Thiền, một khái niệm có thể quen hoặc chưa quen đối với nhiều người nhưng nó có một giá trị lý luận và thực tiễn rất cao, và lại càng có ý nghĩa hơn một khi được ứng dụng cho các trường học của nước ta hiện nay.
Khoa học ngày nay với những thí nghiệm tiên tiến về hai khía cạnh tâm lý và sinh lý của con người càng thấy rõ sự tương tác qua lại rất chặt chẽ giữa chúng với nhau: một nỗi buồn, vui, giận hờn, thương yêu, lo lắng hay an nhiên tự tại… đều làm cơ thể tiết ra những hóc-môn tương ứng có thể dẫn đến những nguy cơ bệnh tật, tử vong hoặc ngược lại có thể làm cho con người vượt qua những khổ đau của tâm sinh lý, của bệnh tật. Nhật Bản, một nước châu Á nhưng là một cường quốc kinh tế của thế giới hiện nay, từ lâu đã biết ứng dụng Thiền vào mọi hoạt động của con người và ta được biết như là: trà đạo, kiếm đạo, nhu đạo, cung đạo, hoa đạo… Đạo ở đây có nghĩa là thiền và cũng có nghĩa là nghệ thuật. Vào buổi chiều, sau khi tan việc trên đường về nhà, vị thương gia ghé vào một phòng trà đạo, và chỉ sau khoảng nửa giờ với những nghi thức dùng trà là vị ấy hầu như phục hồi lại toàn bộ sinh lực đã mất trong ngày. Cũng vì “tự mặc cảm” thấy mình không xinh đẹp như một nữ diễn viên Mỹ mà hơn 80% số nữ sinh học lớp 8 ở Anh mắc bệnh trầm cảm. Tâm trí quả thật đóng một vai trò rất quan trọng cho sức khỏe của con người. Tiến sĩ Girish D.Patel là Bác sĩ Tâm lý học tại Mumbai (Ấn Độ), đã có trên 5.000 buổi thuyết trình ở 40 nước với những bài nói chuyện thu hút về “Sức khỏe trong tầm tay bạn” - những kỹ năng quản lý cuộc sống cho những cá nhân. Thông qua Trung tâm Các giá trị sống (TP.HCM), ông vừa có những buổi nói chuyện ở Việt Nam. Ông trao đổi về phép luyện tâm hồn như sau: Một câu chuyện như thế này: Có một cô bé 12 tuổi bị tai nạn và mất. Người cha khóc nhiều tháng trời vẫn chưa nguôi nỗi đau. Một đêm, ông ta khóc rồi chìm vào giấc ngủ, mơ thấy rất nhiều thiên thần. Người cha vui mừng vì thấy con gái mình cũng trở thành một trong những thiên thần đó. Song niềm vui vụt tắt khi ông nhìn thấy tất cả ngọn nến trên tay các thiên thần đều sáng, chỉ riêng ngọn nến trên tay con gái ông là tắt. Ông tiếp tục buồn rầu và khóc. Ông hỏi cô con gái: Tại sao ngọn nến của con không sáng? Người con trả lời: Cha yêu quý, những người bạn thiên thần của con rất tốt bụng, họ cứ thắp mãi cho ngọn nến của con cùng cháy. Nhưng hễ nến vừa sáng lên thì giọt nước mắt của cha nhỏ xuống lại làm nó tắt đi, không sáng được. Người cha từ đó không khóc nữa và sống hạnh phúc. Câu chuyện cho thấy trái tim hiểu ngôn ngữ của cảm xúc và thường bị vùi giập bởi những cảm xúc đau buồn. Còn những xung đột thường nảy ra từ cái đầu: suy đoán, tổn thương… Chỉ có tìm ra logic hợp lý mới chữa trị được cái đầu của mình. Nhưng phải biết kết hợp giữa cái đầu và trái tim để kiểm soát tâm trí. Muốn vậy phải có phương pháp luyện tâm hồn. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cho thấy 70% bệnh của con người là từ tâm bệnh mà ra, 30% còn lại mới do di truyền, thể xác, môi trường… (1). Cơ sở lý luận của Thiền là sự tập trung tư tưởng. Khi bộ óc được tập trung vào một đối tượng thì tạo ra một sức mạnh nội tâm như một ngọn đèn pha chiếu sáng, khiến thấy rõ mọi sự vật; trong khi đó nó làm ức chế và khiến những phần còn lại của vỏ não được nghỉ ngơi, thanh thản. Tâm trí, nếu không được huấn luyện đúng cách, thường tán loạn, vọng tưởng, chạy theo những dục vọng gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức, luật pháp… Phương pháp thực hành Thiền có nhiều cách, nhưng có một cách đơn giản mà hiệu nghiệm, đó là: Quán tưởng hơi thở. Vị ấy ngồi yên lặng, lưng thẳng, mắt khép lại và để ý hơi thở vô ra. Hơi thở này đang đi vào, vị ấy biết rõ như vậy; hơi thở này đang đi ra, vị ấy biết rõ như vậy. Trong khi đang theo dõi hơi thở như vậy, nếu có những hình ảnh, kỷ niệm, suy nghĩ, lo lắng dù chúng có đẹp hay xấu, vui hay buồn thì vị ấy đừng để ý hay bận tâm, phê phán. Sau một thời gian lâu hay mau tùy theo sự nỗ lực của từng người mà sẽ có hiệu quả sớm hay muộn. Thước đo kết quả của sự luyện tâm là vị ấy cảm thấy sức khỏe thân tâm của mình ngày càng được tốt hơn: ngủ ngon giấc không chiêm bao mộng mị, bớt lo lắng phiền não, vui vẻ, tập trung vào công việc đang làm một cách tự nhiên. Một sự luyện tâm như vậy sẽ dần tạo ra một phản xạ có điều kiện mới thay thế cho những thói quen xấu cũ. Giáo dục học đường của nước ta hiện nay có những mặt ưu và những mặt khuyết, có những điều làm được và những điều chưa làm được. Báo chí đề cập nhiều đến bệnh chạy theo thành tích, gian lận trong thi cử, đạo đức học đường xuống cấp… Trước những cám dỗ của văn minh vật chất hiện đại, một bộ phận sinh viên, học sinh mất hoặc không có phương hướng, lý tưởng sống, đánh mất truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; và mất văn hóa cũng có nghĩa là mất nước! Những hiện tượng này quả làm nhức nhối cho các bậc phụ huynh, nhà trường và nhà nước vì họ sẽ là những người thay thế và đứng ra gánh vác những trọng trách của đất nước giao phó. Là những nhà giáo dục, chúng ta không buồn nản mà phải nhìn thẳng vào thực trạng và tìm cách giải quyết. Trong nhiều giải pháp cho những vấn nạn học đường ở nước ta hiện nay thì Thiền có thể chăng là một tiềm năng khả thi, một nét đẹp của văn hóa học đường.
(1) Báo Tuổi Tre, 4-12-2008