Tượng Tôn giả Bạc Câu La tại Chùa Viên Giác TPHCM |
Vua A Dục sau khi tin kính Tam bảo, được Tôn giả Da-xá giới thiệu Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa là người chứng A-la-hán đã lâu, hiện đang thuyết pháp cho đại chúng tại núi Ưu-đà. Vua liền sửa soạn xe kiệu để đến đó lễ bái. Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa nghĩ thầm: - Chỗ của ta nhỏ hẹp, không chứa được nhiều người, ta nên đến chỗ quốc vương thì phải hơn. Thế là Tôn giả đến thành Hoa Thị. Đức vua hay tin vô cùng hoan hỷ, ra lệnh cho dân chúng quét dọn đường sá, thắp hương, rải hoa, thổi kèn tấu nhạc và chính mình đích thân cùng quần thần ra tiếp đón Tôn giả. Vừa gặp ngài, vua liền sụp lạy, chí thành chiêm ngưỡng không rời mắt. Vua nói: - Đại Thánh, con tuy thân làm vua được tự tại khoái lạc, nhưng chưa bao giờ vui bằng được gặp Tôn giả hôm nay. Vì quá cao hứng, vua bèn nói kệ: Phật tuy nhập tịch định Ngài nay bổ xứ sanh Giờ mong nghe giáo pháp Con sẽ tùy thuận học. Tôn giả rờ đầu vua, đáp kệ: Cần cẩn trọng chớ nên phóng dật, Vương vị phú quý khó bảo toàn. Tất cả rồi sẽ đều hoại diệt, Không gì thường trụ mãi thế gian. Tam bảo khó gặp, vua nay gặp, Phải cúng dường hoài chớ bỏ quên. Vua thỉnh Tôn giả vào cung, tự nâng ngài lên tòa báu, thưa rằng: - Đại Thánh, những nơi Phật từng dừng ở và đi qua, con đều muốn xây tháp, để tăng trưởng niềm tin của chúng sanh. Tôn giả khen ngợi: - Lành thay! Lành thay! Bây giờ ta sẽ dẫn vua đi xem những nơi ấy. Vua bèn thống lãnh bốn bộ binh đồng loạt lên đường cùng Tôn giả. Bắt đầu từ vườn Lâm-tì-ni nơi Phật đản sanh thẳng đến thành Câu-thi-na nơi Phật nhập diệt. Sau khi nghe đến sự tích Phật Niết-bàn, vua đau khổ té xỉu, phải dùng nước lạnh rưới vào mặt mới tỉnh lại. Vua bèn xây tháp ở từng nơi và bố thí trăm ngàn lượng vàng, sau đó mới rời chỗ. Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa lại kể cho vua nghe về những tháp xá lợi của năm trăm A-la-hán. Vua cũng đều lễ bái, cúng dường vàng ròng. Cuối cùng đến tháp của Tôn giả Bạc-câu-la, vua nói: - Tháp này có công đức gì không? Tôn giả đáp: - Đại vương! Đức Phật nói vị này không hề bệnh tật, vì trước chín mươi mốt kiếp, sau thời Phật Tỳ-bà-thi nhập diệt, Bạc-câu-la trú trong một ngôi chùa thấy những người giàu có quý tộc đến chùa cúng dường chúng Tăng. Lúc ấy, ông uống rượu say, đang nằm trên giường, nghĩ bụng: “Ta rất nghèo khó, nên bố thí gì bây giờ? Ta vừa có được một trái ha-lê-lặc, có thể trị bệnh mắt, đau đầu hoặc bí tiểu. Nếu chúng Tăng có ai mắc bệnh, ta có thể bố thí để trị bệnh”. Tôn giả bèn đánh kiền chùy, báo muốn bố thí dược phẩm. Bấy giờ có một Tỳ-kheo đầu rất đau, đến xin trái ha-lê-lặc để trị bệnh. Người khán bệnh liền đem trái ha-lê-lặc của Bạc-câu-la đưa cho Tỳ-kheo kia. Tỳ-kheo dùng xong, lành bệnh. Nhân cớ này, trong suốt chín mươi mốt kiếp, Bạc-câu-la dù sanh trên trời hay trong nhân gian đều không hề bệnh tật. Kiếp cuối cùng này, ông sanh trong nhà Bà-la-môn, mẹ mất sớm, cha lấy vợ kế. Bạc-câu-la còn thơ, thấy mẹ kế làm bánh liền đòi. Mẹ kế vốn tánh tình không tốt, rất ghét con chồng, đem Bạc-câu-la bỏ vào lò chiên bánh, lửa cháy rất mạnh, bà còn lấy chảo chiên bằng đáy đặt lên trên. Người cha từ ngoài về, kiếm con khắp nơi chẳng ra, cuối cùng mới biết đang ở trong lò. Dĩ nhiên chú bé không hề hấn gì. Về sau, có lần mẹ kế đang nấu thịt, Bạc-câu-la lại đến đòi ăn. Mẹ kế tức giận, quăng chú vô nồi. Nước trong nồi sôi sục nhưng không cách gì làm chú nát nhừ. Người cha lại tìm khắp nơi không thấy phải lớn tiếng kêu: - Con trai ta ơi! Con ở đâu? Bạc-câu-la ở trong nồi ứng tiếng đáp, người cha mới vội vàng kéo con ra, mà chú chẳng bị thương chút nào. Cuối cùng, một hôm mẹ kế ra bờ sông, Bạc-câu-la lại nắm chéo áo bà chạy theo. Người mẹ giận quá, nói: - Mày rốt cuộc là yêu quái gì mà đốt mà nấu không chịu chết hử? Rồi ném chú xuống sông. Chưa bao lâu, một con cá lớn bơi tới nuốt chú vào bụng. Do có phước báo, chú không chết. Một người đánh cá câu được con cá này, mang ra chợ bán. Nhưng vì đòi giá quá cao, chẳng ai mua được. Đến chiều, cá sắp ươn thì vừa gặp cha Bạc-câu-la ra chợ. Thấy cá, ông bèn nghĩ: “Con cá này nhiều thịt mà lại sắp ươn, chắc không đắt lắm, ta có thể mua về”. Rồi ông trả tiền, đem cá về nhà. Về đến nhà, ông lấy dao bén mổ bụng cá. Bạc-câu-la trong bụng cá kêu to: - Cha! Cẩn thận nha! Đừng làm con bị thương đó! Người cha mừng quá, mổ bụng cá ôm con ra. Bạc-câu-la lớn lên theo Phật xuất gia, chứng quả A-la-hán, đầy đủ công đức, sống đến một trăm sáu mươi tuổi mà chẳng hề bệnh hoạn, dù chỉ đau đầu hay cảm sốt. Ngài là người rất tri túc, rất ít mong cầu, thích sống an nhàn, vắng lặng, không dạy ai một câu kệ. Vua nghe chuyện của ngài rồi, chỉ cúng tháp ngài một đồng tiền. Quan tể tướng ngạc nhiên hỏi: - Năm trăm vị đều là A-la-hán, vì sao chỉ cúng vị này có một đồng? Vua đáp: - Vì ông ta chỉ tự độ mà không độ người. Kết quả tháp thần cũng không chịu nhận đồng bạc cúng dường này, trả lại cho vua. Tể tướng nói: - Thật là thiểu dục! Ngay một đồng cũng không nhận, huống là nhiều tiền. Vua A Dục cúng dường tháp Phật và chư Thanh văn xong, rất hoan hỷ chắp tay nói kệ: Cúng dường tế tự trăm ngàn lần, Mới đủ sanh làm người thế gian. Nay ta đã được làm người sẵn, Chẳng nên để đời người qua suông. Ta may gặp ruộng phước quý báu, Nhân đây tu tạo nghiệp tốt lành. Đem tài sản không bền nguy hiểm, Tu tạo phước kiên cố trường tồn. Ta xây tháp xá lợi của Phật, Để cõi Diêm Phù được trang nghiêm. Giống như trời bềnh bồng mây trắng, Dùng làm đẹp đẽ cõi hư không. Vua nói kệ xong, đảnh lễ tháp của chư Thánh nhân rồi đi. (Theo Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện do Phàm Phu dịch Hán)
Hạnh Huệ dịch
theo giacngo.vn