Hằng ngày trong cuộc sống con người chúng ta đây, rất ít có ai đó tự bản thân mình nhận biết ra một điều chân thật được phát xuất từ một trái tim hay ánh mắt, nụ cười và lời nói. Điều ấy chỉ bắt nguồn ở mỗi khi ta trò chuyện với người đối diện mình, tại vì cứ một giây phút trôi qua như vậy là có quá nhiều điều giả dối lại đan xen lẫn nhau trong từng hơi thở; nên làm cho tâm thức của chúng ta khó mà nhận biết đó là điều chân thật hay giả dối.
Thường thì trong tất cả chúng ta đây, ai cũng đều hiểu rằng chân thật là mặt đối lại với những gì mang tính giả dối. Sở dĩ có những điều giả dối đang hiện hữu trên cuộc đời này, là do tự mỗi con người của chúng ta đã chạy theo sự vật và hiện tượng ở bên ngoài tâm mình. Có khi đến hết một đời người, chúng ta chưa hề ý thức được một phút tâm của mình là gì? Vì vậy nên chúng ta mới sống trong cảnh đêm dài tăm tối mà trong thâm tâm từng cá nhân của mỗi con người lại luôn cảm niệm rằng đó là một ánh sáng tuyệt vời lắm, một bầu trời hạnh phút lắm.
Rồi sự thật một ngày nào đó trong vô ngần cái hiểu biết ở đời, chính nơi thân và tâm của chúng ta lại bừng tỉnh ra rằng, đây là con đường thánh thiện để chúng ta bước đến hai chữ khái niệm rất là ngắn gọn được gọi là chân thật. Nếu như chân thật mà còn tồn tại ở trong một khái niệm của ngôn ngữ thì chân thật đó vẫn chưa có thể gọi là chân thật hẳn theo đúng nghĩa của tinh thần chân thật mà chúng ta đã và đang tìm kiếm nó. Vì chân thật ấy chỉ mang một ý nghĩa suông trên phương diện từ ngữ mà thôi chứ chưa có thể làm rung cảm tận tâm can con người.
Vậy chân thật là một cái gì? Nó đang tồn tại và chi phối tất cả con người chúng ta đây, hiện nó đang ở bên trong tâm trí của con người hay đang tồn tại bên ngoài thực tế cuộc sống? Và trong tất cả chúng ta đây phải làm sao để tìm ra con đường chân thật ấy, bỡi vì nó đang nằm lẫn lộn với cái giả dối như phơi bày nơi phía trước mắt mình kia.
Để trả lời được chân thật là gì và ở đâu thì chúng ta hay lắng lòng nghe một câu chuyện tiền thân của Đức Thế Tôn với Đề Bà Đạt Đa như thế nào qua bài Kinh số 174 mang tựa đề là: Chuyện tiền thân con vượn lừa dối (Tiền thân Dubhidamakkatta).
Đức Phật nói rằng:
Thuở xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba-la-nại, Bồ-tát sanh ra trong một gia đình Bà-la-môn, tại một làng ở Kàsi. Khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát lập gia đình.
Lúc bấy giờ, trên một đại lộ trong xứ Kàsi có một cái giếng sâu, không ai xuống được. Những người qua lại con đường có các loài thú ở, muốn tạo công đức, thường dùng dây dài và cái gàu, múc nước đổ vào cái máng và cho các loài thú uống. Xung quanh giếng ấy có rừng lớn bao bọc, và nhiều con vượn sống tại đấy.
Rồi trên con đường ấy, trong hai ba ngày số nước do người qua lại cung cấp đã cạn. Các loại thú không có nước uống. Một con vượn bị cơn khát hành hạ, cứ đi qua lại gần cái giếng để tìm nước. Bấy giờ vì một vài công việc, Bồ-tát đi ngang qua đường ấy, kéo nước lên uống xong, Bồ-tát rửa tay chân và thấy con vượn ấy. Biết con vượn khát nước, Bồ-tát liền kéo nước lên, đổ đầy máng nước và cho nó uống. Rồi Bồ-tát nằm xuống một gốc cây để xem con vượn làm gì. Con vượn uống nước xong, ngồi xuống không xa với bộ mặt làm các trò khỉ để dọa Bồ-tát. Bồ-tát thấy nó làm vậy liền nói:
Ôi, con vượn ác độc kia, ta thấy ngươi mệt mỏi khát nước đã cho ngươi uống. Nay ngươi lại lấy bộ mặt này làm các trò khỉ dọa nạt ta. Ôi, giúp đỡ kẻ làm ác không có lợi ích chỉ nhọc công thôi.
Rồi Bồ-tát đọc bài kệ đầu:
“Ta đã cho nhà ngươi
Ðược nhiều nước như vậy,
Ngươi bị nóng bức bách,
Ngươi bị khát hành hạ,
Nhưng nay đã uống xong,
Ngươi ngồi làm trò khỉ,
Tốt nhất, vậy không nên
Liên hệ với kẻ ác.”
Nghe vậy, con vượn phản bạn ấy nói:
Ngươi tưởng rằng ta chỉ làm vậy thôi sao? Ta sẽ làm rơi phân trên đầu ngươi trước khi đi.
Rồi nó đọc bài kệ thứ hai:
“Ai từng nghe hoặc thấy
Khỉ nào có giới đức?
Nay thả phân đầu ngươi,
Thói chúng ta là vậy.”
Nghe vậy, Bồ-tát đứng dậy bắt đầu đi. Con vượn ngay lúc ấy, leo lên ngồi trên một nhành cây thả phân trên đầu Bồ-tát như vòng hoa rơi xuống và kêu lớn tiếng, rồi bỏ đi vào khóm rừng. Bồ-tát tắm xong rồi ra đi.
Qua bài Kinh ngắn gọn mà đức Phật đã nói ở trên đây, được mang một triết lý sâu xa vô bờ bến mà hàng phàm phu như chúng ta nếu không có trí huệ thì khó mà nhận chân được những ý nghĩa vi diệu mà Ngài muốn nói ở trong bài Kinh này, nhưng đứng ở góc độ chân thật và giả dối mà nói thì chúng ta thấy hai điều nổi bật lên như sau:
Thứ nhất là: con vượn được Phật ví dụ trong Kinh chuyện tiền thân kia là chỉ cho những người ngu muội không thể tự thân mình nhận biết được điều chân thật trong các Pháp ở thế gian này. Chính vì thế mà con vượn sau khi được uống nước do vị Bồ Tát từ bi kéo giúp rồi, con vượn còn tỏ ra phản bội lại ơn đức của người giúp mình qua nạn khổ. Không những thế con vượn còn tỏ ra chê trách vị Bồ Tát đã cứu mình.
Thứ hai là: như các vị đã biết khi có mặt của sự giả dối thì đồng thời cũng là hiện diện của sự chân thật theo khái niệm. Ngoài ra chúng ta cũng thấy rằng một điều rất là thực tế trong cuộc sống hàng ngày, như khi có ánh đèn lóe lên những tia sáng đầu tiên thì cũng trong khoảnh khắc đó bóng tối liền biến mất ngay lập tức. Thế mới biết chân thật và giả dối luôn đi xen kẽ với nhau như bóng với hình vậy, không thể nào chúng có thể tách rời với nhau được hết. Cho nên nếu như chúng ta mạo muội nói rằng bóng tối và ánh sáng là hai cũng không đúng mà là một cũng chẳng sai. Vì chúng ta chỉ đứng trên sự thấy biết của cảm giác mà phân tích thì có hai, nhưng đứng về khía cạnh của vật lý để phân tích thì ánh sáng và bóng tối là sự biến đổi về mặt thời gian mà thôi.
Từ những lý luận trên đã cho chúng ta thấy rằng lời của đức Phật dạy cho mọi người rất là có ý nghĩa vô cùng, vì Ngài nói rằng: “Các Pháp vốn là duyên sinh vô ngã”; nghĩa là khi nhân duyên hòa hợp thì ánh sáng lại xuất hiện và nhân duyên vô thường biến dịch thì ánh sáng ẩn đi cảnh vật xung quanh trở thành một bóng mù mịt. Nói như vậy để tạo cho con người chúng ta có một cái nhìn gần gũi hơn về cuộc sống thường nhật của chúng ta mà hầu như lâu nay trong con mắt của chúng ta không thể nhìn nhận những sự thật đó một cách chân thật được.
Để thay cho lời kết luận một bài viết của mình thì không ai trên thế gian này có những lời răn dạy chí tình chí lý đối với tất cả mọi loài đó là “bản hoài từ bi vô lượng của đức Phật”, mà lúc Ngài còn tại thế đã nói lên những bài pháp ngắn gọn nhưng hàm chứa ý nghĩa vô cùng sâu sắc ở trong Kinh Pháp Cú số 11 và 12 như sau nay xin trích dẫn lại rằng:
“Không chân tưởng chân thật,
Chân thật thấy không chân
Họ không đạt chân thật
Do tà tư tà hạnh”
“Chân thật biết chân thật
Không chân biết không chân
Chúng đạt được chân thật
Do chánh tư chánh hạnh.”
Nếu như một ai đó trong tất cả chúng ta đây mà chịu khó lắng lòng nghe và thực hành đúng theo những lỡi dạy quí báu vô vàng của đức Phật thì chắc chắn trong đời sống hiện tại thân và tâm của chúng ta sẽ gặt hái những thành quả tốt đẹp trong cuộc sống, ngoài ra chúng ta cũng có thể đặt chân đến bến bờ chân thật bằng tâm lực tu trì của chúng ta chứ không phải như cái khái niệm chân thật mang tính tạm thời như ánh mắt chúng ta đã thấy.
Nẻo Xa
hoalinhthoai.com