Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, bạn sẽ có những những quyết định mạnh mẽ như thế này: “Tôi đã qua mệt mỏi vì phải làm nô lệ cho tự ngã của mình. Tự ngã sai sử tâm trí, rồi ban cho tôi không gì khác ngoài những sự rắc rối. Nó xoay tôi liên tục, chẳng có thời gian để nghỉ ngơi. Cả đời tôi như một kẻ đầy tớ. Tự ngã làm cho tâm lý tôi tán loạn. Không! Tôi quyết là sẽ không làm nô lệ cho tự ngã nữa!”
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng muốn có một ngoại hình đẹp. Tự ngã muốn có một thể hình đẹp, nhưng đồng thời với sự kích thích của những thèm muốn thầm kín, thói tham lam, chúng ta đã ăn uống nhiều hơn so với nhu cầu của cơ thể. Vì thế cơ thể trở nên béo phì và nặng nề. Đầu mối của những lo lắng và bận tâm bắt nguồn từ tự ngã và các tham muốn. Đó là một trong những điển hình bình thường, đơn giản trong cuộc sống con người.
Tự ngẫm lại chính mình mà xem, cơ thể chỉ cần một lượng thức ăn rất nhỏ nhưng sự thèm muốn bảo chúng ta ăn quá đi, nên chứng béo phì, nặng nề và khó chịu là kết quả tất nhiên. Mặt khác, cùng đồng thời với nó là nỗi phiền muộn vì sự mất đi vẻ đẹp thể hình; chúng tồn tại trong sự mâu thuẫn, biết chọn cái nào đây, mong muốn của tự ngã về một thể hình đẹp hay về sự khoái khẩu? Đầu óc thật là lạ, vừa thích cái này nhưng cũng không nỡ bỏ cái kia. Ai cũng hiểu rằng ăn uống quá độ sẽ phá đi vẻ đẹp cân đối. Đẹp thì cũng muốn đẹp nhưng ăn vẫn cứ ăn! Cả hai kích thích ta, gây lên một trận chiến tâm lý, và thay vì phải đánh tan chúng thì ta càng đồng tình hơn, thật là buồn cười.
Xét lại đầu óc con người thấy thật ngốc và tức cười vô cùng, ốm cho là đẹp còn mập cho là xấu. Tuy nhiên, tôi đồng ý rằng, mập quá thì không có một thể lực tốt được. Thật ngốc và tức cười với một ý tưởng về một cái đẹp chuẩn được sáng tạo ra từ sự quyến rũ và dục vọng. Không có thực tế về ý nghĩa rằng, béo thì khiến người ta khó chịu và không quyến rũ. Tại sao? Thường là chúng ta chạy theo dư luận lo lắng là người ta sẽ nghĩ thế nào về mình. Tôi nói thật cho bạn biết rằng, xu hướng thẩm mỹ trên thế giới này rất buồn cười và trái khoáy. Cùng một vật nhưng ở nước này cho là đẹp còn nước khác lại quan niệm là xấu; ở đây là tốt nhưng ở nơi khác là xấu. Cũng thế, cái đẹp ở chỗ này chưa hẳn là cái đẹp ở nơi khác. Tất cả chỉ là sự quy ước, và những quy ước cũng rất khác nhau.
Thế thì thử hỏi đâu là cái đẹp vĩnh hằng, bất biến và tuyệt đối? Xấu hay đẹp chỉ là cách giải thích của tâm đối với thế giới sự vật. Ta kiểm tra xem nó rất đơn giản. Ví dụ, khi Thiền quán về thân, dùng tâm quan sát mọi bộ phận của cơ thể, nỗ lực tìm cho ra cái đẹp. Ngẫm lại, cái đẹp là gì, nó hình thành ở bộ phận nào. Cách giải thích về cái đẹp, xấu của người thường rất hời hợt, nó chỉ là một ảnh xạ của tự ngã và làm cho con người bị nhầm lẫn. Rất nhiều sự nhầm lẫn trong quan niệm của chúng ta. Thực tế, người ta chẳng biết tí nào cái đẹp là gì và cái xấu là gì. Khi bạn ngắm mình trong gương, hãy để tâm lần lượt các bộ phận, xem khía cạnh nào mà phản ánh của tự ngã cho là hấp dẫn, gọi tên chính xác nơi mà cái đẹp cư ngụ. Mọi bộ phận trên cơ thể con người giống nhau trong sự bài tiết, đây là vấn đề khoa học chứ không phải niềm tin Tôn giáo. Những chuẩn mực của cái đẹp mà con người bám víu vào và cho là hấp dẫn, thực ra đấy chỉ là sản phẩm rất hời hợt được sáng tạo bởi một đầu óc luôn thay đổi, biến động.
Có nhiều phụ nữ trẻ ngày nay cứ yêu người này rồi chia tay để nhảy sang người đàn ông khác... nhưng họ sẽ không có gì ngoài những vấn đề nan giải và phiền muộn hơn. Họ nghĩ hy vọng rằng “có lẽ đây là người đàn ông phù hợp với mình”, và rồi cũng như thế với người đàn ông khác. Những suy nghĩ nông nổi được tự ngã dựng lên, nên chẳng bao giờ có sự thoả mãn và chỉ luôn gặp sự đau thương.
Tôi không đánh giá thấp phụ nữ, điều đó cũng tương tự với quý ông ngốc nghếch dễ bị đánh lừa. Họ thay đổi vợ liền liền, phù hợp rồi trở nên không phù hợp. Sự phán xét tốt và không tốt, đẹp và xấu... hoàn toàn nông cạn, không đúng với thực tại, thiếu hiểu biết và bị dẫn dắt bởi tự ngã.
Chúng ta hoàn toàn bị câu thúc bởi những ảo ảnh của tự ngã to tướng và quay lưng với thực tại. Không ai lấy làm lạ về điều đó cả.
Cho nên điều chỉnh những quan điểm tinh thần là điều rất cần thiết. Từ quan niệm vị ngã ích kỷ chuyển hoá theo hướng thanh tịnh hoá cuộc đời để lợi ích cho mọi người. Phát hiện ra rằng mình đang bị ràng buộc đã nhiều năm là điều rất quan trọng khi ta hướng cuộc đời đến cách sống vị tha, hiểu biết, đó chính là cái đẹp thực sự của con người, nó không phải là cái đẹp hình thức, không phải là cái đẹp mà tự ngã đánh giá qua làn da của người khác. Cái đẹp đích thực là cái tiềm ẩn bên trong. Khi ta hiểu được điều đó thì ta luôn tôn trọng mọi loài hữu tình mà không chỉ bo bo với chính mình, tiêu phí tất cả thời gian để đáp ứng những đòi hỏi và ràng buộc của tự ngã.
Bất cứ nơi nào Đông hay Tây, trên trời hay mặt đất... ở đâu cũng có sự sống của các loài hữu tình. Nếu ta vượt lên khỏi những ràng buộc và những khái niệm sai lầm của tự ngã thì ta vẫn hướng đến được cuộc sống vị tha, như thế ta trở nên có giá trị đích thực và mới có thể đánh giá đúng cái đẹp của cuộc đời.
Lạt ma Yeshe Wisdom Archive
Thích Tâm Hải Dịch
(theo Mandala, Nov, Dec 97)
(Trích tuần báo Giác ngộ 14/ 02/1998)