Dấu ấn lịch sử của chùa Từ Nghiêm

Gắn liền với nhiều cuộc đấu tranh, xuống đường của chư Tăng Ni, Phật tử, học sinh, sinh viên Sài Gòn đòi hòa bình, chống chế độ kỳ thị, đàn áp tôn giáo... của chế độ Mỹ - ngụy mà đặc biệt là sự kiện Phật tử Nhất Chi Mai tự thiêu cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam ngay chánh điện chùa Từ Nghiêm. Ngọn lửa Nhất Chi Mai là sự kế tiếp của ngọn lửa phong trào đấu tranh cách mạng của Tăng Ni, Phật tử, học sinh, sinh viên Sài Gòn, đồng thời Từ Nghiêm là điểm sáng tu học và tuyên truyền truyền thống yêu nước cho quần chúng nhân dân nói chung, giới Phật tử nói riêng. Vì lẽ đó, tháng 6-2009, chùa Từ Nghiêm (Q.10) được UBND TP quyết định công nhận là di tích kiến trúc tôn giáo - lịch sử cách mạng.

Ni trường giữa lòng thành phố

Chùa Từ Nghiêm tọa lạc tại số 415-417 đường Bà Hạt, Q.10. Chùa nguyên là một mái am tranh, đơn sơ do Hòa thượng Thích Đạt Từ làm trụ trì nằm trong khu lao động đông đúc. Năm 1957, HT.Thích Đạt Từ vì lớn tuổi đã truyền quyền trông coi ngôi chùa cho chư Ni. Năm 1959, chùa Từ Nghiêm được Ban quản trị tái thiết đến ba năm sau mới hoàn thành. Từ năm 1960 đến 1975, chùa là nơi đặt trụ sở của Ni bộ Bắc tông do cố Ni trưởng TN.Như Thanh lãnh đạo dưới sự chứng minh và cho phép của cố HT.Thích Thiện Hòa, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo miền Nam.

chuatu-nghiem.gif

Một góc chùa Từ Nghiêm, nơi xảy ra nhiều sự kiện lịch sử  trước năm 1975

Dưới sự lãnh đạo của Sư bà TN.Như Thanh và các Ni trưởng đại diện cho Ni giới các tỉnh miền Nam như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiến Tường, Châu Đốc, Cần Thơ, Vĩnh Bình, Vĩnh Long, Tiền Giang… Ban quản Ni gồm nhiều chư tôn đức Ni đại diện chư Ni các tỉnh phía Nam như: Sư bà Như Chí (Chí Kiên), Huyền Huệ, Như Hải, Như Hòa… Nhờ vào đạo hạnh tu tập của chư Trưởng lão Ni, ngôi chùa Từ Nghiêm từ một ngôi chùa nhỏ bé trở thành một điểm sáng tu tập, nơi đây được coi là cái nôi tu học của Ni giới, một Ni trường đào tạo nhiều thế hệ chư Ni miền Nam thời bấy giờ. Ngoài ra, quý Sư bà đã chủ trương xã hội hóa giáo dục, giúp đỡ về y tế, chăm cô nhi. Với chủ trương đó, trú xứ chùa Từ Nghiêm mở 3 lớp mẫu giáo cho con em nghèo không có tiền đóng học phí. Một số chùa Ni trong Ni bộ Bắc tông cũng tham gia như Huê Lâm (Q.11) mở Trường Mẫu giáo Kiều Đàm, chùa Huệ Lâm (Q.8) mở Trường Tiểu học Ký Nhi…

Sau năm 1975, chư Ni chùa Từ Nghiêm tích cực tham gia các công tác thủy lợi, trồng trọt tại nông trường Long Thành, Bình Tuy. Chư Ni tham gia sản xuất mây tre lá, đan thêu… tự tạo kinh tế cho sinh hoạt của chùa và đóng góp nhiều cho hoạt động dân sinh tại địa phương.

Hiện nay, chùa Từ Nghiêm do Ni trưởng TN.Như Hoa trụ trì với khoảng 70 chư Ni đang tu học, trì nghiêm luật tạng của Ni giới. Nối tiếp truyền thống của chư giáo phẩm Ni,  nhiều chư Ni trẻ đức hạnh, tài giỏi, đỗ đạt lần lượt tham gia vào công tác giáo dục, hoằng pháp, văn hóa… góp phần xiển dương Chánh pháp và chung tay góp sức xây dựng cộng đồng. Và vì thế, chùa Từ Nghiêm được biết đến như một ngôi tổ đình có nề nếp tu học nghiêm khắc, chuẩn mực, một nội viện gắn liền với đời sống sinh hoạt Tăng Ni TP và người lao động Q.10.

Tổ đình hiện lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến di tích kiến trúc Phật giáo: các pháp khí gia trì như chuông mõ, đại hồng chung cao 150cm, đường kính rộng 90cm, trống, đặc biệt là bia tưởng niệm và hai bài thơ của Phật tử Nhất Chi Mai. Nơi đây cũng là nơi đặt văn phòng của Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư do Ni trưởng TN.Huyền Huệ làm Trưởng Phân ban.

Dấu ấn lịch sử

Chùa Từ Nghiêm tọa lạc tại vùng dân lao động nên rất thân thuộc đối với số đông Phật tử và người dân lui tới tu tập, bái ngưỡng. Những năm 1963 đến 1972, toàn dân TP đã tích cực đấu tranh, bãi thị chống chính quyền Sài Gòn đòi tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, đòi hòa bình dân tộc… Nhiều Tăng Ni, Phật tử học sinh, sinh viên các tỉnh, thành cũng hưởng ứng chống đối bằng cách tự thiêu thân mình làm đuốc. Các tự viện tại Sài Gòn như Ấn Quang, tịnh xá Ngọc Phương, Xá Lợi, Từ Nghiêm… là điểm lui tới của học sinh, sinh viên Sài Gòn, nhiều chư Ni đã xuống đường tham gia vào các phong trào đòi quyền sống, đấu tranh cho hòa bình và tự do tín ngưỡng tôn giáo như cố Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Ngoạt Liên, chùa Từ Nghiêm có Ni trưởng Tịnh Mẫn bấy giờ đang tu học tại đây.

chuatunghiem-2.gif

Chân dung Phật tử Nhất Chi Mai

Theo Ni sư Tịnh Mẫn, nhân chứng sống nhớ lại một trong những sự kiện nổi bật tại chùa Từ Nghiêm: “Năm 1963, phong trào đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm nổ ra, lúc này chư Ni chùa Từ Nghiêm có 100 vị đang tu học. Chư Ni chùa Từ Nghiêm được huy động xuống đường biểu tình, sau đó bị tập trung về chùa Xá Lợi, Q.3. 12 giờ đêm ngày 20-8-1963, tôi và một số chư Ni trực bảo vệ chùa Xá Lợi thì bị cảnh sát bao vây và thả lựu đạn cay, nhưng chư Ni rất dũng cảm dùng khăn ướt chụp lựu đạn và quăng trả. Đến 4 giờ sáng thì nhiều chư Ni bị bắt trong đó có tôi. Họ đưa chúng tôi về Rạch Cát giam giữ. Sau đó vì không có chứng cứ, chúng tôi được thả”.

Sự kiện làm rúng động trong giới học sinh, sinh viên Sài Gòn là sự kiện ngày 15-5-1967 (nhằm ngày 8 tháng 4 năm Đinh Mùi), Phật tử  Nhất Chi Mai, PD.Diệu Huỳnh đã tự thiêu trước cửa chánh điện chùa Từ Nghiêm để cầu nguyện hòa bình, giải phóng dân tộc. Trước khi chết, Nhất Chi Mai có để lại 10 bức thư với nội dung kêu gọi hòa bình và 2 bài thơ. Bài thơ thứ nhất: "Xin đem thân làm đuốc/ Xin soi sáng u minh/ Xin lòng người thức tỉnh/ Xin Việt Nam hòa bình” và bài thơ thứ hai có tên "Chắp tay tôi quỳ xuống” đã được giới sinh viên, học sinh, Phật tử thuộc nằm lòng.

Ngọn lửa tự thiêu của Nhất Chi Mai đã làm bùng lên phong trào đấu tranh mạnh mẽ của học sinh, sinh viên Sài Gòn. Ngọn lửa này đã được tiếp đuốc bằng những cuộc tự thiêu sau đó: HT.Thích Thiện Lai vào tháng 6-1970, của Sa di Chân Thể ở Huế, Sư cô Nguyễn Thị Có ở Quảng Trị vào tháng 5-1971… đấu tranh cho niềm khao khát hòa bình, bình đẳng và tự do tôn giáo.

Ghi nhớ cuộc xả thân tại chùa Từ Nghiêm của Nhất Chi Mai, hàng năm cứ vào dịp Phật đản, sinh viên Vạn Hạnh lại dấy lên các cuộc đấu tranh lấy tên “Chiến dịch Nhất Chi Mai” bằng những cuộc hội thảo, biểu tình để vạch trần tội ác chiến tranh của Mỹ - ngụy. Nhiều cuộc  biểu tình của sinh viên, học sinh các trường đại học, xưởng máy, xưởng tàu Sài Gòn với khẩu hiệu: “Mỗi phụ nữ là một chiến sĩ hòa bình”. Những cuộc thi thơ để tưởng niệm Nhất Chi Mai: Cuộc thi sáng tác ca ngợi chiếc áo dài Việt Nam, cuộc thi thơ "Một bông hồng cho quê hương" do sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn tổ chức… đã làm nên một tấm gương đấu tranh rất sống động.

Những sự kiện đấu tranh của chùa Từ Nghiêm thời chống Mỹ - ngụy đã đi vào lịch sử hơn 30 năm qua. Nhưng, những hoạt động đấu tranh của chư Ni, Phật tử chùa Từ Nghiêm đã thắm đượm tình yêu quê hương và làm động lực đấu tranh cho thế hệ tuổi trẻ khát khao vì hòa bình, giải phóng và tự do tín ngưỡng vẫn còn mãi mãi. Nó góp phần tạo nên trang sử hào hùng của thành phố và niềm hạnh phúc, an lạc vì hòa bình của cả dân tộc.

 

“Sau sự kiện ném lựu đạn cay và bắt bớ chư Ni tại chùa Xá Lợi, tôi lãnh trách nhiệm giao thư cho các nơi. Thư của các thầy từ chùa Ấn Quang, Xá Lợi gởi tới Ni sư Huỳnh Liên tại tịnh xá Ngọc Phương. Thư của đoàn sinh viên, học sinh soạn thảo gởi HT.Thích Tịnh Khiết, thư gởi tới Liên Hiệp Quốc qua Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Ngay sau đó, tôi bị bắt giam tại bốt Ngô Quyền. Chúng tra tấn bằng điện, xối nước nhưng trước sau tôi chỉ nhận mình là bần Ni đi thăm và được gửi quà, thư mà không biết nội dung. Tôi bị giam 4 tháng, vào tháng 11-1963, tôi được thả. Về lại chùa Từ Nghiêm, tôi tiếp tục tham gia vào phong trào phụ nữ đòi quyền sống do bà Ngô Bá Thành phụ trách và được giao nhiệm vụ gởi truyền đơn cho chị em tiểu thương chợ Bến Thành”, Ni trưởng Tịnh Mẫn nhớ lại.

Bài, ảnh H.Diệu

Lịch sử: