3. Kinh thừa tự pháp

(Dhammadayadasutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp-cô-độc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”, – “Bạch Thế Tôn”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói:

 - Này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Người và Ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật”. Và này các Tỷ-kheo, nếu các Người là những người thừa tự tài vật của Ta, không phải là những người thừa tự pháp, thì không những các Người trở thành những người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp”, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả thầy và trò đều là những người thừa tự tài vật, không phải là những người thừa tự pháp”. Và này các Tỷ-kheo, nếu các Người là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật, thời không những các người trở thành những người mà người ta nói: “Cả Thầy và trò là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”, mà cả Ta cũng trở thành người mà người ta nói: “Cả Thầy và trò đều là những người thừa tự pháp, không phải là những người thừa tự tài vật”. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là những người thừa tự tài vật. Ta có lòng thương tưởng các Người và Ta nghĩ: “Làm sao những đệ tử của Ta là những người thừa tự pháp của Ta, không phải là những người thừa tự tài vật”.

Này các Tỷ-kheo, ở đây, một thời Ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và còn lại đồ ăn tàn thực của Ta đáng được quăng bỏ. Khi ấy có hai Tỷ-kheo đến, đói lả và kiệt sức. Ta có thể nói với hai vị ấy: “Này các Tỷ-kheo, Ta ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý, và còn lại đồ ăn tàn thực này của Ta đáng được quăng bỏ. Nếu các Người muốn, hãy ăn đi. Nếu các Người không muốn ăn, Ta sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay Ta sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy”. Rồi một Tỷ-kheo có thể nghĩ như sau: “Nay Thế Tôn ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý; và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn, đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy. Nhưng Thế Tôn có dạy như sau: “Này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật”. Đây là loại tài vật; món đồ ăn này, ta hãy không ăn loại đồ ăn này và trải qua đêm ngày hôm nay, bị đói lả và kiệt sức”. Rồi vị ấy không ăn loại đồ ăn này và trải qua đêm ngày ấy, đói lả và kiệt sức. Tỷ-kheo thứ hai nghĩ như sau: “Thế Tôn ăn đã xong, thỏa mãn, đầy đủ, đã chấm dứt buổi ăn, tự cảm thỏa thích, vừa ý; và đây là đồ ăn tàn thực của Thế Tôn, đáng được quăng bỏ. Nếu chúng ta không ăn, Thế Tôn sẽ quăng đồ ăn ấy tại chỗ không có cỏ xanh, hay sẽ bỏ xuống chỗ nước không có chúng sanh trong ấy. Vậy ta hãy ăn loại đồ ăn này, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm nay như vậy”. Rồi vị ấy ăn loại đồ ăn ấy, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm ấy như vậy. Này các Tỷ-kheo, dầu cho Tỷ-kheo này, sau khi ăn loại đồ ăn ấy, trừ bỏ đói lả và kiệt sức, và trải qua đêm ngày hôm ấy như vậy, nhưng đối với Ta, Tỷ-kheo đầu tiên đáng được kính nể hơn, và đáng được tán thán hơn. Vì sao vậy? Vì như vậy sẽ đưa đến cho Tỷ-kheo ấy, trong một thời gian lâu ngày, ít dục, biết đủ, khổ hạnh, dễ nuôi dưỡng, tinh cần, tinh tấn. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy là người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Nói xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đi vào Tinh xá.

Lúc ấy, Tôn giả Sariputta, sau khi Thế Tôn đi chẳng bao lâu, liền gọi các Tỷ-kheo: “Này các Hiền giả Tỷ-kheo!” - “Thưa vâng Hiền giả”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói: “Này các Hiền giả, như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly mà các đệ tử không tùy học viễn ly? Và như thế nào vị Đạo sư sống viễn ly và các đệ tử tùy học viễn ly?” - “Này Hiền giả, chúng tôi từ xa lại để được hiểu nghĩa lý câu nói này từ Tôn giả Sariputta. Lành thay, nếu Tôn giả Sariputta thuyết giảng nghĩa lý câu nói ấy. Sau khi được nghe Tôn giả Sariputta thuyết giảng, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì” - “Chư Hiền, vậy hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ giảng” - “Thưa vâng, Hiền giả”, những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sariputta. Tôn giả Sariputta nói như sau:

– Này chư Hiền, ở đây vị Đạo sư sống viễn ly các đệ tử không tùy học viễn ly. Những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ, và họ sống trong sự đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp, đáng bị quở trách. Vị Đạo sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và họ sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này đáng bị quở trách. Này chư Hiền, các Trung tọa Tỷ-kheo... (như trên)... các vị mới thọ Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng bị quở trách. Vị Đạo sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ không từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Và họ sống đầy đủ, lười biếng, dẫn đầu về đọa lạc, bỏ rơi gánh nặng sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng bị quở trách. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng bị quở trách. Này chư Hiền, như vậy là những trường hợp vị Đạo sư sống viễn ly, các đệ tử không tùy học viễn ly.

Và như thế nào, vị Đạo sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly? Này chư Hiền, vị Đạo sư sống viễn ly các đệ tử tùy học viễn ly. Những pháp nào, vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ; và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly. Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Đạo sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về sống viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các Thượng tọa Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các Thượng tọa Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán. Này chư Hiền, các Trung tọa Tỷ-kheo... (như trên)... các vị mới thọ Tỷ-kheo có ba trường hợp đáng được tán thán. Vị Đạo sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly. Đó là trường hợp thứ nhất, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và những pháp nào vị Đạo sư dạy nên từ bỏ, những pháp ấy họ từ bỏ. Đó là trường hợp thứ hai, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Và họ không sống trong sự đầy đủ, không lười biếng, họ bỏ rơi gánh nặng về đọa lạc và dẫn đầu về viễn ly. Đó là trường hợp thứ ba, các vị mới thọ Tỷ-kheo đáng được tán thán. Này chư Hiền, các vị mới thọ Tỷ-kheo do ba trường hợp này, đáng được tán thán. Này chư Hiền, như vậy là những trường hợp vị Đạo sư sống viễn ly, các đệ tử tùy học viễn ly.

Ở đây, này chư Hiền, tham là ác pháp, và sân cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham và diệt trừ sân, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư Hiền con đường Trung đạo ấy là gì, (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Đó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này chư Hiền, đó là con đường Trung đạo, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Ở đây, này chư Hiền, phẫn nộ là ác pháp và hiềm hận cũng là ác pháp, giả dối là ác pháp và não hại cũng là ác pháp, tật đố là ác pháp và xan lẫn cũng là ác pháp, man trá là ác pháp và phản bội cũng là ác pháp, ngoan cố là ác pháp và bồng bột nông nổi cũng là ác pháp, mạn là ác pháp và tăng thượng mạn cũng là ác pháp, kiêu là ác pháp và phóng dật cũng là ác pháp. Có một con đường Trung đạo diệt trừ kiêu và diệt trừ phóng dật, khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này chư Hiền, con đường Trung đạo ấy là gì, (con đường) khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Đó là con đường Thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này chư Hiền, đó là con đường Trung đạo khiến (tịnh) nhãn sanh, khiến (chân) trí sanh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

 Tôn giả Sariputta thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời giảng của Tôn giả Sariputta.

KINH THỪA TỰ PHÁP, THỨ BA HẾT.

 

Năm bộ Nikaya :