Hoằng pháp ở thế kỷ XXI là đề tài mà hiện nay tất cả các nước theo Phật giáo đều rất quan tâm. Như mọi người đều biết quả địa cầu mà chúng ta đang sống luôn xoay chuyển, cũng như xã hội luôn thay đổi; nếu Phật pháp không thích nghi với thực tế cuộc sống, chắc chắn Phật giáo sẽ không thể tồn tại trong sinh hoạt của con người.
Lịch sử cho thấy Đức Phật hành đạo vào thời kỳ mà xã hội Ấn Độ phân chia bốn giai cấp một cách triệt để. Nhưng Đức Phật đã chủ trương bình đẳng tuyệt đối, với lời tuyên ngôn bất hủ rằng không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Và Ngài cũng đã thực hiện tinh thần bình đẳng ấy trong chính cuộc sống giáo hóa độ sinh, nghĩa là lời nói và việc làm của Ngài đi đôi với nhau, nên Đức Phật được tôn kính là bậc Minh Hạnh Túc.
Thật vậy, Đức Phật từ bỏ ngôi vị đế vương để sống cuộc đời của một người khất sĩ thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn thời bấy giờ. Và Đức Phật đã chuyển hóa được thành phần nghèo khổ nhất trong xã hội như Sunita hốt phân, hay sát nhân Vô Não, hoặc Bàn Đặc nổi tiếng kém thông minh, giúp họ trở thành bậc Hiền Thánh trong xã hội đương thời.
Đức Phật dạy rằng không có giai cấp và bản thân Ngài đã thể hiện nếp sống bình đẳng, cũng như Ngài đã phát huy khả năng của những người tu theo Ngài tiến lên quả vị Hiền Thánh. Tinh thần bình đẳng, không phân biệt giai cấp của Phật giáo đến nay vẫn còn giá trị tuyệt đối. Nói đến đạo Phật là phải nói đến tinh thần bình đẳng mà hầu như nhiều quốc gia ngày nay cũng chưa thực hiện được và sự bình đẳng vẫn còn là mục tiêu mà nhân loại mong muốn đạt được.
Xưa kia, khi Ba Tư xâm chiếm Ấn Độ, văn hóa Ấn đã được kết hợp với văn minh Hy Lạp, khiến những người tiếp thu cái mới có tầm nhìn thay đổi. Đương nhiên tư tưởng đổi mới phải gặp sự phản kháng của tư tưởng bảo thủ. Và khi hai cực của tư tưởng phát triển và bảo thủ càng xa thì sự chống đối nhau càng nhiều hơn.
Trong bối cảnh xã hội Ấn như vậy, nhìn ở mặt nào đó, thấy Phật giáo hưng thịnh nhờ tiếp thu cái mới; nhưng ở mặt khác, Phật giáo bị suy yếu vì tự chống đối nhau. Rõ nét là Phật giáo bảo thủ thời đó e ngại tư tưởng văn minh Hy Lạp xâm nhập làm hư hoại đạo pháp, nên đã cố gắng giữ gìn nguyên vẹn hình thức Phật giáo. Nhưng Phật giáo bảo thủ càng cố gắng duy trì hình thái Phật giáo thì càng rơi vào tình trạng bị cô lập, vì không thích hợp với cuộc sống mới, cũng như không được sự đồng thuận của những người chủ trương canh tân Phật giáo.
Tư tưởng phát xuất từ thành Tỳ Da Ly là nơi tư tưởng Đại thừa manh nha, chủ trương một số thay đổi đời sống chư Tăng, mà phía bảo thủ gọi là mười điều phi pháp. Thí dụ phía canh tân cho rằng chư Tăng ăn một bữa, nhưng được ăn quá giờ ngọ một lóng tay; trong khi phái bảo thủ nhất định không cho phép ăn quá giờ ngọ. Sự bất đồng này dẫn đến tình trạng Phật giáo tự chống đối nhau. Riêng về điểm này, ngày nay, chúng ta thấy có những vị đã rời luật quá xa, ăn uống không còn giờ giấc; trong khi những vị theo Nam truyền Phật giáo vẫn không ăn quá ngọ.
Thực tế có những người bị đau bao tử, một ngày phải ăn nhiều lần, nếu buộc phải theo đúng luật thì họ không thể tiến tu được. Theo tôi, chúng ta cần cân nhắc, tùy theo trường hợp, người nào nên ăn một lần trong ngày, người nào nên ăn hai, ba bữa. Người bị cắt bỏ một phần bao tử thì không thể so với người khỏe mạnh. Tùy theo sức khỏe, nghiệp lực của từng người mà việc ăn uống có khác nhau. Ngoài ra, tùy theo địa phương, có nơi chỉ chấp nhận người tu ăn một ngày một bữa, có nơi không đặt nặng vấn đề này, hoặc tùy lúc mà việc áp dụng luật thay đổi khác nhau.
Chúng ta nên suy nghĩ và sống theo tinh thần tùy duyên, cân nhắc xem mình hành đạo ở đâu, vào thời kỳ nào và đối tượng là ai để có sinh hoạt tương ưng thích hợp. Nhật Liên Thánh nhân gọi đó là giáo, cơ, thời, quốc. Căn cứ trên tinh thần tùy duyên, Phật giáo Đại thừa đã thay đổi giới ăn chiều. Luật Phật chế không ăn quá ngọ, nhưng trừ khi bị bệnh có thể ăn cháo buổi chiều, nhưng phải sanh tâm hổ thẹn.
Về vấn đề ăn uống có nhiều thay đổi tùy theo địa phương và tùy theo pháp môn tu. Ở Nhật Bản, riêng Chân Ngôn tông tu tập, bước đầu ăn cơm, sau đó không ăn cơm mà chỉ ăn rau quả và tiến đến không dùng thức ăn nấu nướng, sau cùng chỉ ăn vỏ cây thông, uống nước thạch tín. Pháp tu của Chân Ngôn tông chủ trương thực tập nếp sống huyền bí như là một phương tiện để cảm hóa người dân thời bấy giờ, vì họ ưa thích pháp huyền bí và chỉ tin theo những ai có đời sống huyền bí. Tuy nhiên, chỉ có Tổ Đạo Nguyên và một vài vị cao tăng chinh phục được xã hội theo cách tu như vậy, vì các ngài đã làm được những việc mà người đời không làm nổi. Còn những người khác không đủ khả năng chuyển hóa chất độc của thạch tín và vỏ cây thông thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể thì đã bị ngã gục. Ở đây cần phân biệt rằng tà giáo làm những việc khác thường để lừa dối những người mê tín dị đoan; trong khi các vị chân tu muốn thể nghiệm chân lý trên cuộc đời, tất nhiên hoàn toàn khác với việc mê hoặc quần chúng. Sử dụng phương tiện tùy duyên, tùy chỗ, tùy thời là vậy.
Từ cái nôi canh tân ở thành Tỳ Da Ly, tinh thần đổi mới được tiếp tục phát triển. Điển hình như việc không bỏ phí những thức ăn dùng không hết bằng cách muối thức ăn dư vừa tiết kiệm, để dành được thực phẩm, vừa có thêm thì giờ thiền định, khỏi đi khất thực. Như vậy, vẫn giữ được mục tiêu của việc khất thực theo Phật không phải là đi xin ăn, nhưng tiếp nhận thức ăn để duy trì mạng sống cho việc tu hành và cho việc độ đời. Vì thế, Đức Phật đã quán nhân duyên hóa độ nơi nào thì đến nơi đó, không đủ duyên, Ngài không đi. Nhưng việc muối thức ăn để dành không được các Tỳ kheo bảo thủ đồng tình, phê phán là phi pháp.
Bước theo dấu chân Phật, vai trò của người tu sĩ là hướng dẫn quần chúng sống sáng suốt và an lạc. Vì thế, Phật giáo phát triển cân nhắc trước vấn đề nếu chỉ khất thực và ngồi dưới gốc cây tu hành thì có còn sức cảm hóa được quần chúng không, hay là phải đổi mới sinh hoạt để đáp ứng được yêu cầu của xã hội mới tồn tại. Tất nhiên những người có tinh thần canh tân đã sinh hoạt theo hướng phát triển để cùng nhịp bước đi với sự đi lên của xã hội và phục vụ quần chúng. Chúng ta còn nhớ trong mười hai đại nguyện của Đức Phật Dược Sư, có nguyện thứ 11 và 12 là cho chúng sinh ăn ngon mặc đẹp, cũng không ngoài mục tiêu đem lại nếp sống sung mãn cho quần chúng.
Vì thế, sau Phật nhập diệt 200 năm, tư tưởng Đổi mới đã xuất hiện, theo đó suy nghĩ thâm ý của Phật dạy và thể hiện qua những điều đổi mới. Điển hình là kinh Duy Ma diễn tả ý này rằng giáo pháp của Phật là phương tiện ví như nắm lá trong tay, có giới hạn; cho nên không thể chấp chặt, mà phải nhận ra được chân lý ba đời của chư Phật chỉ dạy ví như lá trong rừng luôn thể hiện sức sống phát triển theo bốn mùa, không phải chỉ là nắm lá trong tay.
Xây dựng trên tinh thần phát triển, kinh Duy Ma chủ yếu đề cao Bồ tát Văn Thù và cư sĩ Duy Ma là hai vị Bồ tát tiêu biểu cho hàng xuất gia và tại gia ở tầng cao mới của xã hội; nói cách khác, Phật giáo luôn đi trước một bước, mở ra con đường sáng cho xã hội. Thể hiện tinh thần này, ở nước ta, Phật giáo Đinh Lê Lý Trần đi đầu trong việc xây dựng đất nước.
Hôm nay, chư Tăng Ni đại diện cho 54 tỉnh thành Phật giáo phía Nam về tham dự Khóa Hội thảo bồi dưỡng nghiệp vụ hoằng pháp, mong quý vị cho biết sinh hoạt của từng địa phương, để rút kinh nghiệm truyền bá Phật pháp thế nào cho thích hợp. Kinh Pháp Hoa dạy rằng chúng sinh nghĩ gì, cần gì, làm gì; đáp ứng được ba điều này, chúng ta tồn tại, nếu không thì bị mai một. Thực tế cho thấy Thiền sư Nhất Hạnh truyền bá Phật pháp tại các nước Tây phương thành công, vì ngài đáp ứng được truyền thống văn hóa của họ.
Việc thứ hai lớn hơn mà chúng tôi muốn đề cập đến trong cuộc hội thảo là ở thế kỷ XXI, vấn đề tâm linh được quan tâm rất nhiều và việc truyền bá Chánh pháp cần được thực hiện trên siêu xa lộ thông tin. Ở mảng này, Phật giáo có mặt, nhưng còn rất khiêm tốn, chỉ có một số ít tu sĩ trẻ tham gia; trong khi chất độc xã hội đã thâm nhập vào đây quá nhiều. Các giảng sư trẻ có học thức cần nghiên cứu, thực tập tinh thần Phật dạy và cân nhắc xem thời đại chúng ta yêu cầu cái gì để đưa các bài giảng thích hợp vào thông tin siêu xa lộ, tạo điều kiện cho Phật tử thời hiện đại phát tâm, tu học dễ dàng. Đó là điều rất cần thiết.
Ngoài ra, tuy hiện nay có thuyết pháp trên mạng, nhưng chưa tạo được món ăn tinh thần cho nhiều người ưa thích; vì không thích hợp với cuộc sống thiết thực của con người. Đưa Phật giáo vào sinh hoạt con người đòi hỏi chúng ta phải thiết thực, đừng rơi vào không tưởng. Chẳng hạn giảng dạy Thiền, bản thân mình phải thực tập được cốt lõi của Thiền là tinh thần ổn định, sáng suốt và sức khỏe tốt, ăn ít, ngủ ít, nhưng loại trừ được bệnh tật. Được như vậy, thì không nói cũng có đủ tư cách của thiền sư; còn đau khớp, suy tim không phải là thiền sư. Trên bước đường tu, cần thuyết pháp trên quả môn là nói bằng thành quả tu tập của chính mình.
Người tu phải có cái gì vượt lên trên người đời, đầu tiên là vượt trên cái nghiệp, khắc phục nghiệp, giải quyết nghiệp cho tốt. Người tu lúc nào cũng hoan hỷ, sức khỏe tốt, được nhiều người quý mến, cuối đời ra đi nhẹ nhàng. Các vị Thiền sư hay Thánh Tăng đều thể hiện cuộc sống như vậy. Còn mang thân bệnh, tâm buồn phiền, mà đi truyền bá, khó thành công. Hoằng pháp ở thế kỷ XXI phải sống phù hợp với khoa học, nghĩa là chứng thực giáo pháp trong đời sống của chúng ta, làm được những gì ta nói. Tuy nhiên, có những điều mình tâm đắc, nhưng người xung quanh chưa thực hành được thì thôi, chờ đủ duyên mới nói.
Vì thế, Đức Phật dạy rõ thực tập quá trình văn, tư, tu rồi mới thuyết pháp độ sinh. Chính Đức Phật trước khi chuyển pháp luân, Ngài đã chứng chuyển, tức diệt được phiền não trần lao, Ngài mới khuyến chuyển, là khuyên dạy người khác làm theo. Thiết nghĩ ngày nay, nếu có nhiều giảng sư thành tựu pháp Phật trong cuộc sống, chắc chắn sẽ làm cho Phật tử phát tâm tu theo và Phật giáo hưng thịnh.
Một điều nữa tôi mong quý vị suy nghĩ là thời hiện đại, Phật tử không có nhiều thì giờ dành cho việc tu tập. Nếu họ phải tu suốt một ngày và tụng kinh quá nhiều, mà không hiểu và không thực tập được gì, họ sẽ dễ chán, dễ bỏ cuộc, thậm chí than rằng tụng kinh nhiều khô cổ. Tụng kinh đúng theo Tổ dạy trong kinh Pháp Hoa là “Hầu trung cam lộ quyên quyên nhuận”, chẳng những không khát nước, không khô cổ, mà còn cảm thấy vị ngọt theo từng câu kinh. Thực tập điều này, tôi ít uống nước, không ra mồ hôi, ít bị cảm cúm.
Để đáp ứng điều kiện cho Phật tử tu học không có nhiều thì giờ, tôi rút gọn tinh yếu của kinh Pháp Hoa thành Bổn môn Pháp Hoa để có thể đọc tụng mỗi ngày, chỉ mất 20 phút, Phật tử còn thì giờ làm việc, nên rất nhiều người áp dụng theo.
Tóm lại, quý Tăng Ni suy nghĩ xem những việc gì chúng ta cống hiến được cho cuộc đời, làm an lạc cho nhiều người, thì người hoằng pháp sử dụng vô số phương tiện để tùy duyên hành đạo mới thành công, giúp cho Phật giáo trường tồn. Ý này được Tổ sư dạy rằng: “Đại dụng tại tiền, quyền tại thủ”. “Đại dụng” là chân lý mà ba đời chư Phật chứng đắc, “Quyền” là tất cả những phương tiện có trong tay được sử dụng thiên biến vạn hóa, vì tùy chỗ, tùy lúc, tùy người mà chúng ta thể hiện vô số việc làm khác nhau, nhưng đều có cùng một mục tiêu dẫn đến cuộc sống an lạc, giải thoát cho mọi người. Tiến bước trên lộ trình này, Phật giáo mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho nhân loại thoát khỏi thù hận, chiến tranh, khổ đau, tạo thành thế giới hiểu biết, thương yêu, cảm thông, chia sẻ, an vui và phát triển.
HT.THÍCH TRÍ QUẢNG