Dừng lại và buông thư Thiền (Dhyana) có hàm chứa nghĩa dừng lại và làm cho buông thư. Sự dừng lại và buông thư được gọi là thiền chỉ. Trong sự thực tập, nếu chưa có khả năng dừng lại và buông thư, mình không thể đi xa hơn. Bởi không thành công thiền chỉ thì khó có thể nhìn sâu, thấy rõ bản chất của các hiện tượng-thiền quán. Dừng lại và buông thư Mỗi người đều sẵn có hạt giống rong ruổi, tìm kiếm. Chúng ta không thể ở yên được. Hạt giống này chúng ta được tiếp nhận từ tổ tiên. Sở dĩ mình không dừng lại được, vì mình thiếu buông thư. Không buông thư được, những căng thẳng trong cơ thể bị dồn nén và yếu tố trầm tĩnh của đời sống mất đi. Nếu thực tập vững vàng phương pháp thở và đi trong chánh niệm, mình sẽ dừng được sự chạy đua. Lúc ấy, sự buông thư và niềm an lạc sẽ lập tức có mặt. Ngồi thiền là cơ hội để thực tập dừng lại hoàn toàn. Trong khi ngồi, chúng ta sử dụng hơi thở có ý thức để hỗ trợ cho việc dừng lại ấy. Dừng lại được là bắt đầu có chủ quyền đối với thân và tâm của chính mình. Ngồi thiền trước hết là dừng lại và buông thư. Nếu trong khi ngồi mà phải đấu tranh, phải gồng mình, và xem việc ngồi thiền như một lao tác mệt nhọc thì đó chưa phải là cách ngồi thiền đúng. Khi ngồi, tư thế phải thật thoải mái, lưng thẳng nhưng buông thư, và khởi sự thực tập theo kinh Quán Niệm Hơi Thở. Thở vào, tôi ý thức về toàn thân của tôi. Thở ra, tôi buông thư toàn thân. Và mình đem cái tâm đi vào cái thân. Cái tâm của mình chỗ nào cũng có cái thân hết, tức là tâm đầy trong thân. Giống như việc mình ngâm đậu xanh với nước ấm vậy. Đậu xanh được ngâm trong nước ấm một hồi, nước sẽ thấm vào trong hạt đậu, hạt đậu sẽ nở ra gấp ba bốn lần ban đầu. Sở dĩ, cái thân khô héo là bởi vì cái tâm không thấm vào trong thân được. Nếu muốn cái thân được tươi mát, được thấm nhuận thì cần phải để cho tâm đi vào trong thân. Lúc ấy, thân của mình không còn là một xác chết nữa. Thân của mình sẽ trở thành một thực thể linh động, vì tâm được thấm vào trong từng cái tế bào. Tức là cái thân đầy cả cái tâm. Trong khi ngồi thiền, thiền hành… mình làm như thế nào để thân của mình đầy tâm mà tâm của mình cũng đầy thân. Khi thân và tâm hợp lại với nhau, mình thật sự có được những giây phút sống sâu sắc. Thiền là một phương pháp thực tập, và nếu thực tập đúng mình sẽ có hạnh phúc liền. Hạnh phúc này bắt đầu từ sự dừng lại và buông thư. Không có sự dừng lại và buông thư thì không thể nào có hạnh phúc được. Hạnh phúc này được gọi là thiền duyệt. Thiền duyệt tức là niềm vui trong sự thực tập thiền. Và người tu phải lấy niềm an lạc mà thiền tập đem lại làm thực phẩm hàng ngày (Thiền duyệt vi thực). Trong nghi thức Cúng ngọ có câu: “Nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh, thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn”. Khi ăn cơm, khi cúng ngọ ngày nào mình cũng nguyện cho tất cả chúng sanh đều hưởng được thiền duyệt, và niềm vui ấy đầy tràn (pháp hỷ sung mãn), nhưng chính mình đâu có chịu làm. Mình đã để cho chính mình bị đói và những người bạn đến với mình cũng bị đói. Những người bạn tin tưởng vào mình, trông cậy vào mình, nhất là khi mình là một vị giáo thọ, nhưng mình quên mất vai trò của chính mình. Đôi khi mình bỏ đói đại chúng, bỏ đói các bạn đến với mình. Nếu mình bắt đầu dừng lại và buông thư được, tức khắc mình sẽ có được hỷ lạc. Khi có được hỷ lạc, mình mới khởi sự quán chiếu vào lòng sự vật để thấy được bản chất của sự vật. Mình có thể thực tập theo những hướng dẫn của Đức Thế Tôn để dừng lại. Thở vào, con ý thức về hình hài của con. Thở ra, con ý thức về toàn thể hình hài con. Lúc đó, cái tâm đi vào cái thân và cái thân đi vào cái tâm. Tiếp tục thực tập như vậy, mình để cho tâm dần thấm vào trong thân. Mình có thân đầy trong tâm và tâm cũng đầy trong thân. Kế tiếp, mình buông thư thân thể, tâm hồn dựa vào hơi thở có ý thức. Thở vào, con buông thư thân thể con, tâm hồn con. Thở ra, con tiếp tục để cho tâm hồn con, thân thể con được buông thư. Hãy cho ra ngoài hết tất cả những dồn nén, những căng thẳng. Sự buông thư này sẽ mang lại sự trị liệu. Do vậy, khi đề cập đến khổ hay gọi tên những nỗi khổ, mình đừng quên đề cập đến những căng thẳng trong thân thể và tâm hồn. Bởi nó đích thực là một nỗi khổ và rất quan trọng, cần được chúng ta quan tâm đến. Chúng ta đừng nói đến đói, đến nghèo, hãy nói đến sự căng thẳng trước tiên. Niệm là giới Khi thực tập thiền hành phải thực tập như thế nào để dừng lại được trong khi đi. Đi như là đi chơi trong Tịnh độ mà không đi như bị ma đuổi, buông thư được trên từng bước chân. Đường dài, mình bước như dạo chơi. Đường càng dài càng hay, vì mình có thể dạo chơi càng nhiều. Mặc dù chưa là giáo thọ nhưng mình cũng không được bỏ đói các bạn thiền sinh đến với mình, mình có bổn phận phải giúp họ. Vì mỗi ngày, mình được hưởng thức ăn của thiền tập, và khi có ai đến, mình phải hỏi: Các anh, các chị có đói không? Thực phẩm đây! Tức là phương pháp giúp họ biết thở, biết đi, biết cười. Do vậy, khi ngồi thiền, cho dù nửa giờ hay bốn mươi lăm phút, cũng phải biết tận dụng khoảng thời gian ấy để nắm lấy chủ quyền, phải để cho thân tâm được buông thư, nghỉ ngơi. Nếu không làm được như vậy thì mình đã phung phí một cách oan uổng nguồn thời gian quý báu của chính mình. Niệm là giới Ở ngoài đời, người ta có thể có nhiều tiền, nhiều bạc, nhưng có thời gian để được ngồi yên thì rất hiếm. Được ngồi yên là một cơ hội để nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm. Nếu thực tập thiền chỉ giỏi, tất nhiên mình sẽ có niệm và định. Niệm tức là sự chú tâm, biết rõ cái gì đang xảy ra. Ví dụ, khi theo dõi hơi thở, thở vào mình biết rõ đây là hơi thở vào, thở ra mình biết rõ đây là hơi thở ra. Đó gọi là chánh niệm về hơi thở. Khi đang đi, mình biết mình đang đi, mà không để cho đầu óc trôi giạt ở một phương nào. Đó gọi là niệm bước chân. Còn khi uống trà, mình biết là mình uống trà thì gọi là niệm uống trà. Khi chải răng, mình biết là mình chải răng, chải cho có hạnh phúc, chải cho buông thư thì gọi là niệm chải răng. Mọi lúc mọi nơi đều là cơ hội cho mình thực tập chánh niệm. Chánh niệm là phép tu căn bản, và nó cũng là nền tảng đạo đức của Phật giáo. Trong đạo Bụt có đề cập tới ba phép thực tập để đưa tới giải thoát: Giới-Định-Tuệ đó là tam vô lậu học. Thực tập giới đưa tới định lực. Khi giới và định hùng hậu, mình có khả năng chọc thủng được màn vô mình, và tiếp xúc được với thực tại, tức là có tuệ giác. Mà có tuệ giác là có sự giải thoát. Thông thường, giới được hiểu như là đạo đức, nhưng tại Làng Mai hiểu giới như là sự thực tập chánh niệm. Do vậy, theo truyền thống Làng Mai, Giới-Định-Tuệ còn được gọi là Niệm-Định-Tuệ. Cách đây bốn chục năm, tôi đã khám phá ra điều này: Giới tức là Niệm. Tại vì niệm có nghĩa là ý thức được những gì đang xảy ra trong mình và xung quanh mình. Ví dụ, khi có sự căng thẳng và mình biết rằng, mình đang có sự căng thẳng. Thở vào, tôi ý thức được sự căng thẳng trong thân tâm tôi. Thở ra, tôi buông bỏ sự căng thẳng trong thân tâm tôi. Trước hết, mình nhận diện được sự căng thẳng đang có mặt, và sự căng thẳng là một nỗi khổ. Nếu có niệm lực hùng hậu, định sẽ xuất hiện. Khi để hết tâm ý vào sự căng thẳng tức là Khổ đế thì mình sẽ tìm ra được nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng (Tập đế), đó là cách sống hấp tấp, vụt chạc, dồn nén, mà không chịu buông thư trong đời sống hàng ngày. Rõ ràng, niệm giúp mình nhận diện ra cái khổ, và giúp mình thấy được gốc rễ của cái khổ. Niệm đi cùng định tìm đến với tuệ. Tuệ tức là thấy được cái nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng. Khi biết được nguyên nhân của sự căng thẳng, mình sẽ thực tập và lấy được những căng thẳng ra khỏi thân tâm, tức là Diệt đế. Phương pháp buông thư, phương pháp thực tập để chuyển hóa tận gốc những căng thẳng chính là Đạo đế. Vì vậy, niệm là cái đầu dây mối nhợ. Nhờ có niệm mà có định, nhờ có định mà có tuệ. Nhờ niệm định tuệ, ta thấy được chân tướng của bốn sự thật. An lạc từng bước chân Trong văn học Phật giáo, chữ học có nghĩa là thực tập, tam học là ba sự thực tập. Khi người còn cần phải thực tập thì gọi là hữu học. Người đã thực tập thành công rồi, không còn phải học nữa gọi là vô học. Vô học không có nghĩa là vô giáo dục. Chữ vô học trong Phật giáo là địa vị rất cao. Các bậc vô học cao hơn các bậc hữu học nhiều. Khi nói tôi là một người hữu học có nghĩa tôi là người đang còn thực tập. Bạn là một người vô học có nghĩa bạn đã thực tập thành công rồi. Chữ học ở trong đạo Phật có nghĩa là thực tập. Mình thực tập niệm tức là mình thực tập giới. Vì vậy, mình cần biết rằng, nền tảng của đạo đức Phật giáo là chánh niệm. Đầu dây mối nhợ bắt đầu từ chánh niệm. Có chánh niệm, mình biết, mình cần làm gì, và không nên làm gì. Giới cũng có nghĩa là đạo đức. Đạo đức là những quy tắc, những tuệ giác giúp mình biết được nên làm gì và không nên làm gì để tránh khổ đau và mang lại hạnh phúc cho mình và cho người. Dành cho tất cả mọi người Trong quá khứ, có thể nhiều vị thầy đã thấy được giới tức là niệm. Nhưng có lẽ tôi là người đầu tiên nói ra điều đó. Chúng ta biết, nếu niệm hùng hậu sẽ mang theo định. Nếu niệm, định hùng hậu ắt sinh tuệ. Trong phạm vi đạo đức học, tuệ tức là cái thấy. Như ví dụ về sự căng thẳng vừa xét trên, mình thấy được sự căng thẳng đang diễn ra trong thân tâm mình, mình cũng biết rằng mình có thể buông thư và có những phương pháp cụ thể để đạt tới sự buông thư, chấm dứt căng thẳng. Cái thấy này gọi là tuệ. Tuệ rất quan trọng, bởi không có tuệ, mình chẳng biết đường đâu mà thực tập. Tuệ tức là chánh kiến. Khi có chánh kiến, mình sẽ có chánh tư duy, và hẳn nhiên là sẽ nói năng đúng phép. Khi có chánh kiến, mình sẽ hành động đúng, tức là chánh nghiệp. Và khi có chánh kiến, mình sẽ biết tìm nghề nghiệp mà không gây khổ đau, không tàn hại sinh môi, không gây tác hại cho những sự sống khác đó là chánh mạng. Tư duy, ngôn ngữ, hành động và nghề nghiệp đúng, không gây khổ đau cho mình và cho người khác là nhờ có tuệ hay chánh kiến. Sự siêng năng trong các hoạt động để phục vụ cho hạnh phúc của người và của mình gọi là chánh tinh tấn. Tinh tấn có khi còn được gọi là cần. Bát chánh đạo là con đường của tám sự hành trì chân chính có thể được coi như nền tảng của nền đạo đức Phật giáo. Nhìn tổng quan, ta thấy rằng, nền đạo đức Phật giáo, giáo lý Bát chánh đạo không phải chỉ dành riêng cho những vị tu sĩ. Giáo lý Bát chánh đạo dành cho tất cả mọi người trong xã hội. Bởi khi sống trong xã hội, mình phải tiếp xúc với mọi người và mọi loài. Do vậy, hành động, ngôn ngữ của mình đừng gây đổ vỡ, khó khăn cho người khác, cho các loài khác. Bát chánh đạo là căn bản của một nền đạo đức, được áp dụng trong xã hội chứ không chỉ áp dụng riêng trong chùa hay trong các tu viện. Rõ ràng, đạo Phật có tính cách nhập thế. Cho nên chúng ta khả quyết xác định rằng, Bát chánh đạo là nền tảng của nền đạo đức cho toàn xã hội. Đạo Phật nhập thế, đạo Phật đi vào đời có cơ sở ngay từ giáo lý Bát chánh đạo. Bất nhị Sự quán chiếu trong đạo Phật phải dùng đến năng lượng niệm và định. Đối tượng của niệm và định trước hết là những đau khổ, những khó khăn trong đời sống. Đạo Phật không chủ trương về những vấn đề siêu hình như sự quán sát trăng sao, vũ trụ, nguồn gốc của thế giới này… Đạo Phật đưa con người trở về với vấn đề của hiện tại, vấn đề của những khổ đau, những khó khăn đang tồn tại trong cuộc sống, và giúp đưa ra phương pháp chuyển hóa những khổ đau và khó khăn ấy để mọi loài có thể sống hạnh phúc. Vậy nên nền đạo đức Phật giáo có tính cách thực dụng. Nếu quay trở về quán chiếu sự thật về khổ, mình sẽ khám phá ra được khổ đau và hạnh phúc đều có gốc rễ. Tập là gốc rễ của khổ và Đạo là gốc rễ của hạnh phúc. Qua đó có thể thấy được bốn sự thật nương vào nhau mà có, bốn sự thật tương tức không thể tách rời nhau. Do đó, tuệ giác là nền tảng của đạo đức Phật giáo. Nhưng làm sao để có tuệ? Cần phải có niệm và định. Có tuệ thì tư duy đúng, nói năng đúng, hành động đúng, phương thức sống đúng, tinh tấn đúng. Một khi đã có tuệ thì không còn khổ đau nữa. Do đó, Bát chánh đạo bắt đầu bằng chánh kiến - Chánh kiến là cái thấy đúng. Cái thấy đúng tức là cái thấy tương tức. Nếu đạt được cái thấy tương tức thì sự thực tập bảy chi phần còn lại của Bát chánh đạo mới sâu sắc được. Ví dụ, khi nhìn cây bắp, mình thấy được hạt bắp, cây bắp và hạt bắp không ở ngoài nhau, chúng trong nhau. Một trong những phép tu của đạo Phật là: quán vô thường, quán vô ngã, quán duyên sinh, quán không, quán tương tức. Nhưng chúng ta phải thấy được các phép quán này có tính tương tức. Nếu mình thực tập thành công một phép quán thì mình có thể hiểu được những phép quán khác. Ví dụ, đứng về phương diện thời gian, cái chuông này vô thường, nhưng đứng về phương diện không gian, cái chuông này vô ngã. Cái chuông không có một thực thể riêng biệt. Nó được tạo thành từ rất nhiều yếu tố. Và nó biến chuyển không ngừng theo thời gian. Do vậy, vô thường là vô ngã. Hơn nữa, tất cả các hiện tượng đều do nhân duyên mà thành, mà biểu hiện, nên vô ngã cũng chính là duyên sinh. Từ đóa hoa, chiếc bàn, ngôi sao… đều do những điều kiện hội tụ mà thành. Mọi hiện tượng do duyên sinh, mọi hiện tượng đều vô ngã, vô thường. Vô thường tức vô ngã, vô ngã tức duyên sinh. Duyên sinh tức không. Không tức là không có mặt riêng biệt. Hạt bắp làm sao có mặt riêng biệt với cây bắp được. Cây bắp làm sao có mặt riêng biệt với hạt bắp được. Cha làm sao có mặt riêng biệt với con được. Con làm sao có mặt ngoài cha được. Mình cần thấy được tính tương tức giữa các sự vật, hiện tượng. Về mặt hình thức, về bề mặt, đôi lúc, mình dường như thấy có những cái chống đối nhau, nhưng sự thực chúng không chống đối nhau, chúng tương tức với nhau. Nếu mình quán chiếu Tứ đế dưới ánh sáng của chánh niệm, mình sẽ thấy được, có khổ cho nên mới có vui, có vui cho nên mới có khổ, khổ và vui tương tức. Và cái thấy này cũng đúng với tất cả các hiện tượng hiện hữu trong vũ trụ. Hạnh phúc luôn có mặt Như đã nói ở trên, mọi sự vật hiện tượng đều có tính vô thường, vô ngã, tương tức, không. Nhưng nếu dùng chữ không, nhiều người sẽ hiểu lầm là đạo Phật chủ trương đoạn diệt, bi quan. Trong đạo Phật, có nhiều phép quán, mình có thể đem niệm, đem định chuyên chú về một phép quán. Nếu mình thành tựu được định đó thì mình sẽ có tuệ. Định này có thể là định vô thường, định vô ngã, định duyên sinh, định không hay định tương tức. Khi có tuệ, mình sẽ có được nền tảng đạo đức không sai lạc. Lúc này, mình không còn bị kéo theo những cái thấy tà kiến. Tà kiến là những cái thấy đi ngược lại với tính không, vô thường, vô ngã, duyên sinh, tương tức. Nếu lấy tà kiến làm nền tảng thì tư duy sẽ sai lầm, ngôn ngữ sẽ sai lầm, hành động sẽ sai lầm, gây khổ đau cho mình và cho người khác. Ở đây, mình xác quyết, chánh kiến là nền tảng của nền đạo đức chân chính. Nhưng chánh kiến này từ đâu đến? Nó đến từ công phu quán chiếu. Nó không đến từ một đấng thượng đế. Chúng ta phải dùng niệm, định khảo sát Tứ đế, và đạt tới cái thấy về không, vô thường, vô ngã, duyên sinh, tương tức. Đây là cái thấy bất nhị. Chư Tổ có dạy, chánh kiến chính là tuệ, trước hết là cái thấy về Bốn sự thật. Nếu thấy được Bốn sự thật trong chân tướng của nó thì sẽ thấy được bản chất của toàn bộ vũ trụ.
Pháp môn căn bản của Làng Mai là phương pháp thở chánh niệm và phương pháp đi chánh niệm. Các vị giáo thọ của Làng có nhiệm vụ trao truyền những thực tập căn bản này đến các thiền sinh. Nếu họ chưa biết thở, biết đi trong chánh niệm đồng nghĩa với việc họ còn bị đói. Ai bỏ đói họ? Các vị giáo thọ dự phần lớn vào việc bỏ đói họ. Do vậy, các vị cần nắm thật vững phương pháp thở, phương pháp đi. Mình không cần nói những bài pháp hùng hồn. Sự thực tập vững chãi của mình đã là một bài pháp hay và sống động. Nếu mỗi bước chân, mỗi hơi thở có khả năng buông thư, có khả năng hạnh phúc, mình sẽ là người đầu tiên được trị liệu và nuôi dưỡng…
Thiền sư THÍCH NHẤT HẠNH