Chùa Thạnh Lâm tọa lạc tại xã Ngũ Phụng huyện Phú Quý, được tạo dựng vào cuối thế kỷ XVIII. Tại chùa còn lưu giữ trên 30 tượng Phật cổ với nhiều chất liệu như: đồng, gỗ và đất nung. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, chùa Thạnh Lâm trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu của nhiều thế hệ người dân trên đảo Phú Quý.
Quần thể kiến trúc chùa Thạnh Lâm gồm nhiều hạng mục có quy mô bề thế, trang nghiêm đan xen giữa lối kiến trúc cổ kính và kiến trúc hiện đại như: Cổng Tam quan, Bảo tháp, Tháp bia, Tháp chuông, Chính điện và nhà Tổ. Cổng chính nằm đối diện với Chính điện được kiến tạo thành ba lối đi. Qua khỏi cổng chính là khoảng sân rộng đặt hòn non bộ ở giữa, bên tả là Bảo tháp cao 21m được kiến tạo hình bát giác với bảy tầng, chân tháp rộng, càng lên cao càng thu nhỏ dần và vuốt nhọn ở phần đỉnh. Tất cả các tầng mái tháp lợp ngói ống; các góc mái trang trí hình tượng giao long nhìn về tám hướng khác nhau. Ở tầng trệt, ứng với tám cạnh là tám cột hình trụ tròn, trên mỗi cột đắp nổi một con rồng quấn lượn quanh. Phía sau Bảo tháp là Tháp bia xây theo dạng hình tứ giác. Tháp bia ba tầng mái, các góc mái vuốt cong và bên trên trang trí giao long. Đỉnh nóc thu nhỏ, vuốt nhọn và bên trên trang trí một bình nước cam lồ. Trên bốn cột của tầng trệt tháp bia đắp nổi một con rồng quấn quanh rất đẹp. Nội thất đặt một tấm bia đá cao 1,7m x rộng 1,2m và mặt trước khắc chữ Hán Nôm ghi lại công trạng của sư Thích Tường Nguyện đối với chùa. Chính điện (điện thờ Phật) là công trình kiến trúc xây dựng bề thế, trang nghiêm và trang trí công phu nhất. Tổng thể được kiến tạo theo dạng kiến trúc chữ Công, gồm có 3 nóc nối tiếp nhau từ trước ra sau. Nóc trước xây cổ lầu, hai bên là hai dạng lầu chuông. Đỉnh nóc trang trí phù điêu lưỡng long chầu vòng luân hồi; các góc mái vuốt cong gắn giao long và phượng bên trên. Trên các vách tường cổ lầu, đắp nổi các điển tích xưa liên quan đến Phật giáo và các họa tiết như: mai, lan, cúc, trúc, cá hóa long, hổ, hoa lá và mây nước.... Trên các thân cột ở mặt tiền cửa chính ra vào đắp nổi những câu đối ca ngợi cảnh đẹp của đảo, cuộc sống thanh tịnh. Đến với chùa Thạnh Lâm ngoài việc vãng cảnh, bái Phật còn được thưởng thức những nét đặc sắc, của một công trình kiến trúc Phật giáo bề thế trên đảo Phú Quý, trong đó nổi bật là ngôi Bảo tháp 7 tầng và Đại hồng chung nặng 1,2 tấn được xem là những công trình kiến trúc, hiện vật lớn và đẹp nhất hiện nay tại các di tích ở Bình Thuận.
Theo Báo Bình Thuận