Hòa quyện với phong cảnh của sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền..., chùa Thiên Mụ, ngôi chùa nổi tiếng nhất đất cố đô đã đi vào tâm thức của bao người dân, tô đẹp, gắn bó và là một bộ phận không thể tách rời của người dân xứ Huế.
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây, chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương. Truyền thuyết kể rằng, khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn. Trong một lần dọc bờ sông Hương ngược lên thượng nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình con rồng đang quay đầu nhìn lại. Hỏi ra mới biết, ngọn đồi này có tên là Hà Khê.
Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh. Vì thế, nơi đây còn được gọi là Thiên Mụ sơn (núi bà Trời)…
Chùa Thiên Mụ từng được dùng làm đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn (khoảng năm 1788), được trùng tu, tái thiết nhiều lần dưới triều nhà Nguyễn.
Chùa Thiên Mụ bên bờ sông Hương. |
Năm 1904, một trận bão dữ dội khiến chùa bị hư hại nặng, trong đó đình Hương Nguyện bị sụp đổ. Ba năm sau (1907), chùa được trùng tu. Cuối cùng, chùa Thiên Mụ được tu sửa lớn một lần nữa vào cuối năm 1957. Lần này, phần lớn các bộ phận kiến trúc trong điện Đại Hùng đều được thay thế bằng bê tông giả gỗ.
Toàn bộ công trình kiến trúc của chùa đều nằm trên một ngọn đồi hình chữ nhật chạy theo hướng Bắc Nam. Chùa được bao bọc bởi khuôn tường thành xây bằng đá mang hình dạng một con rùa đang uống nước.
Bước lên chừng hơn chục bậc xây bằng gạch là qua cổng chùa, với tháp Phước Duyên hình bát giác cao 7 tầng (21 m). Số 7 là con số linh của đạo Phật. Trong tháp có hệ thống bậc thang xây cuốn từ dưới lên trên, chỉ trừ giữa tầng thứ 6 và tầng thứ 7 là phải dùng thang di động bằng gỗ và cửa với chìa khoá đặc biệt, vì ở tầng trên cùng xưa kia có thờ tượng Phật bằng vàng.
Một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng là chiếc chuông cao 2,5 m, đường kính 1,4m, nặng 2.025 kg. Mặt trên quả chuông có 8 chữ Thọ khắc theo lối chữ triện, ở giữa thân chuông chia làm 4 khoảng, khắc bài viết của chúa Nguyễn Phúc Chu và chạm nổi những hình ảnh long, vân, nhật, tinh, ở phần dưới khắc hình bát quái và thủy ba.
Bia thời chúa Nguyễn Phúc Chu là tấm bia đá thanh khá lớn, cao 2,6 m, rộng 1,25 m, dựng trên lưng một con rùa bằng đá cẩm thạch dài 2,2 m, rộng 1,6 m, đều được khắc chạm uyển chuyển, tinh vi.
Điện Đại Hùng là ngôi điện chính trong chùa, cũng là một công trình kiến trúc đồ sộ nguy nga. Trong lần trùng tu năm 1957, ngoại trừ hệ thống rui và đòn tay, còn tất cả cột, kèo, băng, bệ... đều được đổ bê-tông và phủ bên ngoài một lớp sơn giả gỗ. Trong điện, ngoài những tượng Phật bằng đồng sáng chói, còn treo một cái khánh đồng khá lớn chạm hình nhật nguyệt, tinh tú và khắc những dòng chữ cho biết khánh này do một vị quan người Quảng Trị là Trần Đình ân thuê đúc năm 1677 để cúng cho chùa. Ngoài ra, còn có một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề năm 1714.
Đình Hương Nguyên cũ là một trong những công trình kiến trúc bằng gỗ rất đặc biệt của thời vua Thiệu Trị (1841-1847), hiện chỉ bảo lưu được bộ sườn. Đình Hương Nguyên được xây trước mặt tháp Phước Duyên. Trong trận bão năm Thìn (1904), đình bị đổ. Để cho không gian tại đây được thoáng, sau đó người ta đã đem ngôi đình cũ vào dựng lại tại nền điện Di Lặc xưa để thờ Đức Địa Tạng. Đây là nguyên mẫu một ngôi nhà tứ giác độc đáo của 150 năm trước. Đứng trong nhà nhìn lên, chúng ta thấy hình bát quái được cấu trúc khéo léo ở nóc.
Trong khuôn viên chùa là một vườn hoa được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô - di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời…
Chứng kiến bao biến cố thăng trầm lịch sử của vùng đất cố đô xưa, chùa Thiên Mụ vẫn đứng đó, âm trầm soi bóng bên dòng Hương giang thơ mộng, tạo nên vẻ đẹp tinh tú mà thuần khiết cho mảnh đất nơi đây.
T.M (theo Đất Việt)