Phát hiện 'kho báu' về kinh Phật ở Hội An

Hơn 200 bản in khắc gỗ các bộ kinh Phật bằng chữ Hán và chữ Phạn, chế tác từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20, vừa được phát hiện, minh chứng cho quá trình phát triển của một dòng Thiền từ miền Trung vào đến miền Nam.

Cổ vật trong chùa

Qua điền dã, khảo sát thực địa, các cán bộ nghiệp vụ của trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An phát hiện hàng trăm bản in cổ khắc gỗ tại ba ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ 17 là Chúc Thánh, Vạn Đức và Phước Lâm (tổ đình của dòng Lâm Tế - Chúc thánh Việt Nam).

Phó giám đốc trung tâm, ông Trần Văn An, cho biết: “Tại chùa Vạn Đức hiện còn 115 bản in. Dựa theo độ dài, có thế chia thành ba loại: 85 bản dài 44,5 - 50 cm; 23 bản dài 56 - 65 cm và 9 bản dài  70 - 78,5 cm. Trong đó, có 106 bản in hai mặt, còn lại là một mặt. Hầu hết chúng đều được khắc chữ Hán chân phương, sắc nét; một số bản có kèm cả hình Hộ pháp, Địa tạng, Chư Phật hải hội...”.

Kết quả giám định cho thấy các bản in đều được làm bằng gỗ mức và gỗ thị, đa số bị nứt ở hai đầu, dọc theo thớ gỗ. Vùng biên bao quanh đã bị mục, thoái hóa nặng ở một đầu. Có thể do chúng được xếp một đầu tiếp xúc với đất và mưa, trải qua thời gian bị ẩm mốc nên tất cả đều xuống cấp, mềm, dễ ngấm nước. Ngoài ra, một số bản có dấu hiệu bị mối mọt. Theo lời kể của các tăng sĩ, trước đây, nhiều bản in từng bị đốt do mối mọt làm hư hỏng hoàn toàn.

Bảng khắc kinh Chánh pháp nhãn tạng tại chùa Phước Lâm. 

Tại chùa Phước Lâm, nằm cách chùa Chúc Thánh khoảng 500 m về phía Tây Bắc, mặc dù chỉ có 86 bản in nhưng lại nhiều kích cỡ hơn, chiều dài giao động trong khoảng 26-138 cm, rộng 8-54 cm. Trong đó có 51 bản in hai mặt. Chúng được khắc hầu hết bằngchữ Hán, có 12 bản in các loại bùa bằng chữ Phạn kèm theo hình... Tuy các đường biên xung quanh không bị mục nhưng tình trạng hỏng, mòn chữ do ẩm ướt và các loài gặm nhấm phá hoại lại nặng hơn. Vài bản kích thước lớn đã bị mờ hoặc nứt dọc theo thân, hai bản bị vỡ đôi. Chất lượng gỗ đã bị thoái hóa nặng, nhất là đối với các bản in có niên đại sớm.

Kho báu kinh Phật

Căn cứ nội dung, có thể xác định đây là các bộ kinh quan trọng của Phật giáo đại thừa, gồm các bộ Di đà, Kim cương, Quan âm, Bát nhã ba la mật, Thái thượng tam nguyên, Huyết hồn, Địa tạng, Hoa nghiêm, Vu lan, Thọ mạng, Thọ sinh, Quan thánh giác thế... Bên cạnh đó còn có các loại thần chú như Thập quỷ ủng hộ thần chú, Đại uy lực thần chú, Hựu thánh lục tự thần chú, Vô lượng thọ thần chú, Phật tâm ấn thần chú...

Ông Tống Quốc Hưng, chuyên viên Hán Nôm của trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An, cho biết: “Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước nhiều bản in độ điệp, pháp phái quy y, kế thế truyền thừa... có niên đại khá sớm. Đây là cơ sở tư liệu để làm rõ về sự phát triển của Phật giáo ở Hội An và Đàng Trong”.

Một số bản in tại chùa Vạn Đức ghi chú năm khắc như ba bộ kinh Di đà, Kim cương, Quan âm ghi năm Thiên Thuận Nhâm Ngọ (1482), niên hiệu của vua Minh Anh Tông (Trung Quốc). Bản khắc còn ghi: “Kinh này do tỳ kheo Vạn Trung dựa theo bản chính viết lại vào ngày Phật đản năm Thiên Thuận Nhâm Ngọ và cho thợ khắc bản gỗ in ban phát cho mọi người trì tụng”. Các thông tin này cho hay đây là bộ bản in có niên đại từ thế kỷ 15 từ Nam Trung Hoa du nhập sang.

Trưng bày bản in Diệu pháp liên hoa kinh do Hòa thượng Chơn Nhật - Quang Minh khắc năm 1936 tại chùa Chúc Thánh.

Nhiều bản ghi năm Quang Thuận 21 (1598), Chính Hòa 26 (1706), Cảnh Hưng 15 (1754), Cảnh Hưng 25 (1764). Đây là niên hiệu các đời vua Lê, cho thấy đa số đều được khắc trong nước và có khung niên đại kéo dài từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Một số bản được khắc ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và các chùa ở Hội An rồi chuyển về bảo quản.

Theo Thượng tọa Thích Hạnh Hoa, trụ trì chùa Phước Lâm, dù ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần nhưng tất cả các bản in này đều được bảo quản. Vì thế, tại chùa còn lưu giữ nhiều bản được khắc tại Trung Quốc mang sang như bản in Tuyển tăng đồ, niên hiệu Khang Hy Giáp Thìn (1664). Một số bản ghi niên hiệu các đời vua Việt Nam như Cảnh Hưng (thế kỷ 18),  Bảo Đại (thế kỷ 20).

Riêng tại chùa Chúc Thánh hiện có 11 bản kinh Phổ Môn in liên hoàn, dài đến 13,5 m, có những bản in hai mặt. Hầu hết đều có khắc hình về các hành trạng của Quan âm Bồ tát, nét tinh xảo, điêu luyện, có giá trị cao về nghệ thuật khắc gỗ. Đây là bộ bản in do thợ của làng mộc truyền thống Kim Bồng - Hội An khắc vào đầu thế kỷ 20.

Qua việc trưng bày bản in Diệu pháp liên hoa kinh do Hòa thượng Chơn Nhật - Quang Minh khắc năm 1936 tại chùa Chúc Thánh, có thể thấy, các bản in gỗ là hiện vật có giá trị về nhiều mặt, góp phần làm phong phú bề dày lịch sử, văn hóa của đô thị cổ Hội An và là nguồn sử liệu quý cho quá trình nghiên cứu sau này. Đặc biệt, cùng với nhiều tài liệu, thư tịch khác, đến nay, giới nghiên cứu đã chứng minh sự ra đời và phát triển của một dòng Thiền độc đáo và phổ biến trên toàn lãnh thổ Việt Nam cũng như tại các nước Âu Mỹ.

Theo trụ trì chùa Chúc Thánh, Thượng tọa Thích Đồng Mẫn, tổ sư Minh Hải, đời thứ 34 dòng thiền Lâm Tế, đã từ Trung Hoa sang Việt Nam khai sơn tổ đình Chúc Thánh tại Hội An và đã xây dựng một triết lý riêng biệt cho dòng Thiền Lâm Tế - Chúc Thánh. Đó là triết lý “tri hành hợp nhất”, tức hiểu và làm thông suốt với nhau, đang được truyền thừa tại 67 ngôi chùa từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, TP HCM, Tiền Giang cho đến các nước Australia, Mỹ, Ấn Độ, Đức. Quá trình phát triển tông môn, pháp phái đó một phần đã được phản ánh qua các bản in gỗ này.

Ông Trần Văn An khẳng định: “Sắp đến, chúng tôi sẽ nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến nghệ thuật khắc gỗ, về quá trình giao lưu văn hóa mà kinh sách là một trong những phương tiện phản ánh vai trò của cảng thị Hội An với tư cách là một trung tâm tiếp xúc, giao lưu văn hóa và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong”.

Do đặc điểm về chất liệu nên rất khó kéo dài tuổi thọ cho các bản in gỗ. Thêm vào đó, nhiều bản có niên đại trên 300 - 400 năm, lại rất quý hiếm trên phạm vi cả nước. Vì thế, ngay sau khi phát hiện, trong gần nửa năm, trung tâm Quản lý bảo tồn Dd tích Hội An đã cử hàng chục cán bộ về các ngôi chùa để xem xét và tổ chức in dập tổng cộng 212 bản với 740 tờ.

Tại chùa Vạn Đức đã in được 442 tờ bằng giấy dó, mực xạ; mỗi mặt in hai bản để lưu trữ và sử dụng nghiên cứu.

Theo Người Lao Động

 

Lịch sử: