Tổ đình Nghĩa Phương: Cái nôi của môn phong Nghĩa Phương giữa lòng thành phố biển

Tổ Đình Nghĩa Phương tọa lạc tại số 2 đường Lý Thánh Tôn, thuộc phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Chùa  được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, cách nay trên 115 năm, nơi đây là cái nôi đã đào tạo Chư Tôn giáo phẩm của Giáo hội và chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong những bước thăng trầm và phát triển của Phật giáo tỉnh nhà nói riêng, nền Phật giáo cổ truyền nói chung.

Khách du lịch đã đi qua nhiều cảnh non cao hùng vĩ, lầu đài nguy nga, nhưng khi ghé qua thành phố Nha Trang ai mà chẳng mến, chẳng yêu và  ngợi khen:

            Nha Trang thanh lịch 
            Nha Trang đạo đức !

Thành phố nằm cạnh bờ biển Thái Bình Dương theo chiều dài hơn hai mươi cây số. Thêm cảnh Tháp Bà tôn nghiêm, Hòn Chồng thơ mộng, cùng gió biển hiền hoà khiến lòng người thân thiện, chăm lo tu niệm.
         
Nếu đi sâu vào giữa lòng thành phố, gần sân vận động Nha Thành ta đã nghe thấy tiếng mõ đều nhịp, cùng lời kinh chan hoà trầm bổng, tiếng chuông ngân nga của ngôi chùa cạnh đó.

Nơi này, cách đây khoảng hơn trăm năm về trước là một bãi cát hoang chỉ lưa thưa năm, ba cây bàng, cây tra, thường làm chỗ trú cho mấy cậu trẻ chơi ú tim hay đánh đáo. 

Chùa Nghĩa Phương do hai anh em Ngài Phổ Nhựt và Phổ  Quảng từ quê hương Quảng Bình vào đây tạo lập vào đời Thành Thái thứ 2,  năm Canh Dần (l890), do Tổ Đạt Khương Viên Giác, chùa Săc Tứ Hải Đức (trước đó là Chùa Duyên Sanh) Chứng minh.

Ngài Trần Đức Tâm, húy thượng Ngộ hạ Lý  tự Chí Bình, hiệu Phổ Quảng và em trai là Ngài Trần Đức Tựu húy thượng Ngộ hạ Niệm tự Chí Mẫn hiệu Phổ Nhựt, thuộc dòng Lâm Tế, đời thứ 39, nguyên quán làng Xuân Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thân phụ là Cụ ông Trần Đức Mậu và thân mẫu là cụ Bà Trần Đô Hường, Cả hai Ngài đều là bậc Nho học uyên thâm, chán cảnh danh vọng phù du, thường tìm những nơi danh lam thắng cảnh, thi phú an nhàn.

Hai Ngài lênh đênh trên chiếc thuyền nan từ quê hương theo biển cả xuôi Nam viếng cảnh. Nhưng đến Nha Trang gặp nhân duyên Phật pháp đưa đến, hai Ngài đã thọ giáo với Tổ Đạt Khương -Viên Giác và khi sáng lập am tranh thờ Phật đã được Tổ an danh là Nghĩa Phương tự.

*TRÙNG TU CHÙA NGHĨA PHƯƠNG LẦN THỨ I (1905):

Năm 1905, sau 15 năm xây dựng, Phật tử ngày một đông, mái am tranh không còn đủ chỗ để Thiện nam, Tín nữ gần xa tu niệm, Ngài Phổ Quảng đã phát nguyện trùng tu lần thứ nhất, để cho ngôi Tam bảo được huy hoàng, có đủ phương tiện hoằng dương Phật pháp. 

Năm năm sau, vào ngày Rằm tháng 5 năm Ất Mùi, Ngài Phổ Quảng đã thâu thần viên tịch.

Với đức tính hiền  lành, cần cù, chịu khó, cùng với vốn nho học thâm uyên, Ngài Phổ Nhựt  tham khảo kinh điển Phật giáo và khuyến hóa mọi người tu hành, nên chẳng bao lâu tiếng đức vang khắp tỉnh.

*TRÙNG TU CHÙA NGHĨA PHƯƠNG LẦN THỨ Ii (1932):

Năm 1932, Ngài Phổ Nhựt phát nguyện trùng tu lại ngôi Tam bảo Nghĩa Phương lần thứ hai, từ một mái am tranh trở thành ngôi Già Lam Bửu điện.
Thật là:

Nghĩa niệm kế tiền thân thừa khai giác lộ
義念 继 前 親 承  開 覺 路 
Phương danh thuỳ hậu thế đại triển sơn môn
芳名 垂 後 世 大展 山 門 

Tạm dịch:

Nhớ Nghĩa xưa nối tiếp tiền nhân nương theo đó mở con đường giác.
Danh Thơm mãi lưu truyền hậu thế thật xứng danh rường cột  sơn môn.

Thế rồi thân tứ đại mỏi mòn, theo quy luật vô thường, Ngài đã an tường thị tịch vào ngày mồng 4 tháng 6 năm Ất Dậu (1945). Trụ thế 74 năm, Ngài là Tổ Khai sơn Tổ Đình Nghĩa Phương Nha Trang.
 
Thừa kế, Đệ tam Trú trì Tổ Đình Nghĩa Phương là Hoà Thượng Thích Bích Lâm, đời thứ 40 dòng Lâm Tế (từ năm 1946 đến năm 1972)
 
Đệ tứ Trú trì Tổ Đình Nghĩa Phương là Hoà Thượng Thích Trí Tâm, đời thứ 41 dòng Lâm tế (từ năm 1972 đến nay).

Trí Bửu

Lịch sử: