Nhìn những đứa trẻ ngây thơ với khuôn mặt ngộ nghĩnh và đôi mắt đen láy, tôi không nghĩ các em lại có những hoàn cảnh đặc biệt đến vậy. Nhưng số phận dường như đã mỉm cười khi các em được sống trong mái ấm tại chùa Sùng Nghiêm, thôn Minh Lộc, xã Minh Ðức (Tứ Kỳ, Hải Dương).
Vừa về đến sân chùa, bọn trẻ vội ùa ra ríu rít, vây quanh sư thầy Thích Thanh Lương. Thầy trụ trì chùa Sùng Nghiêm (hay còn gọi là chùa Dọc), thôn Minh Lộc, xã Minh Ðức (Tứ Kỳ). Ôm các cháu vào lòng, sư thầy Thích Thanh Lương giới thiệu: "Tôi đặt tên các cháu là Vương Tâm Phúc, cháu mới được 33 tháng, Vương Tường Thúy (27 tháng), Vương Tâm Ðức (27 tháng), Vương Tường Linh (6 tháng), Vương Tâm Hòa (6 tháng tuổi), Vương Tường Vy (3 tháng tuổi). Sáu đứa trẻ mà nhà chùa nhận nuôi đều có hoàn cảnh rất đặc biệt".
Trước đây, tôi thường hay đi làm việc thiện, thường đến các Trung tâm Bảo trợ xã hội, mái ấm tình thương trong và ngoài tỉnh - sư thầy Thích Thanh Lương kể tiếp. Năm 2007, tôi được các bác sĩ ở Bệnh viên đa khoa tỉnh Hải Dương gọi điện thông báo có một cháu vừa sinh, bị mẹ bỏ rơi, có nguyện vọng nhờ nhà chùa nhận nuôi. Băn khoăn một hồi rồi tôi cũng quyết định lên bệnh viện nhận cháu về nuôi. Cháu nặng ba cân, rất ngoan và nói trộm vía, háu ăn lắm. Tôi đặt tên cháu là Vương Tâm Phúc, với hy vọng cuộc đời cháu sẽ gặp nhiều may mắn.
Khi cháu Phúc được bảy tháng, tôi lại nhận cháu Vương Tường Thúy về nuôi. Nghe các phật tử giới thiệu, tôi được biết mẹ cháu Thúy quê ở Nam Ðịnh. Hoàn cảnh gia đình cháu rất khó khăn. Bố cháu nghiện rượu, thường xuyên đánh đuổi vợ con. Nghe vậy, tôi thương cháu và nhận đón cháu về nuôi. Sao ở trên đời lại có người bố tàn nhẫn đến vậy!
Cháu Vương Tâm Ðức sinh tại Trung tâm y tế huyện Ninh Giang (Hải Dương). Mẹ cháu quê ở Thái Nguyên. Theo nguyện vọng của mẹ cháu, nhà chùa đón mẹ cháu về nằm tại Trung tâm y tế huyện để chờ sinh. Tôi lựa lời khuyên mẹ cháu: "Không có gì bằng mẹ nuôi con, chị cố mà nuôi cháu, sau này còn có chỗ dựa". Nhưng mẹ cháu vẫn một mực nhờ nhà chùa nuôi giúp vì tuổi đời của mẹ cháu còn trẻ, hoàn cảnh gia đình không cho phép. Tôi nói với mẹ cháu: "Tôi nhận nuôi cháu giúp chị đến khi cháu 18 tuổi. Khi đó, nếu chị muốn nhận lại con, tôi sẽ sẵn lòng". Người mẹ giàn giụa nước mắt và luôn nói lời cảm ơn nhà chùa. Sau tám ngày nằm ở bệnh viện, chị đã sinh cháu Vương Tâm Ðức. Cháu nặng ba cân, rất ngoan.
Cháu Vương Tường Linh có mẹ quê ở Kiên Giang. Mẹ cháu là công nhân, đã trót dại ăn ở với một người đàn ông đã có vợ, con. Mẹ cháu có nguyện vọng ra bắc sinh con và nhờ nhà chùa nuôi giúp. Nhà chùa rộng lòng giúp đỡ và nhận nuôi cháu. Cháu Vương Tâm Hòa thì bị mẹ bỏ rơi tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Hải Dương. Nghe các bác sĩ ở bệnh viện kể, mẹ cháu đến đây sinh nhưng mất hết tiền bạc, giấy tờ tùy thân. Người mẹ đã trốn viện và bỏ rơi đứa con vừa lọt lòng. Khi cháu Hòa vừa được nhà chùa đón về nuôi được mấy tháng thì sư thầy Thích Thanh Lương lại nhận được điện thoại của một số người dân ở thị trấn Ninh Giang (Ninh Giang) thông báo có một cháu bị mẹ bỏ rơi. Nhà chùa tức tốc lên thị trấn để tìm và nhận cháu về nuôi, chùa đặt cháu là Vương Tường Vy. Nghe người dân ở thị trấn Ninh Giang kể lại: Hồi 21 giờ, ngày 16-6-2009, có một phụ nữ ôm con đến nhà một bà lão bị điếc nhờ bế con giúp. Bà lão tưởng con nhà ai ở cùng phố, nên đồng ý bế giúp. Nhưng mẹ cháu đi mãi không thấy trở lại bế con. Bà lão sợ quá sang kêu hàng xóm. Sau đó, mọi người mới ngớ ra là cháu đã bị mẹ bỏ rơi.
Ngồi nghe sư thầy Thích Thanh Lương kể về hoàn cảnh của các cháu, ai cũng chạnh lòng. Giờ đây, nhìn các cháu khôn lớn, sư thầy Thích Thanh Lương cũng cảm thấy sự vất vả đã phần nào được bù đắp. Thầy tâm sự: "Ði đâu mấy ngày, tôi như ngồi trên đống lửa, vì lo lắng cho các cháu ăn, ngủ như thế nào? Không biết ở chùa, các cháu có chịu ăn, chịu chơi hay không? Lần nào cũng vậy, dù có mệt nhọc bao nhiêu, nhưng khi nhìn các cháu vui đùa, tôi cũng cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn".
- Vì sao thầy lại có ý định nhận nuôi các cháu?
- Nhà Phật luôn khuyên "Cứu một người Phúc đẳng hà sa". Tôi nhận nuôi các cháu cũng là cái duyên với các cháu. Tôi muốn bù đắp cho những bất hạnh mà đáng ra các cháu không phải gánh chịu. Tất cả các cháu đều được nhà chùa đăng ký giấy khai sinh và đặt tên và lấy họ là Vương (họ thế danh của sư thầy Thích Thanh Lương).
- Việc nuôi các cháu đối với nhà chùa có gặp khó khăn gì không, thưa thầy?
- Nhiều đấy, nhất là việc chăm sóc, dạy dỗ các cháu. Khỏe mạnh thì không sao, những lúc các cháu đau ốm thì cực lắm. Tôi phải chạy ngược, chạy xuôi để đưa các cháu đi viện. Khi nhận thêm các cháu về nuôi, nhà chùa đã phải thuê hai người dân trong làng ra giúp. Chi phí cho các cháu đến bảy triệu đồng/tháng. Với nhà chùa, khoản chi phí này là quá lớn.
Là một trong những người dân sống gần chùa Dọc, chứng kiến những nỗi vất vả của sư thầy Thích Thanh Lương, anh Nguyễn Văn Tiết, thôn Minh Lộc cho biết: "Việc sư thầy nhận nuôi các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khiến bà con chúng tôi rất cảm phục. Ngày đầu khi biết sư thầy nhận nuôi các cháu, nhiều người không tin là thầy nuôi được các cháu". Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Minh Ðức cho hay: "Từ ngày có thầy Lương về trụ trì, chùa Dọc đã được đầu tư xây dựng khang trang hơn. Mặc dù sư thầy vẫn còn trẻ, nhưng nhờ làm tốt công tác dân vận, cho nên sư thầy đã biến "không" thành "có". Sư thầy đã biết huy động sức dân, công đức của phật tử thập phương để xây dựng chùa. Việc nhà chùa nhận nuôi các cháu, chính quyền địa phương đều biết và tạo điều kiện giúp các cháu, như làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho các cháu. Về phía cá nhân, tôi rất cảm phục tấm lòng của sư thầy. Tôi còn biết, vì nhận nuôi các cháu, sư thầy đã phải hoãn dự định đi học cao học Phật giáo ở nước ngoài. Chúng tôi biết, sư thầy Thích Thanh Lương mong muốn xây dựng mái ấm trong khuôn viên của nhà chùa. UBND xã ủng hộ dự định đó của sư thầy".
Khi hỏi về dự định trong thời gian tới, sư thầy Thích Thanh Lương không ngần ngại nói: "Mong muốn của nhà chùa muốn xây dựng mái ấm tình thương để đón nhận những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Nhà chùa đã trao đổi và rất mừng khi lãnh đạo địa phương ủng hộ việc xây dựng mái ấm tình thương. Tuy nhiên, để dự định đó sớm trở thành hiện thực, nhà chùa rất mong sự giúp đỡ, ủng hộ của các cấp, các ngành, các tổ chức và những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
TẠ QUANG DŨNG
Nguồn: nhandan.com.vn