Tịnh Độ Tông là một trong mười tông phái Phật Giáo ở Trung Quốc do Tổ sư Huệ Viễn ở Lô Sơn sáng lập, do pháp môn tu tập là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà nên có tên gọi là Tịnh Độ Tông, còn có tên gọi khác nữa là Liên Tông, Bạch Liên Xã hoặc là Viễn Công Bạch Liên Xã là do tổ Huệ Viễn tại núi Lô Sơn lập làng xã để mọi người tập trung lại một chổ tu niệm Phật để cầu nguyện vãng sanh Phật quốc nên có tên như vậy.
Tịnh Độ Tông được truyền vào Nhật Bản vào khoảng thế kỷ thứ 8, đến thế kỷ thứ 12 ngài Nguyên Không Thượng Nhân y vào bộ “Quán Kinh Sớ” của ngài Thiện Đạo tuyển soạn thành bộ “Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập” hoằng truyền tông Tịnh Độ và trong một khoảng thời gian ngắn, Tịnh Đô tông phát triển mạnh mẽ và trở thành một tông phái lớn trong Phật Giáo Nhật Bản. Tịnh Độ tông do vì giáo nghĩa giản đơn, pháp môn dễ tu dễ học, cho nên khi truyền vào Nhật Bản đã được đông đảo quần chúng cũng như quí tộc hưỡng ứng nên trở thành một tông phái Phật Giáo có tín đồ nhiều nhất ở Nhật Bản.
Tri Ân Viện là ngôi Tổ đình của tông phái Tịnh Độ Phật Giáo Nhật Bản, được khai sơn vào khoảng cuối thời kỳ Bình An (1175) do Pháp Nhiên Thượng Nhân Tổ sư của tông phái Tịnh Đô Nhật Bản khai sơn, sau đó năm 1234 đê tử của Tổ là ngài Nguyên Trí Thượng Nhân xây dựng, trải qua các thờ kỳ lịch sử và sự hộ trì của các vị vua chúa cũng như tướng quân quí tộc như: Chức Điền Tính Trưởng, Phong Thần Tú Các, Đức Xuyên Gia Khang.v.v…dần dần được xây dựng to lớn vĩ đại, cho đến ngày nay trong Tri Ân Viện vẫn còn hơn 106 ngôi đền đài điện các lớn nhỏ đều làm bằng gỗ.
Tri Ân Viện nơi phát nguồn của tông Tịnh Độ Nhật Bản, là một trong những ngôi chùa lớn và danh tiếng ở Kinh Đô Nhật Bản, kiên trúc cổ xưa của chùa qua mấy lần động đất cũng như hoả hoạn ngày nay không còn nữa, kiến trúc hiện thời của chùa đại đa số được trùng tu vào khoảng thế kỷ 17. Chánh Điện của chùa có thể dung nạp 3000 người làm lễ cùng một lúc,
Cổng tam quan của chùa là kiến trúc cổng gỗ lớn nhất Nhật Bản cao 24m, được xây dựng vào năm Nguyên Hoà thứ 7 (1621). Khi xây cổng tam quan của Tri Ân Viện, vị chủ quảng của công trình này là “ Ngũ Vị Kim Hữu Nha Môn”, vì không tính toán cẩn thận, nên khi làm cổng quá lớn vượt ra khỏi dự tính tài vật của công trình, vì chịu trách nhiệm về mình nên họ đã đi hoá duyên để hoàn thành công trình này, nên khi làm cổng xong hai vợ chồng tự vẫn để tạ lỗi. Vì để kỷ niệm và nhớ công ơn của hai vị này nên quan tài của họ được để trên tầng hai của cổng, trong quan tài có để hình tượng của hai vợ chồng làm bằng gỗ, có truyền thuyết cho rằng vì cảm kích nghĩa khí và nhớ ơn công đức của họ đóng góp cho chùa nên từ đó chùa có tên là Tri Ân Viện.
Đại Hồng Chung của chùa nặng 74 tấn, mỗi lần thỉnh chuông phải cần đến 17 vị thầy mới kéo nổi chày để thỉnh chuông. Mỗi năm đến đêm giao thừa vào giờ trừ tịch, chư Tăng chùa Tri Ân đều làm lễ thỉnh chuông Giao Thừa, khi tiếng chuông chùa ngân lên, đánh thức cả khoảng trời đêm của cố đô Nhật Bản, âm hưởng vang rền báo hiệu một mùa xuân đến hân hoan, và tiếng chuông như xuyên suốt thời không đi vào lòng người dân Nhât, mỗi năm xuân về như không thể thiếu tiếng chuông và tục thỉnh chuông vào đêm giao thừa thành truyền thống đón xuân của người dân Nhật, không còn hạn lượng trong những tín đồ theo Đạo Phật, mà là một nghi thức mang tính cách của Quốc Gia và Dân Tộc.
Tri Ân viện còn nổi tiếng vì có trường lang có tên là “Oanh Minh Lang Hạ” khi có người đi trên trường lang thì nó sẽ phát ra âm thanh nghe như tiếng chim hót, có công năng thức tỉnh chư Tăng vào ban đêm nếu như có người lạ xâm nhập. Chùa có cái Thược múc cơm cổ lớn nhất Nhật Bản, những bức tranh vô cùng quý giá của hoạ sĩ thuộc “Thú Dã Phái” vẽ, như bức “Phi Tẩu Tước” bức “Tam Diện Mao” và chiếc dù “ Vong Tán” của người thợ nổi tiếng Nhật Bản để trên trần chánh điện làm phép định hoả. Tất cả 7 Pháp vật lớn và hiếm có của Tri Ân Viện đồng thời là của Phật Giáo Nhật Bản, dân gian Nhật Bản thường xưng tụng “Thất bất khả tư nghì”. Thật là cảnh giới Tây Phương Cực Lạc hiện ở trần gian.
Thích Tâm Mãn
Theo Chùa Minh Thành