Tình hình khủng hoảng kinh tế, ô nhiễm môi trường, thay đổi khí hậu là những đề tài chính trên các trang tuần báo quốc tế. Một nhà khoa học Pháp nổi tiếng , Albert Jacquard lên tiếng báo động: “Trong tương lai gần, 7 triệu người trên trái đất này sẽ giết nhau để tranh dành nhữung nguồn tài nguyên mỗi lúc mỗi cạn kiệt”. Trong mối đe dọa dường như không lối thoát này, Le Courrier International gởi đến độc giả một bài tường thuật về đạo Phật tại Ấn Độ, trích dịch từ báo Outlook xuất bản ở New Delhi.
Đạo Phật xuất hiện tại Ấn từ 25 thế kỷ trước nhưng đến nay mới được hồi sinh. Càng ngày càng có nhiều người đặt biệt trong thành phần trí thức, ưu tú của xã hội quay về với đạo Phật. Họ hy vọng tìm được liều thuốc an thần, hóa giải được âu lo trong một quốc gia mà nhiều giá trị truyền thống đã nhạt phai.
Những người giàu có đã quyên góp xây dựng ngôi chùa Vipassana hùng vĩ, gần Bombay được khánh thành hôm 22 tháng hai với sự tham dự của 6 ngàn người thuộc thành phần ưu tú nhất của xã hội. Báo chí Ấn gọi đây là một sự kiện chưa từng thấy. Theo 6 phóng viên của tờ báo Anh Ngữ cùng viết bài phóng sự , thành phần trí thức Ấn có đầu óc cởi mở đang tìm về những giá trị tinh thần mới, tìm những giải đáp cụ thể cho cuộc sống hiện tại trong lời dạy của đức Phật . Phật giáo được xem là tôn giáo đáp ứng được những nhu cầu của đời sống hiện đại.
Cách nay độ 40 năm, một doanh nhân Ấn Độ đem phép thiền học được từ Miến Điện về nhưng chỉ có người trong gia đình theo thực tập. Thế mà giờ đây, trên toàn quốc có đến 55 thiền đường. Mỗi khóa tu thu hút cả triệu người.
Gần đây, thiền sư Nhất Hạnh cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Sau hai chuyến đi 1988 và 1997, phái đoàn của Thiền Sư Việt nam trở lại Ấn lần thứ ba hồi tháng 10 năm ngoái đã thu hút “một đám đông khổng lồ”. Phương pháp tu học của Thiền sư Nhất Hạnh đã tạo ra sức thu hút mãnh liệt đối với tầng lớp trí thức Ấn.
Tú Anh
Theo: RFI