A .- Lời nói đầu : Ðạo Phật là đạo của mọi người, thì Ðạo Phật cũng phải là đạo của Thiếu Nhi, của tuổi trẻ. Gia Ðình Phật Tử ra đời, các đoàn Thiếu Nhi Phật Tử hoạt động, mục đích áp dụng đạo Phật trong sự giáo dục Thiếu Nhi, đào tạo các Thiếu Nhi thành những Phật tử chân chánh, sống đúng tinh thần đạo Phật, sống ích lợi cho các em, cho gia đình, cho mọi người. Sự giáo dục ở nơi đây hoàn toàn chú trọng hướng dẫn các em sống đúng chơn tinh thần đạo Phật, nghĩa là đào tạo các em sống theo các hạnh tinh tấn, hỷ xã, thanh tịnh và từ bi.
B.- Vì sao cần phải dạy đạo phật : Chúng tôi chú trọng dạy các em hiểu biết về Phật Pháp vì những lý do sau này :
1.- Ðạo Phật là Ðạo của giác ngộ, tôn trọng lý trí, thì một Phật tử nào dầu là Thiếu Nhi, cũng phải có một sức học Phật Pháp chắc chắn.
2.- Ðạo Phật dạy rằng, nguyên nhân đau khổ là vô minh, nghĩa là mê mờ không sáng suốt. Một em Phật tử muốn sống đúng tinh thần đạo Phật, cần phải hiểu giáo lý Phật dạy, hiểu những phương tiện hành trì. Muốn hiểu thời phải học, phải tự mình chứng nghiệm.
3.- Ðạo Phật là Ðạo của lý trí mà vì tín đồ thất học bị hiểu lầm là mê tín dị đoan. Muốn tránh các nạn thất học mù đạo rất đáng phàn nàn ấy, các em cần phải học ngay đạo Phật từ lúc nhỏ.
C.- Các phương pháp dạy đạo phật : Nhưng Phật Pháp là liều thuốc bổ trị tâm bịnh chúng sinh, nếu không hiểu phương tiện giảng dạy, có thể trở lại đầu độc các em. Những ai tự nhận lấy trách nhiệm cao quý đem đạo Phật đến với các em phải rất nhiều thận trọng.
I.- Các Phương Cách giảng Dạy :
Dạy Phật Pháp cho các em thường dùng những phương cách sau đây :
1.- Giảng dạy : Dạy từng bài một như bài cách trí, địa dư có bài mẫu nhỏ cho các em học và chép. Cách dạy nầy cần định nghĩa rõ ràng, cần bài mẫu dễ hiểu, rất có lợi cho các em sức học lớp 6 trở lên hay trên 12 tuổi, nhưng có phần khô khan và hơi thiên về hiểu biết suông.
2.- Nói chuyện và hỏi chuyện : Người dạy thành một người kể chuyện theo một dàn bài đã định trước. Vừa kể chuyện lại vừa hỏi cho các em trả lời và chú ý; các buổi học trở nên hoạt động vui vẻ thân mật; nếu khéo lựa câu hỏi, thời có thể phát triển sự nhận xét chú ý của các em. Cách dạy nầy có khó hơn, vì phải biết điều khiển, rất lợi cho các em nhỏ và các em thích quan sát tìm hiểu, nhưng có cái hại là dễ quên, vì không được ghi chép.
3.- Gợi sự nhận xét phát triển lý trí : Không cần bài học, không cần mẫu chuyện, người dạy tùy theo từng trường hợp hoàn cảnh, thuận tiện, mà tìm cách phát triển lý trí và sự nhận xét của các em; như đưa các em lên chùa chiêm ngưỡng tượng Phật, gợi cho các em tìm hiểu đôi mắt của Ðức Phật là hình ảnh của Từ bi vô lượng; toàn thân chói sáng hào quang là hình ảnh của trí tuệ vô lượng v.v. . . Hay ở tại chùa chỉ cho các em thấy tượng Phật trang nghiêm, nghe chuông ngân từ hòa, giọng tụng kinh đầy nhạc đạo; rồi để các em so sánh với cảnh đời náo nhiệt ồn ào các em thường ngày sống. Hoặc chỉ cho các em nhận xét đời sống đạm bạc uy nghi đức độ của vị Tăng già ở chùa để các em tìm hiểu so sánh và bắt chước. Cách dạy nầy cần nhiều nghệ thuật, giúp các em thâm nhập, lợi cho các em về phần nhận xét và lý giải.
4.- Giúp các em thể nghiệm thâm nhập : Khác với sự lý giải cần nhiều lý trí và suy đoán, các dạy nầy hoàn toàn dùng phương pháp trực nhận để các em thâm nhập chứng nghiệm những nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm của đạo Phật. Trong đời sống tập đoàn của đạo Phật, như sáu hòa, bốn nhiếp pháp; trong đời sống cá nhân của mỗi em; người dạy giới thiệu những phương tiện hành trì như quy y, ăn chay, niệm Phật, nghĩa là người dạy tìm tất cả phương tiện để đào tạo một hoàn cảnh, một đời sống, một bầu không khí thấm đượm chơn tinh thần đạo Phật để các em hít thở chung sống một cách tự nhiên. Ở đây nhiều khi không cần lời nói văn hoa mà chỉ là một nghệ thuật hướng dẫn khiến đạo Phật dần dần thâm nhập một cách sâu xa kín đáo trong tâm hồn các em. Phương pháp nầy rất khó áp dụng, cần phải tự mình thâm nhập đạo nhiều, lại cần phải gần các em, cần phải có một khung cảnh thuận tiện, cần phải nhiều thời gian, nhiều kinh nghiệm mới thành tựu.
Trong bốn phương cách kể trên, và vì vấn đề giáo dục Thiếu Nhi còn đương ấu trỉ về kinh nghiệm, người lãnh trách nhiệm dạy đạo Phật cho các em cần phải khéo léo, ứng dụng cả 4 cách, tùy theo trường hợp hoàn cảnh không nên thiên hẳn một phương pháp nào.
II.- Cách Dạy Ðạo Phật
Cần phải hợp pháp và hợp cơ.
1.- Hợp pháp là đúng với chơn lý, chánh pháp; những bài dạy không được sai Phật Pháp. Người dạy cần phải nghiên cứu nhiều, học hỏi nhiều. Chúng ta nên hiểu các em thông minh, nhận xét giỏi, hay hỏi nhiều câu thắc mắc, người dạy đạo Phật phải biết trả lời thông suốt để khỏi mất uy tín và làm thỏa sự đòi hỏi nghiên cứu, vì đạo Phật mênh mông như bể cả, căn cơ các em khó dò như bể sâu. Có học nhiều, nghiên cứu nhiều mới tạm xứng đáng dạy các em về Phật Pháp.
2.- Hợp cơ nghĩa là hợp tánh tình, căn cơ các em. Tánh tình các em Thiếu niên, Thiếu nữ trái hẳn nhau, cách dạy đạo Phật không thể nhất luật được. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng trong 5 hạnh : Tinh tấn, Hỷ xả, Thanh tịnh, Trí tuệ, Từ bi các em Thiếu niên phần đông thích hạnh Tinh tấn, còn các em Thiếu nữ chỉ thích hạnh Từ bi. Nhưng các Thiếu niên, Thiếu nữ thích hạnh Hỷ xả ngang nhau. Sự nhận xét trên cho chúng ta thấy rõ các em Thiếu niên thích hoạt động, thích phấn đãu lấn lướt hơn người; các em Thiếu nữ thích về tịnh, nhiều tình cảm và lòng thương, nhưng cả Thiếu niên, Thiếu nữ đều thích vui vẻ Hỷ xả. Tuổi các em là tuổi của nụ cười, tuổi của muôn hoa. Lại riêng trong hàng Thiếu niên hay Thiếu nữ, tâm trạng của các em rất phức tạp, tánh tình lại có thể thay đổi tùy theo tuổi, tùy theo sức học, tùy theo hoàn cảnh, người dạy Phập pháp phải tùy theo căn tánh mà dạy, chỉ bày hợp với căn cơ với từng tánh tình. Ðừng ham dạy nhiều, cần dạy ít nhưng phải hợp với tâm lý của các em.
3.- Nên mời các vị xuất gia giảng dạy. Trong những địa phương có các vị xuất gia hiểu Ðạo, hiểu Thiếu Nhi, thời nên mời các vị ấy dạy cho các em. Chính đời sống và hình ảnh tu hành của vị xuất gia giúp rất nhiều trong sự giáo dục của các em, nhất là giúp các em ưng học Phật Pháp và chịu thực hành theo Phật Pháp. Nhiều khi cũng một bài Phật Pháp mà người có tu học dạy thế nào cũng có nhiều ảnh hưởng cho các em hơn là một người không tu học. Lại đạo Phật không phải là đạo dễ dàng, cần phải học nhiều mới thấu hiểu, cho nên dạy đạo Phật cần phải rất nhiều thận trọng.
4.- Tạo một khung cảnh đặc biệt trong giờ học Phật Pháp.
a) Thì giờ.- Các em Thiếu Nhi bậc Trung Thiện trở xuống thì chỉ dạy nửa giờ, các em bậc Chánh Thiện có thể dạy 45 phút hay một giờ, nên học Phật Pháp về buổi sáng hay sau khi tụng kinh.
b) An tịnh.- Ðừng cho các em chơi những trò chơi mạnh trước giờ Phật Pháp và lựa những chỗ thanh tịnh mà dạy.
c) Khung cảnh.- Nên sắp các em ngồi vòng tròn để người dạy có thể nhìn khắp các em. Ðừng sắp như lớp học vì khêu gợi các em hình ảnh một nhà trường thứ hai. Rất có thể tổ chức những lớp học ngoài trời, dưới những cây cổ thụ có bóng mát.
d) Nên dạy Thiếu niên, Thiếu nữ riêng.- Nếu có đủ người dạy, nên dạy Thiếu niên, Thiếu nữ riêng. Tuy cũng một bài Phật Pháp, nhưng dạy bên nam bên nữ khác nhau. Ví dụ như trong một câu chuyện kể cho các em, nếu là Thiếu nữ thì phải lựa những chuyện thiền về Từ bi, thiên về tình cảm; nếu là Thiếu niên thời phải lựa những chuyện hùng lực, những cử chỉ siêu phàm. Lại các em Thiếu nữ thiên về lòng tin và sự tịnh nhiều, các em Thiếu niên thời thiên về lý trí và ưng hoạt động nhiều, nên dạy Phật Pháp phải khác nhau.
Cho nên muốn buổi học Phật Pháp thiết thật có lợi ích thời cần dạy riêng Thiếu niên, Thiếu nữ; nếu được một vị xuất gia Tỳ kheo dạy cho Thiếu niên, một Ni cô cho Thiếu nữ mới thiệt có ích.
Trong khi dạy phải tránh lỗi lầm sau đây :
III.- Những lỗi lầm phải tránh :
1.- Ðừng bắt các em tin một cách mù quáng.- Ðạo Phật rất tôn trọng lý trí. Bắt các em nhắm mắt tin suông, tìn mù quáng, tức là trái với chơn tình thần đạo Phật. Vẫn biết tuổi các em còn nhỏ chỉ biết tin mà thôi, nhưng lòng tin ấy phải được sự lý giải khai sáng.
2.- Ðừng nhồi sọ các em.- Nhồi sọ là chồng chất bài nầy trên bài khác, không để các em có thời giờ suy nghiệm, thâm nhập; các bài Phật Pháp vô tình đã trở thành những món ăn tinh thần khó tiêu và vô tình chúng ta đã đè nén bộ óc non nớt của các em. Ðạo Phật chỉ khác tôn giáo, các chủ nghĩa khác; là ở nơi sự kính trọng quyền nhận xét cá nhân, tự do tư tưởng phát triển lý trí.
3.- Ðừng chuyên danh ngôn, phải chú trọng thật hành.- Có thực hành các em thật mới hiểu Phật Pháp, các em có ăn chay mới hiểu ích lợi của ăn chay, có niệm Phật mới hiểu sự ích lợi của niệm Phật. Muốn đào tạo các em thành những Phật tử chân chánh phải bày cho các em thực hành ngay đời sống trong hằng ngày của các em các hạnh Tinh tấn, Hỷ xả, Thanh tịnh, Trí tuệ và Từ bi. Sự thực hành đi đôi với sự lý giải mới giúp các em sống đúng chơn tinh thần đạo Phật.
4.- Ðừng nói suông, phải tự mình làm gương cho các em.- Dạy các em ăn chay, người dạy phải ăn chay, dạy các em niệm Phật người dạy phải niệm Phật, dạy các em Tinh tấn, Hỷ xả v.v. . . người dạy phải Tinh tấn, Hỷ xả . . . Chính đời sống của người dạy Phật Pháp rất có ảnh hưởng đến đời sống của các em, vì các em thường noi gương người lớn. Những sở hành của người dạy có phù hợp với những lời dạy mới mong các em bắt chước thực hành theo. Và chỉ có vậy, sự giảng giải Phật Pháp mới đem đến cho các em những kết quả thiết thật lợi ích.
5.- Ðừng phản với những tánh tình trong đẹp của các em.- Dạy cho các em quá nhiều nổi đau khổ của cuộc đời, trình bày một cách quá sống sượng có thể làm cho các em mất tin tưởng, phát sinh hoài nghi và chán nản; như vậy là đầu độc tinh thần của các em và phản ngược với tánh tình vui vẻ của tuổi trẻ. Dạy cho các em chớ nên tà dục, chớ nên uống rượu, nói cho các em rõ những tâm niệm độc ác của con người tức đã vô tình làm hoen ố tâm hồn trong sạch, hồn nhiên của các em và phạm một điều tối kỵ trong nghệ thuật giáo dục; vì rằng các em chưa đến tuổi nghĩ đến những sự tà dục, những sự uống rượu v.v. . . mà nay nhắc các em đừng nên tà dục, đừng nên uống rượu v.v. . . tức vô tình gợi cho các em nghĩ đến những điều ấy và vô tình làm những tà niệm xen lẫn trong tâm hồn trong trắng của tuổi trẻ.
D.- Kết Luận : Ðức Phật có dạy : ?? Trong các sự bố thí, bố thí pháp công đức hơn tất cả ??, chúng ta đem Phật Pháp dạy cho các em tức là chúng ta đem tung vải những hột giống Phật Pháp cho thửa ruộng xanh tươi đầy nhựa sống của tuổi Thiếu Nhi trong sạch, đầy tin tưởng. Một cử chỉ bao hàm biết bao ý nghĩ tốt đẹp cao quý, chúng ta chỉ cần một chút thận trọng; một chút cố gắng; một chút thành tâm; và sung sướng cho chúng ta biết bao nhiêu khi chúng ta nhận thấy đôi mắt của các em đã in nét Từ bi vô lượng của chư Phật, gương mặt trong đẹp của tuổi trẻ ấy đã phản chiếu ánh hào quang trí tuệ của các bậc Ðại Giác trong mười phương.
Trích Phật Pháp, Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tái bản lần thứ 2