Bát Kỉnh Pháp dành cho chư Tăng

     LTS: Bát kỉnh pháp, tức 8 việc thiết thân với đời sống tu tập của Tỳ kheo ni hay Ni giới nói chung do Đức Phật chế định nhằm trợ duyên cho Ni đoàn trong tu tập thời Ngài còn tại thế. Dù Tám pháp cung kính này có mặt trong hầu hết kinh luật nhưng hiện đang có nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau về vấn đề này. Trong đó, bên cạnh việc tuân thủ Bát kỉnh pháp như là giới luật, một số ý kiến giả định Bát kỉnh pháp chỉ là “giải pháp tình thế” trong bối cảnh đương thời, hoặc đấy không thể hiện quan điểm của Thế Tôn mà do người đời sau thêm thắt vào v.v... Mới đây, Thiền sư Thích Nhất Hạnh công bố một văn bản Bát kỉnh pháp mới, dành cho các Tỳ kheo ứng dụng tu tập, được khá nhiều người học Phật quan tâm. Thực tế và diễn biến việc đề xuất Bát kỉnh pháp (dành cho Tỳ kheo) này có tác động và ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình thực tiễn của Tăng Ni Phật giáo Việt Nam, trong điều kiện Ni giới Việt Nam vẫn luôn nhận được sự tương kính và hỗ trợ bền bỉ của chư Tăng trong tu tập và hành đạo? Từ diễn đàn này, chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, sẻ chia thẳng thắn và chân tình của tất cả bạn đọc trong tinh thần làm tươi mới Giáo pháp Đức Phật phù hợp với nhịp sống thời đại...
                                                                                                                      GN
                                                          BÁT KỈNH PHÁP
                                               (của các thầy đối với các sư cô) *
1. Vị nam Khất sĩ dù hạ lạp lớn, khi thấy một vị nữ Khất sĩ chắp tay chào, cũng chắp tay chào trở lại, dù vị nữ Khất sĩ này còn nhỏ tuổi. Vị nữ Khất sĩ  này tuy nhỏ tuổi nhưng cũng đại diện cho Giáo đoàn Tỳ kheo ni, một đối tác của Giáo đoàn Nam Khất sĩ trong suốt quá trình lịch sử đạo Bụt từ khởi nguyên cho đến tương lai.
2. Vị nam Khất sĩ không suy nghĩ và phát ngôn rằng các vị nữ Khất sĩ vì là giới nữ nên nặng nghiệp hơn bên nam, do đó không thể nào học hỏi, tu chứng và làm Phật sự giỏi bằng bên nam được. Vị nam Khất sĩ ý thức rằng sở dĩ những giới điều bên giới bản nữ Khất sĩ nhiều hơn bên giới bản nam Khất sĩ, đó không phải là vì bên nữ năng nghiệp hơn mà là vì giáo đoàn nữ Khất sĩ đã tự chế thêm một số giới điều để tự bảo hộ và giúp bảo hộ cho bên nam giới.
3. Một vị nam Khất sĩ khi thấy một vị nữ Khất sĩ lớn tuổi bằng mẹ mình thì phải ý thức rằng vị nư Khất sĩ này tuổi lớn bằng tuổi mẹ mình để phát khởi tâm niệm cung kính, bảo hộ và giúp đỡ; khi thấy một vị nữ Khất sĩ tuổi lớn bằng tuổi chị mình thì cũng phải ý thức rằng vị nữ Khất sĩ này tuổi lớn bằng tuổi chị mình để phát khởi tâm niệm cung kính, bảo hộ và giúp đỡ; khi thấy một vị nữ Khất sĩ tuổi nhỏ bằng em gái mình thì cũng phải ý thức rằng vị nữ Khất sĩ này tuổi trẻ bằng tuổi em gái mình, để phát khởi tâm niệm thương tưởng, bảo hộ và giúp đỡ; khi thấy một vị nữ Khất sĩ tuổi nhỏ bằng con gái mình thì nên ý thức rằng vị nữ Khất sĩ này tuổi nhỏ bằng con gái mình để phát khởi tâm niệm thương tưởng, bảo hộ và giúp đỡ.
4. Vị nam Khất sĩ không bao giờ nhục mạ một vị nữ Khất sĩ dù là bằng những lời bóng gió hoặc đánh một vị nữ Khất sĩ dù là với một cành hoa. Vị nam Khất sĩ của thế kỷ XXI có đủ lịch sự nâng một chén trà để mời một vị nữ Khất sĩ. Nếu nơi nhân cách cua một vị nam Khất sĩ chân tu có dáng dấp của Bồ tát Phổ Hiền thì nơi nhân cách của một vị nữ Khất sĩ chân tu cũng có dáng dấp của Đại sĩ Quan Âm. Sự tương kính này nuôi lớn cả hai bên đối tác.
5. Các vị nam Khất sĩ khi tổ chức an cư kiết hạ hay kết đông nên chọn nơi nào có đoàn thể các vị nữ Khất sĩ, để có cơ hội gần gũi, bảo vệ, giáo hóa và được yểm trợ, bởi vì giáo đoàn nữ Khất sĩ luôn luôn là đối tác lâu dài của giáo đoàn nam Khất sĩ.
6. Các vị nam Khất sĩ khi nghe nói đến một vị nữ Khất sĩ có thực học, có tài ba, có đạo đức thì có thể liên lạc với giáo đoàn nữ Khất sĩ để thỉnh cầu vị nữ Khất sĩ này đến giảng dạy, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm tu học của mình.
7. Khi các vị nữ Khất sĩ tình nguyện tới chùa viện các vị nam Khất sĩ để giúp đỡ bày biện, nấu cỗ trong những dịp giỗ tổ hay lễ lớn, các vị nam Khất sĩ phải biết tìm cách đồng sự và giúp đỡ, nhất là khi có những công tác khiêng vác nặng nhọc.
8. Khi nghe nói có một vị nữ Khất sĩ bị ốm đau, tai nạn, các vị nam Khất sĩ cần tỏ lòng ưu ái, phái người đến thăm hỏi và tìm cách yểm trợ.


 * Bát Kỉnh pháp này được Thiền sư Nhất Hạnh tuyên đọc trong một buổi pháp thoại tại nội viện Phương Khê cho giới xuất gia ngày 8-4-2008, hiện đăng tải trên trang nhà langmai.org.

 

Luật: