Một buổi sáng mùa hạ, nắng kim cương, gió ngọc biếc, thổi bay biển sương mù nhẹ phủ dòng Hương. Khi sương mù nũng nịu chưa rời lá cỏ, mời bạn lên thuyền ngược dòng Hương lên vùng ngoại ô Kim Long, chừng cạn tuần trà, thuyền sẽ cập bến trước cửa Nghi Môn của chùa Thiên Mụ. (Du lịch ba lô - xe đạp từ trung tâm thành phố Huế ngược lên ngoại ô Kim Long chỉ 4-5 km là đến chùa).
Từ cổng tam quang với bốn trụ biển xây sát đường cái, bước lên 15 bậc tam cấp, bạn đã có thể thích mắt, tha hồ xem vẻ đẹp thanh nhã của chuà.
Điều đầu tiên làm bạn không khỏi cảm kích trước vẻ đẹp thiên nhiên, trước công trình đời xưa để lại, là ngọn tháp hùng vĩ đứng soi mình trên dòng Hương Giang duyên dáng. Tháp Phước Duyên (ban đầu được đặt tên là tháp Từ Nhân) xây bằng gạch vồ, cao 21,24m, bảy tầng, hình bát giác. Mỗi tầng thờ một đức Như Lai, tầng cao nhất thờ Đức Thế Tôn. Những ngày cử hành lễ, bảy tầng đều được thông cửa, khói hương trầm mặc. Khó có dịp để lên tầng cao của tháp, nhưng bạn cũng thú vị lắm khi bạn đang tưởng mình đang đứng ở độ cao trên... 21 mét so với dòng Hương và ngắm nhìn bao la cảnh mây trời - cây xanh - sông nước xứ Huế, vùng ngoại ô Kim Long.
Phía trước tháp chếch về hai bên có hai lầu bia hình tứ giác. Lui về phía trong có hai lầu hình lục giác. Một lầu đề bia và một lầu để chuông. (Quả chuông lớn, đường kính 1,4m, cao 2,5m, nặng 3.285 cân). Ở đây, ngạt tỏa ra giữa thinh không vắng lặng, đã hấp dẫn và làm đắm say biết bao lòng người xứ Huế cùng du khách bốn phương. Tiếng chuông từ bao đời nay đã đi vào ca dao mộc mạc, thiết tha, gần gũi, thân thương:
Gió đưa cành trúc la dà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
Khu vực phía trong sau lầu bia và lầu chuông là các điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, trầm thơm nghi ngút, hương khói trang nghiêm. Hai bên chùa có nhà Trai, nơi các sư tịnh dưỡng, nhà khách để đón chào du khách đến vãn cảnh chùa. Trước các Điện, quanh chùa là vườn hoa xinh tươi rực rỡ. Những giò lan nở hoa rung rinh theo gió, những nụ hồng đua khoe sắc thắm hay những cành đào nên thơ dọc theo những lối đi.
Phía sau cùng vườn thông tĩnh mịnh. Phong cảnh nên thơ, tiếng sáo thông vi vu ru lòng người ra khỏi tiếng ồn ào nơi phố thị.
Chùa Thiên Mụ có nguồn gốc từ câu chuyện truyền thuyết: Gò đồi Hà Khê có vượng khí linh thiêng nhưng bị Cao Biền (tướng nhà Đường, Trung Quốc) cắt long mạch, yếm, khiến cho về sau khí thiêng liêng không tụ được. Một đêm, có một bà già đầu tóc bạc phơ mặc áo đỏ quần xanh, ngồi ở đỉnh gò đồi và nói: Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa thờ Phật, cầu thỉnh linh khí trở về nơi núi này để giúp dân giúp nước. Nói xong, người đàn bà biến mất. Dân chúng gọi tên gò đồi này là Thiên Mụ Sơn (núi bà trời). Năm 1601 Đoan Quốc Vương Nguyễn Hoàng nghe chuyện trên, tự cho mình là chân chúa, sai người cắt dựng chùa, viết biếu để Thiên Mụ Tự.
Năm 1665 chúa Nguyễn Phúc Tấn cho trùng tu chùa, đúc chuông. Năm 1717 chúa Nguyễn Phúc Chu lại tiếp tục cho sửa sang, dựng bia, xây dựng thêm nhiều điện, đường huy hoàng tráng lệ. Cuối thế kỷ XVIII chùa bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Na*m 1815 và 1831 vua Gia Long và vua Minh Mạng cho trùng tu, sửa sang lại đẹp hơn. Năm 1844 vua Thiệu Trị cho dựng tháp Phước Duyên. Năm 1904 bão lớn ở Huế làm chùa đổ nát. Năm 1907 vua Thành THái cho trùng tu, quy mô chùa không lớn như trước nhưng vẫn cổ kính trang nghiêm.
Ngày nay, chùa phong quang tươi đẹp, vẫn huy hòang tráng lệ nhờ công lao trùng tu và xây dựng của vị sư trụ trì đã quá cố, hòa thượng Thích Đôn Hậu.
Chùa vẫn luôn luôn hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách gần xạ Một lần đến với Huế, bạn hãy một lần ghé thăm chùa Thiên Mụ, để đắm say6 lòng mình trước danh lam thắng cảnh tuyệt vời này.
Phan Gia Vỹ
suutap.com