Bia chùa Long Thủ được dựng trong khuôn viên chùa Long Thủ nay đổi tên là chùa An Long. Chùa tọa lạc trên một khu đất nằm phía sau lưng Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thuộc địa bàn phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Bia chùa Long Thủ được dựng vào năm Thịnh Đức thứ 5, triều vua Lê Thần Tông (1658). Bia do ông Lê Gia Phước, pháp danh Pháp Giám, người làng Hải Châu viết. Nội dung bia nói về nguyên nhân xây dựng và tên gọi của chùa Long Thủ, tên họ những người đã đóng góp tiền của, đất đai để xây dựng chùa cùng danh sách những mảnh đất được cúng.
Theo nội dung bia thì ngày xưa ở vùng Nại Hiên, đức Phật thường cứu giúp những người bị hoạn nạn và hiện thân với đầu rồng, vì vậy các tín đồ Phật từ thường đến đây để cầu nguyện. ông Trần Hữu Lễ là người trong làng đã dâng cúng một khu vườn để xây dựng ngôi chùa làm nơi thờ phượng đức Phật, các tín đồ trong vùng đã đóng góp tiền của, ruộng đất để xây dựng ngôi chùa và đúc chuông, tạc tượng vào năm 1653. Theo lời kể của một số người già ở địa phương thì trước kia chùa có hai chiếc chuông lớn và nhiều tượng đẹp nhưng đã mất, và ngôi chùa cũng đã bị phá hủy trong thời chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn ánh. Còn tấm bia bị chôn vùi dưới đất, mãi đến năm 1903 mới tìm thấy và dựng lại bên cạnh cổng chùa. Năm 1961 giáo hội và tín đồ trong vùng đã xây dựng lại ngôi chùa như ngày nay theo kiểu dáng như những ngôi chùa cùng thời ở miền Nam, về mặt kiến trúc không có gì đặc sắc ngoại trừ cổng tam quan tương đối cũ (1903).
Bia được làm bằng sa thạch màu xám, kích thước 1,25m x 1,20m x 0,21m hình thang cân đỉnh tròn. Bia được điêu khắc cả hai mặt. ở mặt trước có một bài khắc chữ Hán được đóng khung bằng các dải hoa văn trang trí, trên trán bia, ở giữa chạm hình mặt trời có mây vờn quanh, hai bên trang trí hoa văn hình hoa dây buông thõng xuống, bên dưới là một dải hoa sen, ở hai đầu mút phía dưới có hình hai con nghê. Bài khắc gồm có 368 chữ Hán, 6 chữ lớn khắc theo đường ngang ở trên, đóng khung riêng từng chữ: “Lập Thạch Bi Thủ Long Tự”, ở hai đầu có hai chữ Vạn nhỏ hơn, còn 360 chữ nhỏ ở giữa lòng bia được khắc lõm theo 18 hàng dọc từ phải sang trái, ở mặt sau tấm bia cũng trang trí hoa văn thành một khung bao quanh bia như mặt trước nhưng không có chữ và ở bên dưới thay dải hoa sen bằng một dải cúc dây, ở hai đầu mút không có hai con nghê.
Ngày nay, tuy ngôi chùa cũ không còn nữa, nhưng tấm bia này là một di tích quan trọng, minh chứng cho sự hiện hữu của ngôi chùa ngày xưa, đồng thời đây cũng là một trong những tấm bia cổ nhất ở Đà Nẵng, góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương.
Trước đây, bia chùa Long Thủ đã được Toàn quyền Đông Dương liệt hạng là di tích lịch sử theo Nghị định ngày 16.5.1925 và ngày 02/12/1992 Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận bia chùa Long Thủ là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Theo Du lịch Đà Nẵng