BUỔI SÁNG THỨ BA BÀI THỰC TẬP: CẢM THỌ

Cảm thọ là một đề mục vô cùng quan trọng trong thiền quán. Trong mỗi giây phút, chúng ta lúc nào cũng bị chi phối bởi một trong ba loại cảm thọ sau đây: lạc thọ, tức là những cảm thọ êm ái, dễ chịu; khổ thọ, tức những cảm thọ có tính cách đau đớn, khó chịu; trung tính thọ, tức những cảm thọ không dễ chịu cũng không khó chịu. Chính những tính chất êm ái và dễ chịu của lạc thọ khiến ta bị lôi cuốn ham mê. Và ngược lại ta cũng xô đuổi và trốn tránh những khổ thọ trong cuộc sống hàng ngày, vì tính chất khó chịu, đau đớn của chúng. Nhưng khi ta có chánh niệm về cảm thọ của mình, ta sẽ có khả năng nhận diện mọi cảm thọ với một tâm quân bình và không phân biệt. 

Cảm thọ chi phối ta mạnh mẽ nhất là những cảm giác của thân thể. Chúng ta ai cũng có thể dễ dàng kinh nghiệm được những cảm giác dễ chịu hoặc đau đớn, đang có mặt trong thâm mình. Chú ý rõ ràng đến những cảm giác này là một trong những phương pháp thiền quán về cảm thọ: kinh nghiệm những cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng, êm dịu mà không bị lôi cuốn và cũng như không xua đuổi, ghét bỏ những cảm giác khó chịu, nặng nề hay đau đớn. Hãy tự nhiên quan sát, nhìn xem mọi cảm giác đang có mặt trong thân - nóng, lạnh, ngứa ngáy, êm dịu, nặng nề - đến rồi đi mà không phê phán, thương ghét hay nhận nó là mình. 

Khi bắt đầu ngồi thiền, bạn hãy khởi sự bằng cách chú ý đến hơi thở của mình, sự lên xuống ở nơi bụng. Rồi khi có bất cứ một cảm giác nào nổi lên trong thân, hãy chú ý đến nó, ý thức được hoàn toàn về sự có mặt của nó. Ðiều quan trọng nhất là phải giữ một thái độ tự nhiên, thoải mái khi quan sát những cảm giác, nhất là những cảm giác đau đớn, khó chịu. Thân và tâm ta lúc nào cũng có khuynh hướng căng thẳng, khẩn trương khi đối diện với những khổ thọ. Ðó là kết quả của những thái độ ghét bỏ, tránh né, lâu ngày dần dà tạo nên một sự thiếu quân bình trong tâm. Bạn hãy thử tự nhiên nhìn cái đau của mình và quan sát những thay đổi, biến chuyển của nó. Một khi tâm của mình dược yên tịnh xuống, nhẹ nhàng và có chánh niệm, ta có thể kinh nghiệm được rằng cái đau không phải là một khối cứng ngắc, nó biến tướng, thay đổi, sanh diệt từng giây phút một. Hành giả hãy ngồi với một tâm yên lặng, thoải mái quan sát những diễn biến của cảm giác, đừng ghét bỏ, cũng đừng ước vọng. 

Ðau là một đề mục khá hữu hiệu trong thiền Minh Sát. Bởi một cảm giác đau trong cơ thể, nếu biết sử dụng nó có khả năng đem lại cho ta một định lực rất mạnh. Bởi cái đau có thể giữ tâm ta ở một chỗ, mà không bị lay chuyển nhiều. Nhưng bất cứ một cảm giác nào đang có mặt trong thân, đều có thể trở thành một đối tượng của thiền quán. Trong trường hợp không có một cảm giác nào đặc biệt, hành giả có thể trở về với hơi thở hay sự lên xuống ở bụng. Sự quan sát, ghi nhận phải có tính cách tự nhiên chứ không được máy móc, vội vàng. Hãy ghi nhận mọi việc xảy ra như "phồng, xẹp", "nóng", "lạnh", "đau", "ngứa", "mát", "phồng, xẹp" một cách từ tốn, đều đặn. Khi cảm thấy mình đang bị căng thẳng bởi cái đau có mặt trong thân, bạn hãy cẩn thận quán sát tính chất khó chịu, bản chất của cái đau. Hãy giữ chánh niệm về cảm thọ của mình, rồi thì sự quân bình, an lạc trong tâm tự nhiên sẽ tới. 

Tông phái: