Quý chú, quý cô xuất gia trẻ thân mến! Trong kinh Hoa Nghiêm, phẩm Hạnh nguyện, có nêu lên 10 đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền. Nguyện thứ tám là “Thường tùy Phật học”, tức là nguyện suốt đời học hỏi và tu tập theo Phật. Nhưng nếu y theo những điều thần thông diệu dụng ghi chép trong kinh Hoa Nghiêm thì nhất định hạng phàm phu xuất gia như chúng ta, không ai có thể thực tập theo được. Tôi nghĩ, những điều ấy chẳng phải để cho chúng ta học tập theo hay ít nhất là chẳng dành cho những hạng người như tôi. Tuy nhiên, tôi biết chắc một điều là trong kinh và luật, có ghi lại rất nhiều sự việc mà Đức Phật đã làm. Những điều đó đều là mô phạm cho chúng ta noi theo, bất luận là hạng người nào cũng đều có thể học tập và làm theo được. Hôm nay, tôi xin chia sẻ với quý chú, quý cô vài điều mà bản thân tôi đã vận dụng được trong cuộc sống tu tập của mình, và tôi nghĩ, quý chú quý cô, cũng có thể “thường tùy Phật học” được.
1. Phật tự tay quét sân
Căn bản thuyết nhất thiết tỳ nại da tạp sự ghi rằng: Hôm nọ, Đức Phật ở tại rừng Thệ Đa. Ngài thấy khuôn viên nơi chúng Tăng ở trong khu rừng không được sạch sẽ, liền tự đi tìm chổi quét dọn. Lúc ấy, các đại đệ tử Thanh văn như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, A Nan v.v… thấy vậy liền cùng nhau quét dọn khu rừng. Quét xong, Ngài cùng với các đệ tử vào giảng đường, theo thứ lớp ngồi ngay thẳng, Đức Phật nói: “Này quý thầy Tỳ kheo! Quý thầy biết không? Quét dọn ngôi già lam có năm thứ công đức rất là thù thắng. Một là tự tâm mình sẽ được thanh tịnh. Hai là khiến cho tâm người khác cũng được thanh tịnh. Ba là chư thiên hoan hỷ. Bốn là tạo được chánh nghiệp. Năm là sau khi mạng chung được sanh lên Thiên giới”.
2. Phật tắm rửa cho đệ tử
Luật Ngũ Phần ghi lại duyên khởi Đức Phật chế giới cấm uống rượu như sau: Tỳ kheo Bà Già Đà do hàng phục rồng dữ mà được đãi rượu, uống say bí tỉ, y bát vất mỗi thứ mỗi nơi. Đức Phật đi ngang qua trông thấy liền cùng thầy A Nan khiêng Bà Già Đà đến cái giếng gần đó, rồi tự tay múc nước tắm rửa cho tỉnh rượu. Nhân đó Đức Phật chế giới cấm uống rượu.
3. Đức Phật sửa lại phòng xá
Thập Tụng luật ghi rằng: Lúc Đức Phật ở tại nước A La Tỳ, thấy cánh cửa chùa bị hư, liền tự tay tháo ra sửa chữa.
4.Phật chăm sóc bệnh nhân
Luật Tứ Phần ghi lại câu chuyện: Có thầy Tỳ kheo bệnh nặng, không thể tự lo vệ sinh cho mình được, Thế Tôn liền đỡ vị ấy dậy, lấy khăn lau thân thể (bị dính nhiều thứ bất tịnh) cho sạch sẽ. Rồi Phật thay y áo bệnh nhân, giặt giũ, quét dọn lại phòng, đem cỏ lót nằm và tọa cụ hư nát vứt bỏ, thay vào cỏ mới, rải tro lên nền nhà để khử trùng… Xong, Đức Phật đỡ bệnh nhân nằm lại trên giường, lấy y mới đắp lại, rồi ngồi trò chuyện với bệnh nhân cho đến khi các Tỳ kheo khác đi khất thực trở về. Về sau, Tây Vực ký ghi chép rằng: Phía Đông Bắc tinh xá Kỳ Hoàn có một ngôi tháp, đó là nơi Đức Như Lai tắm rửa và chăm sóc cho thầy Tỳ kheo bị bệnh.
Còn nữa, có một thầy Tỳ kheo bị bệnh, ôm nỗi khổ đau, thui thủi một mình. Đức Phật hỏi: “Thầy đau có nhiều không? Tại sao thầy ở một mình?”. Vị ấy đáp: “Bạch Thế Tôn, con thường hay biếng nhác, lại chẳng khi nào giúp đỡ và chăm sóc người bệnh nào, cho nên khi con bệnh chẳng dám nhờ và cũng chẳng có ai chăm nom”. Đức Phật ân cần nói với vị ấy: “Thiện nam tử, để Như Lai chăm sóc cho thầy”.
5. Đức Phật may y cho đệ tử
Kinh Trung A Hàm chép rằng: Sau mùa An cư, Đức Phật tự tay cắt may ba chiếc y cho ngài A Na Luật (bị mù). Các thầy Tỳ kheo thấy vậy liền cùng nhau người cắt, người may, trong chốc lát thành y.
6. Đức Phật xâu kim cho thầy Tỳ kheo lớn tuổi
Hồi Phật còn tại thế, có một Tỳ kheo lớn tuổi vá y. Vì mắt thầy đã nhòa, nên xâu mãi mà không thể nào đưa chỉ vào lỗ kim được, liền buột miệng thở dài… “Có ai giúp tôi xâu kim không?”. Đức Phật nghe thấy, liền đứng dậy nói: “Để Như Lai giúp cho thầy”.
7. Đức Phật xin chúng Tăng cử tội
Đó là sự việc diễn ra sau khi Đức Phật cùng với các đệ tử an cư kiết hạ xong, tiến hành lễ Tự tứ. Kinh Tăng Nhất A Hàm ghi: Đức Phật ngồi trên tòa cỏ (tức là ngồi dưới đất, thay vì bình thường Đức Phật ngồi trên tòa đã soạn sẵn cao hơn chỗ ngồi của đại chúng để thuyết pháp), và thưa với đại chúng rằng: “Kính bạch Đại chúng! Không biết tôi có gây lỗi lầm với người nào không? Thân, khẩu, ý của tôi có phạm lỗi không? Xin Đại chúng chỉ cho!”. Đức Phật nói như vậy ba lần. Đời sau, Linh Chi luật sư luận giải rằng: “Như Lai tác pháp Tự tứ là để thể hiện bình đẳng, làm mô phạm cho đời sau, khiến cho đại chúng tỉnh ngộ, diệt trừ tâm ngã mạn”.
Quý Tăng Ni sinh thân mến! Trên đây là bảy việc mà Đức Phật đã từng làm, tất cả chúng ta đều có thể noi theo. Theo tôi nghĩ, đó là ý nghĩa đích thực của “thường tùy Phật học”. Dĩ nhiên, ý nghĩa vi diệu của câu kinh vốn là đại nguyện của Đức Bồ tát Phổ Hiền, thì đâu phải chỉ thô thiển như thế. Nhưng nếu những việc thường tình như vậy mà Đức Thế Tôn không làm, thì làm sao Ngài có thể thành Phật được? Vì vậy, tôi mong mỏi quý vị Tăng Ni sinh hãy nỗ lực mà học theo để nhổ tận gốc ỷ lại, vốn là căn bệnh thời đại của người xuất gia trẻ, diệt trừ tâm kiêu mạn, tăng trưởng tâm từ bi, vun bồi phước nghiệp, mau chứng quả Bồ đề. Đó là tâm nguyện mà tôi hy vọng quý chú, quý cô cố gắng thực hành. Mong thay!
NGUYÊN HÙNG dịch
(Hoằng Nhất đại sư giảng tại chùa
Thừa Thiên, Tuyền Châu, Trung Quốc)