Phù Đổng Thiên Vương

Sách Đại Việt sử kí toàn thư (ngoại kỉ, quyển l, tờ 3b và 4a), dựa vào sách Lĩnh Nam chích quái, tóm lược chuyện Phù Đổng Thiên Vương như sau:

�Đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Phù Đổng, bộ Vũ Ninh (nay thuộc Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc - NKT), có nhà giàu nọ, sinh được một đứa con trai. Đứa trẻ ấy, mãi đến năm hơn ba tuổi, tuy ăn uống béo tốt, nhưng lại không biết nói cười.

Bấy giờ gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, nhà vua bèn sai Thiên Sứ đi tìm người có thể đánh được giặc. Đúng ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng dưng nói được. Nó nhờ mẹ ra mời Thiên Sứ vào rồi nói rằng:

- Xin cho tôi một thanh gươm, một con ngựa. Vua không phải lo gì nữa.

Vua liền ban cho gươm và ngựa. Đứa trẻ liền phi ngựa, vung gươm tiến lên. Quan quân theo sau. Giặc bị đánh tan ở núi Vũ Ninh (núi này, nay thuộc đất Quế Võ, tỉnh Hà Bắc - NKT). Chúng sợ, quay giáo đánh lẫn nhau, chết nhiều lắm. Bọn sống sót thì cúi rạp xuống mà lạy, rồi cùng tôn đứa trẻ ấy là Thiên Tướng và đến xin hàng.

Giặc tan rồi, đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi, Vua liền sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, quanh năm cúng tế. Sau, vua Lý Thái Tổ (làm vua từ năm 1010 đến năm 1028 - NKT) phong làm Xung Thiên Thần Vương�.


Lời bàn:

Chuyện dân gian hẳn nhiên không phải là lịch sử, nhưng, bất cứ chuyện dân gian nào cũng đều phản ánh một cái lõi có thật nào đấy của lịch sử. Cái lõi có thật ấy, có thể chính là bản thân sự kiện hoặc nhân vật, nhưng có khi chỉ là một ý nguyện chân thành, gửi gắm qua cách nhìn nhận một sự kiện hoặc một nhân vật lịch sử nào dó.

Không ai tin rằng một đứa trẻ lên ba lại có thể cưỡi ngựa vung gươm, dẫn đầu quan quân ra trận và đánh tan lũ giặc hung tàn, nhưng bất cứ ai cũng đều tin rằng, hễ có giặc thì hết thảy già trẻ gái trai nước Việt đều hăm hở ra chiến trường. Chí lớn và tài cao chẳng phải lúc nào cũng đi đôi với tuổi tác.

Thắng trận rồi, đứa trẻ lẳng lặng bay lên trời, không bận tâm suy tính công lao, chẳng băn khoăn gì về sự ân thưởng. Mới hay, lòng dân muôn đời vẫn vậy, bình thản lo đại nghĩa một cách vô tư. Người có công tạo lập và gìn giữ thái bình chẳng hề đòi hỏi bất cứ một điều gì cho riêng mình cả.

Từ Lý Thái Tổ ta đi, các vua nối nhau đều phong thần cho đứa trẻ quê ở Phù Đổng. Chính hương khói của việc thờ phụng này đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra khí phách hiên ngang và sự vô tư kỳ lạ cho lớp lớp những thế hệ trẻ, vì nước quên thân, vì dân quên mình. Kính thay!


(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần - NXB Giáo dục)

Văn học: