Mỗi khi nói về Phật giáo Ấn độ và sự truyền bá Phật giáo ra các nước lân cận, chúng ta không thể không nhắc đến hoàng đế Asoka.
I.Dẫn Nhập
Mỗi khi nói về Phật giáo Ấn độ và sự truyền bá Phật giáo ra các nước lân cận, chúng ta không thể không nhắc đến hoàng đế Asoka. Vị hoàng đế này được ca tụng cho đến ngày hôm nay còn bởi một lý do khá đặc biệt khác là sự kiện ông từ một hoàng đế bạo tàn trở thành một vị vua ủng hộ hết mình cho một nền chính trị hòa bình và cai trị dân chúng bằng đạo đức nhân bản. Hai phần đời của một con người Asoka như hai thái cực, chính sự hồi tâm đặc biệt ấy đã làm cho không biết bao thế hệ cảm thấy khó hiểu và thắc mắc, kết quả là đã tạo ra nhiều huyền sử lung linh mờ ảo xung quanh vị hoàng đế ấy. Do đó, việc tìm hiểu về con người và sự nghiệp của Asoka trở nên khó khăn hơn. Khó khăn căn bản là nền sử học Ấn độ vốn không mấy đặt nặng việc ghi chép lịch sử, thứ nữa là thời đại của vị hoàng đế này cách chúng ta quá xa, đó là không kể đến sự thay ngôi đổi chúa và sự bất ổn trong nền chính trị toàn Ấn độ, đã ít nhiều tác động đến những văn bản lịch sử và chứng tích của Asoka, đồng thời còn rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nữa.
Hôm nay trình bày về đề tài này, người viết không mong ước gì cao xa ngoài việc tìm hiểu và chia xẻ với mọi người về vị hoàng đế nổi tiếng này. Đây là một đề tài khó, người viết căn cứ vào bản dịch của những bia ký và trụ đá, một số tác phẩm của Phật giáo Nam truyền cũng như một số bài viết về đề tài này ở một số tạp chí và trang điện tử, để hình thành lên nội dung sẽ trình bày dưới đây.II.Nội Dung
1) Asoka Trước Khi Quy Hướng Phật Giáo
a. Tiểu Sử
Trước khi đi vào bàn luận về thực hư chung quanh cuộc đời Asoka, thiết nghĩ chúng ta nên tìm hiểu một số điểm liên quan đến tiểu sử của vua Asoka.
Asoka là một hoàng đế cai trị một nước Ấn Độ rộng lớn nhất từ trước tới nay. Hiện nay, các học giả vẫn chưa thống nhất về niên đại Asoka thống nhất Ấn độ. Chúng ta chỉ biết ông sinh ra vào khoảng thế kỉ thứ III tr. TL, là cháu nội của đại vương Candragupta, vị vuakhai sáng ra vương triều Khổng Tước. Cha ông là Bindusara, mẹ là Asokavadana thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Ông lúc nhỏ tính tình hung bạo, không được vua cha yêu mến. Cũng có quan điểm cho rằng tướng mạo ông hơi xấu xí nhưng lại rất thông minh, và điều đó dẫn tới sự ganh tị trong anh em. Người anh cả Susima sợ em mình tài giỏi hơn sẽ ảnh hưởng đến quyền thừa kế sau này của mình nên đã bày kế để vua cha đưa Asoka lên Takasasila ở phía Tây Bắc Ấn. Ông là một người có tài thực thụ nên đã dẹp được sự nổi loạn ở Takasasila, oai danh ngày càng lẫy lừng, sau đó nghe tin vua cha băng hà, ông đã đem quân về Ma-kiệt-đà. Ông tốn rất nhiều công sức trong bốn năm trường để bình định mọi mâu thuẫn trong triều chính với sự giúp sức của những vị đại thần.
Theo truyền thuyết Phật giáo Nam phương, cụ thể là trong bộ luật Thiện Kiến quyển I, có để cập đến vấn đề ông có cả thảy 101 anh em, sau khi về thành, ông đã giết 99 anh em, trừ người em trai cùng mẹ. Nhưng theo chỉ dụ khắc trên đá, trong thời gian Asoka đang trị vì, vẫn còn anh chị em của ông.[1]Trong bia ký số V(Mansehra), liên quan đến vấn đề đưa các quan chức Dharma-Mahàmàtra, có nhắc đến việc đưa các quan này tới những vùng có người thân của vua: “Họ[Dharma-Mahàmàtra] cũng được bổ làm aliputra và tại các tỉnh thành bên ngoài, trong các hậu việc tại Pàt cung của các anh chị em ta và bất cứ nơi nào có thân nhân của ta sinh sống”.[2] Trong lịch sử không thiếu những việc anh em giết nhau để lên nắm chính quyền, nhưng nếu giết hàng loạt anh em như vậy thì quả là một điều hiếm thấy trong lịch sử. Hơn nữa, sự kiện này chỉ được lưu truyền ở Nam phương Phật giáo, và được mô tả khá cụ thể trong luật Thiện Kiến. Chúng ta biết rằng, việc đánh dẹp các vùng nổi loạn khắp nơi sẽ sát hại rất nhiều người. Vậy, sử truyện Nam truyền nêu lên sự kiện này có dụng ý gì khác hơn chăng? Hy vọng ở những đợt khai quật khảo cổ trong thời gian tới sẽ cho chúng ta nhiều bằng chứng cụ thể hơn về chuyện này.
Thiết nghĩ cũng cần nhắc qua lãnh thổ mà vị hoàng đế này cai trị. Lãnh thổ bấy giờ gồm toàn bộ Bắc Ấn Độ và một nửa Đại Hạ, phía Nam đến Án-đạt-la, phía Đông đến bờ biển, và lấy thành Hoa Thị làm thủ đô. Ông là người kế thừa sự nghiệp của ông nội Candragupta, và mở mang lãnh thổ rộng lớn hơn, đó cũng là nhờ các cuộc chinh phạt các nước nhỏ. Một điểm hơn các thế hệ đi trước là ông dùng chính sách hợp với quần chúng, giàu tinh thần từ bi , thúc đẩy các công trình công cộng, phúc lợi và y tế. Ông trở thành người nổi tiếng và có tầm ảnh hướng lớn lao đến ngày hôm nay, ấy là nhờ sự quy hướng Phật giáo, và nhất là tình cảnh tang thương của cuộc chiến Kakinga xảy ra tám năm sau khi ông lên ngôi, đã làm ông thay đổi hoàn toàn.
b. Những Cuộc Chinh Phạt
Việc thống trị trên một lãnh thổ rộng lớn như bấy giờ ấy là nhờ một phần ông thừa kế công lao của ông nội, cha ông và một phần công lao lớn của ông nữa. Phần đóng góp của ông đó là các cuộc bình định và chinh phạt trước và sau khi lên ngôi. Khi còn là một thái tử, ông rất có tài thao lược nên làm cho người anh cả ganh ghét, và Asoka từng bị ép đưa đi những vùng có chiến sự khốc liệt nhất. Nhưng cụ thể Asoka được đưa đi vùng nào, thì có nhiều ý kiến không đồng nhất. Có quan điểm cho rằng Taksasila là một nơi văn hóa phát triển, dân chúng an cư lạc nghiệp, đất đai trù phú, nhưng vì đường xá cách trở và xa Ma-kiệt-đà nên thường hay nổi loạn, do đó vua phải chọn những thái tử tài ba để đến đó dẹp loạn. Thứ nữa là thành Ujjayani thuộc Tây Ấn, là một địa điểm trọng yếu giao thông với các nước phương Tây. Trong hai địa điểm trên, ông được giao trọng trách ở vùng Bắc Ấn, còn Tây Ấn ông giao cho các thuộc hạ.[3]Cũng có quan điểm cho rằng, ông được đưa đi hai vùng nổi loạn như vừa nêu ở trên là do người anh cả lập mưu như vậy. Thật khó xác định được ý kiến nào là đúng, chúng ta chỉ biết rằng, ông là một con người bất bại trên chiến trường, có thể ông đã từng dẹp những cuộc nổi loạn nhỏ, tài quân sự của ông lộ rõ nên những anh em mới hiềm khích với ông.
Tiếp theo là cuộc chiến đẫm máu ở Kalinga sau khi ông lên ngôi được 8 năm. Đây là một vùng thuộc phía Đông Ấn, nay là Orissa. Kalinga là nơi có nền kinh tế và chiến sự rất mạnh, do đó ông gặp phải một sự đối kháng rất mãnh liệt ở vùng này, kết quả là giết hại 10 vạn người, bắt làm tù binh 15 vạn. Có người đặt nghi vấn rằng, sở dĩ vua tiến đánh Kalinga là do đây là cứ điểm của phiến quân chống lại triều đình do anh đầu của vua là Susima. Luật Thiện Kiến quyển I có chép, là sau bốn năm trời vua đã giết hết tất cả các anh em, chỉ còn để lại người em cùng mẹ thôi, nên sự kiện này cũng chưa hẳn là đúng.
Muốn lãnh đạo và thống trị một vương quốc lớn như vậy tất nhiên sẽ không tránh khỏi những cuộc đánh dẹp các vùng nổi loạn, do đó việc nêu lên ba sự kiện được nhiều sử sách nhắc đến ở trên, không phải muốn chứng minh Asoka chinh phục các vùng ấy như thế nào, mà chính là nêu ra hai khoảng đời trước và sau khi ông lên ngôi để chúng ta thấy rằng có một nguyên nhân âm ỉ nào đó đã thúc đẩy sự chuyển đổi đột ngột ở vị hoàng đế được mệnh danh là “bạo chúa” này. Chiến tranh là phải có cảnh đổ máu, Takasasila và Kalinga đều là hai vùng biên cương có quân sự hùng mạnh nên sự thiệt hại về vật chất và tinh thần là rất lớn. Nhưng tại sao phải đợi đến sau khi xảy ra cảnh thương tâm trong cuộc chiến ở Kalinga, Asoka mới chuyển tâm hướng thiện? Mọi người có thể đặt giả thiết rằng do Ấn Độ đã được thống nhất rồi nên vua mới quyết dứt bỏ đồ đao để sám hối, hoặc là do đến cuộc chiến cuối cùng này, vua cảm thấy tội lỗi của mình đã chồng chất quá nhiều nên cần phải chấm dứt. Vâng, chúng ta có thể đưa ra nhiều giả thiết nữa, song điểm đáng chú ý là nguyên nhân vua hồi tâm chuyển ý, từ đó thực hiện một nền chính trị đạo đức và rất nhiệt tâm trong việc ủng hộ Phật giáo, đó là điểm mấu chốt quan trọng mà chúng ta cần phải tìm hiểu.
2) Asoka Sau Khi Quy Hướng Đạo Phật
a. Tâm Tình Của Asoka Sau Cuộc Chiến Đẫm Máu ở Kalinga
Đoạn trên chúng ta có đề cập đến việc chuyển hóa kỳ diệu ở Asoka, và đó là sự chuyển hóa toàn diện ở vua sau cuộc chiến ở Kalinga. Trong bia ký XIII(shahbaxgarhi) có ghi cụ thể về tâm tình của Asoka như sau:
Sau khi chinh phục xứ Kalinga, đức Thánh thượng Priyadarśì, nguời con yêu quý của các thần linh, đã thực hành Chánh pháp, yêu quý Chánh pháp và giảng dạy Chánh pháp. Đức Thánh thượng cảm thấy hối tiếc việc chinh phục Kalinga vì đã gây ra cảnh tàn sát, chết chóc và đày ải khổ đau và đáng thương tâm cho dân chúng một xứ sở độc lập.
Sự kiện đầu tiên mà bản khắc văn nêu lên là sau khi chinh phục xứ kalinga, vua đã thực hành Chánh pháp và truyền bá Chánh pháp. Điều thứ hai là vua rất hối tiếc về cuộc chiến này vì đã gây ra cảnh máu chảy đầu rơi, đày ải khổ đau binh lính và dân chúng. Vậy đâu là nguyên nhân đưa đến sự thay đổi ở Asoka? Nguyên nhân về cảnh tang thương ở Kalinga chưa đủ để giải thích vấn đề này. Thật ra vấn đề tâm tình và quyết định hướng thiện của Asoka sau cuộc chiến tranh cuối cùng này là thành quả của cả một quá trình chuyển hóa tâm lý trong con người của ông.
b. Cơ Duyên Đến Với Đạo Phật
Ông nội của ông là người sùng tín Bà-la-môn, lúc đầu ông cũng tín ngưỡng đạo này. Trong Luật Thiện Kiến có chép mấy dữ liệu khá lý thú, trước tiên là sự kiện ông là người tín ngưỡng Bà-la-môn cho nên rất nhiệt tâm cúng dường vật dụng cho tu sĩ đạo này, tuy nhiên vua cảm thấy họ đi đứng không oai nghi, tụ tập thì không có nề nếp, do đó ông hơi bị thối tâm. Cũng trong bộ luật này, ở quyển thứ II có nhắc đến việc xuất gia của người em lúc ông lên ngôi được bốn năm. Ở dữ kiện thứ hai này, có chép việc em nhìn thấy loài vật ăn cỏ mà còn dục tính huống hồ là các thầy Tỳ kheo Tăng trong chùa, và vua đã trách em mình, sau đó nhân một sự việc bất hòa giữa hai anh em, Asoka bắt em làm vua rồi dọa sẽ giết sau ngày thứ bảy. Thật ra, việc này là một bài học mà Asoka muốn dạy cho em mình, chúng ta còn thấy trong cuộc đối thoại giữa hai anh em, những lời khuyên và nhận định của ông về đạo Phật đã hé mở cho chúng ta sự am hiểu của ông về đạo Phật.
Theo Truyện A-dục vương 1 thì vua nhờ Tỳ kheo Hải nên quy Y; Luật Thiện Kiến quyển 1 thì chép sự kiện Asoka nhìn thấy Sa di Nigrodha, nguyên là cháu trai của ông, sau đó ông cúng dường và hỏi pháp với vị Sa di này. Vua được Sa di A-la-hán dạy cho một bài kệ trong phẩm Phóng Dật ở kinh Pháp Cú. Trong Bia ký I (Brahmagiri), vua có nói rằng hơn hai năm rưỡi ông làm một cư sĩ nhưng không nổ lực nhiều, nhưng sau đó một năm đã có nhiều sự nổ lực, gần gũi chư tăng. Sự kiện này cho thấy vua rất nổ lực để thành một người cư sĩ chân chính. Từ Điển Phật Học Huệ Quang tập 1 có ghi: “trong chương 8 của chỉ dụ khắc trên vách đá lớn, ta thấy vua trở thành Ưu-bà-tắc vào khoảng năm thứ 7 sau khi lên ngôi”. Kiểm tra lại ở bia ký số XIII (Shahbazgarhi), chúng ta chỉ thấy nhắc đến dữ kiện vào năm thứ 10 sau khi lên ngôi, vua đến chiêm bái chỗ đức Phật đã giác ngộ. Qua những dữ kiện trên, chúng ta có thể kết luận rằng, trước khi vua tiến hành cuộc chiến ở Kalinga, ông đã là một người Phật tử rồi, nhưng có lẽ ông chưa thật sự thấm nhuần Phật pháp. Bia ký số I nói vua đã nổ lực để trở thành Phật tử chân chánh sau khi lòng của ông đã hướng về Phật giáo sau cuộc thảm sát. Điều này cũng chứng minh thêm rằng, sau cuộc chiến mà ông còn phải nổ lực để thực hành chánh pháp thì huống hồ là trước khi cuộc chiến xảy ra? Là một Phật tử nhưng ông đã tiến hành một cuộc chiến tàn sát hằng vạn người, cũng có lẽ cuộc chiến này không đơn thuần là ông muốn xảy ra như vậy, cũng có thể là đã có thương lượng nhưng không thành công, và quân đội hùng mạnh của ông đã đi quá xa những gì ông muốn. Thiết nghĩ, ông chỉ muốn bình định vùng này thôi, song mọi việc xảy ra ngoài dự đoán và sức tưởng tượng nên ông cảm thấy rất hối hận, ở đây lòng ăn năn của một người Phật tử ít nhiều có am hiểu và thấm nhuần lòng từ bi, mặc dù chưa thuần thục lắm, đã làm nên một sự thay đổi lớn lao ở ông. Trên đây là phác thảo quá trình đi đến đạo Phật của Asoka theo một số dữ liệu tin cậy, quá trình ấy càng chứng minh sự nhiệt tâm thực hiện chính trị nhân từ và lòng hộ đạo của ông không phải là suy nghĩ nhất thời, nó được ươm mầm, trải qua một thời gian thử thách trước bão táp cuộc đời, rồi sau đó mới trưởng thành và đơm hoa kết trái. Một cây cổ thụ khi đã trải qua thử thách rồi thì nó sẽ kiên cường hơn, cứng cáp hơn, đó cũng là lập trường mà Asoka đã thực hiện sau biến cố Kalinga. Lập trường đó đã đưa đến những thành quả vĩ đại được lưu truyền muôn thuở và e rằng khó một ai sau này có thể làm được những điều như ông đã làm cho quốc gia của ông cũng như thế giới.
3) Sự Nghiệp Của Asoka
a. Di Chỉ Bia Ký Trụ Đá
Sau khi quy hướng Phật giáo, ông đã ban hành nhiều chính sách về tôn giáo, văn hóa xã hội, y tế, ngoại giao… sự nghiệp của ông quá lớn, quá vĩ đại cho nên huyền thoại và truyền thuyết về ông khá nhiều. Mọi người quá tôn sùng công lao vĩ đại của ông, cho nên hình ảnh về ông đôi lúc đã vượt quá thực tế, đó là một điều khó khăn cho những người muốn tìm hiểu ông. Lâu nay chúng ta được biết nhiều về người phật tử nhiệt tâm này là nhờ Đại Sử và Đảo Sử của Tích Lan, lý do của sự lưu dữ văn kiện lịch sử về nhân vật vĩ đại của Ấn Độ thời bấy giờ là do ông có công lao đối với sự xiển dương đạo Phật qua nước Tích Lan. Do công lao đó, cộng với sự nhiệt tâm của những người mang ơn ông, nên khó tránh khỏi những vấn đề thần thánh hóa ông. Cũng may sau này người ta đã phát hiện ra được những trụ đá và văn ký của ông nên chúng ta mới có cơ hội hiểu rõ về lai lịch và sự nghiệp của ông nhiều hơn. Cho nên, trụ đá của Asoka để lại có một giá trị rất lớn. Người đầu tiên có công phát hiện ra những trụ đá là vua Hồi giáo Firoz Shai, ông đã tìm ra những trụ này vào những năm 1356. Kế đó là công của Thượng úy Hoare thuộc toàn quyền liên hiệp Anh ở Đông Ấn, rồi sau đó là công nghiên cứu của Prinsep.[4]Ngoài những trụ đá còn có các bài chỉ dụ khắc trên những vách đá, và nội dung viết nhiều về sự khuyến khích của Asoka về thực hiện lòng nhân từ, các thông điệp về ngoại giao, bên cạnh đó có một nội dung khá lớn viết về vấn đề chiêm bái các Phật tích, vấn đề tôn giáo.v.v…Văn tự dùng để khắc là ngôn ngữ Prahmi, và một số ngôn ngữ địa phương khác. Ở đây chỉ giới thiệu sơ qua những trụ đá vá khắc văn trên những hang động như vậy thôi, còn chi tiết về nội dung đã được trích dẫn cụ thể trong một số dẫn chứng ở các chương của bài viết này.
b. Xây Dựng Một Nền Chính Trị Nhân Từ
Asoka kế thừa cơ nghiệp của của tổ tiên, thống nhất một quốc độ rộng lớn, ấy cũng là cơ nghiệp xán lạn của ông, nhưng điều làm cho Asoka lưu danh muôn thuở là nhờ ông đã thực hành một nền chính trị rất nhân từ. Trong Đại Đường Tây Vức Ký của ngài Huyền Trang có ghi lại một số điều liên quan đến sự cai trị hà khắc của Asoka trước khi trở về với đạo Phật, Ngài Huyền Trang kể rằng: Phía Bắc của cố cung, vua cho xây một địa ngục ngay khi tức vị. Trong địa ngục đó có đao kiếm hầm lửa, do những người hung bạo làm chủ ngục, và nơi này được xem là địa ngục trần gian. Mới nghe qua sự diễn tả của ngài Huyền Trang không thôi, chúng ta cũng cảm thấy ớn lạnh cả người. Câu chuyện có vẻ như là một huyền thoại, song trong đó cũng ẩn chứa nhiều yếu tố khá thực, bởi lẽ có ngục tù của chiến tranh nào mà nhân từ với tù nhân bao giờ. Dầu có một ít gì đó có thể là hư cấu, nhưng việc vua đã dẹp bỏ được địa ngục ấy để thiết lập một quốc độ mà mọi người dân được sống hạnh phúc an vui, càng nâng cao giá trị sự nhân từ mà ông làm sau này.
Trong bia ký II (Brahmagiri) có ghi rằng: “Tất cả mọi người phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, phải tôn trọng sự sống, phải nói lời chân thật. Hết thảy mọi người cần phải thực hành và khuyến khích các đức hạnh cao quý này. Cũng vậy, học trò cần phải tôn kính thầy và phải xử sự đúng đắn với thân bằng quyến thuộc. Đây là đạo lý truyền thống khiến được sống lâu”. Mặc dầu những điều này không phải là những đạo lý cao siêu, sắc dụ xuất phát từ một người được xem là bạo chúa, cai trị rất hà khắc, nhưng khi hiểu ra lẽ đạo, đã quyết tâm cải thiện, đó là điều mà chúng ta cần trân trọng. Điều đáng quý nhất ở ông là tự bản thân thực hiện sự từ bi, kính trọng những bậc trưởng thượng, chứ không phải ông nói suông. Bia ký I (Shahbazgarhi) ghi rằng: “Trước đây, trong nhà trù của Hoàng gia, hàng trăm ngàn sinh vật bị giết mỗi ngày cho mục đích ẩm thực. Nhưng nay, khi đạo dụ này được ban ra, chỉ có ba sinh vật bị giết thịt, hai con công và một con nai, nhưng nay thì không thường xuyên. Ngay cả ba sinh vật này về sau sẽ không còn bị giết thịt nữa”. Ông không những ban rải lòng từ đến loài người mà còn đến cả loài vật nữa, để cắt giảm việc giết hại, rồi đi đến thực hiện trai tịnh, ông còn ra chỉ dụ không được hại sinh vật để tế lễ. Đồng thời thành lập những nhà thương cho cả người và vật, xây dựng các giếng nước công cộng trên các trục lộ, nhân giống thêm nhiều cây thuốc quý để chữa bịnh cho người và vật.
Cần nói thêm về việc điều hành bộ máy nhà nước, Asoka rất nhiệt tâm với công việc thực hành nền chính trị đạo đức, ông ngại rằng các quan thừa hành không hiểu hết chỉ dụ và làm đúng như lời ông nói do đó ông cho khắc lên các trụ đá những lời của ông để các quan làm theo. Điểm quý nữa là ông còn sợ trong việc thi hành luật pháp và điều hành có chuyện gì sơ xuất nên ông ra lệnh bất cứ điều gì thì phải báo cho ông hết: “vào mọi lúc, khi ta đang ăn, đang ngủ, đang ở hậu cung, đang ở các trại chăn nuôi, đang ở chỗ thuyết giáo, đang vui chơi hay bất kỳ ở đâu, các quan lại có trách nhiệm khấu trình (Prativedaka) phải trình báo cho ta mọi việc liên quan đến nhân dân. Ta phải giải quyết mọi vấn đề của dân ở bất cứ nơi đâu”. Ông còn quan niệm rằng, trách nhiệm thiêng liêng của ông là thúc đẩy sự lợi ích của cộng đồng, và ông làm việc này là để trả xong món nợ cho chúng sanh. Chẳng những vậy, đối với những người lỡ gây lỗi lầm,ông cũng có một cách xử sự rất đặc biệt: “ngài sẵn sàng tha thứ cho những ai phạm sai lầm trong trường hợp đáng tha thứ. Ngay cả đám lục lâm thảo khấu nằm trong vương quốc của ngài, đức Thánh thượng cũng ra sức thuyết phục chúng trở về con đường lương thiện, để chúng thấy rõ sức mạnh ăn năn của ngài mà thấy xấu hổ về các hành vi phạm pháp của mình và tránh được sự trừng phạt của pháp luật”. Roi vọt không hẳn đã giáo dục cho một đứa bé ngoan hơn, hình phạt bao giờ cũng có mặt trái của nó, điều quan trọng là làm cho đương sự hiểu rõ sai lầm và khuyến khích hướng thiện. Lúc xưa đức Thế Tôn có nói đến hai hạng người mạnh nhất đó là một người không bao giờ gây nên lầm lỗi, và hạng thứ hai là đã gây ra tội lỗi nhưng biết ăn năn phục thiện. Rõ ràng trong luật pháp của ông nghiêng về điều thứ hai, ai mà không có lúc phạm lỗi lầm, nhưng cũng không phải dễ để họ có thể phục thiện nếu không có một đường lối đúng đắn. Tạo điều kiện và cơ hội để cho con người biết tu tỉnh, biết hối cải đó mới là một chính sách nhân từ. Điều này ông cũng không nói suông, và ông thực hành rất tuyệt vời mà ngay thời đại văn minh ngày nay cũng chưa chắc đã sáng suốt và nhân bản như ông “Vì ta mong pháp luật luôn đi đôi với công lý, ta chỉ thị rằng đối với những phạm nhân đã được tuyên án tử hình, họ được nhận ba ngày ân huệ. Trong thời gian nhận ân huệ này, dù thân nhân các phạm nhân hoặc yêu cầu các quan chức Ràjùka xem xét mức án của họ hoặc không yêu cầu, các phạm nhân sẽ được tạo điều kiện để thực hành bố thí hay ăn chay để được hưởng lợi ích đời sau ngay sau khi kết thúc ba ngày ân huệ, cuộc sống đạo đức được phát triển, song song với sự tự chế và bố thí cho mọi người”(Trụ đá IV). Chính bản thân Asoka là một người tội lỗi cho nên ông rất hiểu tâm lý của người lỡ phạm tội. Những điều công ích và sự nhiệt tâm của ông đối với toàn thể dân chúng quả là một điều vĩ đại, song điều mà Asoka tâm đắc nhất lại là điều khác:
Dọc theo các đường lớn, các loại cây đa phải được trồng tạo bóng mát cho người và súc vật, các vườn xoài phải được thành lập, các giếng nước phải được đào cách nhau vài ba dặm, các nhà nghỉ phải được xây dựng; các trạm cung cấp nước phải được thành lập chỗ này chỗ kia để phục vụ tiện ích cho người và gia súc. Tuy nhiên đây chỉ là các lợi ích nhỏ nhặt mà chư vị hoàng đế tiền nhiệm và chính ta đã làm vì hạnh phúc của nhân dân. Lợi ích lớn lao hơn mà ta đã làm ấy là giúp cho quần chúng thực hành Chánh pháp.(trụ đá VII)
Vâng, thực hành chánh pháp là vấn đề mấu chốt mà ông đã theo đuổi đến cuối cuộc đời, và một câu nói bất hủ chúng ta học được ở ông là: “chiến thắng cao cả nhất là chiến thắng lòng người bằng đạo đức nhân ái”. Kết quả cuối cùng của nền chính sách nhân từ là ông và quốc dân hình như đã đi thực hành sự trai tịnh thực sự, cụ thể là năm thứ 26 sau khi lên ngôi, ông đã ban bố rằng:
Ta ban điều luật ngăn cấm sát hại các loài vật như vẹt, cò, ngỗng, loài chim sống ở nước, loài sếu, các loài dơi, ong, kiến, ba ba, tôm, lươn, cá aka, cá skate, rùa, nhím, sóc, bò, trâu, các loài vật sống trong nhà như chó, mèo, chuột, các loài tê giác, bồ câu trắng, bồ câu nội địa, và tất cả loài thú bốn chân. Con người cũng không được giết hại các loài dê cái, cừu cái và lợn cái đang mang thai hay có con nhỏ, không được thiến gà, không được thiêu hủy các loại vỏ trái cây có mầm sống bên trong, không được đốt rừng, không được dùng sinh vật để nuôi sinh vật. Cá không được giết và không được bày bán vào các ngày mười bốn, ngày rằm và ngày mồng một, cũng như vào các lễ húy tôn giáo. Cũng vậy, các loại trâu đực, dê đực ,cừu đực, cùng các loại súc vật khác không được thiến vào các ngày mồng tám, mười bốn, ngày rằm, các ngày Tis Punarvasu, các ngày trăng tròn trong năm và các ngày lễ tôn giáo. Vào yà và Punarvasu cũng như vào các ngày trăng tròn,,việc đóng móng ngựa và móng bò không được tiến hành.(Trụ đá V)
c. Vận Động Nền Chính Trị Bang Giao Hòa Bình
Asoka đã một người bất bại trên chiến trường, và chiến công lẫy lừng nhất là chiến thắng được chính bản thân ông, chiến thắng được lòng tham, sân, si, đố kị, hiềm khích. Ông đã lập một chiến công khác không phải bằng gươm đao mà là bằng giáo pháp, để rồi từ đó bánh xe chánh pháp cứ luân chuyển mãi từ vùng này đến vùng khác, đến những quốc gia lân cận, bánh xe pháp được đề cập đến đây là không những là những giáo lý đạo đức nhân từ mà còn là những chủ trương thi hành một sự bang giao hòa bình giữa các nước:
“Khắp nơi trong vương quốc của đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, và tại các lãnh địa như Cholì, tại xứ sở vua Hy Lạp Antiocho) Satiyaputra, Keralaputra, Tàmraparn và tại các xứ sở các vị vua láng giềng của vua Hy Lạp Antiocho- khắp các nơi ấy, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, đã cho xây dựng hai loại hình trị liệu-chăm sóc y tế cho người và trị liệu cho thú vật”(Bia ký II, Girnar).
Bia ký này cho chúng ta thấy tinh thần đạo đức vị tha Phật giáo lan khắp ở các nước lân cận thông qua sự ngoại giao của các sứ thần. Bên cạnh đó, ông còn xác định lập trường rõ ràng để các nước tin tưởng ở tính chất hòa bình trong đường lối ngoại giao cũng như thông thương của ông: “Các quốc gia biên giới chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này: Nhà vua này muốn gì ở chúng ta? Mong muốn duy nhất của ta đối với các quốc gia này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ mà hãy tin tưởng ở ta, rằng họ sẽ nhận được hạnh phức từ ta chứ không phải khổ đau, và họ cần hiểu thêm rằng ta sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp họ thực hành Chánh pháp (Dharma) để được lợi ích đời này và đời sau”.(Bia ký II, Jaugad, Kalinga). Một ông vua từng có tiếng là hung tàn, giờ này thi hành một chính sách quá ư nhân từ như vậy, tất nhiên các nước lân bang sẽ nghi ngờ. Biết đâu ông có dụng ý gì chăng? Đó là điều mà người lãnh đạo của bất kỳ một quốc gia nào cũng phải suy nghĩ. Đoạn văn bia ký II(Girnar)vừa trích ở trên hé mở cho chúng ta thấy rằng, ông đã có một mối bang giao khá tốt với các nước láng giềng, bằng chứng là ông đã xây hai loại hình y tế chăm sóc cho người và vật ở các nước ấy. Sự chấm dứt chiến tranh, khuyến khích hạn chế sát hại sinh vật vô tội, khuyên con người ta thực hành đạo từ bi, và rất nhiều chính sách nữa, đã không khiến cho quốc gia ông lãnh đạo trở nên yếu hèn nhu nhược, ngược lại trong nước giặc giả bớt, vua cũng không phải bận tâm nhiều đến việc thân chinh dẹp giặc, và cao quý hơn nữa là ông khiến mọi người tin rằng lòng từ bi có thể thắng hung tàn, chỉ có sự tha thứ, chấm dứt thù hận mới có thể cắt đứt được oán kết dài lâu. Ông có thể được gọi là người tiên phong đề xướng nền hòa bình thế giới, và ông đã gặt hái khá nhiều thành công, đáng tiếc là chủ trương đó không mấy ai theo nổi. Không ai theo nổi không phải vì chính sách đó không tưởng mà là vì con người ta không quyết tâm làm mà thôi.
d. Sự Đóng Góp Cho Đạo Phật
Trong đoạn trước chúng ta có nhắc đến vai trò quan trọng của những trụ đá và khắc văn, chính những di chỉ khảo cổ ấy đã minh chứng cho các nhà khoa học, học giả nghiên cứu trên thế giới về sự thật lịch sử của đức Phật, kể từ đó các nhà học giả đã có một thái độ tích cực hơn về đạo Phật. Đây là một trong những đóng góp quan trọng của Asoka đối với Phật giáo, sau đây chúng ta lần lượt tìm hiểu thêm một số đóng góp cụ thể của ông.
Sách Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ của Will Durant đã nhân xét thái độ tôn giáo của ông như sau: “những sắc lệnh đó rõ ràng chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nhưng hình như không có khuynh hướng tôn giáo(….) nhưng không có đoạn nào trong các sắc lệnh bảo dân phải thờ phụng một vị thần nào cả, chẳng những vậy, ngay đến Phật, cũng không bắt dân phải thờ nữa”.[5] Nhận xét của Will Durant rất xác đáng, ông thừa nhận Asoka không hoàn toàn ủng hộ riêng cho Phật giáo mà còn ủng hộ cho các giáo phái khác nữa, điều này không có gì lạ vì người Phật tử vốn không có đầu óc kỳ thị tôn giáo, hơn nữa còn tạo yếu tố gắn kết với các tôn giáo khác, chính yếu tố này hình thành khối đại đoàn kết dân tộc, đưa tới sự phú cường và phát triển của đất nước. Điều này đã được chứng minh hùng hồn ở nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn như đạo Phật ở nước Việt đã giúp cho những triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần chống ngoại xâm và xây dựng đất nước phú cường.
Bài văn ở Bia ký XII,(Girnar) chép rằng: “Đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, tôn trọng hết thảy mọi giáo phái, dù là hạng tu sĩ xuất gia hay tại gia cư sĩ; ngài bày tỏ lòng tôn trọng bằng cách tặng quà và cúng dường các vật dụng cho thành viên các giáo phái. Nhưng đức Thánh thượng không xem các tặng vật và lòng kính trọng bề ngoài ấy là quan trọng bằng sự phát huy cái bản chất chủ yếu của mọi giáo phái”. Ở một đoạn kế ông có đúc kết một câu rất quan trọng: “Do đó, hoà hợp tôn giáo là điều đáng ca ngợi”. Ông đưa ra lời giải thích là sự đề cao giáo phái mình và bài xích đạo khác không những làm tổn thương đến đạo khác mà còn hại đến đạo mình, nên sự tôn trọng giữa các giáo phái sẽ giúp nhau phát triển. Trong rất nhiều đoạn chỉ dụ được khắc lên đá ông thường khuyên mọi người nên tôn trọng và cúng dường Sa môn và Bà-la-môn, rồi trong bia ký ở hang động cũng nhắc đến sự kiện ông hỷ cúng các hang động ấy cho giáo phái Ajivika. Nếu phát hiện thêm nhiều văn ký nữa, biết đâu sẽ ghi những sự hỷ cúng của ông cho những giáo phái khác nưa? Những phát hiện ở thời điểm hiện tại cũng đủ nói lên sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của Asoka “Ta cũng bổ nhiệm các quan chức này[Dharma-mahàmàtra] để lo công việc của Tăng già, tương tự họ được giao trách nhiệm lo các vấn đề liên quan đến các tu sĩ Bà-la-môn, các tu sĩ phái Àjìvika và các tu sĩ phái Kỳ Na. Trước đây các quan chức cao cấp (Mahà-màtra) đã được biệt phái phục vụ các giáo phái. Nay ta bổ nhiệm các quan chức Dharma-mahàmàtra để họ phục vụ tất cả mọi giáo phái”(Trụ đá VII).
Asoka không thiên vị tôn giáo, ông dung thông tất cả, trong đó ông ủng hộ cho Phật giáo nhiều nhất đó là một sự đóng góp gián tiếp cho hình ảnh của đạo Phật với các tôn giáo khác. Trong bia ký và những truyền thuyết ở Phật giáo phương Nam có nhắc đến nhiều dữ kiện về sự đóng góp cụ thể của ông cho đạo Phật. Đầu tiên là cơ sở vật chất Asoka hỷ cúng cho Phật giáo, đó là sự kiện ông xây 84.000 ngôi chùa và 84.000 tháp. Ở trụ đá II(Nigliva), có chép rằng: “Mười bốn năm sau khi lên ngôi, đức Thánh thượng Priyadarśì, người con yêu quý của các thần linh, cho mở rộng gấp đôi ngôi bảo tháp tôn thờ đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Konàkamana) và hai mươi năm sau khi đăng quang, đức Thánh thượng ngự giá chiêm bái ngôi bảo tháp và cho dựng một trụ đá tại đây”. Đoạn văn này ghi hai lại hai sự kiện vào hai thời điểm cách nhau sáu năm, đầu tiên là cho mở rộng ngôi bảo tháp thờ Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, sau đó khoảng một thời gian lại cho xây thêm ở đây một trụ đá. Hai sự kiện này xảy ra trước và sau khi ông ủng hộ cuộc kiết tập kinh điển vào năm thứ 17 sau khi ông lên ngôi. Ở những di chỉ chúng ta tìm được chỉ nhắc đến việc ông xây xựng cơ sở cho Phật giáo khi lên ngôi được 14 năm. Vậy phải giải thích sự kiện xây 84.000 chùa và 84.000 tháp như thế nào? Nhưng công trình ông làm cho Phật giáo không phải là ít, hơn nữa chỉ được ghi chép lại trong Luật Thiện Kiến mà thôi, điều đó đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ tính xác thực của nó. Phật giáo thường nói rằng, trong đạo Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, cũng có thể do đây mà Asoka phát tâm xây dựng chăng? Đã có một ông vua bên Tàu là Lương Võ Đế đã từng học theo hạnh nguyện của Asoka để xây dựng đạo Phật tại nước này, ông cũng phát tâm xây rất nhiều chùa tháp, cho nên công nghiệp xây dựng của Asoka càng được mọi người tin tưởng hơn.
“Nhưng đức Thánh thượng không xem các tặng vật và lòng kính trọng bề ngoài ấy là quan trọng bằng sự phát huy cái bản chất chủ yếu của mọi giáo phái”(bia ký XII, Girnar), ông cho rằng sự phát huy cái bản chất của mỗi tôn giáo mới là điều đáng quan tâm hơn, và ông đã thực sự góp phần vào công cuộc thanh lọc những phần tử làm ô uế chốn thanh tịnh, cụ thể là làm hoen ố đạo Phật. Trong các đạo dụ ngắn ở Trụ đá I(Sarnath), trụ đá II(Kauśàmbì), trụ đá III (Sàñchì), ông ban cùng một sắc lệnh là bất cứ ai, Tăng hay Ni, nếu làm phá hòa hợp Tăng già sẽ bị bắt buộc mặc áo trắng và trục xuất khỏi Tăng già. Đây là một sự đóng góp rất quan trọng của ông trong sự nghiệp trường tồn của đạo Pháp, vì giới luật còn là Phật pháp còn, nếu mất đi sự uy nghiêm trong giới luật thì dù hình thức bên ngoài có phát triển thế nào đi nữa cũng không phải là điều mà đức Phật mong muốn. Cho nên, mấu chốt về sự nhiệt tâm ủng hộ của Asoka trong những sắc lệnh làm trong sạch hàng ngũ Tăng già là lý do để hình thành nên cuộc kết tập kinh điển lần thứ III
Theo sử Nam truyền thì đợt kết tập thứ III vào khoảng 200 sau Phật nhập diệt, được diễn ra tại Pataliputra, nay là thủ phủ bang Bihar. Thời gian kết tập khoảng 9 tháng, do tôn giả Mục Liên Đế Tu chủ trì cùng với sự hiện diện của 1000 tôn giả A-la-hán. Kết quả là hình thành trọn vẹn ra ba tạng thánh điển Kinh, Luật, Luận. Một tác phẩm khác cũng hình thành trong thời gian này là là bộ Thuyết sự(Kathavathu) do ngài Đế Tu thực hiện, đây là bộ Luận Tạng quý giá của Phật giáo Nam truyền. Nguyên nhân chủ yếu là do ngoại đạo thấy Asoka rất nhiệt tâm đối với Phật giáo nên đã trà trộn vào giáo đoàn Phật giáo. Họ gia nhập giáo đoàn nhưng vẫn giữ truyền thống tư tưởng giáo phái của mình. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là khi nhà vua đưa ra sắc lệnh yêu cầu chư Tăng phải thực hành lễ bố tát, song các vị tôn túc không chịu bố tát vì thấy còn sự hiện diện của ngoại đạo, không đủ thanh tịnh để tiến hành yết ma. Do sự kháng chỉ ấy mà các quan thừa hành của hoàng đế Asoka đã giết rất nhiều Tỳ kheo, nhân sự kiện ấy mà vua càng cảm thấy ăn năn hối hận. Vua không biết mình có tội hay không, nên đến hỏi chư Tăng nhưng lại nhận được nhiều câu trả lời bất nhất khiến lòng vua càng hoang mang hơn. Sau đó mọi người hướng dẫn vua đến cầu thỉnh với ngài Mục Liên Đế Tu, kết quả là vua nhận được câu trả lời thích đáng và không lo sợ về tội lỗi của mình nữa, nhơn cớ sự ấy mà vua ủng hộ cuộc kết tập lần thứ III do ngài Đế Tu chủ xướng. Một điều làm cho người viết thắc mắc là vấn đề các vị tỳ kheo thời ấy không giải quyết được sự day dứt tội lỗi của vua, trong khi vấn đề chỉ gói gọn trong sự việc như vừa nêu ở trên. Câu trả lời của các vị Tỳ kheo đều bất nhất, tại sao trong đợt kết tập có được 1000 vị A-la-hán nhưng ngay lúc ấy lại không có một vị nào có thể làm lòng vua được an cả, mà phải đợi đến ngài Đế Tu giải thích mới chấm dứt sự băn khoăn của vua?. Hiện tại còn nhiều vấn đề bất ổn trong cách giải thích của sử Nam truyền, và nhiều học giả đã nghi ngờ về sự tôn nghiêm của đợt kết tập lần thứ III này. Theo thiển ý của người viết, chỉ một việc ra các sắc lệnh sa thải các phần tử bất hảo, bắt họ hoàn tục bận áo trắng, được ghi lại trong các di chỉ khảo cổ tìm được cũng nói lên tầm vóc quan trọng của sự việc đối với sự trường tồn của đạo pháp rồi. Bởi lẽ để quyết định ai là người đủ tư cách ở lại trong giáo hội, tất nhiên các vị trưởng lão phải tổ chức một hội đồng khảo nghiệm lớn để tiến hành công việc.
Ngoài ra, một sự việc khá quan trọng khác là dưới sự bảo trợ của Asoka, rất nhiều phái đoàn đi đến các nước để ngoại giao và truyền bá giáo pháp do ông chủ xướng với sự ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo. Sự việc người con trai Mahinda, và con gái Sangmitta của Asoka đã sang Tích Lan truyền đạo, cũng như cây bồ đề hiện còn ở Tích Lan là một trong những minh chứng cho những phái đoàn đem Phật giáo đi khắp các lãnh thổ lúc bấy giờ.
III.Kết Luận
Asoka là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử của Ấn Độ, là một người Phật tử nhiệt thành có công đóng góp cho bánh xe Pháp được lưu truyền đến ngày hôm nay, công nghiệp lớn lao ấy không một ai có thể phủ nhận được. Công lao của ông quá lớn, sự nghiệp của ông quá vĩ đại, cho nên khi viết đến chương cuối cùng này, người viết vẫn cảm thấy sự hiểu biết của mình về ông còn quá hạn hẹp, và quá nhỏ bé đối với tầm vóc của ông.
Huyền thoại và sự thật là hai mặt của một vấn đề, cho nên nó luôn bổ sung cho nhau, trong đó ý nghĩa tích cực rất lớn mà ảnh hưởng tiêu cực cũng không phải ít. Huyền thoại về ông càng lung linh, huyền ảo bao nhiêu càng cho thấy lòng hâm mộ của đời sau về ông rất lớn. Do vậy việc đi tìm lại khía cạnh huyền ảo và sự thật lịch sử cũng chỉ để chúng ta hiều nhiều về ông mà thôi, chúng ta hoàn toàn không kịch liệt bài xích mặt nào cả.
Ngoài công lao của ông đối với dân tộc và thế giới, cuộc đời của ông để lại cho chúng ta nhiều bài học thật quý báu. Những điều ông đã làm sau khi trở về với đạo Phật là một sự thật hùng hồn minh chứng cho lời Phật dạy “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, dù chúng ta có lầm lỡ đến đâu, có lỡ gây ra tội ác cực trọng đến đâu, nếu chúng ta biết ăn năn hối cải, biết phục thiện, quyết tâm cải đổi và tu hành thì chúng ta sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời của mình. Đó là một bài học kinh nghiệm cho những ai đang muốn phục thiện, như lời người xưa từng nói “hồi đầu thị ngạn”, không có việc gì là quá trễ, chỉ sợ lòng mình do dự không quyết tâm mà thôi. Ông còn là người hết mình cho lý tưởng một nền chính sự hòa bình bang giao với các nước, hạnh phúc an lạc cho con người, và xa hơn nữa là quyền sống của mọi loài. Trong thời đại của ông, bản thân ông đã nói được, đã tự thân tu tập, và đã thi hành được nhiều chính sách mà ngay thời nay cũng khó mà bắt kịp.
Cuối cùng là bài học về việc thực hiện nền chính trị đạo đức theo lý tưởng đạo Phật của ông, đạo Phật sẽ không phải là vô ích cho cuộc đời, mà là bóng mát cho mọi loài nếu chúng ta biết phụng sự lý tưởng và đem chân lý ấy đến với mọi người. Hành động của ông mãi là tấm gương sáng cho hành vi và sự nhiệt tâm của ông đối với đạo Phật, và sự thành công của ông mãi là sự khích lệ lớn lao cho tất cả những ai đang dấn thân vào con đường phục vụ lợi ích cho hạnh phúc của muôn loài.
chữ trong sắc dụ của vua Asoka tại bảo tàng Ấn độ. |
ngôi đại tháp do vua Asoka xây dựng ở Sanchi. |
sự phát triển của Phật giáo thời vua Asoka. |
trụ đá do vua Asoka dựng, ghi dấu nơi thái tử đản sanh. |
Quảng Mẫn
THƯ MỤC THAM KHẢO
1) Thích Minh Cảnh(chủ biên). Từ Điển Phật Học Huệ Quang, nxb Tổng Hợp Tp.hcm, 2003.
2) Thích Thanh Kiểm. Lược Sử Phật Giáo ấn Độ, nxb Tôn Giáo, 2001.
3) Viên Trí. Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận, nxb Phương Đông, 2006.
4) Nguyễn Hiến Lê(dịch). Lịch Sử Văn Minh ấn Độ, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2004.
5) Trần Phương Lan(dịch). Đức Phật Lịch Sử, nxb Tp.hcm,2000.
6) Hạnh Viên(dịch). Tư Tưởng Phật Giáo ấn Độ, nxb Phương Đông, 2007.
7) Nguyễn Đăng Thục. Lịch Sử Triết Học Phương Đông, nxb Tp.hcm, 2001.
8) Nguyễn Kim Dân(dịch). Triết Học ấn Độ, nxb Tổng Hợp Tp.hcm,2005.
9) Thích Mãn Giác. Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2007.
[1] Phật Quang Đại Từ Điển, q1.trg 16.[2]http://www.quangduc.com/Danhnhanthegioi/80aducvuong8.html
[3] Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, trg 91.
[4] Từ Điển Phật Học Huệ Quang, q1,tr18.
[5] Sđd, trg 145-144.