Cảm nhận Tây Tạng

Với những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, Tây Tạng không chỉ là vùng đất thiêng mà còn là một “thế giới” khác trên trái đất mà ai cũng hằng mơ tưởng khám phá.

Nằm trên cao nguyên Tây Tạng, khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) được nhiều người biết đến như là “nóc nhà của thế giới” với độ cao trung bình so với mực nước biển trên 4.000 m. Đặc biệt, phần lớn dãy núi cao nhất thế giới Hymalaya (trung bình hơn 6.000 m so với mực nước biển) nằm trong địa phận của Tây Tạng. Khí hậu ở đây cũng thật đặc biệt, nhất là không khí khá loãng. Gần như 3/4 thời gian ở Tây Tạng, khí hậu khô khan, lượng mưa hiếm. Ban đêm, nhiệt độ có thể xuống tới âm 14 độ C và lên 28 độ C vào ban ngày. Thông thường, nhiệt độ lạnh nhất trong ngày rơi vào sáng sớm và sau hoàng hôn.

Văn hóa riêng biệt

Tây Tạng cũng là vùng đất chính của nhánh Phật giáo Mật Tông với một thời gian trị vì của các vị Đạt Lai lạt ma – những người đứng đầu tôn giáo này ở Tây Tạng. Vì vậy, những công trình kiến trúc nổi tiếng ở đây đều mang những dấu ấn và lịch sử liên quan đến Phật giáo Mật Tông.

Điểm dừng chân đầu tiên là thủ phủ của Tây Tạng, Lhasa. Thành phố cổ này có lịch sử hơn 13 thế kỷ, tọa lạc trên độ cao 3.700 m so với mực nước biển. Lhasa còn được gọi là “thành phố của ánh nắng mặt trời” vì hơn 3.000 giờ có ánh nắng chiếu mỗi năm. Tương truyền, sở dĩ tên của thành phố là “Lhasa” nó được xây dựng trên một đầm lầy hoang sơ và được lấp đầy bùn do những con dê trắng chở đến.

Phía bắc Lhasa là cung điện nguy nga, tráng lệ Potala nằm trên con đồi Marpori (Hồng Sơn). Potala bao gồm 2 cung nhỏ: Hồng Cung và Bạch Cung. Hồng Cung là nơi để xây dựng lăng mộ của những Đạt Lai lạt ma trước đây. Lăng mộ của vị Đạt Lai lạt ma thứ 5 là lăng mộ xa hoa nhất trong số đó. Ngôi lăng mộ 5 tầng này đã sử dụng gần 3.437 kg vàng và hơn 20.000 viên kim cương và ngọc trai. Ngoài ra, nhiều đồ cổ lịch sử và tôn giáo vô giá cũng được chôn trong lăng mộ này.

 
Cung điện tráng lệ Potala nằm trên con đồi Marpori.

Nằm ngay trung tâm thành phố Lhasa là tu viện Jokhang (Đại Chiêu) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2000. Tu viện này được xây dựng đầu tiên vào năm 647 do bàn tay khéo léo của những người thợ thủ công từ Tây Tạng và Nepal. Đây cũng là điểm hành hương phải đến trong đời của người Tạng.

Đặc biệt, khi đề cập đến tôn giáo của người Tây Tạng phải nói đến hình thức đi hành hương của họ về núi thiêng Kailash. Thời gian kinh hành của những tín đồ mất đến 2 - 3 tuần mà phải bằng sự thành tâm với việc “tam bộ nhất bái” - ba bước đi lại lạy một lần.

Ngoài ra, còn có tu viện nổi tiếng Tashilhunpo, được xây dựng vào năm 1447, là nơi trú ngụ của Ban Thiền Latma, vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng đứng vào thứ hai sau Đạt Lai Lạt ma. Tu viện này cũng là bảo tàng nghệ thuật của Phật giáo Mật Tông Tây Tạng với tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất thế giới, cao 27 m, nặng 150 tấn và dát bằng 6.700 lát vàng.

Do nhiệt độ khá bất thường, văn hóa chôn người chết ở đây rất đặc biệt, đó chính là hình thức “điểu táng”. Một người chết đi sẽ được đem đến “mộ trủng” riêng cho chim rỉa hết xác thịt… và Tây Tạng có khá nhiều “mộ trủng” như vậy.

Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Tây Tạng.

Đoạn đường đi đến Tây Tạng là một loạt những đường cong khúc khuỷu, quanh co uốn lượn hình ziz zac tạo nên một hình ảnh rất lạ.

Ở Tây Tạng cũng có nhiều điều rất khác biệt. Đó là hồ Namtso, hồ nước mặn duy nhất trên thế giới nằm ở độ cao 4.720m, có diện tích mặt nước là 1.961 km2. Màu xanh thẫm tự nhiên được phủ trên mặt hồ lung linh với đầy nắng ấm nhưng yên tĩnh đến đến lạ thường.

Và không thể không nói đến Great Canyon của sông Yarlung Tsangpo. Nếu trước đây, Glen Canyon của sông Colorado tự hào là một trong những Canyon lớn nhất thế giới với độ sâu 2.628 m, dài 440 km thì nay, nó phải “khiêm tốn” xếp sau Great Canyon của sông Yarlung Tsangpo với độ sâu 5.382 m, chiều dài tổng cộng 496,3 km. Great Canyon cũng được ghi vào sách kỷ lục Guiness là “Canyon lớn nhất thế giới”.
Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Tây Tạng.

Tuy nhiên, trong hành trình đến Tây Tạng và khám phá dãy Himalaya, mọi sự chú ý sẽ phải tập trung vào ngọn núi cao nhất thế giới Everest. Mọi người sẽ được đặt chân đến trại nền Everest (cao 5.200 m), nơi dừng chân đầu tiên nếu như muốn chinh phục đỉnh Everest (cao 8.848 m). Nếu trời trong xanh, các du khách sẽ có được những tấm ảnh tuyệt đẹp của nóc nhà thế giới.

Và ở trại nền này, bưu điện cao nhất thế giới sẽ giúp mọi người có thể chia sẻ những giây phút hứng khởi này với những người thân.
Minh Tuấn


 

Lịch sử: