Những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam đã xuất hiện từ 2.000 năm trước. Vào thế kỷ X, XI, các vương triều Đinh, Tiền Lê, đặc biệt là nhà Lý, đã cho xây dựng những ngôi "quốc tự" nguy nga, đồ sộ…Vì vậy, những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, văn hóa của tâm linh và tín ngưỡng Việt Nam được thể hiện một cách rõ nhất trong các ngôi chùa Việt Nam.
Chùa Một Cột - một trong những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo.
Để đáp ứng nhu cầu của các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, các tín độ Phật giáo, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu Phật học, ba tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long đã giới thiệu với bạn đọc cuốn sách "Chùa Việt Nam", gồm 3 phần. Phần thứ nhất là công trình nghiên cứu của Giáo sư Hà Văn Tấn về toàn cảnh các ngôi chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và trong đời sống văn hoá dân tộc, cũng như đặc điểm Phật giáo và văn hoá tâm linh của dân tộc được thể hiện ở các ngôi chùa Việt Nam.
Sách cũng giới thiệu rất nhiều hình ảnh và tiểu dẫn về lịch sử hình thành và phát triển của 99 ngôi chùa tiêu biểu trên khắp các miền đất nước. Qua gần 900 bức ảnh màu và đen trắng cùng các bản vẽ, bản đồ giới thiệu cảnh quan nội thất, sinh hoạt, kiến trúc, nghệ thuật của 99 ngôi chùa, các tác giả Nguyễn Văn Kự và Phạm Ngọc Long đã cung cấp lượng kiến thức quý giá về Phật giáo nói chung và Phật giáo ở Việt Nam nói riêng.
Chùa Vĩnh Nghiêm - TP. Hồ Chí Minh
Điều đáng quý là hai nghệ sỹ nhiếp ảnh này, bằng niềm say mê nghiên cứu Phật giáo và tình yêu với nghệ thuật nhiếp ảnh, đã "chớp" được những khoảnh khắc thật đẹp, thật có hồn về sự tĩnh tâm giữa con người và cảnh sắc, như Phó giáo sư Cao Xuân Phổ đã phân tích: "Phật đạo là xuất phát từ cái tâm. Người mộ Phật lên lễ chùa là để mong tìm được những giây lát yên tĩnh cho cái tâm vốn đã bị xáo động dữ dội ít nhiều trong cuộc sống tục thế. Họ lên chùa, không phân biệt là chùa thành thị hay chùa làng quê, chùa miền xuôi hay chùa vùng ngược, chùa Nam hay chùa Bắc, chùa Việt hay chùa Hoa, chùa Miên, miễn là để cho cái Tâm mình trong giây lát trở về với cái Thiện vốn có trong con người từ thưở ban sơ".
Với sự tham gia của Đại đức Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương Tích (Hà Nội), các sư thầy ở Thiền viện Trúc Lâm (Đà Lạt)..., cuốn sách "Chùa Việt Nam" thêm một lần nữa giúp bạn đọc hiểu ý nghĩa sâu sắc của "Phật tại Tâm", và suy ngẫm chữ "Tâm" trong tâm hồn mình. Phần thứ ba là danh sách các ngôi chùa được Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch công nhận là "Di tích lịch sử - văn hoá" (tính đến ngày 31-12-2007).
Cuốn “Chùa Việt Nam” được các tác giả biên soạn công phu, in và trình bày đẹp này một khối lượng kiến thức và thông tin bổ ích, sinh động. Cuốn sách là sự thể hiện tinh tế, vừa có bề rộng, vừa có chiều sâu về toàn cảnh chùa Việt Nam qua các triều đại lịch sử, qua đó góp phần vào việc bảo vệ các di tích văn hóa và lịch sử, các di sản quý giá của nhân dân Việt Nam.
Tuyết Minh