I.LỜI MỞ ĐẦU
Bài này nêu một số nhận định về việc giáo dục và đào tạo Tăng Ni, được trình bày bởi một cư sĩ Phật tử chứ không phải một Tôn đức giáo phẩm. Do đó, các ý kiến trong nội dung có thể thiếu phần trang trọng và sâu sắc. Tuy vậy, với tấm lòng thành luôn luôn muốn đóng góp vào công cuộc phát triển đạo Phật, người trình bày có may mắn ở trong ngành sư phạm đã hơn 30 năm, trong đó có gần 10 năm tham gia vào việc soạn chương trình, vào ban giám hiệu và ban giảng huấn của Trường Cao Cấp Phật học Việt Nam; lại nữa, do cơ duyên gắn bó với nhà chùa từ nhỏ theo truyền thống gia đình, có nhiều người thân thuộc xuất gia, người trình bày bài này nghĩ rằng có thể đóng góp một số ý kiến về việc giáo dục và đào tạo Tăng Ni, và may ra được sự đóng góp, chỉ giáo của chư Tôn túc cũng như hàng Học giả.
Người trình bày sẽ đề cập đến truyền thống giáo dục và đào tạo Tăng Ni từ thời Đức Phật và về sau, qua đó có minh họa tương đối kỹ hơn về việc giáo dục và đào tạo Tăng Ni tại Việt Nam.
II.MỘT SỐ NÉT KHÁI QUÁT VỀ VIỆC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TĂNG NI
Kinh Itivuttaka có ghi lời Phật dạy rằng có ba hạng người xuất hiện ở đời đem lại hạnh phúc cho số đông, vì an lạc của Trời và Người, đó là Đức Như Lai, chư vị A-La-Hán và chư Tỳ-kheo hữu học. Ở đây, chúng ta chú ý rằng Đức Phật trỏ đến vị trí quan trọng của Tỳ-kheo hữu học, tức là những vị còn cần phải tu học, cần phải được huấn luyện và đào tạo. Lại nữa, cụm từ quan trọng là “đem lại hạnh phúc cho số đông”, tức là chức năng xã hội của người tu sĩ Phật Giáo. Qua đó chúng ta thấy Đức Phật đã khẳng định rằng chư Tăng Ni cần phải được học tập, rèn luyện để tự thăng tiến và giúp người khác thăng tiến đến mục đích giải thoát tối hậu.
Trong thời Đức Phật, ngoài một số vị A-la-hán xin Đức Phật vào rừng sâu, sống biệt lập để tu tập, chư vị đắc Thánh quả cũng như chưa đắc Thánh quả hầu hết đều trực tiếp hoặc gián tiếp (qua các Trưởng lão) thọ nhận sự giáo dục của Đức Phật. Khi giáo đoàn chỉ mới gồm 60 vị Tỳ-kheo đắc Thánh quả, Đức Phật đã nhấn mạnh đến chức năng xã hội và chức năng giáo dục, đào tạo của chư vị mà dạy rằng chư vị hãy đi khắp nơi, vì hạnh phúc của số đông… Nhưng ý nghĩa giáo dục và đào tạo nổi bật từ khi giáo đoàn Tỳ-kheo gồm 1250 vị trú tại Tịnh xá Veluvana do vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la) dâng cúng và sau khi lễ an cư kiết hạ được thiết lập. Cũng từ đó, khi nhiều trú xứ của chư Tỳ-kheo được thiết lập ở các vùng xa, vùng nông thôn (àvasa) hoặc thành thị (àrama), hoặc về sau các trú xứ được gọi bằng một số tên khác thường là do kiểu dáng kiến trúc như Lena, Vihàra, Addhaya, Pàsàda, Hammiya vv… thì bấy giờ người ta có thể xem là những cơ sở giáo dục nội trú theo nghĩa ngày nay.
Cơ sở lớn và nổi tiếng nhất được xem như một đại học viện của Phật giáo là Nalanda ở Bắc Ấn Độ, vào thế kỷ thức 2 do ngài Long Thọ (Nagarjuna) làm viện trưởng. Về sau, Phật giáo bị suy vi tại Ấn Độ, thì lại phát triển sang Tây Tạng, Miến Điện, Tích Lan, Trung Hoa, Việt Nam… và các cơ sở và hệ thống giáo dục Tăng Ni vẫn theo hình thức cũ, nhưng ở mức độ lớn nhỏ tùy theo từng địa phương, từng thời đại.
Tại Việt Nam, Luy Lâu được xem là một Trung tâm nghiên cứu và truyền bá đạo Phật đầu tiên lại khá đồ sộ nhưng đứng về mặt giáo dục và đào tạo Tăng Ni thì các ngôi chùa lại đóng vai trò cơ bản và quan trọng. Các ngôi chùa lần lượt được xây dựng, khởi từ vị khai sơn, vị trụ trì và một số ít Tăng chúng, sự giáo dục, truyền thọ hình thành trong từng chùa, biệt lập, đơn lẽ. Tuy thế, nhà chùa lại có thể được xem là những trường học đầu tiên của đất nước. Kể từ trước và suốt thời kỳ Bắc thuộc, nhân dân lầm than cơ cực, bị áp bức đủ mọi mặt, chỉ riêng giới tu sĩ Phật giáo tương đối đỡ bị khổ ải vì sưu dịch do bấy giờ Phật giáo mới du nhập và phát triển ở Trung Quốc và giới tu sĩ ở đấy được kính trọng, có ảnh hưởng đến giới cai trị Bắc phương tại Giao Chỉ. Các vị sư Giao Chỉ được xem là những bậc trí thức vì ngoài kinh điển, chư vị còn học đủ môn ngoại điển của người Trung Hoa, từ đó một số chùa còn thu nhận con em của dân trong xóm làng đến học.
Đến khi đạo Phật hưng thịnh ở Việt Nam, các chùa chiền, các Thiền phái và các Tông phái phát triển, việc giáo dục, đào tạo Tăng Ni cũng được phát triển nhưng vẫn mang tính cục bộ, chưa có hệ thống rõ rệt. Công cuộc giáo dục và đào tạo Tăng Ni có khởi sắc vào thời kỳ chấn hưng. Năm 1920 đến 1934, tại Nam Kỳ, Hòa Thượng Từ Phong ở đạo tràng Giác Hải Chợ Lớn dạy các Tăng sĩ. Ngài Khánh Hòa mở lớp Phật học tại Bến Tre. Ngài Chí Thành cũng mở trường Phật học tại Bến Tre, đặc biệt có một trường Ni tại Bạc Liêu. Ngài Huệ Quang, ngài Khánh Anh cũng mở trường tại Trà Vinh, Long An, Phật học đường Lưỡng Xuyên mở lớp Tăng, lớp Ni riêng biệt. Tại Bắc Kỳ bấy giờ có 2 lớp tiểu học cho Tăng và cho Ni ở Phúc Yên, Hải Hưng. Chùa Quán Sứ mở trường Trung Học Phật Học, chùa Sở ở Hà Đông mở trường Đại học. Giáo dục Phật giáo tại Bắc Kỳ bấy giờ đã có cấp Tiểu học, Trung học và Đại học ngoài các khóa học trong các kỳ An cư. Tại Trung Kỳ, ta thấy có trường Trung đẳng Phật học tại Bình Định (1937), trường Tiểu học Phật học tại Phan Rang, Phật học đường gồm 2 cấp Tiểu và Trung học tại Đà Nẵng, tại Huế, chùa Trúc Lâm mở trường An Nam Phật học sau đó là chùa Báo Quốc với chương trình học có hệ thống hơn gồm 6 năm Tiểu học, 3 năm Trung học. Cấp Đại học cũng được mở và thu nhận được 10 Tăng sĩ. Ngoài ra, các chùa Vạn Phước, Tường Vân, Từ Đàm đều có mở trường Phật học.
Từ thời chấn hưng Phật Giáo, sự giáo dục vào đào tạo Tăng Ni đã đi dần vào hệ thống. Chương trình 3 cấp Tiểu, Trung và Đại ở các địa phương khác nhau cũng có nhiều nội dung giống nhau. Tuy vậy, số Tăng sinh mỗi trường lớp cũng chỉ từ vài ba chục đến một trăm; lại nữa, hầu hết các trường lớp không mở được lâu dài, phần lớn là do thời cuộc, do tài chánh, nhân sự. Từ những năm 50, 60, các Phật học viện, tu viện được tổ chức tương đối quy củ và có chất lượng, tuy vậy số Tăng Ni được đào tạo cũng rất hạn chế. Ta có thể kể: Phật học viện Việt Nam, tức Phật học viện Hải Đức Nha Trang (1956), Phật học đường Phước Hòa ở Trà Vinh (1956), Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định (1956), Ni học viện Tăng già ở Sài Gòn (1957), Ni học viện Từ Nghiêm ở Sài Gòn (1960). Sau đó, Phật học viện Pháp Hội, về sau chuyển sang chùa Xá Lợi, có một chương trình Đại học Phật học khá hoàn bị và khi Đại học Vạn Hạnh được thành lập năm 1968 tại Saigon thì giáo dục Phật giáo đã có cấp học cao nhất với nhiều phân khoa của Đại học đúng nghĩa.
Công cuộc giáo dục Tăng Ni đến đây đã có bước tiến dài, nội dung Giới Định Tuệ được giảng dạy cụ thể, đầy đủ với tổ chức chặt chẽ, phương pháp sư phạm đúng đắn và lực lượng giáo sư, giảng viên khá mạnh. Cái mới nữa là Tăng Ni sinh còn được học nhiều môn ngoại điển, phù hợp với sự tiến triển của thời đại. Rõ ràng Đại học Vạn Hạnh ngoài số đông sinh viên nam nữ Phật tử gồm nhiều ngàn người, số Tăng Ni sinh ở phân khoa Phật học khá đông và ở các khoa khác cũng không phải là ít. Tuy nhiên, một hệ thống giáo dục Phật giáo đúng nghĩa vẫn chưa được hình thành về phần giáo dục và đào tạo cơ bản, tức là chưa thường xuyên và chưa có hệ thống tổ chức đối với các trường Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng….
III. VIỆC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TĂNG NI HIỆN NAY Ở VIỆT NAM
Từ sau ngày đất nước thống nhất, sau một thời gian khá dài vận động và chuẩn bị, đến năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, thống nhất 9 tổ chức và hệ phái Phật giáo. Lại phải mất vài năm để củng cố, ổn định tổ chức và sinh hoạt, Giáo hội đã hoạt động khá mạnh mẽ và từ đó đến nay, đã đạt được nhiều thành quả khả quan. Nổi bật nhất là việc giáo dục và đào tạo Tăng Ni. Trong vòng 10 năm trở lại đây, hiện đã có 23 trường cơ bản Phật học trên toàn quốc, 2 trường Cao cấp Phật học và hai lớp Cao đẳng Phật học. Đó là chưa kể các lớp Phật học riêng lẻ tại các chùa, các khóa đào tạo giảng sư của ban Hoằng Pháp và một số khoá chuyên ngành khác như y tế, từ thiện xã hội v.v… Như vậy công cuộc giáo dục và đào tạo Tăng Ni được tiến hành khá đồng bộ trên khắp cả nước. Số Tăng Ni sinh tại mỗi trường từ khoảng 60 đến 100, thậm chí có 2, 3, hay 5 trăm Tăng Ni sinh ở nhiều trường cơ bản. Trường Cao cấp Phật học đã đào tạo được 3 khóa ở TP. Hồ Chí Minh và 2 khoá ở Hà Nội. Số Tăng Ni sinh tốt nghiệp Cao cấp Phật học (tương đương với Cử nhân) tính đến hết khóa hiện nay khoảng 500 người. Một số đang theo học các khóa Cao học, Tiến sĩ Phật học tại Đài Loan, Nhật Bản, Sri Lanka và nhất là tại Ấn Độ (riêng tại Ấn Độ, số Tăng Ni nghiên cứu sinh hiện khoảng 30 người). Chương trình học của các lớp cùng cấp, cách tổ chức điều hành, sinh hoạt của các trường tương đối giống nhau. Một ưu điểm nữa là các trường đều có dạy nhiều môn ngoại điển, phù hợp với xã hội, thời đại như văn, triết, sử, sinh ngữ, sinh thái, quản trị, văn minh, xã hội học. Đó là chưa kể các buổi ngoại khóa về một vấn đề thời sự, khoa học, văn học…
Ngành giáo dục Tăng Ni chỉ trong vòng 10 năm, đã đạt được những thành tựu tốt đẹp, mở ra những triển vọng mới đầy khích lệ. Tuy vậy, trong giai đoạn đầu của phát triển, những khó khăn, tồn đọng không phải là ít. Khó khăn tồn đọng lớn nhất của ngành giáo dục Tăng Ni hiện nay cũng như các ngành khác là khó khăn về tổ chức, nhân sự và tài chánh. Ba mặt này có liên hệ mật thiết với nhau vì một mặt được phát triển, cải tạo thì các mặt kia cũng được phát triển, cải tạo.
Tăng Ni về sau phải trải qua những thăng trầm, thậm chí trong một thời gian dài, có khi việc đào tạo Tăng Ni chỉ có tính cục bộ, một vị Thầy dạy cho một hoặc hai đệ tử, nội dung giáo dục lẻ tẻ, rời rạc có khi như tách biệt với cuộc sống bên ngoài, và từ đó, có những lúc Phật giáo suy vi trầm trọng.
Dù những khó khăn, hạn chế nói trên, ngành giáo dục Tăng Ni tại Việt Nam vẫn phát triển mạnh. Sở dĩ như vậy là nhờ quyết tâm, nỗ lực toàn thể Tăng Ni và Phật tử, do sự ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức thân hữu trong và ngoài nước và do một số Tôn túc, chuyên gia có tài năng, đức độ và kinh nghiệm trong ngành giáo dục. Nhưng thành quả của công việc giáo dục và đào tạo Tăng Ni sẽ lớn hơn nhiều nếu những trở ngại trên được giải quyết.
Sau đây là sơ phác một số điểm trong phương hướng phát triển ngành giáo dục và đào tạo Tăng Ni tại Việt Nam.
1.Cần vận động tài chánh đủ cho các sinh hoạt giáo dục và đào tạo: Trung ương giáo hội cần kêu gọi sự hổ trợ của các ban, ngành, viện cho giáo dục. Các trường tăng cường sự vận động tài chánh. Giáo hội cần có cơ sở kinh tài để chi phí cho giáo dục. Các Tăng Ni sinh trước khi vào trường cần vận động thầy Tổ, người thân, Phật tử đóng góp tài vật cho nhà trường đều đặn để chia xẻ các chi phí với nhà trường.
2.Tăng cường số lượng và chất lượng của đội ngũ giảng dạy, hành chánh, tổ chức; tăng cường chương trình tu học, tu nghiệp và tham quan đến các cơ sở giáo dục Phật giáo ở nhiều nước bạn trên thế giới: mở các cuộc hội thảo, hội nghị giáo dục tại địa phương, trong nước và có tính quốc tế; mở rộng kế hoạch hợp tác, trao đổi văn hóa giáo dục các nước bạn.
3.Soạn thảo, cải biến và thống nhất chương trình học cho các cấp, từ Sơ cấp đến Đại học (hiện nay chưa có chương trình Sơ cấp hay Tiểu học Phật giáo, các chùa đều phải tự lo đào tạo các chúng điệu, mức độ và nội dung không đồng bộ, còn tùy tiện theo hoàn cảnh của từng chùa).
4.Cập nhật hóa chương trình học cho phù hợp với sự phát triển của đất nước và thời đại; cần chuyên môn hóa thành từng ban hay khoa để có sự chuyên sâu trong đào tạo; ví dụ, có khoa dạy về nghi lễ, về công tác xã hội, về sư phạm, về hành chánh v.v…. Chương trình ngoại điển cần thay đổi cụ thể cho phù hợp với thời đại để Tăng Ni sinh khi ra trường có thể dễ dàng truyền bá Chánh pháp, tham gia công tác xã hội, xây dựng đất nước và góp phần xây dựng hòa bình, hạnh phúc cho thế giới.
5.Tiến hành việc đổi tên các trường Cao Cấp Phật Học thành trường Đại học Phật học với các tổ chức, sinh hoạt đúng nghĩa của một Đại học (hiện nay, năm 1996, Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị xin mở một Đại học Phật học, như vậy có thể trong thời gian tới, cùng với hai Trường Cao cấp hiện nay, sẽ có 3 trường Đại học Phật học trên cả nước).
6.Và trên hết, cần giáo dục đạo đức cho Tăng Ni sinh. Những sa đọa đạo đức xã hội, nếp sống văn minh vật chất hiện nay có ảnh hưởng đến giới tu sĩ. Trong Giới Định Tuệ, Giới được kể làm đầu và từ thời đức Phật, nội dung đào tạo Tăng Ni, trước hết là giới luật, là đạo đức của người xuất gia. Kinh nghiệm cho thấy giáo dục đạo đức khó hơn giáo dục kiến thức kỹ năng và phần lớn các tu sĩ trở lại với đời sống tại gia đều là những người được đào luyện khá tốt về kiến thức và kỹ năng.
IV.KẾT LUẬN
Xây dựng một nền giáo dục và đào tạo Tăng Ni vững mạnh là bổn phận của tất cả những ai lưu tâm đến sự phát triển của Phật Giáo. Người tu sĩ Phật giáo hơn ai hết là những Sứ giả của đức Như Lai, đem Chánh pháp đến cho đời, thực hiện thông điệp giải thoát của Đức Phật. Người tu sĩ Phật giáo cần phải được giáo dục và đào tạo để xứng đáng với chức năng cao cả đó.
Ngành giáo dục Tăng Ni nước ta đang phát triển nhưng những khó khăn vẫn còn rất nhiều. Vì giáo dục là giáo dục con người và con người là con người đang sống với cộng đồng xã hội luôn luôn thay đổi, nên việc cải tiến nội dung giảng dạy, tổ chức, phương pháp và biện pháp giáo dục phải được thực hiện không ngừng.
Trần Tuấn Mẫn