áo khoác là nhiều, có đứa chỉ có một, cứ đi học thì mặc vào, về nhà lại cởi ra mặc linh tinh cũng đủ ấm. Cả mùa rét phải xem tối nào nhiều sao nhất thì hôm sau mới dám giặt áo bởi lỡ áo không khô là chẳng có gì mặc đi học cả. Thế nên mới nghĩ ra trò lộn áo ra mặc hai lượt, cả mùa rét chẳng thèm giặt lần nào. Đứa bạn bảo: “Có thế thì ngày nào cũng mới được ấm chứ. Phải không chúng mày?” Rồi cả bọn cười hì hì. Thế mà lớn khôn lúc nào không biết nữa… Giờ đây ở giữa thành phố nhận ra sương đầu mùa mờ ảo ngoài kia. Ta cứ để mặc cho cái lạnh của sương ngấm vào da thịt như một cách riêng để gợi lại những mảng màu kí ức. Sáng nay cha mẹ đã đội sương ra đồng để cấy lên một mùa vụ mới… 11-2009 Vũ Thị Huyền Trang