CHƯƠNG VIII: CHÁNH NGỮ (SAMMÀ- VÀCÀ)

Tất cả các Tôn giáo và triết học đều chủ trương đời sống luân lý hay đạo đức bằng hình thức này hay hình thức khác vì hạnh phúc riêng của con người, và vì sự tốt đẹp chung của xã hội trong đó họ sống. Những nguyên tắc luân thường đạo lý này không cùng một mức độ và phạm vi mà rất đa dạng. Ðiều được xem là đạo đức đối với Tôn giáo này hay triết thuyết này, có thể không phải như vậy đối với Tôn giáo hay triết thuyết khác. Ðiều mà Tôn giáo này lên án là phi luân, có thể được nhìn nhận là đạo đức đối với Tôn giáo khác. Những nguyên tắc cư xử phải, trái, đôi khi tùy thuộc vào bối cảnh của các dân tộc khác nhau trên thế giới, tùy thuộc vào các điều kiện địa dư, kinh tế, xã hội... của họ. Như vậy tiêu chuẩn định đặt ra các nguyên tắc đạo đức rất khác nhau.

Có vẻ như với sự trôi qua của thời gian, người ta dường như nghĩ rằng một số những nguyên tắc đạo đức mà các bậc Ðạo sư ban hành đã trở nên lỗi thời, và trong niềm say mê của họ đối với một cuộc sống phóng đãng, họ đã không ngần ngại gạt qua một bên những nguyên tắc ứng xử nào mà họ thấy là chướng ngại. Sau đó họ tiếp nhận những cách cư xử mới, mà về lâu dài trở thành tục lệ, một khi điều đó đã xảy ra, chẳng còn ai quan tâm đến việc chỉ trích họ nữa. Tuy nhiên, có rất nhiều những phép tắc mà mọi người, không kể màu da, chủng tộc hay Tôn giáo, đều được trông đợi phải tuân theo.

Giới luật trong đạo Phật có rất nhiều và đa dạng, tuy nhiên nhiệm vụ của giới (Sìla) chỉ có một. Ðó là kiểm soát những hành động của thân và khẩu, cách cư xử của con người, hay nói khác đi là để thanh tịnh lời nói và hành vi của họ. Tất cả những điều học (giới) được ban hành trong đạo Phật đều dẫn đến mục đích chánh hạnh này. Tuy nhiên, giới (sìla) tự thân nó không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện, vì nó hỗ trợ cho định (samàdhi). Samàdhi ngược lại là phương tiện cho sự thu thập trí tuệ (Pannà), và Chánh trí tuệ này lần lượt dẫn đến sự Giải thoát của tâm, mục tiêu cuối cùng của đạo Phật. Do đó Giới, Ðịnh và Tuệ là một sự kết hợp hài hòa giữa những xúc cảm và tri thức của con người. Chính vì mục đích này mà bậc Ðạo sư hướng dẫn hàng đệ tử của mình.

Thái độ của Ðức Phật đối với cuộc sống không chỉ thuần lý, mà là sự thực hiện thực tiễn những gì được xem là tốt đẹp - sự hoàn thiện luân lý cũng như sự Giải thoát tâm. Ðiều này hàm ý rằng Ðức Phật muốn chúng ta trau dồi những cảm xúc tốt đẹp và từ bỏ những cảm xúc xấu xa. Phương diện tình cảm cũng phải được phát triển dù rằng một mình nó không dẫn chúng ta đến sự Giải thoát cuối cùng được. Những cảm xúc tốt đẹp luôn luôn phải được kết hợp hài hòa với Chánh kiến. Như vậy rõ ràng là Giới, Ðịnh và Tuệ là ba tao của sợi dây, mà nhờ sự trợ giúp của nó bậc hiền trí thành tựu cứu cánh tối hậu và tuyên bố sự thành tựu của mình bằng câu nói bất hủ: "việc cần làm đã làm xong" (Katam karanìyam). Như vậy Pháp (dhamma) hướng dẫn người hành trì pháp qua lối sống thanh tịnh và sự hiểu biết chơn chánh, đến sự thành tựu Giải thoát khỏi mọi khổ đau.

Trong chương này chúng ta sẽ thảo luận về Chánh ngữ. Hai chương tiếp theo Chánh nghiệp và Chánh mạng sẽ được lần lượt đề cập đến. Vì ba chi này đều nằm trong nhóm giới (Sìla). Toàn bộ giới luật của đạo Phật được nói đến trong nội dung của Bát Chánh Ðạo, dĩ nhiên với vài dòng như vậy không thể giải thích hết ý nghĩa của giới như đã mô tả trong hệ thống Kinh điển Phật giáo.

Sự Giải thoát cuối cùng hay cứu cánh tối hậu của đạo Phật, không thể đạt đến ngay lập tức được. Ðó là một tiến trình tuần tự, một sự đào luyện từng bước. Như Kinh điển thường nói: sự thanh tịnh tâm chỉ đạt được sau khi đã thành mãn giới hạnh. Thanh tịnh tâm và trí tuệ là điều không thể có nếu không thanh tịnh giới. Ðức Phật thúc giục các đệ tử của Ngài trước tiên hãy tự đặt mình vào nếp sống giới hạnh, sau đó mới bước vào con đường thiền định và trí tuệ. Chính vì vậy cần phải khởi sự ngay từ bước đầu. Ðiểm khởi đầu trong giáo pháp là Giới (Sìla). Sau khi đã đứng vững trên đất giới, hành giả sẽ nỗ lực làm chủ cái tâm dao động của mình.

Ðức Phật vạch ra cho hàng đệ tử của Ngài những cách để khắc phục tà hạnh về thân và khẩu. “Sau khi đã điều phục lời nói, đã chế ngự được các hành động của thân và tự làm cho mình thanh tịnh trong cách nuôi mạng (khất thực), vị đệ tử tự đặt mình vào nếp sống giới hạnh (Silavà). Như vậy vị ấy thọ trì và học tập các học giới, giữ giới một cách thận trọng và thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt” (1). Trong khi tiết chế lời nói và hành động như vậy vị ấy phải cố gắng phòng hộ các căn (Indriyaguttadvàra). Vì nếu vị ấy thiếu sự kiểm soát các căn của mình thì các Tư duy bất thiện sẽ xâm nhập đầy tâm vị ấy. Thấy một sắc, nghe một âm thanh v.v... Vị ấy không thích thú, cũng không khó chịu với những đối tượng giác quan ấy, mà giữ lòng bình thản, bỏ qua một bên mọi ưa ghét. Vị ấy thực hành việc kiểm soát các căn này với sự nhiệt tình hứng thú.

Vị ấy ăn uống có tiết độ (2) và Chánh niệm: không đam mê vô độ, không để làm đẹp thân, mà chỉ để cho thân này không bị tổn hại vì mục đích sống đời phạm hạnh (Bhramacariya). Vị ấy nhiệt tâm Tỉnh giác (3) và gột sạch tâm khởi những cấu uế (4). Nếp sống giới hạnh này áp dụng cho một vị Tỳ kheo (bậc xuất gia) chớ không phải cho hàng tại gia cư sĩ.

Khi vị đệ tử đã có nhiệt tâm và Chánh niệm, họ sẽ tiến tới không nao núng và khởi sự một công việc khó khăn hơn, đó là hành thiền, thành tựu tâm định (Samatha) bằng cách chọn một đề mục thiền thích hợp với căn cơ của mình (5) và duy trì trên đề mục đó không ngừng nghỉ, dần dần từng chút, từng chút một, từ sát na này đến sát na khác (6) vị ấy tịnh hóa tâm mình nhờ khắc phục các Triền cái ngăn trở tâm thiền. Người nỗ lực Chánh niệm như vậy sẽ thành công trong việc điều phục tâm dao động của mình. Khi những hành động và lời nói, cũng như các căn đã được chế ngự và tâm đã được điều phục, giờ đây vị ấy đã đạt đến sự tự chủ. Sau khi đã tự mình rèn luyện trong Giới và Ðịnh như vậy (Sìla- Sikkhà và Samàdhi- Sikkhà), vị ấy sẽ cố gắng để thành tựu Chánh trí bằng cách thấy các pháp như chúng thực sự là (Yathabhùtam: Như thị). Thấy các pháp như chúng thực sự là, hàm ý như chúng ta đã đề cập ở trên (7), thấy tính chất Vô thường, Khổ và Vô ngã của vạn pháp hữu vi.

Ðối với một hành giả đệ tử Phật "thế gian" ở đây không phải là thế gian bên ngoài hay thế gian theo lối kinh nghiệm, mà là thân người với tâm của nó. Ðó là thế gian của năm uẩn chấp thủ. Chính thế gian này mới là cái vị ấy cố gắng tuệ tri như Vô thường, Khổ và Vô ngã. Cũng chính thế gian của thân và tâm này là cái mà Ðức Phật muốn đề cập đến khi Ngài nói với Mogharàja:

"Này Mogharàja

Hãy nhìn đời rỗng không

Luôn luôn giữ Chánh niệm,

Nhổ lên ngã tùy kiến (8)

Như vậy vượt tử vong

Hãy nhìn đời như vậy (9)

Thần chết không thấy được".

Giờ đây, khi hành giả đã tự rèn luyện trong trí tuệ như vậy (Pannàsikkhà) vị ấy sẽ hiểu một cách chơn chánh rằng "Bất cứ cái gì là Vô thường đều không đáng hoan hỉ, cái gì Vô thường đều không đáng để ý, cái gì Vô thường đều không đáng chấp giữ" (10).

Vị ấy không xem năm thủ uẩn, năm căn và năm trần tương ưng của nó như là "của Tôi", như là "Tôi" hoặc "Tự ngã của Tôi" và hiểu được lời nhắc nhở của bậc Ðạo Sư.

"Cái gì không phải của các con, này các Tỳ kheo, hãy từ bỏ nó, từ bỏ nó sẽ đem lại hạnh phúc và an lạc cho các con. Cái gì, này các Tỳ kheo, là không phải của các con? Sắc (thân), này các Tỳ kheo, không phải của các con, hãy từ bỏ nó, từ bỏ nó sẽ đem lại hạnh phúc và an lạc cho các con. Thọ không phải của các con... tưởng không phải của các con... hành không phải của các con... thức không phải của các con, hãy từ bỏ nó; từ bỏ nó sẽ đem lại an lạc và hạnh phúc cho các con" (11).

Tuệ tri các pháp như chúng thực sự là như vậy, nhận chân được thực chất của năm uẩn chấp thủ như vậy, vị ấy “sống không nương tựa (độc lập), không chấp giữ điều gì trong thế gian (năm thủ uẩn) này” (12). Thế gian của các uẩn và của các giác quan - và sống chứng nghiệm hạnh phúc của Niết bàn, Hạnh Phúc Tuyệt Ðối. Tóm lại, đây là con đường mà các bậc Thánh (Àryan) đệ tử nhờ tuần tự tu tập đã chứng đạt cứu cánh của mình.

Người đọc sẽ nhận ra rằng tiến trình tự thanh lọc và tự làm chủ bản thân để hướng đến Giải thoát cuối cùng này là nhờ tu tập theo tuần tự, hoàn toàn không có sự ép buộc hay thúc bách từ bất kỳ tác động bên ngoài nào, không có sự thưởng, phạt đối với những việc đã làm hoặc chưa làm; không có sự rửa tội bằng nước Thánh, chẳng phải nhờ cúng dường cho các vị Thần linh, cũng không phải vì tôn thờ các vị thần như Thần Mặt Trời, Thần Lửa, v.v... Tại sao vậy? Vì thanh tịnh hay không thanh tịnh tùy thuộc tự thân mỗi người. Các hiện tượng bên ngoài dù hữu tình hay vô tình không thể và chắc chắn không ban cho chúng ta sự thanh tịnh và Giải thoát được.

"Không phải sống loã thể

Bện tóc, tro trét mình,

Tuyệt thực lăn trên đất,

Sống nhớp, siêng ngồi xổm

Làm người ta thanh tịnh,

Nếu không trừ nghi hoặc" (13)

Bây giờ chúng ta đi vào chi tiết của giới (Sìla). Trong bài kinh đầu tiên của Trường Bộ (Dighà Nikàya), chúng ta sẽ thấy một số giải thích khá dài và toàn diện về các học giới mà ở đây không thể bàn hết được.

Trong số các học giới, thấp nhất là Ngũ giới (Pancasila), năm giới mở đầu cho luân lý Phật giáo. Năm giới này là những nguyên tắc căn bản cho người tại gia cư sĩ. Ðó là:

Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh.

Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp.

Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự tà dâm.

Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự nói dối.

Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dễ duôi uống rượu và các chất say.

Năm giới này cần phải được giữ gìn và thực hành trong đời sống hàng ngày của mỗi người, giới không phải để tụng đọc suông, không phải là lời nói cửa miệng hoặc để xin cho người khác.

"Người học thuộc lòng giới,

Nhưng không chịu hành trì,

Như thắp lên ngọn đèn,

Rồi ngồi nhắm mắt lại (14).

Ðạo Phật không đòi hỏi người tại gia cư sĩ tất cả những điều mà một thành viên của Tăng đoàn (một vị sư) phải có trách nhiệm gìn giữ. Nhưng dù là vị sư hay cư sĩ, chánh hạnh cũng là nền tảng cơ bản cho con đường hướng thượng. Một người trở thành Phật tử bằng cách thọ Tam Quy, ít nhất họ cũng phải gìn giữ năm giới căn bản được coi là khởi điểm của Ðạo lộ (Giải thoát). Ngũ giới này không hạn cuộc trong một ngày đặc biệt hay nơi đặc biệt nào, mà cần phải được thực hành suốt đời dù ở đâu và bất cứ lúc nào. Dĩ nhiên, ngoại trừ các bậc đã chứng đạt ít nhất là Thánh quả đầu tiên (Sotàpatti) ra, còn lại tất cả mọi người đều có thể phạm vào những học giới này, nhưng khi có sự phạm giới xảy ra nếu ta tỏ ra hối hận về những khuyết điểm và những thiếu sót của mình thì thật là vô ích, vì sự hối hận ấy chẳng có lợi hay giúp ích gì cho bản thân ta và người khác cả. Sự hối hận chỉ quấy động tâm ta thêm mà thôi. Vả lại cũng cần thấy được rằng lầm lỗi, theo đạo Phật, không xem như một "tội", vì từ đó hoàn toàn xa lạ với lời dạy của Ðức Phật. Không có gì gọi là “phạm luật Phật” cả, vì Ngài không phải là nhà làm luật hoặc một vị quan toà đứng ra trừng phạt những hành động tội lỗi và ban thưởng cho những hành động thiện của con người, vì vậy không cần phải có sự hối hận, ăn năn hay buồn rầu vì "tội". Người tạo nghiệp phải có trách nhiệm đối với những điều mình làm; người ấy phải thọ lãnh những quả khổ vui của nó, do đó, làm thiện hay làm một kẻ phạm giới mới chính là mối quan tâm của người ấy. Ðiều cũng cần đề cập ở đây là mọi hành động thiện hay ác, không nhất thiết phải trả quả (dị thục quả). Nghiệp thiện của một người có thể triệt tiêu ác nghiệp của họ và ngược lại.

Như nghi thức thọ giới đã cho thấy rõ, hoàn toàn không có những quy luật hay điều răn nào ở đó. Một cách tự nguyện bạn hứa gìn giữ các học giới và không có sự cưỡng ép hay thúc bách nào cả, chính bạn là người phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động (nghiệp) của mình. Nếu bạn phạm vào những gì bạn đã hứa giữ, lúc ấy điều tối cần là phải hạ quyết tâm không tái phạm đồng thời sửa chữa những khuyết điểm của mình và cố gắng hết sức không để lầm lỗi nữa. Một người có Tư duy thận trọng phải hiểu rằng mục đích duy nhất của việc giữ giới này là để tự rèn luyện mình, để kiểm soát những bản năng của mình, để chế ngự những khuynh hướng ác và những hành động sai lầm của mình, và như vậy mở lối đi đến sự thanh tịnh và hạnh phúc, đóng góp sự an ổn cho xã hội và thúc đẩy những tình cảm chân thành. Nếu phân tích kỹ chúng ta thấy rằng việc giữ giới là cách duy nhất để giảm thiểu tham, sân, si của chúng ta, những nguyên nhân căn để của mọi tội ác trong xã hội. Chẳng hạn, giới đầu tiên không thể vi phạm mà không nuôi dưỡng những ý nghĩ Sân hận và độc ác, trường hợp giới thứ ba thì nó là đặc biệt tham, còn giới thứ hai và thứ tư có thể là vừa tham và vừa sân, giới thứ năm là tham, trong khi Si mê nằm đằng sau cả năm giới này.

Ðiều quan trọng cần nhận ra ở đây là uống rượu và các chất say khiến cho Si mê. Nó ngăn những Tư duy trong sáng, giảm thiểu năng lực lý trí của con người và gây ra sự cẩu thả, cuồng dại và rất nhiều điều ác khác. Một người say không còn làm chủ được những hành động của mình và có thể phạm vào bất cứ tội nào. Chính vì vậy chỉ cần phạm một giới này có thể dẫn người ta đến chỗ phạm luôn các giới khác. Ðức Phật nói:

"Chỉ kẻ ngu say rượu

Mới làm các điều ác

Và khiến các người khác

Sống buông lung phóng dật

Hãy từ bỏ tránh xa

Xứ phi công đức này (15)

Khiến điên cuồng Si mê

Làm kẻ ngu thỏa thích (16)".

Dĩ nhiên người ta có thể lý luận rằng uống rượu điều độ thì đâu có hại gì, nhưng hãy nghe ai đó nói:

"Ðầu tiên người uống rượu

Kế tiếp rượu uống rượu

Cuối cùng rượu uống người".

Vì vậy tốt hơn hết vẫn phải nhớ lời cảnh tỉnh của Ðức Phật "Hãy Chánh niệm, tự chủ và bình thản". Chúng ta hãy tránh xa rượu và các chất say, những thứ làm mất lý trí khiến cho người ta không thấy được những sự thật của cuộc đời và con đường đi đến Giải thoát.

Hãy nhớ rằng giới thứ ba và giới thứ năm có một mối quan hệ, chúng hỗ trợ lẫn nhau và cả hai đều đem lại sự "thỏa mãn" (Rasassàda). Ðôi khi trong Kinh điển Pàli giới thứ năm này được bỏ đi, như vậy nó đã được kể trong giới thứ ba như ở trường hợp nhóm giới đã đề cập trong bát chánh đạo. Kế tiếp, chúng ta có mười giới hay 10 điều học, dành cho các vị Sa di (Sàmaneras) (17) thập giới này được tạo thành bằng cách thêm năm giới vào Ngũ giới vừa mới đề cập (18). Ðó là:

Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự ăn sái giờ.

Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự múa hát thổi đờn kèn, xem múa hát nghe đờn kèn.

Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sự trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa.

Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp.

Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự thọ lãnh, cất giữ, hoặc bảo kẻ khác thọ lãnh, cất giữ vàng bạc châu báu, hoặc cảm xúc đến các vật ấy.

Cũng có tám học giới cho hàng tại gia cư sĩ thọ trì vào những ngày đặc biệt, đó là các ngày Bát Quan Trai từ hai đến 10 ngày trong một tháng. Bát giới này được thành lập bằng cách kết hợp giới thứ bảy và giới thứ tám trong thập giới Sa di, và bỏ bớt giới thứ 10.

Một người giữ giới, theo cách nói của Ðức Phật, là một thiện nhân hay chân nhân (Sappurisa). Ngoài ra, nếu người ấy biết khuyến khích người khác giữ giới, người ấy là bậc xứng đáng được kính trọng hơn nữa.

Trong Bát Chánh Ðạo, phần nói về Chánh ngữ đề cập đến bốn điều nên tránh: Nói lời giả dối, nói ly gián, nói lời thô ác và nói lời nhảm nhí vô ích.

Mặc dù những học giới này được nói lên một cách tiêu cực, ta không nên nghĩ rằng giới của đạo Phật đơn thuần là sự ngăn cấm mang tính tiêu cực. Trước khi muốn gieo giống, điều cần thiết đầu tiên là phải dọn cỏ và sửa soạn đất. Cũng vậy, đối với người muốn làm điều thiện, điều thiết yếu trước tiên là phải cố gắng làm cho trong sạch thân và khẩu nghiệp của mình đã. Chúng ta phải thừa nhận rằng tâm của chúng ta luôn luôn bị ô nhiễm với những ý tưởng bất thiện. Nó bị thiêu đốt bởi ba ngọn lửa tham, sân, si và lúc nào cũng ở trong trạng thái không lành mạnh. Ðương nhiên biểu hiện của những Tư duy không lành mạnh như vậy bằng hình thức của những hành động của thân và khẩu, không thể nào lành mạnh được. Vì vậy việc cần phải làm là trước tiên là chặn đứng điều ác, tránh lối cư xử buông thả. Sự tiết chế này thúc đẩy người ta hành thiện và sống trong sạch từ lời nói đến việc làm. Ðối với những người thích làm điều thiện giúp mọi người thường cảm thấy khó khăn trong việc phải tránh làm những điều không hợp nào đó. Ðiều này cần phải có nghị lực, cố gắng và quyết tâm. Mặt khác chính vì lòng trắc ẩn và cảm thông, đây không phải là những đức tính thụ động tiêu cực, mà người ta tránh làm hại kẻ khác, và vì lòng yêu mến sự thật mà người ta tránh nói dối v.v...

Người đọc cẩn thận những bản kinh Phật sẽ thấy rằng bậc Ðạo Sư cũng từng tuyên bố các học giới bằng những từ rất tích cực như vầy:

“Vị ấy sống thành tựu học pháp chánh hạnh, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng bỏ kiếm, biết tàm, biết quý (hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi), có lòng từ, sống thương sót hạnh phúc của tất cả chúng sanh và các loài hữu tình. Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những gì được cho,... vị ấy sống thanh tịnh không có những khuynh hướng trộm cắp. Từ bỏ lời nói hai lưỡi,... vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, và khuyến khích những ai sống hòa hợp, ưa thích trong hòa hợp và hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến sự hòa hợp. Từ bỏ những lời nói độc ác, vị ấy nói những lời không lỗi lầm, dễ nghe, dễ thương. Từ bỏ lời nói phù phiếm, vị ấy nói đúng thời, nói hợp với sự thật, nói hợp với mục đích, hợp với pháp (Dhamma) và luật những lời đáng lưu giữ (trong tâm), hợp lý, sáng suốt, và đúng trọng tâm (19)”.

Như vậy chúng ta thấy bậc Ðạo sư cũng đã nhấn mạnh đến phương diện tích cực của việc giữ giới là như thế nào bằng những ngôn ngữ không thể nhầm lẫn được.

Tuy nhiên, một người nỗ lực, quyết tâm dứt khóat đi trên con đường thanh tịnh sẽ không phí thời giờ và việc suy đoán vô ích, mà "tự cảnh tỉnh và sách tấn mình bước theo con đường đã định sẵn:

Trên đường thẳng được thuyết,

Hãy bước chớ quanh ta,

Hãy tự mình trách mình,

Hãy đem lại Niết bàn" (20).

Không có gì mơ hồ trong lời dạy của Ðức Phật. Ðã biết ác là ác, thiện là thiện, tại sao ta còn do dự không tránh ác và bước theo con đường chân chánh đi? Ðối với người Phật tử, nếu đã hiểu đúng đắn lời dạy của bậc Ðạo sư thì việc từ bỏ điều ác và làm điều thiện là điều tất nhiên, không thể tránh được.

Từ bỏ mọi điều ác

Trau dồi các thiện pháp

Gột rửa sạch nội tâm

Ðây lời dạy chư Phật (21).

Như bài kệ vô cùng quan trọng này chỉ rõ, trước khi muốn hành thiện, điều cần yếu là phải dứt ác. Khi một người đã làm xong cả hai điều trên là đã tự củng cố mình trong nếp sống giới hạnh, lúc ấy người ấy có thể, nếu họ thích, đảm nhận một công việc khó khăn hơn nữa là khép tâm vào kỷ luật nhờ hành thiền. Tuy nhiên, một cố gắng để luyện tập tâm như vậy nếu không có một nền tảng giới luật, không điều chỉnh cách cư xử theo chánh hạnh, thì đó chỉ là niềm hy vọng và sự tưởng tượng hão huyền mà chẳng bao giờ có thể trở thành hiện thực được.

Bát Chánh Ðạo trong Phật giáo, là con đường duy nhất đưa đến sự thanh tịnh. Ðức Phật nói:

"Nghiệp (22), minh (23), pháp (24) và giới thanh tịnh sinh mạng, chính nhờ những pháp này mà các chúng sanh thanh tịnh, chứ không phải do giai cấp và tài sản (25)".

"Phàm những pháp nào là bất thiện, liên quan đến bất thiện, thuộc về bất thiện, tất cả những pháp ấy đều phát sanh từ tâm (nghĩa là tâm đi trước các pháp Manopubbangamà). Phàm những pháp nào là thiện, liên quan đến thiện, thuộc về thiện - Tất cả những pháp ấy đều phát sanh từ tâm" (26).

"Khi tâm hay Tư duy được phòng hộ thì thân nghiệp cũng được phòng hộ, khẩu nghiệp cũng được phòng hộ" (27).

"Nhân sanh của tất cả các nghiệp này hoặc là tham, sân, si hoặc là vô tham, vô sân, vô si. Những nghiệp nào được làm dưới ảnh hưởng của tham, sân, si đều là bất thiện, các nghiệp ấy đáng khiển trách, chúng đem lại quả khổ đau và dẫn đến các ác nghiệp khác, không dẫn đến sự đoạn tận nghiệp. Những nghiệp nào được làm dưới ảnh hưởng của vô tham, vô sân, vô si đều là thiện nghiệp, chúng đem lại lợi ích và không bị khiển trách, những nghiệp này cho quả an vui và dẫn sự đoạn diệt nghiệp, các nghiệp khác không sanh từ đó" (28).

Như vậy có ba cách hành thiện và ác do ba Tâm sở khác nhau làm duyên, và chúng tạo ra các dị thục quả hay những phản ứng tương ưng với nghiệp đã làm. Trong trường hợp này tâm có thể so sánh với một bể chứa cần được chú ý chăm sóc để giữ cho nước không bị ô nhiễm và trong sạch. Nếu bể nước bị xao lãng thì nước sẽ trở nên ô nhiễm, người uống nước từ nơi vòi của bể ấy sẽ gặp vấn đề. Tuy nhiên nếu biết nước đã bị ô nhiễm, người ấy khóa vòi lại, chắc chắn họ sẽ không phải khổ mặc dù bể nước đã ô nhiễm. Vì người ấy không thể giữ cho vòi nước đóng mãi được, do đó trách nhiệm của người ấy là phải thấy rằng bể nước cần được chăm sóc để cho họ có thể mở vòi ra mà uống nước. Tâm chúng ta cũng giống như một bể chứa nước, có hai vòi thoát, thân hành và khẩu hành. Những gì nằm ở trong tâm sẽ thoát qua hai vòi này. Nếu những Tư duy là trong sạch, người chủ sở hữu của nó sẽ thọ lãnh những quả báu thiện, nếu Tư duy bị ô nhiễm họ sẽ thọ lãnh bất thiện quả. Nếu người ấy ngăn ngừa không để cho những Tư duy bất thiện thoát qua hai đường này, những hành động của thân và những lời nói của họ sẽ không bị ô nhiễm, vì hai lối thoát đó đã được đóng lại một cách an toàn. Tuy nhiên tâm, bể chứa nước, vẫn không được bảo hộ. Người ấy phải thực hiện một nỗ lực chân thật để canh phòng tâm mình sao cho những gì chứa trong đó không bị ô nhiễm, và muốn làm được điều này người ấy phải hành thiền hay cần phải định tâm. Mặc dù tâm người ấy có định, và được phòng hộ như vậy, nó vẫn chưa ở trong trạng thái an toàn, vì thế, người ấy cần phải có trí tuệ để giữ cho tâm không bị ô nhiễm. Một khi điều này đã được thành tựu tâm người ấy đã được làm cho miễn nhiễm khỏi mọi cấu uế, phiền não và ô nhiễm.

Từ thí dụ trên chúng ta có thể hiểu rằng mặc dù giới (Sìla) hay nói nôm na là cách cư xử hợp với đạo đức, phòng hộ những hành động của thân và khẩu chỉ là khởi điểm của Đạo lộ Giải thoát, tuy thế nó vẫn là điều tối yếu cho sự phát triển và thanh tịnh của con người.

Với sự giới thiệu ngắn gọn và tổng quát về giới trong đạo Phật như vậy, bây giờ chúng ta hãy xét đến Chánh ngữ. Ngôn ngữ quả thật là điều kỳ diệu biết bao, vì chỉ một lời nói có thể làm thay đổi hẳn toàn bộ quan niệm của con người về vấn đề thiện ác. Không phải là chúng ta đã thực sự may mắn có được đặc ân này một điều mà bị từ chối đối với loài vật đó sao? Vậy mà quá ít người trong chúng ta quan tâm đến việc sử dụng nó vì lợi ích của bản thân chúng ta và của mọi người đến như thế nào! Giá như con người ta biết đắn đo hơn và tế nhị hơn trong những gì họ nói và chính xác hơn, thành thật hơn trong những gì họ viết hẳn rất nhiều điều phiền muộn và hiểu lầm đã có thể tránh khỏi.

Ngôn ngữ là một món quà vô giá vì qua nó chúng ta có thể diễn đạt những ý tưởng và quan niệm, nói chung những điều cần được chia xẻ với người khác. Nhưng nếu cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo này, cứ mặc cho nó phóng túng, nó có thể phá hỏng mọi sự. Rất nhiều những xung đột và rắc rối - từ những chuyện cãi nhau lặt vặt giữa các gia đình đến những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia đâu không phải là trách nhiệm của các lưỡi đó sao? Chỉ cần người ta điều phục được cái lưỡi của mình, không phải là thế giới này sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn để sống hay sao?

Ngôn ngữ không nên để bị chi phối bởi những Tư duy bất thiện bởi tham, sân, ganh tỵ, Ngã mạn, ích kỷ, v.v... Nói nhiều chắc chắn sẽ cản trở sự điềm tĩnh và Tư duy chơn chánh, cũng như một cái lưỡi lúc nào cũng liến thoáng sẽ dẫn đến bốn loại tà ngữ. Ðức Phật nói: “Này các Tỳ kheo, có năm bất lợi và nguy hại cho lời nói ba hoa này. Thế nào là năm? Người nói nhiều sẽ thốt ra những lời giả dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời độc ác và những lời phù phiếm và sau khi chết sẽ Tái sanh vào một trong bốn đường ác” (29).

1. Không nói dối: Trong nội dung của Chánh ngữ giới đầu tiên là không nói dối đồng thời phải nói lời chân thật. Người như vậy theo Metta sutta (Từ Bi kinh) nói, là người ngay thẳng và chánh trực (Uju, Sùju). Người ấy sống chân thật, liêm khiết và đáng tin cậy. Người ấy không vì danh, vì lợi hoặc vì muốn làm vui lòng người khác mà chối bỏ sự thật. Có thể người ấy bị xem là nghiêm khắc, nhưng “sự thật chỉ có một, không có sự thật thứ hai (30)”. Ðức Phật không bao giờ tuyên bố một điều gì ngày hôm nay rồi ngày mai lại nói ngược lại (31). Bởi vì Ngài nói như thế nào thì Ngài làm như thế ấy và Ngài làm như thế nào thì Ngài nói như thế ấy, nên Ngài được gọi là Tathàgata (Như Lai), bậc Ðạo sư cũng được gọi là Saccanàma, “người mệnh danh là Chân lý”.

Liên quan đến tội nói dối này, Ðức Phật đã nhấn mạnh trong bài học đầu tiên cho Sa di Ràhula (La Hầu La), Sa di bảy tuổi, dường như có tật xấu thích nói dối (chúng ta biết rằng trẻ con ở lứa tuổi này, vô tình hay cố ý thường hay nói dối).

Một hôm Ðức Phật đến thăm Sa di Ràhula. Ràhula chuẩn bị sẵn sàng tọa cụ và đem nước cho Ngài rửa chân. Bậc Ðạo sư rửa chân xong rồi ngồi xuống. Sa di Ràhula cúi đầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn rồi ngồi sang một bên. Khi ấy bậc Ðạo sư đổ một ít nước vào chậu và nói:

- Này Ràhula, con có thấy ít nước còn lại trong chậu không?

- Bạch Ðức Thế Tôn, con có thấy.

- Cũng vô nghĩa như vậy, này Ràhula, là Sa môn hạnh của những ai nói láo không biết hổ thẹn.

Rồi bậc Ðạo sư đổ nước trong chậu đi và nói với Sa di:

- Này Ràhula, con có thấy chút nước còn lại đã bị hất đi không?

- Thưa có, bạch Ðức Thế Tôn.

- Cũng vậy, này Ràhula! Sa môn hạnh thực sự đã bị vứt bỏ đối với người nào nói dối không biết hổ thẹn.

Rồi bậc Ðạo sư lật úp chậu nước lại và nói:

- Này Ràhula, con có thấy rằng cái chậu đã bị lật úp xuống không?

- Bạch Ðức Thế Tôn, con có thấy.

- Cũng vậy này Ràhula, Sa môn hạnh thực đã bị lật úp đối với người nào nói dối không biết hổ thẹn.

Rồi bậc Ðạo sư lật ngửa chậu nước lên và bảo:

- Này Ràhula, con có thấy chậu nước này đã rỗng không chăng?

- Bạch Ðức Thế Tôn con có thấy.

- Cũng vậy này Ràhula, Sa môn hạnh của người nói láo cũng rỗng tuếch, trống không như vậy.

Rồi Ðức Phật đưa ra ẩn dụ con voi của đức Vua:

“Này Ràhula, ví như một con voi của Vua, có cặp ngà dài như càng xe, to lớn, khéo huấn luyện và có kinh nghiệm trên chiến trường, khi lâm trận con voi này dùng hai chân trước, hai chân sau, dùng phần thân trước, phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng cặp ngà và đuôi của nó, những giữ cho cái vòi được bảo vệ (bằng cách đặt nó vào miệng)”.

Thấy vậy (cách xử sự của con voi), người nài nghĩ: "Khi con voi của Vua, với ngà dài như càng xe... như trên... mà bảo vệ cái vòi của nó. Như vậy con voi của Vua không quăng bỏ mạng sống của nó.

Nhưng, này Ràhula (vào một lần khác) khi con voi của Vua với ngà dài như càng xe, to lớn... như trên... khi lâm trận, nó chiến đấu với hai chân trước, với hai chân sau, với phần thân trên, với phần thân dưới, với đầu, với tai, với cặp ngà, với đuôi và cả với vòi của nó. Con voi của Vua sẽ quăng bỏ mạng sống của nó. Giờ đây không có điều gì mà con voi của Vua này không làm”.

Cũng vậy, này Ràhula những ai nói láo không biết hổ thẹn, Như Lai nói rằng không có điều ác nào mà người ấy không làm. Vì vậy, này Ràhula con hãy tự mình luyện tập như vầy: "Ta sẽ quyết không nói láo, dù chỉ để vui đùa" (32).

2. Nói ly gián hay nói hai lưỡi (Pisunàvàcà: ly gián ngữ) là điều ác kế tiếp mà cái lưỡi có thể phạm, từ Pàli Pisunàvàcà nghĩa đen là "Phá vỡ tình bạn". Vu khống người khác là một điều độc ác nhất vì nó đòi hỏi phải đưa ra một lời tuyên bố dối trá với ý định làm hại thanh danh của người khác. Người nói lời ly gián thường phạm vào hai tội ác một lúc, vì lời vu cáo của họ không đúng sự thật nên họ đã phạm tội nói láo và sau đó họ còn phạm tội đâm thọc sau lưng người khác (ly gián).

Trong thi ca văn kệ Sanskrit người đâm thọc sau lưng người khác được so sánh với con muỗi tuy nhỏ nhưng rất độc. Nó bay đến với tiếng hát vo ve, đậu lên người bạn, hút máu và có thể, nếu là muỗi cái, truyền bệnh sốt rét vào bạn. Lại nữa những lời lẽ của người đâm bị thóc, thọc bị gạo này có thể ngọt ngào như mật ong, nhưng tâm địa của họ đầy nọc độc.

Như vậy chúng ta hãy tránh lời nói đâm thọc hay lời nói ly gián phá hủy tình thân hữu. Thay vì gây chia rẽ, chúng ta hãy nói những lời đem lại sự an vui và hòa giải. Thay vì gieo hạt giống phân ly, chúng ta hãy mang an lạc và tình bạn đến những ai đang sống trong bất hòa và thù nghịch. Ðức Phật nói: "Hãy sống đoàn kết, đừng cãi vả". Còn Hoàng Ðế A Dục cho khắc trên đá câu: "chỉ có tinh thần hòa hợp là đáng tuyên dương" (samavàyo eva sàdhu). Vì chúng ta sống trong thế gian này hoàn toàn lệ thuộc vào nhau nên chúng ta cần phải học cách sống với nhau trong an lạc, thân thiện và hài hòa.

3. Giới kế tiếp là không nói những lời độc ác đồng thời phải nói những lời hòa nhã, lễ độ. Những gì chúng ta nói có thể đem đến được - mất, khen - chê, danh thơm - tiếng xấu, khổ đau - hạnh phúc. Một lời nói êm ái, hòa nhã có thể làm động lòng trái tim chai đá nhất, trong khi một lời độc ác có thể gây ra sự đau đớn khó lường.

Chúng ta phải nghĩ hai lần trước khi nói không tốt về một người nào, vì đó là một cố gắng để làm tổn hại danh dự và nhân cách của người đó. Tuy nhiên, nếu khen một người nào thì không có vấn đề gì cả, vì lời khen này không đưa đến khó chịu và thù oán, ví như chúng ta tô điểm phớt qua bức tranh một tí, vậy thôi. Ðức Phật dạy:

“Phàm con người đã sanh

Sanh với búa trong miệng

Kẻ ngu si nói bậy,

Tự chặt đứt lấy thân” (33).

Vào thời Ðức Phật, người ta thường tổ chức một lễ hội gọi là "Lễ của Kẻ Ngu" (Bàlanakkhatta), trong buổi lễ này chỉ có những người ngu si, ngớ ngẩn tham dự. Suốt một tuần lễ bọn người ngu này trét phân bò và tro lên khắp người rồi đi lang thang, vừa đi vừa la hét, chửi mắng mọi người một cách thô tục. Ngay cả bạn bè, thân quyến, sư sãi họ cũng không chừa. Người nào ném cho họ vài đồng thì được thoát nạn. Một số vị đề tự thuần thành của Ðức Phật cầu xin Ngài và tăng chúng đừng đi vào thành (khất thực) cho đến khi lễ hội chấm dứt. Lúc ấy Ðức Thế Tôn nói: “Những kẻ ngu đần độn và thiếu học thường gây rối như vậy, nhưng bậc trí luôn tu tập Chánh niệm để đạt đến Bất tử Niết bàn” (34).

Ngôn ngữ của một người thường biểu thị cá tính của họ; một lời độc ác, một điệu bộ khó ưa, một nụ cười bất chánh, có thể biến một người bản chất hiền lương thành kẻ tội phạm, biến một người bạn thành kẻ thù.

"Chớ nói lời độc ác

Nói ác, bị nói lại

Khổ thay lời phẫn nộ

Ðao trượng phản chạm mình (35)".

Một trong những câu chuyện tiền thân của đức Bồ tát kể lại trường hợp Ngài đã làm thế nào để cho mẹ của mình dứt bỏ lời nói độc ác. Theo lời đồn bà là người đa ngôn và độc miệng, nhưng người con (Ðức Bồ tát) biết những khuyết điểm của mẹ, không muốn nói thẳng sợ làm cho bà Phật lòng. Một hôm, Bồ tát (lúc đó là Vua xứ Benares “Ba la nại”) ngự chơi vườn thượng uyển với mẫu hậu và quần thần. Trên đường đi, một con chim giẻ cùi xanh (một loại chim có màu lông sặc sỡ hay kêu ầm ĩ) cất tiếng kêu the thé chói tai đến nỗi mọi người phải bịt tai lại và la lên: "Thật là một tiếng kêu ác độc, một tiếng rít mới ghê rợn làm sao, đừng có kêu nữa, đừng có bắt người ta phải nghe nữa". Rồi sau đó, vô tình Bồ tát và mẫu hậu cùng đoàn tùy tùng tản bộ đến một nơi êm ái dễ chịu kia, một con chim sáo cất tiếng hót ngọt ngào đến nỗi mọi người đều hân hoan và mong rằng nó sẽ hót lại nữa.

Ðây chính là lúc mà đức Bồ tát hằng chờ đợi, Ngài liền nói: "Thưa mẫu hậu, tiếng kêu của loài chim giẻ cùi thật là khó chịu và mọi người thà bịt tai lại còn hơn phải nghe tiếng kêu của nó. Không ai thích lời nói thô lỗ cả. Con chim sáo dù đen đủi và không đẹp nhưng đã chiếm được cảm tình và sự chú ý của mọi người nhờ tiếng hót ngọt ngào của nó. Do vậy lời nói của người ta cần phải thân ái và tiết chế, điềm đạm và mang đầy ý nghĩa...". Ðược Bồ tát khuyên giải như vậy, từ đó về sau người mẹ trở nên tế nhị hơn trong lời nói và tao nhã hơn trong tính cách (36).

Lời nói nhã nhặn và lịch thiệp có sức hấp dẫn và là một vốn quý đối với xã hội, vậy mà cái đẹp này thường bị phá hỏng bởi lời nói thô lỗ cọc cằn "ngôn ngữ của trái tim, ngôn ngữ xuất phát từ trái tim, luôn luôn mộc mạc, thanh nhã và đầy năng lực" (37).

4. Giới thứ tư và cũng là giới cuối cùng liên quan đến Chánh ngữ là không nói lời phù phiếm hay nói lời vô ích, tức là những lời không đem lại lợi ích cho ai cả. Người ta thường thích nói chuyện phù phiếm cho qua ngày, nhất là những chuyện gièm pha chê bai người khác với ác ý. Các cột lượm lặt trên báo chí cũng được xem là không tốt. Các ông, các bà khi rảnh rỗi thường mãi miết trong các câu chuyện gẫu bất tận, họ giải trí bằng cái giá phải trả của người khác. Như J.L. Hollard nói: "Ngồi lê đôi mách luôn luôn là sự tự thú hoặc về lòng hiểm độc, hoặc về tính khờ dại của mình. Ðó là một việc làm thấp hèn, phù phiếm và quá ư là xấu xa, vì trong các câu chuyện đó những người láng giềng suốt đời là kẻ thù". Lời khuyên vàng ngọc của Ðức Phật là: "Này các Tỳ kheo, khi các con tu tập cùng nhau thời có hai việc cần làm, hoặc là nói về pháp (dhamma) hoặc là giữ sự yên lặng như bậc Thánh" (38).

Ðức Phật rất chê trách những cuộc nói chuyện huyên thuyên phí thời gian vô ích. Những lời gièm pha và đồn đãi không tốt vì nó làm quấy động sự yên tĩnh và định tâm. "Chỉ một lời hữu ích, nghe xong tâm an tịnh - hơn nói cả ngàn câu, toàn những lời vô nghĩa" (39).

Trong ngôn ngữ Pàli từ Muni (Mâu Ni) có nghĩa là người luôn giữ sự yên lặng (Bậc tịch tịnh), thường được dùng để gọi một vị Thánh. Vâng "Yên lặng là vàng" chính vì vậy đừng nên nói, trừ khi bạn chắc chắn rằng bạn không thể tốt hơn trong sự yên lặng.

Nói nhiều là mối hiểm nguy,

Người thường yên lặng tránh điều tai ương,

Két kia liến thoắng bị giam

Hóa chim không nói vẫy vùng tự do (40).

"Người ta không thể trở thành bậc trí chỉ vì nói nhiều" (41). Cũng không phải vì nói nhiều mà người ta được gọi là bậc lão thông Pháp (Dhammadhara) (42). Và sợ rằng người ta có thể hiểu lầm sự yên lặng của bậc Thanh Tịnh (Muni), Ðức Phật nói: "Giữ yên lặng không biến kẻ ngu dốt, Si mê thành bậc Thánh (muni)" (43).

Im lặng nhưng ngu si

Ðâu phải bậc hiền trí.

Ðể kết luận cho phần Chánh ngữ này chúng ta hãy nghe bài kinh Subhàta (Khéo Thuyết) trong Kinh Tập (Suttanipàta) 78.

Bậc thiện nhân nói lên,

Lời khéo nói tối thượng,

Thứ hai nói đúng pháp,

Không nói lời phi pháp

Thứ ba nói khả ái,

Thứ tư nói chân thật,

Không nói lời dối trá.

Hãy nói lên những lời

Không thiêu đốt Tự ngã

Không làm hại người khác

Lời nói ấy khéo nói.

Hãy nói lời khả ái,

Nói lời khiến hoan hỉ

Không mang theo ác hại,

Khiến người khác ưa thích

Chân thật lời bất tử,

Ðây thường pháp là vậy,

Họ nói, bậc thiện nhân,

An trú trên chân thật

Trên mục đích trên pháp.

Lời gì Ðức Phật nói

An ổn đạt Niết bàn

Ðoạn tận các khổ đau,

Ðây lời nói tối thượng.

* Chú thích

(1) M. 107, Pàtimokkhasamvara.

(2) Bhojane mattannutà.

(3) Jàgariyamanuyutta.

(4) Xem A.II. 38.

(5) Về căn cơ và đề mục thiền, xem chương XIV

(6) Dhp. 239.

(7) Chương VII

(8) Attànuditthimùhacca, nghĩa đen là nhổ lên, đoạn trừ cái ý niệm về một Tự ngã (atta) hay Linh hồn.

(9) Ðời hay thế gian ở đây là năm uẩn chấp thủ.

(10) M. 106.

(11) S.III. 32, SIV. 81.

(12) Xem lại Chương I

(13) Dhp. 141 Ngay cả ngày nay ở Ấn Ðộ người ta cũng thường gặp những người theo pháp hành vô ích loại này nhằm làm cho mình thanh tịnh.

(14) Trích trong Tibetan Yoga and Secret Doctrine.

(15) Xứ phi công đức: đó là căn bản của mọi điều ác.

(16) Sn. 399.

(17) Một vị sàmanara (Sa di) là người đã xuất gia, nhưng chưa thọ Tỳ kheo (Bhikkhu), người giữ 227 giới căn bản (Pàtimokkha). Xem Vin suttavibhanga phần 1,2,3. Vị Sa di cũng không phải giữ vassa, ba tháng mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10 (AL), nghĩa là ba tháng hạ mà một vị Tỳ kheo buộc phải giữ. Vị Sa di khi đủ 20 tuổi sẽ thọ đại giới hay Tỳ kheo giới. Nhưng đôi khi tuổi tác thôi cũng chưa đủ. Nếu người ấy thiếu trí, không thông hiểu pháp và luật liên quan đến đời sống phạm hạnh của vị Tỳ kheo... họ cũng không được thọ giới.

(18) Giới thứ ba, tuy nhiên, phải đổi thành: "Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự thông dâm (Abrahmacariyà)".

(19) M. 27, 38, 51.

(20) Thg. 637.

(21) Dhp.

(22) Nghiệp (Kamma) theo chú giải, ở đây có nghĩa là sở hữu tư kết hợp với đạo (Maggacetanà = đạo tư).

(23) Minh (Vijjà) nghĩa là đạo tuệ.

(24) Pháp (Dhamma) ở đây chỉ cho định (Samàdhi). Ý muốn nói ở đây là sự thanh tịnh được đạt đến nhờ Bát Chánh Ðạo. Theo Chú giải, Minh (Vijjà) tiêu biểu cho Chánh kiến và Chánh tư duy. Pháp tiêu biểu cho Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Giới tiêu biểu cho Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng.

(25) M. 143.

(26) A.I.II.

(27) AI. 251.

(28) A.I 263; Kinh 107, 108.

(29) A.III. 254.

(30) Sn. 884.

(31) D.III. 135. Kinh 29.

(32) M. 61.

(33) S.I. 149.

(34) Dhp.

(35) Dhp. 133.

(36) Số 269.

(37) C.N. Bovee, Wisdom of the Ages. Trang 374.

(38) M.26. Ud.Tr.31.

(39) Dhp. 100.

(40) Xem Tibetan Yoga and Secret Doctrine, trang 61.

(41) Dhp. 258.

(42) Dhp. 259.

(43) Dhp. 268.

Nghiên cứu: