TƯ CÁCH LÀM THẦY

Phẩm chất của một thầy tỳ kheo quyết định phẩm chất và sự tồn tại của cả Tăng già. Điều đó chúng ta không thể phủ định ! Phẩm chất ấy là kết quả của quá trình đào luyện công phu tu tập hành trì giới luật và thiền định. Phẩm chất đạo đức ấy xứng đáng được sự kính trọng và cúng dường của thế gian. Do đó, việc đào tạo nên những tỳ kheo tương lai, tức là những chú Sadi bây giờ, trở nên vô cùng quan trọng. Sự giáo dục, tài bồi phẩm cách đạo đức cho đệ tử xuất gia trở thành trách nhiệm trọng đại của những bậc thầy trong tăng chúng. “Làm bậc thầy thâu nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội” (Yết ma yếu chỉ).

Đối với người xuất gia, không phải người nào đi tu cũng đều ý thức và giác ngộ được chân lý mà đi tu, nhất là mấy chú Sadi còn nhỏ tuổi, đi tu nhiều khi thấy vui vui mà đi; mấy người trung niên, đi tu vì chán chường, thất vọng trong cuộc đời… Nhưng dù cho lý do nào đi nữa, sau khi đi tu làm tròn bổn phận của người xuất gia, nghiêm trì giới luật, tu tập tinh tấn, đạt kết quả tốt trong đời sống tu tập thì vẫn được kính trọng như thường. Do đó, một người phát tâm xuất gia, nương theo thầy mà học đạo, là gởi trọn cả cuộc đời của mình cho thầy. Nên hay hư đều đặt tất cả niềm tin của mình vào thầy. Trừ những người có đủ nghị lực, có nhận thức đúng đắn về mục đích xuất gia của mình, còn lại đều phải nhờ vào sự giáo dục, hướng dẫn của bậc thầy. Cho nên, bổn phận và trách nhiệm của người thầy thật vô cùng quan trọng.

Người Tây tạng khi mới vào đạo không phải thọ tam quy mà “tứ quy”. Ngoài Phật, Pháp và Tăng (chỉ cho Tăng bảo Tăng đoàn), người Tây tạng chú trọng đến người thầy “hướng đạo” của mình, tức vị bổn sư, đó là người thầy tâm linh cao cả mà họ tin tưởng gởi trọn cả đời mình cho vị thầy ấy, gọi là “Quy y Kim cang thượng sư”. Chúng tôi nghĩ, không riêng gì người Tây tạng, mà tất cả chúng ta, những người mới bước chân vào đạo đều cần có một người thầy hướng dẫn tâm linh cho mình. Bởi vì, mặc dù giáo pháp đức Phật dạy rất rõ ràng, nhưng không phải ai cũng có thể lãnh hội một cách trọn vẹn và thực hành đúng đắn, nhất là trong vấn đề thực nghiệm tâm linh. Vì thế, vai trò của người thầy hướng đạo vô cùng quan trọng. Nó quyết định đường đi của chúng ta, nên hay hư đều phụ thuộc vào vị thầy ấy, cho nên chúng ta phải cẩn trọng khi nhận một bậc thầy tâm linh cho mình. “Phàm đệ tử đương trạch minh sư”.

Nhưng làm thế nào để tìm được minh sư ? Hãy xem thân giáo của người ấy. Từ cách đi đứng nằm ngồi… của người thầy chúng ta biết được vị thầy ấy có năng lượng tâm linh hay không. Những sinh hoạt hằng ngày, từ cử chỉ đến lời nói, có thể biểu hiện được sức tu tập của một người xuất gia. Nếu như tri hành không hợp nhất, chúng ta thấy liền. Do đó, bài học thân giáo là bài học có giá trị giáo dục cao cả và thâm thuý nhất mà chúng ta không thể tìm ở ngôn ngữ văn tự từ sách vở hay trường lớp mà có được.

Luật tạng ghi chép rất nhiều đức tính và tư cách của một bậc thầy. Tóm lược những điều ấy có năm điểm chính yếu sau đây :

1.       Tuổi đạo phải đủ mười hạ.

2.       Phải biết rõ các trường hợp trì và phạm, khinh và trọng về giới luật.

3.       Kiến thức phải rộng rãi.

4.       Có đủ khả năng giải quyết những tâm tư, khúc mắc của đệ tử.

5.       Có khả năng đoạn trừ tà kiến cho đệ tử.

Năm điều mà luật bộ nêu trên không ngoài Tam vô lậu học : Giới, Định, Tuệ. Ba môn học mà bất cứ người học đạo nào cũng cần phải trau dồi, tu tập cho thành tựu trong quá trình tấn tu đạo nghiệp của mình. Đó là điều kiện để đạt đến mục đích giác ngộ giải thoát. Người có năng lực giác ngộ giải thoát, đang tiến bước trên lộ trình giải thoát mới có khả năng hướng dẫn người khác cùng đến mục đích. Nếu thấy mình còn yếu kém trong ba môn học đó thì hãy khoan thu nhận đệ tử vội, khi mà bản thân của mình chưa đạt được kết quả khả quan trong quá trình tu tập, không nên thu nhận đệ tử một cách cẩu thả, vội vàng và vô trách nhiệm.

Năm điều này thuộc về mặt tinh thần, nghĩa là tiêu chuẩn của một bậc thầy phải có để hướng dẫn về mặt tinh thần (tâm linh) cho đệ tử. Còn một tiêu chuẩn nữa mà người thầy phải hội đủ khi nhận đệ tử, đó là về mặt vật chất, tức là khả năng cung cấp các phương tiện sinh hoạt cho đệ tử trong cuộc sống, trong học tập theo tiêu chuẩn thiểu dục tri túc của người xuất gia.

Những điều vừa nêu trên trong kinh, luật tạng ghi lại rất nhiều. Điều đó chứng tỏ đức Thế Tôn rất quan tâm đến vấn đề thu nhận và nuôi đệ tử của các thầy tỳ kheo. Là một thầy tỳ kheo, mặc dù không nghiên cứu hết luật tạng, nhưng với những điều căn bản về tư cách làm thầy như thế không thể không biết. Ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, tư cách làm thầy phải được Tăng nghiệm xét và chấp thuận, nghĩa là một khi có thầy nào muốn thâu nhận đệ tử phải ra trước chúng tác bạch xin súc chúng (Nhận nuôi đệ tử). Nếu Tăng nghiệm xét thấy thầy ấy có đủ tư cách làm thầy thì yết ma cho nhận nuôi đệ tử. Còn nếu Tăng chưa cho phép thâu nhận đệ tử mà cứ tự ý thâu nhận thì đó là việc làm phi pháp (Yết ma yếu chỉ). Ngày nay chúng ta không tìm đâu ra một Tăng đoàn như thế! Việc thâu nhận đệ tử trở nên tự do và dễ dãi. Dĩ nhiên, vấn đề thâu nhận đệ tử mà phải qua ý kiến của Tăng thì có vẻ phiền toái quá. Nhưng, như đã nói, phẩm chất của một tỳ kheo ảnh hưởng đến phẩm chất và sự tồn tại của Tăng già, do đó, không thể xem thường vấn đề này. Có thể một thầy tỳ kheo chưa hẳn đã đạt được đầy đủ những điều mà luật tạng quy định về tư cách làm thầy (nuôi đệ tử), như vị ấy chưa chứng nghiệm linh, nhưng ít nhất vị ấy cũng phải là bậc mô phạm, có đạo đức, có phương pháp giáo dục để hướng dẫn học trò mình tu học chân chính.

Chúng ta đừng tưởng rằng cạo tóc, mặc áo, cho các em học dăm ba chữ Hán trong cuốn Tỳ ni, gởi vào trường Sơ cấp, Cơ bản… thế là đã tròn bổn phận, đã độ được người xuất gia – Đừng bao giờ bảo rằng :”vì đệ tử tôi đông quá, chỉ lo bấy nhiêu là hết sức rồi” – Câu nói ấy thể hiện một người thầy thiếu trách nhiệm lắm! Không ai bảo thầy phải nhận nhiều đệ tử cả. Vả lại, nhận đệ tử không phải chỉ lo bấy nhiêu là đủ. Cái cần thiết là người thầy phải có đủ khả năng hướng dẫn đệ tử hành trì giới luật (đòi hỏi người thầy phải nghiêm trì giới luật) và học kinh điển, tu tập thiền định (đòi hỏi người thầy phải có kinh nghiệm). Người thầy phải có kinh nghiệm để giải quyết những tâm tư khúc mắc của đệ tử. Phải thường xuyên theo dõi xem các em ăn ở ra sao, học hành thế nào, tu tập có vững chãi không, có còn giữ được sơ tâm xuất gia hay không?… Phải xem xét các em mơ ước điều gì, có hoài bảo gì?… Tóm lại là phải quán sát tiến trình tu tập của đệ tử để kịp thời hướng dẫn, dạy bảo không để các em cảm thấy mình bị bỏ rơi, không có sự quan tâm. Đó là tư cách, là trách nhiệm, là bổn phận của một người thầy khi có đệ tử.

Ngày nay, tình trạng thâu nhận đệ tử một cách “bừa bãi” đã lên đến mức báo động. Phần lớn những bậc thầy nhận đệ tử để sai vặt, để quét chùa, làm chùa, tụng kinh đóng chuông… thay thầy trụ trì. Những sư chú, sư cô mới xuất gia không được giáo dục, hướng dẫn tu tập. Phần lớn bị “bỏ rơi, bơ vơ” không biết phải học gì, làm gì ngoài công việc ở trong chùa; điều đáng buồn hơn hết là không biết phải tu tập như thế nào! Nếu có người muốn vươn lên bằng con đường học, lên thành phố không có chỗ ở, không có tiền học phí… Ở thành phố rất đông tăng ni ở các tỉnh lên học – học Phật học đàng hoàng – không có nơi nương tựa, phải tự tìm lấy chỗ ở, tiền học. Một số phải đau xót chấp nhận ra nhà Phật tử ở hoặc ở nhà trọ. Thật đau lòng biết bao!.

Tôi viết những dòng này với tất cả tâm tư, tình cảm, với tất cả những thao thức, trăn trở của một người xuất gia trẻ cùng chung cảnh ngộ. Nhưng tôi may mắn hơn các bạn, tôi biết vươn lên bằng sức lực của chính mình. Tôi biết, không phải ai cũng có được may mắn đó. Nhiều hoàn cảnh trớ trêu đã đun đẩy bước chân bạn vào những nẻo đường không mấy bình yên, nếu không muốn nói rằng có lắm chông chênh và nguy hiểm. Biết chắc bước vào là khổ đau, những vẫn nhắm mắt bước liều, bạn không có con đường lựa chọn, nhất là những lúc bạn buồn, bạn chán nản, thối tâm, vì xung quanh bạn, trong chùa bạn đã chất chứa quá nhiều khổ đau. Không có sự cảm thông, không có người đồng cảm, không có người chia sẻ kinh nghiệm tâm linh, tu tập, bạn rất dễ bị vướng mắc.

Xa thời Chánh pháp đã lâu, việc học Phật ngày càng xao lãng, con người có lắm giải đãi, đã vậy, từ ngày xuất gia trở về sau, không được thường xuyên tưới tẩm hạt giống tu tập, không có người hướng dẫn tiếp xúc với sự sống nhiệm mầu của Chánh pháp, để có được niềm vui trong cuộc sống tu tập, cho nên, hiện trạng Tăng Ni không “nội cần khắc niệm chi công”, không “nghiên tầm giáo lý” mà bon chen theo học các lớp học ngoài đời là lẽ dĩ nhiên vậy. Đôi lúc các em đi học bên ngoài không vì mục đích gì cả, mà chỉ để khỏa lấp sự trống vắng trong tâm hồn, ở mãi trong chùa buồn quá! Thử hỏi động cơ đi học như thế làm sao có kết quả được! Tôi vẫn tôn trọng những em nhỏ xuất gia tu học có mục đích, có lý tưởng. Các em đi học bên ngoài để trang bị kiến thức cho mình với mục đích phụng sự xã hội. Điều đó quý vô cùng. Nhưng em ạ, người xuất gia có mục đích cao thượng hơn nhiều. Cái mà hôm nay em đeo đuổi đó, nó không theo kịp người đời đâu, họ có tới năm ba học vị. Nhưng họ vẫn cúi đầu trước em, tất nhiên không phải vì em học hơn họ, vì con đường em đi là con đường từ bỏ những thứ mà họ đang có. Tôi không trách các em nhỏ xuất gia nay trở nên hư đốn, buông lung. Tôi thông cảm vì tôi hiểu hoàn cảnh của các em, thiếu sự quan tâm và dìu dắt tu tập. Tôi chỉ trách những bậc thầy không biết tư cách, nhiệm vụ của mình đã không quan tâm đến các em.

Trong kinh đức Phật dạy, thà làm một tên đồ tể giết hại súc vật còn hơn làm một ông thầy mà không biết nuôi dạy đệ tử. Vì sao? Vì làm tên đồ tể chỉ mang tội sát sanh, một mình mình làm, một mình mình chịu. Còn làm ông thầy mà không biết nuôi dạy đệ tử sẽ đưa người ta vào tà kiến, nhận chìm trong ác đạo, đời đời bị đọa lạc và ảnh hưởng đến Phật pháp, làm cho Phật pháp vì thế mà suy vong. Tội ấy không hơn tên đồ tể sao?

Chắc hẳn sẽ có người không đồng quan điểm với tôi khi quy trách nhiệm hết cho bậc thầy mà không xét đến đệ tử. Thực tế có những bậc thầy nuôi dạy đệ tử rất nghiêm minh, chu đáo nhưng học trò vẫn cứ hư như thường, nhất là số học trò cho đi học (ở thành phố). Từ đó, thầy cấm tuyệt không cho những chú sau đi học nữa, vì sợ chúng như sư anh nó, sợ luôn môi trường thành phố. Đó không phải là phương pháp giáo dục tốt. Đâu phải ai lên thành phố học cũng hư ? Đâu phải ai đi học cũng hư ? Hư nên tùy người. Trách nhiệm của người thầy là giáo dục, nuôi dạy học trò làm sao để khi nó đi đâu, ở môi trường nào, ta cũng không sợ nó hư. Đó là nuôi dạy thế nào để học trò mình nó thấy được giá trị, hạnh phúc của sự tu tập, ở trong chùa nó có được pháp lạc, niềm vui. Có niềm vui chân chính và giá trị nó mới sống được, ham tu được. Phải dạy nó như thế bằng tất cả sự thương yêu và niềm cảm thông sâu sắc. Đừng rầy la – tất nhiên là không nên đánh đập rồi – đừng đem lỗi lầm của đứa này để cảnh giác đứa kia, làm như thế đứa có lỗi bị tổn thương, đứa không lỗi cảm thấy khó chịu vì nghi thầy xem mình như người có lỗi. Bằng tất cả tình thương và sự cảm thông ta nuôi dạy hết trách nhiệm và bổn phận của mình, nên hay hư lúc đó là ở người đệ tử.

Tôi biết có những bậc thầy đã nuôi dạy học trò rất hết lòng, thương yêu như cha mẹ, nhưng nó vẫn cứ hư đốn. Đây là một nỗi buồn lớn đối với bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy. Nhưng biết nói sao giờ? Ngoài tình thương ra, chẳng lẽ chúng ta ruồng bỏ, hất hủi và, thậm chí, từ nó? Không thể! Bậc làm thầy tổ, chúng ta biết rằng, khi một đứa học trò nó trở nên hư đốn như thế, ắt nó phải có nguyên do. Mặc dù ở trong chùa chúng ta nuôi dạy đàng hoàng nhưng ra ngoài, biết đâu nó chẳng giao du với những phần tử hư xấu. Cho nên, phải theo dõi cách sinh hoạt, tiếp xúc và tâm lý của học trò là vậy. Nói cho cùng, dù nguyên nhân nào, khi học trò mình trở nên chểnh mãng trong vấn đề tu học, thậm chí, có những biểu hiện thiếu tư cách của người xuất gia, chúng ta cũng phải mở lòng ra để đón nhận nó bằng tất cả tình thương của mình. Chỉ có tình thương mới chuyển hoá được những sai lầm của học trò mình. Vả lại, khi nó hư đốn mà chúng ta ruồng bỏ nó, nó biết đi đâu? Mình không thương nó, ai thương nó bầy giờ? Không chừng đây là nguyên nhân đưa đẩy nó vào con đường tội lỗi !

Thiết nghĩ, trước thực trạng tu tập của thế hệ xuất gia trẻ hiện nay, nền tảng của tăng già mai sau, chúng ta còn nhiều vấn đề để thảo luận, chứ không chỉ đòi hỏi ở “Tư cách làm thầy”. Nhưng dù sao, người thầy cũng là vai trò then chốt. Dù vậy, “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục” - Ôi cao quý thay, người xuất gia, dám đặt bước chân lên phương trời cao rộng, thân tâm đều thoát tục - tôi mượn câu nói của tổ Quy Sơn để tạm kết thúc bài này, đó là lời tán thán, ca ngợi hành động phi phàm của người xuất gia, với ý niệm mong sao tất cả các bạn đồng tu, cùng quý chú Sadi, đều làm sống lại mãnh liệt ý chí xuất trần của chính mình hơn là kỳ vọng vào bất cứ một phương pháp giáo dục nào khác.

Thích Nguyên Hùng

Nghiên cứu: