I.PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO DƯỚI THỜI ĐỨC PHẬT
Sau ngày giác ngộ, Đức Phật lên đưòng “Chuyển vận bánh xe Pháp” hay “xây dựng Vương quốc trí tuệ” (Dhammacakka – pavattana) vì hạnh phúc an lạc của số đông. Giáo hội Phật Giáo dưới sự lãnh đạo của Ngài gồm có bốn chúng: Tăng, Ni, Nam và Nữ cư sĩ. Tăng sĩ thì học Pháp, hành Pháp và hộ trì chư Tăng về đời sống vật chất (Thực Phẩm, áo mặc, chỗ ở và thuốc men). Có một Đoàn thể cư sĩ đặc biệt được thành lập để cùng tu học và giới thiệu Pháp đến với đời. Đức Phật đã dạy riêng “Tứ Nhiếp Pháp” (Bố Thí, Ái Ngữ, Lợi hành, Đồng sự) cho hai cư sĩ đắc quả A-na-hàm Hatthaka và Citta - để điều khiển các sinh hoạt của đoàn thể cư sĩ này. Như thế, Pháp đã được giới thiệu dưới ba hình thức:
Đức Thế Tôn và các đại đệ tử thuyết giảng;
Đoàn thể cư sĩ đặc biệt cũng đảm trách việc thuyết giảng Pháp;
Các Phật tử nói lại các Pháp đã nghe cho những người chung quanh.
Mùa An cư mùa mưa là lúc chư Tăng phát triển việc học và hành pháp. Đây là hình thức “tu nghiệp” cho nghiệp vụ giáo dục. Đấy là con đường phát triển Phật Giáo, một đường hướng giáo dục con người, dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn.
II.HƯỚNG PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO NGÀY NAY VÀ NGÀY MAI
Xã hội ngày nay đã thay đổi nhiều. Đời sống của Tu sĩ và Cư sĩ cũng theo đó đổi thay. Dù vậy, con đường phát triển Phật Giáo ngày nay và ngày mai vẫn cần đến mô hình cũ, thể hiện nguyên tắc “Tùy duyên nhi bất biến”, vẫn cần đến các điều kiện tất yếu như:
Có một đội ngũ tu sĩ thông rõ nội và ngoại điển, hành pháp sâu xa để chịu trách nhiệm các công việc nghiên cứu, dịch thuật, và hoằng dương.
Có một đội ngũ cư sĩ có kiến thức khoa học bác lãm, có kinh nghiệm tu tập để đi vào lãnh vực văn hóa, giáo dục dân tộc, từ mẫu giáo đến đại học và hậu đại học.
Các ngôi chùa là các tụ điểm văn hóa, giáo dục Phật Giáo
Do Pháp có giá trị vượt không và thời gian, nên con đường giáo dục của Đức Phật qua kinh tạng (nội dung, tinh thần, và kỷ luật) sẽ phù hợp với hướng phát triển Phật Giáo theo yêu cầu của thời đại.
Việc đưa Phật Giáo đến mọi tầng lớp quần chúng đô thị và ngoài đô thị là Phật sự lâu dài.
III.VAI TRÒ GIÁO DỤC VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO
Từ các yêu cầu trên, hướng phát triển Phật Giáo thật sự cần dựa vào một đường hướng giáo dục được thực hiện quy mô, bao gồm các công tác Phật sự trọng điểm như:
1.Kế hoạch đào tạo Tăng, Ni và Cư sĩ tài.
2.Chương trình và kế hoạch truyền Pháp đến với đời.
3.Thể hiện thành truyền thống một nếp sống đạo cho hàng cư sĩ.
4.Hình thành một hệ thống giáo dục Phật Giáo (cơ sở, thư viện, kinh sách giáo khoa, giảng dạy và ngân sách điều hành và phát triển).
5.Cấp Giáo phẩm có đủ điều kiện lãnh đạo. Hàng cư sĩ đặc biệt đặc trách các công tác văn hóa, giáo dục, xã hội Phật Giáo theo hướng phát triển của xã hội.
6.Kiết tập văn, sử và tư tưởng Phật học Việt Nam.
7.Hình thành Đại tạng kinh tiếng Việt.
Nếu các Phật sự trọng điểm trên được thực hiện thì điều kiện để tồn tại và phát triển của Phật Giáo sẽ liền có mặt. Xin trân trọng đóng góp một số thiển ý vào đề tài hội thảo. Xin cảm ơn Quí vị.
Thích Chơn Thiện