Ngày xưa Bối Khê là một xã của tổng Bối Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Nay Bối Khê là một thôn của xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Chùa Bối Khê còn có tên là Đại Bi tự được nhiều người biết đến như một công trình Phật giáo linh thiêng.
Theo tấm bia khắc năm Hồng Thuận thứ 7 đặt tại đây, chùa được dựng vào năm Khai Hựu thứ 10 (1338) thời vua Trần Hiếu Tông. Vào chùa qua hệ thống cổng ngũ môn và cầu là tới tam quan gồm ba gian bằng gỗ theo kiểu hai tầng tám mái. Phía trên tam quan là gác chuông. Tam quan được dựng vào năm 1603 thời Lê trung hưng. Hạng mục kiến trúc này vừa được sửa chữa vào năm 2006. Kiến trúc chính của chùa Bối Khê được bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”. Việc thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và tiền bái. Tiếp đó đến tòa thiệu hương và thượng điện là nơi thờ thánh. Nhìn tổng thể, ngôi chùa có hình “nội công ngoại quốc” bởi hai bên có hai dãy hành lang. Chùa Bối Khê Đáng chú ý ở tòa tiền đường là hệ thống cột bằng đá xanh. Trên các cột đá có chạm nhiều đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa. Bên trái tiền đường có một am nhỏ thờ bà công chúa thời Mạc đã có công tu sửa chùa. Hai dãy hành lang ở hai bên được xây dựng song song, mỗi bên có bảy gian. Nơi đây thờ 18 vị La Hán. Tòa tiền bái có chín gian. Hệ thống tượng Phật ở chùa Bối Khê khá phong phú và được bài trí, thờ phụng theo phái đại thừa. Ở đây có tượng Quan âm nghìn tay nghìn mắt đặt ở vị trí trang trọng nhất trên bệ đá khối hộp đồ sộ thời Trần, được tạo tác vào thế kỷ XVI. Ngoài các bức tượng, đáng lưu ý là bệ đá hoa sen thời Trần được làm năm Xương Phù thứ 6 91382). Văn tự khắc chìm ở bệ đá cho biết vào thời này đã có một số người cúng tiền và ruộng cho nhà chùa.
Thượng điện của chùa là tòa nhà một gian hai chái cao 5,5 mét với bốn đầu đao trông như một bông sen hé nở. Cấu trúc tòa thượng điện bằng gỗ mít, được dựng vào khoảng thế kỷ XIV. Hiên của thượng điện có những bảy lớn đỡ mái qua những tấm ván nong, bảy hiên trang trí rồng há miệng đỡ các đấu vuông, đỡ hoành. Rồng được khắc mào lửa. Đó là những họa tiết hoa văn thời Trần. Hình tượng chim thần Garuđa dược chạm ở bảy góc trái càng khẳng định thượng điện này được xây dựng từ thời Trần là chính xác. Cạnh tòa nhà này có cây hoa sen (sen cạn) cao lớn, về mùa hè nở những bông hoa trắng thơm ngát. Người đến nơi đây dễ liên tưởng tới câu ca dao: “… Lê chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn, đi cấu sáng trăng…”.
Trong thượng điện chùa Bối Khê thờ tượng đức thánh Nguyễn Bình An, người đời thường gọi là đức Thánh Bối và thêu dệt nhiều chuyện kỳ lạ về ngài. Theo truyền thuyết, ngày sinh năm Tân Tỵ (1281), quê ở làng Bối Khê, nhưng tu luyện ở chùa Trăm Gian (xã Tiên Lữ, huyện Chương Mỹ). Sự tu hành của ngài triều đình biết, vua Trần phong cho ngài là Chân nhân, tức người theo Đạo giáo, tu hánh đã đắc đạo. Khi ngài về quê có mây đen hiện ra như bầu trời sắp mua. Lúc dựng lại chùa Tiên Lữ, ngài chỉ thổi một niêu cơm mà đã đủ ăn cho cả trăm thợ. Khi quân Minh xâm phạm nhà chùa ngài đã làm ra mua máu buộc chúng phải rút chạy. Ngày 13 tháng chạp ngài vào am để hóa. Ngày 4 tháng giêng, dân mở khám thờ thấy thơm, bèn tạc tượng thờ. Chùa Trăm Gian là nơi thờ chính thức Nguyễn Bình An, còn ở Bối Khê thờ vọng. Tương truyền nơi thờ ngài rất thiêng, dân đến lễ, cầu gì được nấy. Hội chùa hàng năm tổ chức vào ngày 13 tháng giêng có nhiều trò vuo như chọi gà, đánh đu, hát chèo…
Chùa Bối Khê còn nhiều hiện vật quý giá như có tới 10 tấm bia, trong đó bia cổ nhất là “Bối động thánh tích bi ký” có từ năm Thái Hòa thứ 11 91453) nhưng cũng là tấm bia mới nhất vì được khắc lại năm Thành Thái thứ 7 (1895) kể lại sự tích đức Thánh Bối với nhiều tình tiết ly kỳ. Tiếp theo là bia “Đại bi tự” dựng năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) ngoài việc nói thêm về đức Thánh Bối còn cho biết việc tu sửa chùa ở đầu thế kỷ XVI. Hiện vật đá đặc biệt quý hiếm là chiếc bệ hoa sen khối hộp, các góc chạm chim thần, trên chạm đài sen, dưới chạm sập thờ, mặt trước có chạm rồng và nhiều loài thú, do vị đạo sỹ ở Quốc Oai cúng tiến. Năm 1979, Bộ VHTT đã công nhận chùa Bối Khê là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt.
Triệu Chinh Hiểu (KTĐT)