Sống trong giờ hiện tại Ai hay năm tháng xưa”. Thiền Lão (1) Vì chúng ta sống trong sự tách rời với thời gian, mơ hồ trong sự gắn bó giữa chúng ta với mỗi khoảnh khắc của sự sống, chúng ta thấy có sự đến, sự đi biệt lập và ngăn ngại nhau. Và sự phân ly đó là khởi đầu của mọi sự khổ, sự chạy đuổi không ngừng theo mồi theo bóng. Chúng ta tạo ra quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng quá khứ không thể nắm được, hiện tại không thể nắm được, tương lai không thể nắm được(4). Và sự đến đi với chúng ta trở thành xa lạ, như một triết gia nào đó đã nói rằng chúng ta bị ném vào trong thế giới này. Đức Phật, với lòng từ bi, ra đời vì một nhân duyên lớn là khai mở tri kiến Phật cho chúng sanh. Tri kiến đó là Phật tánh, là cảnh giới đến đi không có dấu vết, và từ bi đó là lòng thương không có nơi chốn. Đó là Như Lai, như thị lai, như thị khứ, đến như vậy và đi như vậy. Đó là con đường Phật giáo, con đường cho tất cả chúng ta: Dừng lại mọi chia chẻ, phân biệt ở chỗ nền tảng nhất, chỗ mà sơ tâm, cái tâm đơn thuần nhất, có thể hiển bày. Không những Như Lai “đến như vậy” và “đi như vậy” mà mọi sự việc, mọi pháp, đều “đến như vậy” và “đi như vậy”. Đó cũng là “Nhân quả” trong toàn bộ vận hành của nó, hay “Duyên khởi”. Đó cũng là Trung đạo(5). Cũng là cái “tức thời”, cái đương thể mà các thiền sư luôn luôn nhắm đến để khai thị cho học trò. Trong đạo Phật, và dường như chỉ trong đạo Phật, thông điệp của một em bé sơ sinh cũng quan trọng không kém của người trưởng thành. Ở đó, tính thời gian không còn, và tính không gian cũng không còn. Sự ra đời của Đức Phật chứa đựng trọn vẹn giáo pháp của Ngài, trọn vẹn chân lý cứu cánh mà Ngài để suốt đời hay nhiều đời mở chỉ cho chúng sanh(6). Do đó, ngày Đản sinh của Đức Phật cũng là ngày thành tựu của giáo pháp, của con đường thoát khổ. Sự đến với thế gian của Đức Phật đó là “như thị lai” - “đến như vậy”. Và để hiểu phần nào sự “đến như vậy” của Đức Phật, chúng ta hãy đọc một đoạn nói chuyện của Lão sư Joshu Sasaki khi ngài đề cập đến Như Lai Thiền (Tathagatha Zen). Ý nghĩa của sự “đến như vậy” cũng là ý nghĩa sự thị hiện của Đức Phật trong thế gian này, ngay bây giờ hay 2.500 năm trước. Lão sư Joshu Sasaki nói về “Đến như vậy” Lão sư Joshu Sasaki sinh ra trong một gia đình nông dân tại quận Miyagi, Nhật Bản vào năm 1907. Năm 14 tuổi, ngài xuất gia với lão sư Joten Soko Miura thuộc phái Thiền Lâm Tế. Đến năm 40 tuổi (1947), ngài Joshu Sasaki được tấn phong lão sư, và về trụ trì một ngôi chùa trên núi Shju-an, một ngôi chùa cổ được xây dựng do ngài Shoju Ronin, thầy của Huikin, một vị thiền sư lớn của thế kỷ thứ XVIII. Năm 1962, ngài Daiko Furukawa, người kế thừa của lão sư Joten, trụ trì chùa Myoshin-ji, thỉnh ngài sang dạy ở Hoa Kỳ. Lão sư Joshu đến Hoa Kỳ vào tháng Bảy năm 1962 và ở lại truyền dạy giáo pháp cho đến ngày nay. Rinzai-ji (Lâm Tế Tự), ngôi chùa chính của ngài trong thành phố, được xây dựng vào năm 1968 ở Los Angeles, và sau đó là hai trung tâm tu thiền được thành lập: Mount Baldy Zen Center ở San Gabriel Mountains, Nam California, được thành lập vào năm 1972 và Bodhi Manda Zen Center ở New Mexico được thành lập vào năm 1973. Học trò của ngài cũng mở những Trung tâm tu Thiền ở Hoa kỳ, Puerto Rico, Canada, Áo và Đức. Hiện tại, ở tuổi trên 100, ngài vẫn giữ đều đặn chương trình dạy dỗ. Có thể nói ngài là người đại diện cuối cùng của thế hệ những vị thầy tiên phong truyền bá giáo pháp vào phương Tây. Sự chuyển động bao gồm hai tính chất: sai biệt và phân biệt. “Đi” hàm chứa “đến”, và “đến” hàm chứa “đi”. Đến và đi được hoàn thành trong sự bình đẳng. Toàn thể vũ trụ là một: Sự bình đẳng chứa đựng sai biệt và phân biệt. Nó bao hàm cộng và trừ. Do đó nó là số không. Chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm về trạng thái bình đẳng; chúng ta không thể diễn tả nó. Nếu có người yêu cầu giải thích, điều duy nhất tôi có thể làm là ôm hôn người đó, hoặc cho người đó một cú đấm. Có hiểu điều đó không? Có lãnh hội gì không? Thường người ta nói “Chúng tôi yêu sự bình đẳng”. Thay vì chỉ nói ở đầu môi, chúng ta cần phải hiểu nguyên lý này. Khi trạng thái bình đẳng được biểu lộ, nó là trạng thái zero. Đó là trạng thái khi chúng ta không còn khẳng định hay bám vào cái ngã. Nếu hiểu điểm then chốt này, thế là đủ. Không còn cần phải để tâm vào thứ gì nữa. Khi một đứa trẻ gọi “cha ơi!”, nếu người cha không đáp, đứa trẻ sẽ có thể hích tay vào người cha và nhắc: “Nhìn con này”. Khi người cha nhìn, nó sẽ nói: “Con thương cha”. Người Ấn Độ xưa gọi những sự liên hệ như vậy là karma (nghiệp.) Chúng ta không biết người Ấn Độ trước thời Đức Phật có hiểu khái niệm karma theo cách của Đức Phật hay không. Họ chỉ dùng chữ “karma” mà không định nghĩa hoạt động của karma. Trong khi đó, Đức Phật nói rõ ràng rằng karma là hoạt động “đến như vậy” và “đi như vậy”. Ngài định nghĩa một cách rõ ràng và thấy rằng không một ai trong chúng ta có thể thoát ra khỏi phạm vi của karma. Tiếng Trung Hoa dịch hai từ “đến như vậy” và “đi như vậy” là như thị lai và như thị khứ. Như thị lai cũng bao hàm ý nghĩa pháp giới (dharmakaya). Như thị là như vậy. Như thị là như thị. Sự vật là như chúng là, trong bản thể của chúng. Nhưng một khi chúng ta đề cập đến cái toàn thể này như là một đối tượng, thì sự hợp nhất bị phá vỡ và sự phân ly hiện ra. Trong trạng thái hợp nhất, sự tĩnh lặng hoàn toàn trú ngự, ở đó không còn sự hiện hữu của cái ngã. Chúng ta không cần phải nói điều gì. Khi người con và người cha hoàn toàn riêng rẽ, giữa họ không có điều gì cần phải nói. Người con ở trong một trạng thái riêng rẽ rõ ràng với người cha, người con không cần phải gọi người cha. Người con đang thể hiện sự vô ngã của mình, đơn độc, tự tại. Khi người con riêng rẽ một cách rõ ràng với người cha, nó không cần gọi người cha. Nó đang hiển lộ sự trọn vẹn của mình nơi chính mình. Người cha cũng có thể nhận biết người con không thật sự cần gì đến mình, và ông có thể ở trong trạng thái “dừng nghỉ”. Trong trạng thái không tùy thuộc này, mặc dầu họ là hai cái khác nhau, họ không đối lập nhau, họ hiện hữu trong cùng một không gian. Nhưng nhìn từ một điểm nhìn rộng hơn, chúng ta cũng có thể coi đó là sự đối lập. Mặc dù có vẻ đối lập, họ không thật sự đối lập. Đó là trạng thái trong đó không có người nào còn cần thiết tìm cách khẳng định cái ngã của mình. Ở đó, cha và con hiện hữu riêng rẽ trong một trạng thái, và họ không quấy rầy nhau. Mỗi người đều tự trọn vẹn nơi chính mình. Trạng thái đó xuất hiện một cách chắc chắn, và khi xuất hiện, nó sẽ xuyên thủng và biểu lộ sự hợp nhất. Và rồi mọi thứ sẽ biến mất. Trạng thái mà trong đó chúng ta không còn dính mắc vào cái ngã chắc chắn sẽ xuất hiện. Phật giáo coi đó là cái ngã chân thật, tình yêu chân thật, là chân lý cứu cánh. Với thiền, ngôn ngữ không thể hiển bày chân lý cứu cánh. Chân lý đó hoàn toàn là con số zero. Trạng thái như thị lai - đến như vậy - là trạng thái mà một người thoát khỏi sự ràng buộc con người. Đó là sự biểu lộ hoàn toàn của “đến như vậy”. Chúng ta không còn là mẹ, cha hay con. Toàn thể vũ trụ trở thành một. Khi chúng ta kinh nghiệm trực tiếp được hoạt động “đến như vậy”, chúng ta sẽ được “dừng nghỉ” và tĩnh lặng. Dù nói bao nhiêu cũng không đem lại sự thỏa mãn và hạnh phúc chân thật. Chỉ khi nào chúng ta có được trạng thái siêu thoát, trạng thái “đến như vậy”, chúng ta mới có thể thỏa mãn và “dừng nghỉ”. Đó là tình yêu chân thật, là chân lý cứu cánh. Người cha được thỏa mãn. Người mẹ được thỏa mãn. Người con được thỏa mãn. Họ không thỏa mãn một cách riêng rẽ, nhưng toàn thể vũ trụ thỏa mãn. Đó là trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, trạng thái zero. Trong thiền, sự biểu lộ trực tiếp, sự chỉ thẳng là điều quan trọng. Nếu không thể trả lời lập tức cho người thầy, một người không thể gọi là đang thực hành thiền. Khi nhìn lên bầu trời, loại chỉ thẳng nào sẽ hiện ra? Có sự biểu lộ trực tiếp nào khi nhìn thẳng lên bầu trời? (Theo Shambala Sun)
Joshu Sasaki Roshi - Thị Giới dịch
(1) Một hôm Lý Thái Tông đến thăm, hỏi Thiền sư Thiền Lão trụ trì ở chùa được bao lâu và hàng ngày làm việc gì, Thiền Lão trả lời bằng hai câu kệ: Đản tri kim nhật nguyệt Thùy thức cựu Xuân Thu. (2) Mười hiệu của Đức Phật: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trương Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn. (3) Kinh Kim Cang: “Tu Bồ Đề! Nhược hữu nhân ngôn: Như Lai nhược lai, nhược khứ, nhược tọa, nhược ngọa, thị nhơn bất giải ngã sở thuyết nghĩa. Hà dĩ cố? Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”. (Nếu có người nói rằng: Như Lai có đến, có đi, có ngồi, có nằm, người đó không hiểu giáo pháp của Như Lai. Như Lai, không từ đâu đến, cũng không về đâu, nên gọi là Như Lai). (4) Kinh Kim Cang: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”. (5) Bát Bất: Bất sinh diệc bất diệt, bất thường diệc bất đoạn, bất nhứt diệc bất dị, bất lai diệc bất xuất. (Không sinh cũng không diệt, không thường cũng không đoạn, không cùng cũng không khác, không đến cũng không đi). (6) Khi đản sinh, Đức Phật buớc bảy bước trên bảy hoa sen, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Đó là sự hiển bày thế giới hoa sen, trong đó, mỗi sự vật là một đóa hoa, mỗi động tác, mỗi bước đi là sự nở ra của một đóa hoa. Trên trời, dưới trời, chỉ có bậc bước đi và dừng nghỉ đều trọn vẹn trong thế giới hoa sen, thế giới được trang nghiêm bằng hoa với pháp Hoa Sen vi diệu, mới là bậc tôn quý nhất.