Chương II
Thiền ở Miến điện, Lào, và Thái Lan
Có nhiều khuynh hướng về đạo Phật hiện hành được nhận ra ở Miến Ðiện, Thái Lan và một phần của các nước Ðông Nam Á. Trước tiên, có một tôn giáo mà mọi người ái mộ, tôn giáo này đòi hỏi người ta phải thực hiện hành động phước thiện như bố thí, trì giới để có được kiếp sống lai sinh sáng sủa hơn. Sau đó có những cuộc nghiên cứu sâu sắc về ngôn ngữ Pàli và Sankrit cùng với kinh điển Phật giáo đã cống hiến một phương pháp tu tập truyền thống. Cũng có những truyền thống phục vụ xã hội mà những nhà sư đã dạy dỗ và giúp đỡ tín đồ trong đời sống hàng ngày. Nói chung Phật giáo ở Ðông Nam Á có chức năng giống như những tổ chức tôn giáo lớn trên thế giới.
Thêm vào đó, có truyền thống những người xuất gia và tại gia liên quan đến sự tu tập bằng sự thực hành con đường giác ngộ do đức Phật khám phá. Mặc dù có một số trung tâm thiền và thiền viện ở Lào và Campuchia, những thiền viện ở đây không thể có những người phương Tây đến tu tập được, vì hoàn cảnh chính trị đương thời và có thể chẳng còn hy vọng tí nào trong tương lai. Trong số hàng ngàn ngôi chùa ở Thái Lan, đặc biệt là có hàng trăm ngôi chùa riêng biệt chú trọng đến việc tu thiền. Trong hàng trăm ngôi chùa này, lại có hàng chục trung tâm thiền vĩ đại được duy trì do những vị thiền sư nổi tiếng có số lượng tín đồ đông đảo. Tôi nhận thấy rằng pháp môn thiền chỉ có một số nhỏ quần chúng và giáo hội tu tập mà thôi. Tuy nhiên nó đóng một vai trò cực kỳ quan trọng việc bảo tồn giáo pháp của đức Phật.
Có lẽ đạo Phật ở Miến Ðiện mạnh hơn ở Thái Lan. Người Miến Ðiện chú trọng nhiều đến tôn giáo của họ và trải qua thời gian ở chùa nhiều hơn. Tuy nhiên ở đây cũng vậy, truyền thống tu tập thiền của người xuất gia và tại gia chỉ có một phần trăm . Còn lại, họ quan tâm nhiều đến nghi lễ cúng kiến, trở thành nhà nghiên cứu hay nhà cố vấn xã hội. Như thế ở Miến Ðiện hơn mười ngàn ngôi chùa chỉ có một thiểu số là trung tâm và thiền viện. Trong số thiền viện này có nhiều loại khác biệt. Ðặc biệt có một số thiền viện dành cho người tại gia, còn một số dành cho những người xuất gia; còn một số nữa vừa dành cho người xuất gia lẫn tại gia.
Có một ít điểm khác biệt quan trọng giữa trung tâm thiền và thiền viện. Trung tâm thiền được thiết kế chủ yếu dành cho những khóa thiền tích cực, có cả người xuất gia và tại gia. Nó được phổ thông ở Miến Ðiện dành cho những ai muốn trải qua mùa hè hàng năm của mình ở trung tâm thiền. Ở những trung tâm nầy, người ta bỏ thời gian mười ngày cho đến vài tháng hay lâu hơn nữa để tu tập rất tích cực. Họ cố gắng tu tập nhanh chóng để đạt được mức định tâm cao và thực chứng được tuệ giác và trí tuệ.
Theo truyền thống, những trung tâm thiền được thành lập vững chắc nhứt ở Miến Ðiện, mặc dù cũng có một số trung tâm thiền được thành lập ở Thái Lan. Những trung tâm này thật là thanh tịnh, có một môi trường khá đặt biệt, nơi đó mọi nhu cầu đều hạn chế và không tiếp xúc nhiều với xã hội, ngoại trừ với một vị thầy. Người ta tu tập hầu hết ở nơi tĩnh mịch, hay có lẽ dành một ít thời gian trong ngày lo công việc chung, hầu hết thời gian trong ngày dành cho việc tu thiền. Môi trường những trung tâm này đáp ứng một nhu cầu đặc biệt, thiền hành và thiền tọa đúng giờ, và mọi nhu cầu giải trí được giảm thiểu tối đa.
Trái lại thiền viện là nơi cư ngụ cho tăng ni dài hạn (có nhiều ni chúng ở Ðông Nam Á). Trong thiền viện, người ta dạy thiền như một cách sống trọn vẹn, tu tập cả ngày. Người ta dạy thiền liên quan đến sự phát huy nhận thức mọi khía cạnh đời sống hàng ngày của mình như ăn mặc, may vá, đi đứng, lau chùi, cũng như sự tác động qua lại với xã hội trong tăng đoàn. Những thiền viện này, thiền trở nên một lối sống chứ không phải là một sự tu tập đặc biệt. Tuy nhiên, lời dạy cũng bao gồm sự tu tập thiền tọa và thiền hành hàng ngày đều đặn. Những thiền viện tốt đẹp nhất có được tăng đoàn hoà hợp, thực hành giới luật do đức Phật cấm chế. Cách sống này được đưa ra để phát huy những yếu tố giác ngộ nhờ chánh niệm cả ngày. Thực ra, một trong những vị thiền sư của thiền viện này nói rằng ngài đã học được nhiều pháp bảo từ sự nhận thức tu tập và tâm từ bi trong việc tiếp xúc với nhiều du khách đến thăm, đáp ứng được các vấn đề của họ, bởi vì ngài đã tu tập nhiều đề mục khác nhau. Mặc dù ngài kiên trì ngồi thiền nhiều giờ mỗi ngày, ngài cảm thấy rằng do tác động xã hội thiền định cũng quan trọng tương đương, học hỏi để phát huy trí tuệ trong mọi hoàn cảnh.
Những trung tâm thiền dành cho kỳ tu tập tích cực ngắn hạn, và thiền viện thì dành cho việc sống theo thiền tất cả đều cung cấp một môi trường có lợi cho sự phát triển tâm linh. Trung tâm và thiền viện đều có thầy chỉ dạy, đối với việc giải trí thì rất giới hạn, tất cả thời gian chỉ để theo dõi tâm của mình. Tất cả đều hướng đến sự tu tập.
Trong trung tâm thiền, các sinh hoạt hàng ngày hầu hết bao gồm toàn bộ thời gian của mình dành cho việc thực tập thiền quán (ngồi một mình hay ngồi với một nhóm thanh tịnh), có lẽ mười hai giờ đến hai mươi giờ mỗi ngày. Nói chung, thiền hành và thiền tọa xen kẻ, người ta không ngồi liên tục hai mươi giờ trong trong tư thế thiền tọa. Thường mỗi ngày có một lần trình pháp với thiền sư hoặc cách một ngày một lần, và chỉ dành một ít thời gian lo nhu cầu đời sống thôi. Những sinh hoạt khác nếu là bậc xuất gia phải đi khất thực, ăn một hoặc hai buổi vào buổi sáng, tắm rửa, và cuối cùng đi ngủ, được phép ngủ bốn giờ mỗi đêm. Tu tập ở trung tâm, tất cả mọi người đều hướng đến sự phát huy định tâm và chánh niệm.
Trái lại đời sống trong thiền viện thì đa đoan hơn. Buổi sáng chư sư thức dậy rất sớm, ngồi thiền, và sau đó tụng kinh công phu sáng. Sau nữa chư sư đi khất thực, thức ăn người cư sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng để cúng dường cho chư vị. Khi đi khất thực về, cả thiền viện đều thọ thực, chư vị được phép dùng hai bửa một ngày. Tất cả thực phẩm được ăn trước giờ ngọ. Sau buổi ăn, thiền sư có thể giảng đạo khuyến khích chư vị tu tập. Nghỉ trưa xong, chư vị hành thiền, học tập hay thực hiện các công việc của tăng đoàn như quay nước giếng, xây dựng sửa chữa những chỗ cần thiết, sửa hàng rào, quét dọn, lau chùi. Những công việc này chia đều cho chư sư để trong suốt một ngày chư vị có thể hành thiền, học tập, và làm công việc cho tăng đoàn. Thêm nữa, chư tỳ khưu có thể giúp đỡ dạy học và dạy thiền cho người tại gia cư sĩ. Thiền viện trong rừng chư vị cũng có thể may vá và nhuộm y của mình. Chư tỳ khưu chấp nhận những nhu cầu sống trong lối sống tri túc của mình. Cuối cùng vào buổi tối chư vị trở lại công việc với thiện nam tín nữ như tụng kinh, hành thiền một giờ hoặc lâu hơn nữa, và thiền sư giải đáp các câu hỏi và các vấn đề của tăng đoàn đặt ra trong một ngày qua. Sau đó tất cả đều trở về cốc liêu của mình hay sinh hoạt cá nhân rồi hành thiền cho đến giờ đi ngủ. Ðiều đó nhấn mạnh rằng tất cả những sinh hoạt đời sống hàng ngày của tăng đoàn là hành thiền. Khi chính thức ngồi thực hiện bài tập thiền như thở, hay làm công việc quay nước giếng, hoặc thực hiện công việc tăng đoàn, người ta chủ trương làm như vậy bằng chánh niệm và tập trung càng nhiều càng hay.
Ðiểm khác nhau giữa trung tâm thiền tích cực và thiền viện là việc trình pháp. Ở trung tâm thiền, bằng sự tu tập tích cực, thiền sư khuyến khích trình pháp mỗi ngày hoặc cách một ngày đến trình pháp, đôi khi thậm chí nhiều lần hơn cũng được. Hành giả tiếp xúc với thiền sư để trình lại những tiến trình hành thiền của mình và nhờ thiền sư động viên khuyến khích nhắc nhở, tu tập. Bởi vì tu tập tích cực những nơi như thế, đây là khía cạnh quan trọng của việc tu tập giáo pháp. Trái lại ở thiền viện việc trình pháp thì hiếm mặc dù các thiền sư thì thường hay cởi mở cho hành giả để hỏi những vấn đề thắc mắc. Bởi vì ở thiền viện việc thuyết pháp thì chú trọng hơn việc trình pháp. Trong thực tế, ở thiền viện người ta cảm nhận được cách sống có giá trị hơn, khi các thiền sinh và hành giả hiểu được câu trả lời cho chính mình, liên quan đến hoài nghi của họ, theo dõi tiến trình hoài nghi và các câu hỏi hiện ra trong tâm họ. Bằng cách này họ trực tiếp trở về cảm nhận chính mình và học cách giải quyết các vấn đề của họ được xem như một phần tu tập mà không bị dính mắc vào công việc trình pháp hàng ngày và cần đến sự hướng dẫn trực tiếp nơi vị thầy của họ. Một lần nữa chúng ta có thể nhận ra cả hai phương pháp đối với vị thầy việc trình pháp là những hình thức có hiệu quả để phát huy con đường tu tập. Sự kiện thích hợp đó tùy thuộc vào quý vị bắt đầu từ đâu và đang ở đâu.
Những môi trường được làm cho thích hợp như thế ở các trung tâm và thiền viện mang lại lợi ích khác nhau là gì? Ngoài việc tạo nên cảnh bề ngoài yên lặng cần thiết cho việc tập trung cao độ, làm giảm đi sự mâu thuẫn giúp cho chúng ta tránh được sự phóng dật. Chúng ta phải đương đầu với những tư tưởng và những sự thay đổi của trạng thái tâm. Sự chú niệm cần được hướng vào nội tâm. Chúng ta khám phá được nội tâm của mình. Thậm chí ngay cả trong cuộc sống đơn giản của một nhà sư, người ấy cũng nhận thấy rằng cái thói quen dính mắc vào những môi trường xung quanh mạnh đến nỗi nó xảy ra liên tục. Ngay cả chỉ có ba hoặc bốn món vật dụng người đó cũng trở nên dính mắc vào y bát, cho rằng chúng đẹp hơn hoặc trong một hình thức nào đó chúng tốt hơn những cái khác. Người ấy sợ đánh mất chúng. Thật là ngạc nhiên để biết được rằng ngay cả trong đời sống đơn giản nhất, tâm luôn luôn tìm kiếm những cái mới để dính mắc và tiếp tục quá trình chấp thủ. Tuy nhiên chỉ qua việc nhìn thấy sự việc một cách rõ ràng người ta có thể đoạn trừ được nó. Mặc dù các thiền sư là một con số ít so với hàng ngàn vị sư ở Ðông Nam Á, họ vẫn là những người nổi tiếng và được kính trọng nhất trong giáo đoàn. Họ được kính trọng bởi đức hạnh trong sạch và đời sống thánh thiện, và trong những phẩm chất đó người ta tin rằng họ làm chủ được bản thân mình. Trong cuốn sách này, hầu như tôi không đề cập đến những sức mạnh đã đạt được qua thiền định. Ðiều này theo truyền thống thiền ở những quốc gia Ðông Nam Á được gìn giữ. Ngay cả các vị thiền sư đã đạt được năng lực cao nhất cũng không đề cập đến năng lực thiền định hoặc quan tâm đến năng lực huyền bí này. Sự say đắm những mãnh lực này sẽ đi lạc không phát huy được từ bi và trí tuệ, và các vị thiền sư này chỉ lưu tâm đến một điều duy nhất: "Ðường giác ngộ cho tất cả chúng sinh."
Hiện nay những người phương Tây không được phép ở Miến Ðiện hơn hai tuần là do Lào và Campuchia vẫn còn nhiều biến cố chính trị, nên hầu hết những người phương Tây muốn tu tập Phật giáo nguyên thủy phải đi đến Thái Lan. Bây giờ ở Thái Lan có khoảng năm mươi hoặc tám mươi tỳ khưu người phương Tây. Con số này gấp đôi những năm trước đây.
Ði đến Thái Lan xuất gia cũng có những khó khăn về hộ chiếu, và Nhà nước Thái Lan yêu cầu người phương Tây sắp xếp thời gian rời khỏi đây đúng quy định. Và cũng có một vấn đề nữa là bất đồng ngôn ngữ. Người ta có thể đi đến Miến Ðiện trong một tuần lễ tu tập thiền ở các thiền viện, nơi đây có nhiều người nói tiếng Anh, bởi vì Miến Ðiện đã từng là thuộc địa của Anh. Tuy nhiên ở Thái Lan có ít vị thiền sư nói được tiếng Anh. Người tu tập thiền phải học tiếng Anh, hoặc ở trung tâm thiền có phiên dịch, nhưng người phiên dịch thì khó tìm.
Trong thực tế, những người phương Tây thật sự được chư sư khuyến khích và động viên xuất gia. Những ngôi chùa nổi tiếng nhất, thời gian đầu, người này học làm chú điệu và rồi xuất gia sa-di, học giới luật, kinh tụng và oai nghi tế hạnh của nhà sư trước khi xuất gia.
Ở những trung tâm thiền và thiền viện ở Ðông Nam Á, quý vị sẽ học được giáo pháp rất rộng rãi; các vị thầy sẵn sàng chia sẻ toàn bộ triết lý thiền cho bất cứ ai đến cầu học. Ngoài việc làm lễ xuất gia tỳ khưu thì không còn làm lễ nào khác nữa, không còn bí mật, không có những nghi thức huyền bí. Mọi việc đều được phơi bày, ngay thẳng và giản dị. Người ấy được hướng dẫn tu tập và động viên tuân theo những giới luật. Người phương Tây đến chùa hoặc trung tâm thiền thường được sự tiếp đãi đặc biệt, bởi vì người Miến điện và người Thái Lan hết sức hoan hỉ những người phương Tây đến với Phật giáo và đặc biệt rất hoan hỉ giúp đỡ những ai muốn đến với giáo pháp. Những người ở đây thường kính trọng các nhà sư phương Tây, vì họ nhìn người phương Tây theo quan niệm thiên đàng của họ, vì người phương tây có truyền hình, xe hơi, tủ lạnh và nhà đẹp. Nếu một ai từ bỏ thiên đụường đó đến đây sống thật giản dị trong một trung tâm thiền thì đó là một điều họ rất khâm phục. (Mấy năm sau khi tôi trở thành một nhà sư, tôi thường nhấn mạnh với dân làng rằng thiên đàng ở phương tây không là tất cả, theo thực tế nó dường như giống bất cứ thứ hạnh phúc nào đến từ các cảm giác thì không bao giờ đạt được thỏa mãn tuyệt đối. Nó phát sinh và biến mất, đến và đi, chẳng bao giờ mang đến sự thỏa mãn của an lạc và trí tuệ).
Là cư sĩ ở thiền viện hoặc ở trung tâm, quí vị sẽ luôn luôn gìn giữ bát giới. Các giới này bao gồm không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm (khi quý vị là thành viên của giáo hội) tránh xa các chất say, kích thích. Quý vị cũng được yêu cầu không nên sử dụng tiền, xức dầu thơm, ăn mặc quần áo đẹp, giường cao xa xỉ, và cuối cùng không ăn quá ngọ. Một hoặc hai buổi ăn sẽ được phục vụ vào buổi sáng hoặc vào buổi trưa. Các giới luật này nhằm có một cuộc sống giản dị và tạo cho vẻ bề ngoài đơn giản và hoà đồng với chư tăng và giúp cho quý vị tiếp tục việc tu tập.
Vấn đề được đặt ra cho mọi người là làm thế nào tìm được một vị thầy và một trung tâm. Có một câu chuyện trong Phật giáo có thể giúp cho quý vị hiểu được câu trả lời cho vấn đề này. Khi đức Phật ngồi ở một khu vườn cùng với các đệ tử bao quanh. Một người đàn ông đến trước Ngài, bày tỏ sự cung kính, và bắt đầu ca ngợi tăng già, giáo đoàn chư tăng mà đức Phật đã làm lễ cho xuất gia. Và sau khi vị này ca tụng tăng già xong, đức Phật chỉ các nhóm tỳ khưu trong vườn, Ngài ca ngợi giới hạnh của chư vị và nói: "Hãy xem kìa, những người đó rất thiên về việc tu tập bằng các sức mạnh thần thông và đã được đại đệ tử của ta Mahà Moggallana kết nạp (Ngài được xem là một vị có thần thông đệ nhất trong thời kỳ của đức Phật). Và những người kia do hạnh nguyện đã đưa họ đến tu tập con đường trí tuệ và đã được đại đệ tử Như Lai Sàriputta tập họp ở đó (Ngài được xem như là vị có trí tuệ đệ nhất chỉ kém hơn đức Phật thôi). Và những ai do hạnh nguyện tu tập giới hạnh thì được đại đệ tử của Như Lai là Upàli qui tụ (Upali là giáo thọ sư về luật học). Và những ai có khuynh hướng tu tập pháp môn thiền thì quy tựu với vị chuyên về thiền.
Thậm chí ở thời kỳ của đức Phật, lúc đó có nhiều pháp môn và nhiều đề mục thiền để tu tập, đến nỗi Ngài dạy: Ai vốn có tính tầm nhiều, Ngài dạy họ hướng tâm vào tính tầm đó tu tập. Cho nên chúng ta thấy rằng không có đề mục nào hay hơn đề mục nào, nhưng đề mục nào tự nhiên nhất, đề mục nào phù hợp với cá tính của mình và đem đến cho mình sự quân bình và thoải mái nhứt đó là kết quả của sự tu tập.
Chọn một vị thầy hay trung tâm thiền đòi hỏi phải có nhiều yếu tố. Một là trực giác. Quý vị có thể gặp một vị thiền sư và phát sinh một cảm giác, lập tức cảm thấy quan trọng và mình muốn học thiền với ngài, điều đó là quý vị có nhân duyên rất lớn với ngài, và phương pháp giảng dạy của ngài sẽ phù hợp cho quý vị. Nói một cách khác điều này không phải ngẫu nhiên. Trong trường hợp đó, cách khôn ngoan là tầm nhiều thầy, nhiều trung tâm trong xứ sở này hay ở châu Á, để xác định môi trường nào, giới luật nào, loại tu tập nào cảm thấy phù hợp nhất cho quý vị. Hãy tin tưởng vào trái tim và trực giác riêng của quý vị, như vậy nó cũng cho thấy được kinh nghiệm và phương pháp mà quý vị đã chọn được từ đó. Quý vị sẽ phải lựa chọn có nên đi đến một nơi hành thiền được kết hợp lại thành một lối sống cao cả hơn, và ở đó quý vị có thể trải qua một thời gian lâu dài, hoặc là đi đến một trung tâm để tu tập tích cực một thời gian ngắn hạn. Quý vị có muốn tu tập với một vị thầy luôn bắt buộc tuân theo một số nguyên tắc giới luật nghiêm ngặt hay một vị thầy quá dễ dãi không?
Ở trung tâm và thiền viện không những có phương pháp và kỷ luật dạy khác nhau, mà cũng còn có sự khác nhau ở những cá tính và phương pháp dạy. Về phong cách dạy, theo truyền thống có nói rằng những vị thầy dạy khác nhau đó chắc hẳn đã đạt tuệ giác. Từ tuệ giác đó, nên làm nổi bật ba tướng vô thường, khổ não, vô ngã (mặc dù ba tướng có cùng một tuệ giác), và cho thấy rằng điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến phương pháp dạy của chư vị. Một số thiền sư đã được chánh kiến nhờ thể nhập tướng vô ngã (anatta) của các pháp và có năng khiếu phát huy trí tuệ, liễu ngộ lời dạy của mình. Trong chương cuả ngài thiền sư Buddhadassa đã áp dụng phương pháp này. Những vị thiền sư khác đã liễu ngộ chân lý do thể nhập tướng khổ đế và chư vị có năng khiếu phát huy tinh tấn trong sự tu tập. Ngài thiền sư Sunlun Sayadaw nhấn mạnh đến phương pháp này. Một ít thiền sư nữa đã thể nhập pháp nhờ tướng vô thường và người ta nói rằng quý ngài có khuynh hướng phát huy niềm tin trong sự tu tập. Thiền sư U Ba Khin là một điển hình cho loại tu tập này. Dĩ nhiên, những đặc tính này thường không được cho là chân lý, và một vị thiền sư uyên thâm sẽ nhấn mạnh rằng cái nào thì hữu ích nhất cho mỗi cá tính của hành giả.
Cá tính và phong cách của những vị thiền sư có lẽ không giống nhau. Thầy của hai vị thiền sư Achaan Maha Boowa và Achaan Chaa là thiền sư Achaan Mun, ngài là một trong những vị thiền sư người Thái Lan nổi tiếng nhất của thế kỷ này. Ngài áp dụng nhiều nguyên tắc trong sự dạy dỗ. Ngài khó chịu, dữ tợn và rất nghiêm khắc với những đệ tử. Có những vị thiền sư khác như Achaan Jumnien, vị này hết sức từ bi và cởi mở. Trong hai vị thiền sư trên không vị nào hơn vị nào; sự khác nhau đơn thuần là nghiệp hay cá tính của vị thầy đó, hay lối tu tập riêng biệt của thiền sư đó, và cách đó ngài cho là tốt nhất để dạy đệ tử. Một lần nữa, khi quý vị định một nơi tu tập thì lúc đó trực giác rất mạnh để quyết định chọn vị thầy nào đúng hay tốt nhất cho quý vị nương theo tu tập.
Có nhiều phương pháp để vị thầy áp dụng trong việc dạy dỗ. Phương pháp thứ nhất, vị thầy dạy là qua lòng từ của ngài, và những ai chấp nhận đi đến với ngài, điều này giúp cho họ có tình thương và sự hoan hỉ. Ðây là phẩm chất tâm quan trọng để phát huy trên con đường tu tập. Phương pháp nữa là quân bình hóa tâm tánh. Một vị thầy bắt buộc hành thiền nghiêm khắc để làm quân bình sự khó khăn cho đệ tử. Ví dụ người nào có nhiều tâm sân thì ngài dạy tu tập thiền tâm từ; đối với người nào có tâm tham nhiều, thì thiền sư dạy đề mục quán tử thi. Thiền sư thấy năng lực và tập trung của người nào đó không thăng bằng thì ngài dạy người đó phải đi kinh hành nhiều giờ hay tu tập tích cực để sửa đổi cá tính bất thường. Hay là ngài nhận thấy niềm tin và trí tuệ của người nào đó không có quân bình - đến nỗi có lúc nhiều đức tin không có phát huy được trạch pháp, không có quán chiếu rõ ràng tiến trình thân tâm. Ðể khôi phục lại sự quân bình đó, thiền sư dùng một câu chuyện để cho đệ tử của ngài thấy là ngài không nắm được tình tiết trong câu chuyện, ngài làm giảm bớt đức tin của ngài để cho đệ tử đặt nghi vấn, phát huy trí tuệ. Toàn bộ sự phát huy tâm linh là cả quá trình tu tập. Và chức năng của thiền sư là dạy cho học trò của mình tu tập được sự quân bình.
Mỗi bí quyết khác nhau của mỗi vị thầy là chỉ cho thấy được sự chấp thủ của chính mình. Khi thiền được phát huy thì tâm trở nên vi diệu hơn, những chấp thủ xuất phát từ hình thức bên ngoài của tham dục, của bản chất thô thiển cho đến chấp thủ bên trong nữa như chấp thủ vào những loại khoái lạc, ánh sáng êm dịu mà có thể đến từ thiền định. Khi hành thiền mà gặp bất cứ những điều gì đang xảy ra như trên thì phải đến gặp thiền sư. Ngài sẽ biết chúng ta dính mắc ở đâu, chúng ta dính mắc vào cái gì, và dạy chúng ta từ bỏ sự chấp thủ, sẽ dẫn đến sự giác ngộ. Có thể dạy sự không chấp thủ bằng cách kể những câu chuyện, thay đổi phương pháp hành thiền, hoặc thậm chí ở phương pháp thiền tông là đánh hành giả ngay giây phút đó. Tuy nhiên trong tất cả những phương pháp dạy, hành giả là người đóng vai trò chính trong việc tu tập. Vị thầy chỉ là người hỗ trợ hành giả đi đúng con đường và giữ cho quân bình.
Ðiều quan trọng là không vội đánh giá một vị thầy hay trung tâm thiền với vẻ bên ngoài. Ðó là kinh nghiệm của tôi khi lần đầu tiên đến một tu viện rất nghiêm khắc và có giới luật. Thiền sư Achaan Chaa rất khó tính, nghiêm khắc và sâu sắc, tiêu biểu cho nhà sư có một cuộc sống giản dị. Rồi khi tôi đến chùa Miến Ðiện với một vị hoàn toàn khác biệt, vị này có hàng ngàn đệ tử trước khi tôi đến; tuy vậy tôi gặp gỡ ông ta với một dáng vẻ lè phè, y áo của ngài kéo lê thê trên đất, lại hút xì gà Miến Ðiện, và dành nhiều thì giờ tiếp xúc với phụ nữ trong chùa không đúng theo phong cách của nhà sư, không giống như vị thầy cũ của tôi. Ðôi lúc ngài giận dữ và quan tâm đến những việc nhỏ nhặt. Trong hai tháng đầu tiên trong việc tu tập tích cực ở đó, tôi hết sức khổ tâm trong việc so sánh giữa hai vị thầy này. Vị thầy Miến Ðiện rất tử tế với tôi cho tôi một cái cốc đẹp nhất ở gần cái cốc của ngài, kết quả hàng ngày tôi phải trông thấy ngài hút thuốc và ngồi nói chuyện với phụ nữ. Tôi gặp khủng hoảng trong sự tu tập. Tôi tự nhủ: "Tôi đang học được gì nơi người này?" Trong lúc tôi đang ra sức tu tập thiền định thì ngài ở ngoài kia lại có những hành động như vậy, ngài chẳng dạy tôi được điều gì. Tại sao ngài không sống theo như thiền sư Achaan Chaa đã thực hiện? Tôi phải mất nhiều tháng để nhận thấy rằng vẻ bề ngoài của ngài đã không làm giảm đi những giá trị mà tôi đã đạt được từ thiền định. Và do đó, để đánh giá và so sánh vẻ bề ngoài, để tìm kiếm một vị thầy trong Phật giáo nó chỉ đơn thuần làm cho tôi phiền não. Khi tâm phân biệt thì tạo nên đau khổ. Cuối cùng khi tôi từ bỏ được, tôi đạt được những sự lợi ích to tát từ việc dạy và hướng dẫn của ngài, và ngài là vị thầy tốt của phương pháp thiền định này. (và thiền định không hữu ích khi tôi bỏ ngài). Ðiều đó mang lại nhiều đau khổ mới hiểu được làm cách nào phân biệt tâm gây ra những phiền muộn; nhưng khi đạt được tôi không bỏ ngài được.
Nhiều người theo Phật giáo nguyên thủy (và thực ra trong mọi truyền thống tu tập) trở nên cố chấp trong sự phê bình và so sánh những phương pháp thầy dạy. Phương pháp và thầy của họ thì tốt nhất, phương pháp trong sạch hay truyền thống cao thượng. Loại phân biệt này đưa con người ta đến một thế giới bằng những khái niệm thiện và ác. Ðây là thiện đó là ác. Tà kiến này là nguyên nhân gây ra nhiều lo sợ và nhiều đau khổ.
Không có điều nào thiện hay ác trên đời. Ðiều ác chỉ có trong tâm của chúng ta, trạng thái đau khổ là do tham, sân, si, và để cho tâm trong sạch hoàn toàn không còn hành động ác hiện hữu nữa, mà cũng không thể như vậy một cái tâm bị phóng túng lay chuyển là do bởi sanh diệt của hiện tượng - vì nhìn thế gian bằng trí tuệ, vô ngã, không có cái tôi. Một cách tương tự, những ai dính mắc hay đòi hỏi có một nền tảng hoặc đi theo truyền thống "nguyên thủy" và giáo phái nguyên thủy có thể đôi khi đưa người ta đến chỗ hiểu sai lệch giáo lý căn bản của đức Phật. Sự trong sạch không có trong phạm vi một truyền thống tôn giáo nào. Chỉ có một sự trong sạch căn bản mà đức Phật dạy trong sạch là sự giải thoát, và đó là tâm trong sạch giải thoát khỏi tham, sân, si. Ngoài sự trong sạch nội tâm này, lại còn đòi hỏi khéo tác ý đến sự trong sạch nếu không sẽ gia tăng sự dính mắc và sự phân biệt. Ðiều cốt lõi của sự tu tập là để đoạn trừ tất cả sự dính mắc và lòng ích kỉ. Hãy sử dụng một hay tất cả phương pháp này cho tốt đẹp, nhưng đừng trở nên cố chấp vào phương tiện hay vị thầy đã làm sai lệch những phương tiện đó đối với chân lý của đức Phật. Hãy thực hành siêng năng và bỏ lại tất cả sự trói buộc đó, đừng chấp nhận cái gì ngoại trừ giải thoát bản thân của quý vị.
Khi quý vị liên tục hành thiền, sự thực hành sẽ trở thành điểm nương tựa. Trước khi đức Phật viên tịch, ngài khuyên chư đệ tử hãy tuân theo giáo pháp chứ đừng tin theo bất cứ truyền thống nào. Ngài không phân công ai lãnh đạo tăng đoàn tỳ khưu, tỳ khưu ni nào cả. Chánh pháp là thầy của chư vị. Vì vậy đối với chúng ta không có niềm tin mù mờ trong đạo Phật. Ðơn giản là chúng ta đủ tin tưởng khả năng giác ngộ và đủ có trí tuệ để thấy đau khổ trong cuộc sống của mình để có niềm tin tu tập. Và trong thực hành, chúng ta tự thấy chơn lý. Ðức Phật sách tấn mọi người bằng những lời "Hãy tự mình là ngọn đèn, hãy tự mình là một ánh sáng". Bằng sự tu tập này sẽ đi đến sự giải thoát.