CHƯƠNG XIV: KẾT LUẬN

Ðến đây hẳn chúng ta đã thấy rõ TỨ THÁNH ÐẾ là Chân lý trung tâm của đạo Phật. Những gì Ðức Phật dạy trong suốt 45 năm hoằng hóa đều xoay quanh những Sự Thực (Ðế) ấy, đó là: Khổ (Dukkha), nhân sanh khổ, sự diệt khổ và con đường ra khỏi trạng thái khổ này. Người có Tư duy sâu sắc sẽ hiểu những Sự Thực này như là nói về con người và mục đích của nó, sự Giải thoát cuối cùng của con người, đó là toàn bộ nội dung của Tứ Ðế. Cái chúng ta gọi là con người, trong ý nghĩa tối hậu, chỉ là sự kết hợp của tâm và thân (danh - sắc), hay năm uẩn chấp thủ. Trên bình diện con người, dukkha (khổ) không và chắc chắn không thể tồn tại độc lập với người, tức là độc lập với thân và tâm của họ. Vì vậy vấn đề trở nên rõ ràng rằng khổ không gì khác hơn là chính tự thân con người. Như Ðức Phật nói: "Năm uẩn chấp thủ là Dukkha (khổ)" (1).

Kế tiếp chúng ta hiểu rằng Sự Thực thứ hai là Ái (Tanhà). Ái chính là nhân sanh khổ. Bây giờ thử hỏi Ái này phát sanh ở đâu? Ở đâu có năm uẩn chấp thủ, ở đó ái khởi sanh; Sự Thực thứ ba là sự diệt của ái này, tức Niết bàn - sự Giải thoát cuối cùng. Ðiều này cũng không nằm ngoài con người. Chơn Ðế thứ tư và cuối cùng là con đường đi ra khỏi trạng thái bất toại nguyện đó, nghĩa là đi ra khỏi vòng sanh tử luân hồi bất tận này.

Ở đây, nếu phân tích kỹ chúng ta sẽ hiểu rằng Tứ Thánh Ðế là sự cố gắng để chỉ ra vòng luân hồi (Samsàra) và nhân sanh của nó; Niết bàn và con đường đi đến Niết bàn. Samsàra chỉ là một chuỗi của các uẩn chấp thủ; hay nói một cách khác Samsàra là một chuỗi sanh tử, tử sanh, không đề cập đến thế giới vật lý với những sông biển, đá, cây và mặt trời - mặt trăng của nó. Trong ý nghĩa này Samsàra là một tên khác để gọi con người bao gồm năm uẩn chấp thủ. Ðây là Thánh Ðế Thứ Nhất. Trong Thánh Ðế thứ hai chúng ta thấy nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên) của vòng luân hồi (samsàra). Thánh đế thứ ba chúng ta thấy sự tận diệt của Samsàra được coi là sự an ổn tối thượng khỏi các khổ ách - tức Niết bàn. Liên quan đến điều này cũng cần phải ghi nhận rằng trong truyền thống Theravàda (Phật giáo Nguyên Thủy), samsàra hoàn toàn đối lập với Niết bàn, vì chúng ta thấy rằng Samsàra (luân hồi) là sự tương tục của các uẩn chấp thủ trong khi Niết bàn là sự diệt tận của chấp thủ này. Trong kiếp sống này người nào còn hưởng thủ ngũ dục chắc chắn không thể Giải thoát khỏi Samsàra. Bao lâu tham ái và chấp thủ của họ chưa bị tiêu diệt, họ vẫn chấp thủ vào các uẩn và vào những gì liên quan tới nó. Tuy nhiên người đã được Giải thoát cảm nhận hạnh phúc Niết bàn ngay trong cuộc đời này, vì họ không chấp giữ vào các đối tượng giác quan (năm trần), ái và thủ của họ đã diệt và do đó đối với họ chuỗi tương tục của các uẩn không còn nữa, các uẩn không còn thì sanh tử luân hồi (samsàra) cũng không còn vậy.

Thánh Ðế thứ tư và cuối cùng là Bát Chánh Ðạo. Trong Tứ Thánh Ðế, như bây giờ chúng ta có thể hiểu, Bát Chánh Ðạo là phương diện duy nhất đề cập đến pháp hành. Bất cứ điều gì được thực hành, được tu tập, được phát triển, trong Phật giáo điều ấy phải nằm trong phạm vi Bát Chánh Ðạo. Ðó là sự khởi đầu (ABC) và sự kết thúc (XYZ) của lối sống theo Ðức Phật. Ðạo (Bát Chánh Ðạo) là sự tóm tắt các phương tiện làm cho chúng ta có thể đi ra khỏi sự trói buộc của vòng luân hồi, và chứng đắc Niết bàn được coi là pháp (dhamma) không bị tạo tác duy nhất trong Phật giáo. Chính vì vậy cần phải nhớ rằng đạo không dùng như Nhân và Duyên (điều kiện) của Niết bàn. Nó chỉ là phương tiện để đi đến Niết bàn.

Vì Bát Chánh Ðạo này là phương diện duy nhất đề cập đến pháp hành trong giáo pháp của Ðức Phật, chúng ta phải tập trung sự chú ý của chúng ta vào Giáo lý thực tiễn này; vì phần lý thuyết và suy luận không có kết quả gì mấy đối với một người thực sự quan tâm thực hành giáo pháp.

Hoàn toàn không có những con đường tắt để đi đến chân an lạc và chân hạnh phúc. Như trong rất nhiều bài pháp Ðức Phật đã chỉ rõ: Ðây là con đường duy nhất dẫn đến tuyệt đỉnh của đời sống hiền thiện, cuộc sống từ những cấp độ tâm linh thấp thỏi được thăng hoa ngày càng cao hơn. Ðó là một tiến trình tu tập tuần tự về lời nói, hành động và nếp suy nghĩ để tạo ra Chánh trí mà đỉnh cao là sự viên mãn Giác ngộ và chứng đắc Niết bàn. Ðó là con đường dành cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp hay tín ngưỡng, một con đường cần được trau dồi tu tập từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Mục đích duy nhất của Ðức Phật trong việc chỉ ra Thánh Ðạo này, đã được tuyên bố bằng những lời như sau:

"Ðức Thế Tôn đã Giác ngộ, Ngài thuyết pháp (Dhamma) để Giác ngộ, Ðức Thế Tôn đã điều phục, Ngài thuyết pháp để điều phục, Ðức Thế Tôn đã tịch tịnh, Ngài thuyết pháp để tịch tịnh; Ðức Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để vượt qua, Ðức Thế Tôn đã chứng Niết bàn, Ngài thuyết pháp để chứng Niết bàn" (2).

Nếu đây là mục đích mà vì mục đích này Ðức Thế Tôn thuyết pháp và chỉ ra con đường (Ðạo), hiển nhiên rằng mục đích của người nghe pháp hay người đi theo con đường đó cũng phải như vậy, không thể khác hơn được. Chẳng hạn, mục đích của vị lương y tài đức là để chữa trị cho những bệnh nhân cần được cấp cứu, và mục đích duy nhất của bệnh nhân, chúng ta biết, là làm sao cho mau hết bệnh càng sớm càng tốt. Ðó là mục đích duy nhất của một người bệnh.

Chúng ta cũng hiểu rằng mặc dù đã được hướng dẫn, được chỉ dạy, được cảnh báo, nhưng việc thực hành Giáo Pháp, việc bước lên con đường (Ðạo) vẫn là phần hành của chúng ta. Chúng ta phải tiến bước với lòng nhiệt thành không suy giảm vượt qua mọi chướng ngại và Chánh niệm Tỉnh giác theo từng bước chân của chúng ta trên Chánh Ðạo - Ðạo lộ mà chư Phật xưa nay đã bước lên và chỉ ra.

Ðể giải thích về ý tưởng vượt qua, Ðức Phật đã dùng ẩn dụ chiếc bè (3). Chúng ta hãy nghe Ngài nói:

"Này các Tỳ kheo, Ta dạy Pháp (Dhamma) ví như chiếc bè để đưa người vượt qua, không phải để giữ lại. Hãy nghe và khéo tác ý những gì Ta nói".

"Thưa vâng, bạch Ðức Thế Tôn", Chư Tỳ kheo đáp.

Ðức Thế Tôn tiếp tục:

"Này các Tỳ kheo, ví như có người khởi hành một cuộc hành trình phải đi qua một con sông nước sâu và rộng. Bờ bên này đầy nguy hiểm, bờ bên kia được an toàn. Nhưng con sông này không có thuyền và cũng không có cầu để đưa người qua bờ kia. Người ấy suy nghĩ: "Con sông này quả thực rất sâu và rộng, bờ bên này đầy nguy hiểm, bờ bên kia được an ổn, ta nên thu góp cành nhánh, cây lá làm thành một chiếc bè và dùng hai tay, hai chân làm chèo để vượt qua bờ bên kia thì hơn".

"Thế rồi, này các Tỳ kheo, người đàn ông đó làm được một chiếc bè, cố sức dùng tay, dùng chân để đạp và vượt qua đến bờ an toàn phía bên kia. Sau khi đã qua đến bờ kia, người ấy nghĩ: "Chiếc bè này thật là hữu dụng, nhờ nó mà ta đã đến bờ kia an toàn; tốt hơn ta cũng đội nó trên đầu hay vác nó trên lưng và đi bất cứ nơi đâu ta muốn".

"Các con nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, nếu làm như thế có phải người ấy đã làm đúng với tác dụng của chiếc bè hay không? Giả sử người đó sau khi đã vượt qua bờ bên kia liền nghĩ: "Chiếc bè này quả thực có ích, nhờ sự trợ giúp của nó mà ta đã qua đến bờ kia an toàn: Tốt hơn hết ta hãy cho nó lên cạn hay (để cho nó) trôi theo dòng sông rồi đi bất cứ nơi đâu ta muốn". Nếu người ấy làm như thế, này các Tỳ kheo, họ đã làm đúng với tác dụng của chiếc bè. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, Ta dạy Pháp ví như chiếc bè để vượt qua, không phải để giữ lại. Các con, này các Tỳ kheo, đã hiểu Pháp có tác dụng như ví dụ chiếc bè, thiện Pháp (Dhamma) còn phải bỏ, huống nữa là các ác Pháp (A- Dhamma) (4)".

Một người nào đó có thể hỏi tại sao Ðạo lại được gọi là Bát Chánh Ðạo, và vì sao từ Sammà (Chánh) lại được đặt trước mỗi chi phần như vậy. Câu trả lời rõ ràng và đơn giản là rằng còn có một con đường (Ðạo) khác không phải là Thánh Ðạo, đó là con đường Tà ngụy và từ Micchà (Tà) được đặt trước mỗi chi của tám chi trong con đường hư vọng đó. Trong hai chuyện ngụ ngôn minh thị Ðức Phật đã giải thích rõ con đường Chánh và Tà như sau. Ðức Phật gọi Tôn giả Tissa và nói:

"Giả sử này Tissa, có hai người, một người không biết đường và người kia rất rành về đường sá. Người không biết đường hỏi người rành đường, và người ấy trả lời: "Vâng! thưa bạn, đây là đường đi. Cứ đi một lúc rồi bạn sẽ gặp một ngã ba. Bỏ đường bên trái mà đi theo đường bên phải. Ði một lúc nữa bạn sẽ gặp một khu rừng rậm... rồi gặp một đầm lầy lớn... rồi một vách núi dốc đứng đi thêm một đoạn nữa bạn sẽ gặp một bãi đất bằng phẳng khả ái".

"Bây giờ này Tissa, Như Lai sẽ minh hoạ lại ý nghĩa của ngụ ngôn trên:

"Nói “người không biết đường” là muốn nói hàng phàm phu, “người rành đường sá” ý muốn nói Như Lai, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác. "Ngã ba" được ví cho sự nghi hoặc. "Ðường bên trái" là Bát tà đạo, tức là: Tà kiến, tà Tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà Tinh tấn, tà niệm và tà định. "Ðường bên phải" là Bát Chánh Ðạo, tức: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. "Khu rừng rậm" chỉ cho sự vô minh; "Ðầm lầy lớn" là dục lạc ngũ trần; "Vách núi dựng đứng" ví cho phẫn nộ và bất mãn; "Bãi cát bằng phẳng và khả ái", này Tissa, là ví cho Niết bàn. Hãy hoan hỉ, này Tissa (trong đời Phạm Hạnh)! Hãy hoan hỷ! Như Lai sẽ khuyên bảo các con, Như Lai sẽ dạy dỗ các con" (5).

Ngụ ngôn thứ hai cũng mang ý nghĩa tương tự như trên và được tìm thấy trong bài kinh số 29 của Trung Bộ. Trong ngụ ngôn này, Ðức Phật đề cập đến một bầy Nai đang sống trong một thung lũng đầy cây cao bóng mát, ở đây cũng có một đầm lầy. Lúc bấy giờ một người kia không muốn cho một bầy Nai được sống an vui hạnh phúc, rắp tâm muốn làm hại chúng, muốn tiêu diệt chúng. Người này chặn con đường an toàn và mở một lối đi đánh lừa, trên đó ông ta đặt một cái bẫy và cột một con Nai cái làm mồi, bầy Nai lớn đó dần dần bị tổn hại và suy giảm đi.

Nhưng nếu có người muốn cho bầy Nai được an vui, yên ổn sẽ mở con đường an toàn và đóng chặt con đường đánh bẫy, tháo bỏ càm bẫy và thả con Nai mồi đi, bầy Nai ấy chẳng bao lâu sẽ phát triển, sẽ tăng trưởng. Kế tiếp Ðức Phật giải thích câu chuyện ngụ ngôn: Ðầm lầy là một tên khác để gọi dục lạc ngũ trần; bầy Nai lớn ví cho chúng sanh; người đầu tiên tiêu biểu cho Màra (Ma Vương); con đường đánh lừa là Bát tà đạo, tức là Tà kiến, tà Tư duy, tà ngữ... tà định; cái bẫy tượng trưng cho dục tham; con Nai cái ví cho vô minh; người muốn cho bầy Nai được an lạc, yên ổn tượng trưng cho đức Như Lai, bậc A la hán, Chánh đẳng giác, con đường an toàn, yên ổn, an vui là Bát Chánh Ðạo tức là Chánh kiến, Chánh tư duy... Chánh định.

"Như vậy, này các Tỳ kheo; Ðức Phật nói: Ta đã mở ra con đường an toàn, yên ổn và an vui, ta đã đóng lại con đường nguy hiểm, lừa đảo, đã tháo bẫy, đã thả mồi. Những gì, này các Tỳ kheo, một bậc Thầy từ mẫn muốn an lạc và lợi ích cho hàng đệ tử phải làm, điều đó Như Lai đã làm vì lòng bi mẫn đối với các con. Ðây là những cội cây, đây là căn nhà trống. Hãy hành thiền này các Tỳ kheo, chớ nên dễ duôi, đừng để hối tiếc về sau. Ta khuyên các con như vậy".

Ðức Phật, bậc Thầy đầy lòng bi mẫn không còn nữa, nhưng Ngài đã để lại di sản Giáo pháp (Dhamma) thậm thâm vi diệu. Pháp không phải là một sự phát minh, mà là một sự khám phá. Pháp là một quy luật vĩnh hằng; nó hiện hữu ở khắp mọi nơi với mọi người nam cũng như nữ, Phật tử hay không phải Phật tử, ở phương Ðông cũng như phương Tây. Pháp (Dhamma) không có nhãn hiệu, nó không hạn cuộc bởi thời gian, không gian hay chủng tộc, Pháp dành cho mọi thời đại. Mỗi người sống với Pháp là đem nó ra ánh sáng, là tự mình thấy và kinh nghiệm Pháp. Pháp không thể đem truyền cho người khác, vì nó cần phải được tự chứng. Ðức Phật Gotama đã khám phá ra Pháp, như các bậc tiền bối của Ngài, tức Chư Phật quá khứ. Nếu chúng ta muốn thấy nó với con mắt tâm của chúng ta như chúng thực sự là, và không như nó hiện hữu trong kinh sách, chúng ta phải đi theo Con Ðường Cổ Xưa (Pùràna Maggam) này. Các bậc Giải thoát đã tán dương Ðạo Lộ và sự Giải thoát cuối cùng trong Trưởng Lão Tăng và Trưởng Lão Ni kệ. Những người khác lắng nghe những kinh nghiệm của họ đều hân hoan và phấn khích. Nhưng chỉ đơn thuần hân hoan và phấn khích như vậy không thể đưa ta đến đích theo mong muốn được.

Chính vì vậy điều cần yếu là phải tu tập con đường.

"Hãy có tâm Từ bi

Khéo chế ngự trong giới,

Chuyên Tinh tấn nỗ lực,

Thường kiên trì phấn chấn,

Thấy nguy hiểm phóng dật,

Không phóng dật an ổn,

Hãy tu Tám Thánh đạo,

Giác chứng Ðạo Bất Tử" (6).

Con Ðường Cổ Xưa mở ra cho tất cả, hoàn toàn không có sự phân biệt trong Niết bàn. Ðề cập đến bát Thánh đạo và so sánh nó với cỗ xe, Ðức Phật nói:

"Không kể nam hay nữ,

Ðều dùng cỗ xe ấy

Chính nhờ cỗ xe ấy,

Hướng tiến đến Niết bàn".

Từ những điều đề cập ở trên đã cho thấy rõ rằng người không có cỗ xe này. Và người trong khi có nó mà không khởi hành hướng về mục tiêu như đã chỉ dẫn, sẽ không đến đích (Giải thoát) được. Có một cuộc đối thoại khá thú vị giữa Ðức Phật Gotama của chúng ta và Bà la môn Ganaka Moggallàna trong bài kinh 107 của Trung Bộ. Trả lời một câu hỏi của Bà la môn, Ðức Phật đã giải thích chi tiết cách Ngài hướng dẫn và rèn luyện hàng đệ tử của mình như thế nào. Ganaka - Moggallàna chăm chú lắng nghe và muốn biết xem tất cả hay chỉ có một số đệ tử được Ðức Phật hướng dẫn và rèn luyện ấy đạt đến mục tiêu tối hậu - Niết bàn (7). Câu trả lời của Ðức Phật là rằng một số người được Ngài hướng dẫn đã đạt đến đích tối hậu - Niết bàn, còn một số thì không. Lúc ấy Bà la môn đặt câu hỏi này với Ðức Phật:

"Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì tại sao trong khi Niết bàn hiện hữu, trong khi Ðạo Lộ dẫn đến Niết bàn hiện hữu, trong khi Tôn giả Gotama, người chỉ đường, hiện hữu, mà một số đệ tử do được chỉ dẫn lại đạt đến mục tiêu tối hậu - Niết bàn, còn một số lại không?".

"Này Bà la môn về điểm này ta sẽ trả lời ông bằng cách đặt câu hỏi, ông có thể tùy ý trả lời. Ông nghĩ thế nào về điều này? Ông có rành đường đi đến Ràjagaha (8) không?".

"Có, thưa Tôn giả, con là người biết rất rành đường sá ở Ràjagaha này.

"Thế ông nghĩ thế nào về điều này, Bà la môn? Một người muốn tới Ràjagaha đến gặp ông và nói: "Thưa Tôn giả, tôi muốn đi đến Ràjagaha xin Ngài hãy chỉ giúp đường đến Ràjagaha này". Ông có thể trả lời: "Vâng, này hiền hữu, con đường này sẽ đi đến Ràjagaha, hãy đi theo nó một lúc. Sau một lúc bạn sẽ gặp một ngôi làng, đi một lúc nữa bạn sẽ gặp một thị trấn, tiếp tục đi một lúc nữa. Sau một thời gian bạn sẽ thấy Ràjagaha với những công viên khả ái, những khu rừng khả ái, những cánh đồng khả ái và những hồ nước khả ái của nó". Thế nhưng cho dù ông đã khích lệ, đã chỉ dẫn như vậy, người ấy lại chọn con đường lầm lạc đi về hướng Tây. Rồi một người thứ hai đi đến và muốn tới Ràjagaha... (như trên)... bạn sẽ thấy Ràjagaha với những khả ái... những hồ nước khả ái của nó". Ðược ông chỉ dẫn và khích lệ như vậy người ấy đi đến Ràjagaha an toàn. Do nhân gì, này Bà la môn, do duyên gì, tại sao? Trong khi Ràjagaha hiện hữu, trong khi con đường dẫn đến Ràjagaha hiện hữu, ông là người chỉ đường cũng hiện hữu, mà một người mặc dù đã được ông chỉ dẫn, đã được ông khích lệ như vậy, lại chọn con đường lầm lạc đi về hướng Tây, trong khi người kia có thể đi đến Ràjagaha an toàn?".

"Về vấn đề này, thưa Tôn giả Gotama, con có thể làm gì được? Thưa Tôn giả Gotama con chỉ là một người chỉ đường".

"Cũng vậy, này Bà la môn, Niết bàn hiện hữu con đường dẫn đến Niết bàn hiện hữu và Như Lai, bậc chỉ dẫn, cũng hiện hữu. Nhưng trong khi một số đệ tử do được Ta khích lệ, do được Ta hướng dẫn đã đạt đến mục tiêu tối hậu, Niết bàn, còn một số người khác lại không. Này Bà la môn, về vấn đề này Như Lai có thể làm gì được, này Bà la môn Như Lai chỉ là bậc chỉ đường".

Con người có khuynh hướng xem những gì cũ là lỗi thời. Những lời chỉ trích vội vã như vậy có thể dẫn đến kết luận cho rằng Bát Thánh Ðạo do Ðức Phật khám phá đã xưa 25 thế kỷ, do vậy không còn phù hợp với những hoàn cảnh và điều kiện hiện nay. Nhưng đây chỉ là những suy nghĩ nông cạn và thiếu sáng suốt. Vấn đề quan trọng ở đây là phải biết rằng một điều gì, dù cũ hay mới, nếu nó có thể đem ra ứng dụng có hiệu quả thì đó là điều thực tiễn.

Có rất nhiều vấn đề trong thế gian này, xưa cũng như nay, mỗi giai đoạn đều có những vấn đề của nó và thái độ của chúng ta cũng đa dạng, nhiều giải pháp đã được đem ra áp dụng. Bát Thánh Ðạo đã rút gọn những vấn đề này lại còn một mà Ðức Phật gọi là Dukkha (khổ). Ngài gọi tập khởi của nó hay nhân của nó là Tanhà (ái), những động cơ tham muốn vị kỷ, và vô minh (Avijjà) hay Tà kiến. Bây giờ câu hỏi đặt ra là, con người ngày nay đã tìm ra một giải pháp nào cho những vấn đề này hay không, hay chúng ta chỉ làm cho chúng càng thêm tệ hại hơn? Con người ngày nay đang sống trong tình trạng an ổn và hạnh phúc hay đang sống trong tình trạng sợ hãi và căng thẳng thường xuyên? Con đường mà con người hiện đang theo sẽ dẫn đến sự sáng suốt hay điên rồ?

Ở đây, chúng ta đã được thấy Con Ðường Cổ Xưa này là gì rồi. Con đường gồm 8 chi: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Chi nào trong 8 chi này chúng ta có thể loại ra như là lỗi thời và không đưa đến tiến bộ vật chất và tinh thần của con người? Chi nào cản trở sự phát triển của con người về mặt vật chất hay các phương diện khác? Chắc chắn chỉ có những người u mê mới có thể coi Bát Thánh Ðạo là lỗi thời, vì mặc dù đó là một Con Ðường Cổ Xưa nhưng nó có cái mới bất diệt. Như đã đề cập ở trên, tất cả những vấn đề của cuộc đời có thể rút gọn lại trong một vấn đề, đó là vấn đề Dukkha (khổ hay bất toại nguyện); và giải pháp chư Phật hay các bậc Giác ngộ xưa nay đưa ra là Bát Thánh Ðạo. Có qua thử thách mới biết hay dở (The proof of the pudding is in the eating). Cũng vậy, hay dở của giải pháp này nằm ở chỗ thực hành nó.

"Là Phật tử hay không phải Phật tử, tôi đã nghiên cứu mọi hệ thống Tôn giáo trên thế gian này, và không có hệ thống nào trong đó tôi có thể tìm được điều gì vượt qua Bát Thánh Ðạo của Ðức Phật, cả về sự mỹ diệu lẫn tính chất toàn diện của nó. Tôi cảm thấy mãn nguyện khi được uốn nắn cuộc đời mình theo con đường đó" (9).

Ðể kết luận, chúng tôi nghĩ sẽ không cường điệu quá đáng khi nói rằng sự vĩ đại của Ðức Phật vẫn toả rạng trong thời đại ngày nay, giống như mặt trời làm mờ đi vẻ huy hoàng của những tia sáng yếu ớt hơn. Và Con Ðường Cổ Xưa của Ngài vẫn vẫy tay ra hiệu cho những người đang mệt mỏi vượt thoát trầm luân về đến nơi an ổn và hạnh phúc của Niết bàn.

Và như tục ngữ có: "Dù người chạy nhanh, người đi bộ, người thì bò một cách đau khổ; nhưng tất cả những ai giữ vững ý chí đều về đến đích cả".

Cầu mong tất cả chúng sanh đều an vui và hạnh phúc!

Dịch xong tại Viên Không Thạch Ðộng

Tháng 4 năm Tân Tỵ (TL 2001)

Tỳ kheo Pháp Thông dịch.

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

Do trong nguyên bản tiếng Anh tác giả sử dụng Tạng Pàli để trích dẫn, và trong đó việc đánh số trang cũng như phân quyển có khác với Tạng kinh do Hòa thượng Minh Châu dịch. Do đó, chúng tôi sẽ giữ nguyên phần ghi chú cuối trang theo bản gốc để cho độc giả tiện việc đối chiếu. Tuy nhiên, cũng có những chỗ chúng tôi tìm được trong bộ Kinh của Hòa thượng Minh Châu dịch và trích dẫn ra nhưng vẫn đánh thứ tự theo bản Pàli.

A: Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ)

BV: Buddhavamsa (Phật Sử)

D: Dighà Nikàyatthakathà (Chú Giải Trường Bộ)

Dhp: Dhammapàda (Pháp Cú)

Iti: Itivuttaka (Phật thuyết như vậy)

Jat: Jàtaka (Chuyện Tiền Thân)

M: Majjhimà Nikàya (Trung Bộ)

MA: Majjhimà Nikàyatthakathà (Chú Giải Trung Bộ)

S: Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ)

Sn: Suttanipàta (Kinh Tập)

Thg: Theragàthà (Trưởng Lão Tăng Kệ)

Therig: Therigàthà (Trưởng Lão Ni Kệ).

Ud: Udàna (Phật tự thuyết)

Vbh: Vibhanga (Bộ Phân Tích)

Vím: Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo)

Vin: Vinaya Pitaka (Tạng Luật)

CẢM ÐỀ

Xin nâng nhẹ

Thời gian lời kinh cổ

Mờ khung trời

Tàn vọng cánh mai chiều

Trăng đã vàng

Trên biển xám linh liêu

Câu thánh ngữ

Rực hoàng đông Sương Bạc.

Vijjadhamma - Pháp Minh

* Chú thích

(1) Xem Chương I.

(2) M. 35. D. 25.

(3) M.22.

(4) Dhamma, ở đây theo chú giải có nghĩa là định (Samàdhi) và tuệ (Vipassanà). Chấp giữ vào các tầng chứng đạt tâm linh cao đến như vậy cũng còn phải biết buông bỏ. Nói gì đến những ác pháp.

(5) S.III. 108.

(6) Psalms of the Early Buddhists, The Brethren. P.T.S 1951, verses 979, 980.

(7) Accantanittham nibbànam.

(8) Ràjagaha, một thành phố lớn của Ấn Ðộ bây giờ gọi là Ràjgir. Ðức Phật dành phần lớn thì giờ của Ngài tại Trúc Lâm Tự (Veluvana) ở đó. Trong một hang động của thành phố này cuộc kết tập Kinh điển lần thứ nhất đã tổ chức ba tháng sau ngày Ðức Phật nhập diệt. Hiện nay hang động này vẫn còn được thấy.

(9) T.W Rhys Davids, chủ tịch sáng lập của hội Pàli Text Society (PTS), Luân Ðôn.

Nghiên cứu: