Như mọi người đều biết vào thế kỷ thứ nhất sau kỷ nguyên, đạo Phật du nhập vào Việt Nam trong khi đất nước đang bị phong kiến phương Bắc đô hộ.
Trước đó, nhân dân Việt Nam đã xây dựng được một nền văn hóa rực rỡ, độc đáo, có bản sắc riêng, mà hiện nay các nhà sử học và khảo cổ học gọi là "Nền văn minh sông Hồng". Đó là một nền văn minh xóm làng dựa trên một nông nghiệp trồng lúa nước với kỹ thuật luyện đồng và luyện sắt đã phát triển từ rất sớm. Phong kiến phương Bắc đã tiến hành một sự đồng hóa cưỡng bức về văn hóa nhưng dân chúng Việt Nam phải đấu tranh quyết liệt để bạo vệ nền văn hóa truyền thống và cũng là để bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc.
Người Việt Nam vốn có một thái độ bao dung cởi mở về văn hóa và tín ngưỡng, ít có những thành kiến Tôn giáo, sẵn sàng chọn lọc trong những nền văn hóa bên ngoài những yếu tố làm phong phú nền văn hóa độc đáo của họ. Người Việt Nam cũng có thể chấp nhận những tín ngưỡng khác nhau từ bên ngoài và dung hòa chúng với tín ngưỡng cổ truyền.
Phật giáo đã bắt rễ dễ dàng trên mảnh đất Việt Nam. Những người nông dân Việt Nam đang đau khổ và khát vọng sự giải thoát, đã tiếp nhận Phật giáo một cách tự nhiên.
Các nhà sư Ấn Độ và Trung Á đã đến Việt Nam vào khoảng đầu công nguyên. Giao Châu Việt Nam thời đó đã là nơi dừng chân của nhiều khách thương Ấn Độ cũng như các Tăng sĩ Ấn Độ. Thương gia Ấn Độ thường phải ở lại đây cho đến năm sau, chờ gió mùa Đông bắc để trở về Ấn Độ. Còn một số nhà sư Ấn Độ có thể ở lại lâu hơn. Cũng từ đây, một số thành tựu văn hóa vật chất, ngôn ngữ và tinh thần Ấn Độ được người Việt tiếp thu, trong đó có Phật giáo.
Sự tiếp nhận này dường như không gây ra sự thay đổi nào đột ngột trong đời sống tinh thần của người Việt. Họ thờ cúng Chư Phật cũng như đã thờ cúng các vị thần vốn có của họ.
Trung tâm Phật giáo cổ nhất ỏ Việt Nam là Luy Lâu, cách Hà Nội khoảng 30 km về phía Bắc. Ở đây có bốn ngôi chùa được dựng từ thời các nhà sư Ấn Độ đầu tiên đến đây, có tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, tức Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Bốn ngôi chùa này đồng thời thờ bốn vị nữ thần là Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Đàn, Bà Tướng. Rõ ràng đó là các nữ thần nông nghiệp. Cho đến ngày nay, người ta vẫn còn thờ các vị nữ thần đó trong các chùa này. Như vậy là ngay trong bước du nhập đầu tiên, Phật giáo đã được những người nông dân trồng lúa Việt Nam dung hòa với các tín ngưỡng cổ truyền của họ.
Từ thế kỷ hai trở đi. Phật giáo Giao Châu đã có những bước phát triển đáng kể. Tăng đoàn đã khá đông. Nhiều chùa tháp được dựng. Các nhà sư Ấn Độ và Trung Á đã bắt đầu tổ chức việc dịch kinh ở Luy Lâu. Ngoài nhiều bộ kinh đã được dịch, đã xuất hiện những quyển sách bàn luận về Phật giáo. Những trung tâm dịch kinh và nghiên cứu Phật giáo đồng thời cũng là những trung tâm giáo dục. Những thế hệ Tăng sĩ người Việt dần dần được hình thành. Chẳng hạn như Đạo Thanh là học trò của Chi Cương Lương Tiếp (Kalàsìvi) trong thế kỷ III, và Huệ Thắng là học trò của Đạt Ma Đề Bà (Dharmadeva) trong thế kỷ V... Từ thế kỷ VI trở đi, Phật giáo ở Việt Nam càng phát đạt. Các phái Thiền Tông Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam trong thế kỷ VI và thế kỷ IX. Cũng vào thời gian này, xuất hiện nhiều cao Tăng người Việt, có Đạo đức sâu rộng, trong số đó có những người như Phụng Đình Pháp sư, Duy Giám Pháp sư, được vua nhà Ðường mời sang Trường An (Chánh An) để giảng kinh luận. Nhiều cao Tăng Việt Nam khác cũng đã đến Ấn Độ như Vận Kỳ Giải Thoát Thiên (tên Sanskrit là Moksadeva), Khuy Xung (tên Sanskrit là Prajnadeva). Đặc biệt là Ngài Đại Thừa Đăng (tên Sanskrit là Mahayànapradìpa), đã nhiều năm tu hoc ở Ấn Độ, tinh thông tiếng Sanskrit, đã chú giải tác phẩm Duyên Sinh Luận (Nidàna sastra). Vị này đã tới học ở tự viện Nalanda và cuối cùng mệnh chung ở chùa Parinirvana tại Kusinara vào thế kỷ VII.
Cũng một phần qua các hoạt động của các Tăng sĩ như vậy mà văn hóa Việt Nam đón nhận ảnh hưởng của văn hóa thế giới. Nhưng điều quan trọng trong thời kỳ này là Phật giáo đã góp phần phát triển và bảo vệ nền văn hóa dân tộc.
Khi đã thấm sâu vào tín ngưỡng của nhân dân, Phật giáo đã có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Các ngôi chùa lại trở thành các trung tâm văn hóa giáo dục trong các làng xã. Chùa không phải chỉ là nơi sinh hoạt Tôn giáo mà còn là nhà trường. Các em bé đến chùa không phải chỉ để sau này trở thành các Tăng sĩ mà là để học chữ. Chư Tăng không những làm việc Tôn giáo mà còn là Thầy dạy học hoặc Thầy thuốc ở nông thôn. Chư Tăng là người hiểu biết trong xóm làng, làm cố vấn cho nông thôn trong nhiều công việc và được nông dân kính trọng.
Chính vì vậy, rất tự nhiên, trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Phật giáo đã đúng vào phía những người yêu nước. Nhiều Tăng sĩ trong hoạt động Tôn giáo của mình, đã nhen nhóm một tinh thần tự chủ. Và có những tín đồ Phật giáo đã trực tiếp cầm đầu nhân dân đứng lên làm cuộc chiến tranh giải phóng. Cuộc khởi nghĩa của Lý Phật Tử cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII là một ví dụ. Trong tiếng Việt, "Phật tử" có nghĩa là tín đồ Phật giáo. Như vậy là Phật giáo Việt Nam, trong những bước phát triển đầu tiên, đã nhập thân vào dân tộc. Chính vì vậy mà người Việt Nam không ngạc nhiên khi thấy trong lịch sử, vua Lý Nam Đế, khi xây dựng một nhà nước độc lập ngắn ngủi vào thế kỷ VI, đã cho xây một ngôi chùa có tên là Khai Quốc, nghĩa là "mở nước". Chùa Khai Quốc là tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay ở Hà Nội.
Do vai trò của Phật giáo trong cuộc chiến đấu giải phóng, khi nền độc lập của Việt Nam được giành lại trong thế kỷ X, Phật giáo đã có một vị trí to lớn trong xã hội. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV là giai đoạn phát triển cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, mà đỉnh cao là trong hai triều đại Lý (1010 1225) và Trần (1225 1400). Phật giáo trở thành quốc giáo. Nhiều cao Tăng làm cố vấn cho nhà vua trong công việc đối nội và đối ngoại. Nhiều nhà vua tin sùng Phật giáo, sau khi truyền ngôi cho con, đã xuất gia tu hành. Phần lớn quan lại quý tộc là tín đồ Phật giáo.
Chùa tháp mọc lên khắp nơi trong nước. Ngày nay, ở những tỉnh miền núi của Việt Nam như Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, các nhà khảo cổ học đã tìm được di tích những ngôi chùa cổ trong thời kỳ này. Điều đó có nghĩa là bấy giờ, Phật giáo đã thâm nhập vào các dân tộc thiểu số trên đất Việt Nam.
Phật giáo đã thấm sâu vào các làng xã. Người Việt Nam chúng ta có câu: "Đất vua, chùa làng". Đất của vua có nghĩa là đất đai trong nước thuộc quyền sở hữu của nhà vua, một hình thức sở hữu ruộng đất phổ biến ở phương Đông cổ đại. Còn chùa là của làng, nói lên rằng mỗi công xã có một ngôi chùa riêng. Nhà chùa thường được hưởng hoa lợi trên một số ruộng đất gọi là ruộng chùa, lấy ra trong bộ phận ruộng công của làng xã. Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam hiện nay cho rằng đình, ngôi nhà chung của cư dân làng xã mà ở đó thường tiến hành những sinh hoạt công cộng, chỉ xuất hiện về sau này. Còn trong thời kỳ thế kỷ X đến thế kỷ XIV, chưa có đình, mà chùa là nơi sinh hoạt công cộng của cư dân làng xã. Như vậy trong giai đoạn này chùa không chỉ là nơi tiến hành các sinh hoạt Tôn giáo, mà cũng như đình sau này, còn là nơi sinh hoạt văn hóa của dân làng xã. Làng xã Việt Nam bao giờ cũng là nơi ấp ủ sức sống của văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Như vậy là từ trong cái tế bào của xã hội Việt Nam cổ truyền, văn hóa dân tộc đã tiếp xúc với Phật giáo.
Sau thế kỷ X, cùng với việc giành lại chủ quyền đất nước văn hóa Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển rực rỡ, bừng lên như môt cuộc hồi sinh hay phục hưng. Đặc điểm của nền văn hóa trong giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV là biểu hiện một ý thức dân tộc rất cao.
Trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc thời đó, Phật giáo Việt Nam có những đóng góp to lớn. Có thể nói rằng văn hóa Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV vừa mang tính chất dân tộc vừa mang tính chất Phật giáo. Và hai đặc điểm này hoàn toàn không mâu thuẫn nhau.
Như đã nói ở trên, Phật giáo Việt Nam đã tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc từ trước thế kỷ X, nên khi giành lại được nền độc lập, các Tăng sĩ vẫn mang một ý thức quốc gia mạnh mẽ. Nhiều cao Tăng như Khuông Việt (tên hiệu này có nghĩa là "giúp nước Việt"), Vạn Hạnh, Pháp Thuận đã thực sự tham gia hoạt động chính trị với mục đích giữ gìn một nhà nuớc độc lập mới được xây dựng. Phật giáo thời kỳ này mang một màu sắc nhập thế rõ ràng, hay nói cho đúng hơn, có nhiều chiều hướng phục vụ quốc gia dân tộc.
Vả lại, các nhà sư thời kỳ này đều thuộc các phái Thiền. Đối với các Thiền sư, mọi công việc của đạo của đời đều không ngăn cản đạt được Bát nhã (Prajna). Vì vậy ngồi trên chiếu Thiền, hay lên yên đuổi giặc, các vị ấy đều tự do. Tuệ Trung thượng sĩ, một nhà Thiền trong cuộc kháng chiến chống Nguyên, đã trình bày điều đó trong hai câu thơ rất hay:
"Đi là Thiền, mà ngồi cũng là Thiền,
Bao giờ cũng là một đóa sen tươi trong lò lửa đỏ rực."
Ý thức dân tộc biểu hiện mạnh mẽ trong văn học và nghệ thuật. Thời kỳ này mà chư Tăng là người mở đầu dòng văn học đó. Bài thơ sớm nhất mà ngày nay được biết đến trong lịch sử văn học Việt Nam là của Pháp sư Khuông Việt, cố vấn cho các vua Đinh và Lê trong thế kỷ X. Đó là một bài thơ tiễn môt sứ giả Trung Quốc về nước. Bài thơ được làm trong công việc ngoại giao, biểu hiện một ý thức quốc gia mạnh mẽ nhưng vẫn có tính nghệ thuật cao.
Ngày nay, những gì còn lại trong kho tàng văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XII, tuyệt đại bộ phận là văn học Phật giáo. Hầu hết là thơ của các Thiền sư. Trong số đó có những bài thơ rất hay, đã giữ một vị trí rất xứng đáng trong lịch sử thi ca Việt Nam.
Đây là bài thơ ngắn của nhà sư Mãn Giác(1052 1096):
"Mùa xuân đi trăm hoa rụng,
Mùa xuân đến trăm hoa nở,
Việc đời trôi qua trước mắt,
Tuổi già đến từ trên đầu.
"Nhưng chớ nói rằng mùa xuân tàn thì tất cả các hoa đều rụng
Đêm hôm qua trước sân, một cành hoa mai đã nở".
Có thể các tác giả bài thơ muốn dùng hình ảnh cành hoa mai để biểu hiện bản thể bất sinh bất diệt của vạn pháp. Nhưng mọi người Việt Nam lại tìm thấy ở bài thơ này một cảm xúc về sự vươn lên của cuộc sống không gì dập tắt được.
Và đây là bài thơ nhỏ của nhà sư Không Lộ (mất năm 1119):
"Chọn được nơi ở trên một thửa đất đẹp.
Cái thú ở thôn quê khiến cho suốt ngày, niềm vui không dứt,
Có lúc, ta chèo lên đỉnh núi cao chót vót,
Kêu dài một tiếng, làm lạnh cả bầu trời.”
Trong khi hứng siêu thoát rất độc đáo của tác giả. người Việt Nam lại thấy một sự khảng định con người giữa tự nhiên mênh mông.
Văn học Việt Nam từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIV phong phú hơn, đa dạng hơn và có một tinh thần dân tộc sâu sắc hơn. Nhưng văn học Phật giáo vẫn còn là một bộ phận quan trọng, đó là chưa kể ảnh hưởng của Phật giáo đến văn học nói chung. Một nhà thơ nổi tiếng có đóng góp cho nền thơ ca Việt Nam là Pháp sư Huyền Quang (1254 1334), giỏi Phật học nhưng thơ rất bình dị. Trong thơ Ngài, thiên nhiên hiện lên tuyệt đẹp và rung cảm của con người thật là tươi mát. Nhưng đôi khi, bên cạnh những bức tranh đẹp của thiên nhiên, ta gặp những dòng thơ chia sẻ nỗi đau khổ của con người. Chẳng hạn bài thơ của Ngài viết khi gặp những người tù đi đày bị áp giải:
"Ta muốn viết một bức thư bằng máu để nhắn tin
Như chim nhạn cô đơn bay vút qua tầng mây,
Đêm nay, bao nhiêu nhà buồn dưới ánh trăng,
Hai nơi xa nhau nhưng cùng một nỗi đau".
Huyền Quang là tổ thứ ba của phái Thiền Trúc Lâm. Việc xây dựng một phái Thiền riêng trong thời Trần cũng là một biểu hiện của ý thức dân tộc. Vị tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm là vua Trần Nhân Tông (1258 1308), người anh hùng dân tộc, nhà sư và cũng là nhà thơ.
Một trào lưu văn học có tính chất dân tộc thời Trần là sáng tác bằng ngôn ngữ Việt Nam và ghi lại bằng thứ chữ Việt Nam gọi là chữ Nôm. Trần Nhân Tông, Huyền Quang cũng đã để lại những tác phẩm văn học Phật giáo bằng chữ Nôm. Những tác phẩm đó ngày nay vẫn còn, và trở thành những tài liệu vô cùng quý báu.
Sự hưng thịnh của Phật giáo trong các thế kỷ X XIV ở Việt Nam đã kéo theo sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và hội họa. Nhiều chùa tháp đã mọc lên ở các kinh đô Hoa Lư, Thăng Long (Hà Nội ngày nay) cũng như ở nhiều nơi khác trong nước. Đáng tiếc là phần lớn các kiến trúc này nay không còn nữa, do thời gian và do chiến tranh xâm lược. Ngày nay chỉ còn lại tháp đá Phổ Minh (tỉnh Hà Nam Ninh) 14 tầng, cao 21m, xây dựng năm 1305 và tháp gạch Bình Sơn (tỉnh Vĩnh Phú), 11 tầng, cao 15m, xây vào thế kỷ XIV là còn khá nguyên vẹn. Đó là những niềm tự hào kiến trúc cổ Việt Nam.
Cùng phát triển với kiến trúc là điêu khắc. Tiêu biểu cho điêu khắc thời kỳ này, ngoài những phù điêu trang trí cho các kiến trúc Phật giáo là những pho tượng bằng đá như tượng A Di Đà (Amitabha) ở chùa Phật Tích (tỉnh Hà Bắc), các tượng Kim Cương (Vajrapani) ở chùa Long Đọi (tỉnh Hà Nam Ninh). Đó là những pho tượng đẹp thời Lý. Thời Trần ngày nay ít tượng hơn, nhưng lại tìm được rất nhiều bệ tượng bằng đá. Đó là những khối chữ nhật ghép đá mà trên đó những nhà điêu khắc đã trang trí bằng các phù điêu.
Phong cách điêu khắc Lý mềm mại, phong cách điêu khắc Trần khỏe khoắn. Một hình tượng trang trí phổ biến của thời kỳ này là hình hai con rồng uống khúc nằm giữa hai chiếc lá cây Bồ đề. Lá Bồ đề tượng trưng cho Phật giáo và rồng tượng trưng cho dân tộc Việt Nam. Thủ đô Hà Nội thời đó có tên là Thăng Long, có nghĩa là "rồng bay lên". Một lần nữa, ta lại thấy sự quyện nhập giữa tinh thần Phật giáo và ý thức dân tộc trong các biểu hiện của văn hóa giai đoạn này.
Từ giữa các thế kỷ XIV, Nho giáo bắt đầu lớn mạnh và Phật giáo bị chèn ép. Nhưng từ giữa thế kỷ XVI, Phật giáo Việt Nam bắt đầu phục hồi và hưng khởi trở lại. Thời kỳ phát triển này đạt đến đỉnh cao của Phật giáo vào thế kỷ XVIII.
Phật giáo hưng khởi trở lại, kiến trúc và nghệ thuật tạo hình Phật giáo cũng theo đó mà phát triển. Nhiều ngôi chùa lớn ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam ngày nay là được xây dựng trong thời kỳ này. Tượng Phật thời kỳ này trở lên đa dạng. Đặc biệt là xuất hiện nhiều tượng Tuyết Sơn và tượng Quan Âm (Avalokitesvara) đẹp. Nổi tiếng nhất là tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tạc năm 1656, ở chùa Bút Tháp (tỉnh Hà Bắc). Bên cạnh tượng Phật là tượng La hán (Arhat) mà đặc sắc nhất là loạt tượng La hán ở chùa Tây Phương (Hà Nội), cuối thế kỷ XVIII.
Đây cũng là một thời kỳ xuất hiện nhiều tác phẩm văn học Phật giáo mà nội dung phổ biến là sự dung hòa tư tưởng Phật giáo với tinh thần Nho giáo và Đạo giáo.
Nhiều nhà văn Việt Nam cũng đã chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Ngay Nguyễn Trãi, nhà tư tưởng và nhà yêu nước, cũng đã từng viết những dòng thơ:
Tào Khê rửa ngàn tăm suối (1)
Sạch chẳng còn một chút phàm
Còn nhà thơ lớn Nguyễn Du, một tên tuổi chói sáng trong lịch sử văn hóa Việt Nam, thì lại tỏ ra có một căn bản vững chắc về Thiền học, khi ông viết:
Tôi đã học kinh Kim Cương hơn nghìn lần,
Trong đó có nhiều điều sâu sắc tôi chưa hiểu được.
Nhưng đến khi đứng trước đài đá chia kinh (2) này mới biết kinh không có chữ là kinh chân chính.
Nay nhìn lại sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam, chúng ta không thể không chú đến sự đóng góp của đạo Phật. Đạo Phật đã có mặt trên đất nước này gần 2.000 năm. Vai trò Phật giáo đã đóng góp trong việc xây dựng nền văn hóa Quốc gia Việt Nam không phải luôn luôn giống nhau ngang qua lịch sử. Nhưng thật kỳ diệu là Đạo Phật không bao giờ xây dựng lại nền văn hóa dân tộc. Khi nào nền văn hóa dân tộc bị lâm nguy có thể bị tiêu diệt, thời phần đông Phật tử với nhân dân Việt Nam đã đứng lên để bảo vệ.
Nhân dân Việt Nam tiếp thu từ Đạo Phật những gì thích hợp với tâm tư trí óc của mình, như thế trí tuệ và từ bi, tình thương đến mọi loài hữu tình, sự cương quyết cố gắng làm điều thiện, điều lành, sự giải thoát tâm hồn, và sự mong muốn hòa bình và hạnh phúc cho mọi gia đình. Đức Phật hiện ra trong các truyện thần thoại Việt Nam, với nụ cười hiền lành, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Ví dụ ông Bụt đã cho Tấm, cô gái Cinderella Việt Nam trong các câu truyện dân gian, những áo quần đẹp nhất để đi dự dạ hội... Ngang qua các thần thoại và các bài ca dân gian, ông Bụt hiền lành đã hiện vào trong giấc mộng của các trẻ em Việt Nam. Những người lớn tuổi đã tìm trong Đức Phật một gương mẫu noi theo để chống lại các cám dỗ tội lỗi, nhờ vậy gìn giữ sự trong sáng trong các hành vi và tâm tư của mình.
Do những đức tánh như vậy Đạo Phật đã tồn tại hài hòa tốt đẹp với tâm tư và văn hóa Việt Nam trải qua 2.000 năm. Hiện nay các Phật tử Việt Nam đang cố gắng làm cho sinh động và đề cao những truyền thống tốt đẹp của Đạo Phật quá khứ và cùng với nhân dân Việt Nam đang xây dựng một nền văn hóa mới phù hợp với thời đại mới.
Chú thích:
(1) Tào Khê (Tsao Chi): tên con sông nhỏ ở Trung Quốc, nơi đó có chùa Bảo Lâm (Pao Lin) mà nhà sư Huệ Năng (Huei Neng), tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Quốc đã tu hành.
(2) Chỉ cái đài bằng đá mà nơi đó, Thái tử Chiêu Minh (Chao ming), con vua Lương Vũ Ðế (Liang Wu di, 501 549) ở Trung Quốc phân phát kinh Phật.