Câu chuyện xúc động về di mẫu Mahàpajàpati Gotami (Ma Ha Ba Xà Ba Đề) bắt đầu từ rất xa xưa, thuở đức Phật Padumuttara (Liên Hoa) còn tại thế.
Một hôm, khi đang nghe đức Phật Liên Hoa thuyết pháp, bà Mahapajapati chợt nhận thấy có một Tỳ kheo ni thật đáng tôn quý, đứng đầu hội chúng Tỳ kheo ni, và là người giác ngộ sớm nhất. Bà liền lập thệ nguyện rằng, trong tương lai, do công đức tu tập, bà sẽ được như vị Tỳ kheo ni ấy. Lời nguyện của bà đã được đức Phật Liên Hoa ấn chứng là sẽ thành tựu trong thời kỳ của đức Phật Gotama (Thích Ca).
Sau đó, suốt quãng đời còn lại, bà đã nỗ lực phi thường trong việc thực hành các thiện pháp. Sau khi mạng chung, bà hưởng những phước báo nhân thiên cho đến thời kỳ đức Phật Thích Ca ra đời. Vì vậy, trong lần tái sinh này, bà đã sinh ra làm con của đức vua Suppabuddha (Thiện Giác), xứ Devadaha, em gái của hoàng hậu Maya (Ma Da), và được gọi với cái tên Mahapajapati, như lời tiên đoán của những bậc tiên tri, là người dẫn dắt một hội chúng lớn.
Đến tuổi thành hôn, cả hai chị em cùng kết hôn với vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và được đưa về thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), nơi Maya được phong làm hoàng hậu và hạ sinh thái tử Siddhattha (Tất Đạt Đa).
Tuy nhiên, sau khi sinh thái tử bảy ngày, hoàng hậu Maya sớm qua đời. Là em gái của hoàng hậu, Mahàpajàpati Gotami, vì vậy, trở thành vị kế mẫu và bà đã gửi con ruột Nanda (Nan Đà), vốn sinh sau thái tử Siddhattha vài ngày cho người vú nuôi, để tận tay chăm sóc thái tử bằng chính dòng sữa ngọt của mình.
Mahàpajàpati yêu thương, chăm chút thái tử kỹ lưỡng hơn cả hoàng tử Nanda. Bà dành thời gian để nâng niu thái tử với tất cả sự cẩn trọng, tình yêu thương và sự chú tâm cao tột cho đến ngày thái tử trưởng thành.
Trong hoàng cung, có ba người luôn đặc biệt quan tâm đến thái tử Siddhattha kể từ khi ngài rời bỏ hoàng cung, sống đời xuất gia khổ hạnh, và ngay cả khi ngài chứng đắc Phật quả dưới cội bồ đề. Đó chính là phụ thân quốc vương Suddhodana, công chúa Yasodhara (Da Du Đà La) và lệnh bà Mahàpajàpati. Họ luôn thiết tha mong đợi ngày đức Phật trở lại kinh thành Kapilavatthu, có lẽ là vì tình cảm gia đình hơn là mong cầu chánh pháp. Tuy nhiên, khi trở về hoàng cung, đức Thế Tôn đã khéo tuyên thuyết kinh Dhammapala Jataka (Trì Pháp Túc Sanh Truyện) khiến cho vua Suddhodana chứng quả A la hán ngay trên giường bệnh trước lúc băng hà. Di mẫu Mahàpajàpati cũng chứng quả Tu đà hoàn khi nghe xong bài pháp này.
Sau khi vua Suddhodana qua đời, Nanda và Rahula (La Hầu La) theo Phật xuất gia, Mahàpajàpati không còn bất kỳ một niềm vui thú nào đối với cuộc đời này nữa, ý chí xuất ly đến với bà một cách mãnh liệt. Cơ duyên đã đến với bà khi đức Phật trở lại quê nhà để hòa giải vụ tranh chấp nguồn nước sông Rohinì (nay là Rowai) giữa hai dòng tộc Sakya và Koliya. Uy danh của Bậc Giác ngộ đã làm cho cuộc tranh cãi đầy cuồng nộ được xoa dịu, hòa giải thành công mà không đổ một giọt máu. Nhân đó, Phật thuyết kinh Kalahavivada (Tranh Luận), khiến cho 500 thanh niên dòng họ Thích cảm kích xuất gia. Và Di mẫu Mahàpajàpati cũng đến gặp Đức Phật tại vườn Nigrodharama (Ni Câu Luật), ngoại thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) và xin Phật cho phép phụ nữ được xuất gia. Bà nói: “Bạch đức Thế Tôn, thật đại hạnh cho nữ giới nếu đức Thế Tôn cho phép họ từ bỏ nếp sống gia đình, được sống trong giáo pháp và giới luật của đức Như Lai”. Mặc dầu thiết tha thỉnh cầu đến ba lần như vậy, bà vẫn bị đức Thế Tôn một mực từ chối. Nước mắt ràn rụa, bà đành buồn bã quay trở về.
Tuy nhiên, không nản chí trước sự từ chối của đức Phật, sau khi Phật trở lại Vesali (Tỳ Xá Ly), bà Mahàpajàpati quyết định bỏ tất cả những đồ trang sức, xuống tóc, đắp y, cùng với 500 người nữ dòng họ Sakya, chân trần đi bộ đến Vesali để cầu xin xuất gia. Đoạn đường từ Kapilavatthu đến Vesali dài 150 dặm (gần 250km). Khi đến nơi, đôi chân của họ sưng phồng và rướm máu, mình mẩy lấm đầy bụi đường. Bấy giờ đức Thế Tôn đang ngự tại Mahavana, trong giảng đường Kutagara. Cả đoàn người đứng ngoài giảng đường, kiệt quệ, hốc hác... hướng về phía đức Thế Tôn, khóc nức nở.
Tôn giả A Nan thấy bà Mahàpajàpati cùng 500 Thích nữ khóc lóc thảm thiết trước cổng tinh xá, bèn vội ra hỏi: “Vì sao bà cùng 500 người nữ Sakya đứng nơi đây than khóc?”. Mahàpajàpati đáp: “Chúng tôi là người nữ không được đức Phật cho phép xuất gia thọ Đại giới trong giáo pháp của Ngài”.
Nghe vậy, A Nan bèn an ủi họ rồi đến xin đức Phật cho phép người nữ được xuất gia. Nhưng đức Phật vẫn một mực từ chối, Ngài nói: “Nếu người nữ xuất gia thọ Đại giới trong giáo pháp của Phật thì sẽ khiến cho Phật pháp trụ thế không lâu dài”. Tôn giả A Nan liền bạch Phật: “Mahàpajàpati đối với Phật vốn có ân sâu, Người đã nuôi dưỡng Thế Tôn khôn lớn...”. Phật xác nhận: “Đúng vậy! Mahàpajàpati đối với Ta có ân rất lớn. Mẹ Ta qua đời, Mahàpajàpati đã nuôi dưỡng Ta, khiến Ta khôn lớn. Ta đối với Mahàpajàpati có ân rất lớn...”. Tôn giả A Nan đã khéo thỉnh cầu Phật cho phép nữ giới gia nhập Tăng đoàn, trở thành những vị Tỳ kheo ni, khi ngài hỏi Phật rằng: “Liệu những người nữ trong pháp Phật xuất gia có chứng được Thánh quả không? Đức Phật trả lời: “Có thể chứng được!” Như vậy, Đức Phật công nhận khả năng thành tựu Thánh quả của nữ giới. Và Ngài cho phép nữ giới xuất gia với điều kiện phải tuyệt đối giữ gìn Bát kỉnh pháp.
Hay tin đức Phật chấp thuận, bà Mahàpajàpati vui mừng khôn xiết. “Nếu Đức Thế Tôn đã vì những người nữ nói Bát kinh pháp - Tám pháp không thể vượt qua, thì tôi và 500 người nữ Sakya sẽ cùng nhau cúi đầu thọ nhận”. Ngay sau đó, di mẫu Mahàpajàpati và 500 Thích nữ cùng theo bà được đức Phật cho phép thọ Đại giới, trở thành những vị Tỳ kheo ni đầu tiên của giáo đoàn. Đức Phật cũng trở thành vị giáo chủ đầu tiên trong lịch sử cho phép thành lập Ni đoàn. Sự kiện này được xem là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất thời bấy giờ.
Do nỗ lực tu tập, không bao lâu sau, Tỳ kheo ni Mahàpajàpati chứng quả vị A la hán với trí tuệ trực giác và phân tích. Những Tỳ kheo ni cùng xuất gia với ngài cũng lần lượt thành tựu Thánh quả.
Một hôm, tại tinh xá Jetavana (Kỳ Viên), đức Phật xác nhận Mahàpajàpati là vị Thánh kinh nghiệm đệ nhất, sống hưởng thọ hạnh phúc giải thoát, Niết bàn. Ðể nói lên lòng biết ơn, Mahàpajàpati tuyên bố chánh trí của mình và tán thán hạnh đức của Thế Tôn như sau:
“Bậc Giác ngộ anh hùng!
Con xin đảnh lễ Ngài,
Ngài là Bậc Tối thượng,
Giữa mọi loài chúng sanh,
Ngài giải khổ cho con,
Cùng rất nhiều người khác...”
Đến khi Thế Tôn ở Vesàli (Tỳ Xá Ly) tuyên bố không quá ba tháng sau sẽ nhập Niết bàn tại Ta La song thọ, xứ Kusinara (Câu Thi Na) Mahàpajàpati nghĩ rằng: “Ta không kham nhẫn nhìn thấy Như Lai diệt độ, ta nên diệt độ trước”. Và thế là, nữ Tôn giả đã đến xin phép Phật nhập diệt trước và được chấp nhận. Sau khi Mahàpajàpati công bố với Ni đoàn về quyết định nhập diệt của mình thì 500 vị Tỳ kheo ni cũng phát nguyện nhập diệt theo. Chính Thế Tôn trực tiếp đưa nhục thân Mahàpajàpati đến chỗ hỏa thiêu, lấy gỗ chiên đàn chất lên trên thân di mẫu, chủ trì lễ trà tỳ. Xá lợi của Mahàpajàpati cùng 500 vị Tỳ kheo ni được xây tháp phụng thờ.
Như vậy, có thể nói, nếu không do quyết tâm và lòng tin kiên cố vào đức Phật cũng như vào chính bản thân mình, di mẫu Mahàpajàpati hẳn sẽ không thể vượt qua bao nhiêu gian khó để chính thức được xuất gia tu tập và hẳn nhiên như vậy việc thành lập giáo đoàn Ni cũng khó có thể xảy ra. Mahàpajàpati chính là người phụ nữ đầu tiên trong Giáo hội Phật giáo thể hiện khả năng tu tập vững vàng của nữ giới một cách thuyết phục.
Xin cảm ơn naicon đã sửa. bttdtkvn
Ban Hoằng pháp GHPGVN (Theo Giác Ngộ 358)