BUÔNG XẢ! HÃY NÉM QUÁCH CÁI BAO THẾ SỰ ĐI

Trước khi ghi lại những lời của ngài Hư Vân hòa thượng, xin "vòng vo một vài điều" để lấy trớn.

Chinatown ở Mỹ, đến đó ai cũng để mắt đến bức tượng của một người béo phệ mang một chiếc bị vải to. Người thương gia Trung Hoa ở đó gọi ông là "Người Trung Hoa Hạnh Phúc", hay "Ông Phật cười".

Họ bảo: Vị Phật này sống vào đời Đường (Trung Hoa). Ông không muốn tự gọi mình là thiền sư, cũng không thu nhận đệ tử. Ông thường đi lang thang trên đường phố với một cái bị vải lớn mang trên vai. Trong đó, ông đựng những món quà như kẹo, bánh, trái cây hay hạt dẻ. Ông tặng các thứ này cho đám trẻ con đông đảo vây quanh ông để vui đùa. Ông đã tạo những đường phố thành một khu vườn trẻ.

Bất kỳ lúc nào gặp một người hiến mình cho Thiền, ông cũng chìa tay ra nói: "Hãy cho tôi một đồng xu".

Một hôm đang đùa với đám đông trẻ con, một thiền sư đến bất ngờ và theo hỏi ông: "Ý nghĩa của thiền là gì?" Lập tức ông buông thỏng cái bị xuống đất, đứng im lặng không trả lời một tiếng nào. Rồi vị thiền sư lại hỏi: "Sự họat dụng của thiền là gì?" Lập tức người Trung Hoa Hạnh Phúc này đeo chiếc bị vải lên vai và tiếp tục bước đi... (Theo quyển Góp nhặt cát đá, Đỗ Đình Đồng dịch).

Người ta bảo đó là hóa thân của đức Phật Di Lặc.

(Và đây, một bài kệ dịch "Hành, Trụ, Tọa, Ngọa" của ông Trúc Thiên Nguyễn Đức Tiếu ở báo Từ Quang, số 160 tháng 12 năm 1965 trang 131)

HÀNH, TRỤ, TỌA, NGỌA


Di Lặc! Chân Di Lặc,
Hóa thân bách thiên ức.
Thời thời thị thời nhân,
Thời nhân bất tự thức.
Ngô hữu nhất khu Phật,
Thế nhân giai bất thức.
Bất diêu diệc bất khắc.
Vô nhứt chích khôi nê,
Vô nhất điểm thái sắc.
Nhơn họa, họa bất thành,
Tặc thu, thu bất đắc.
Thể tướng bổn tự nhiên,
Thanh tịnh phi bất thức.
Tuy nhiên thủy nhất khu,
Phân thân bách thiên ức.
Hành giả bố đại,
Trụ giả bố đại.
Tọa giả bố đại,
Ngọa giả bố đại.
Phóng hạ bố đại,
Đắc đại tự tại.
(Bố Đại hòa thượng).

Di Lặc! Thiệt Di Lặc,
Hóa thân trăm ngàn ức.
Đời đời vẫn hiện đây,
Người nay đâu tự biết.
Ta có một cốt Phật.
Người đời đâu có biết,
Khỏi cần chạm với khắc.
Không một ngấn bụi tro,
Không một điểm màu sắc.
Thợ vẽ, vẽ chẳng xong,
Trộm mong, mong chẳng được.
Thể tướng vốn tự nhiên,
Trong lặng khỏi quét tước.
Tuy chỉ một cốt thôi,
Phân thân trăm ngàn ức.
Đi cũng túi vải,
Đứng cũng túi vải.
Ngồi cũng túi vải,
Nằm cũng túi vải.
Buông xuống túi vải,
Được đại tự tại.

 

Bố Đại là túi vải, là tên một vị hòa thượng ở triều nhà Lương bên Tàu = Bố Đại hòa thượng. Đi đâu hòa thượng cũng mang một cái đãy bằng vải, góp hết của bố thí rồi đem ra chợ chia cho trẻ con ăn.

Trước ngày viên tịch, hòa thượng nói bài kệ trên. Bấy giờ mới biết chính ngài là hóa thân của Phật Di Lặc.

Hư Vân Lão hòa thượng thuyết:

Người xưa nói: Tu hành chẳng có gì lạ cả, cốt yếu chỉ nhận thức cho được cái đầu mối. Đầu mối nhận được rồi thì lọat sanh tử chấm dứt.

Đầu mối của chúng ta (người tu thiền) không có gì khác hơn là ném quách cái bao thế sự thì quê hương của chúng ta sẽ gần trong gang tấc.

Thân tứ đại của chúng ta từ trước tới nay vốn không, năm uẩn chẳng phải thực có, chỉ vì chúng ta vọng niệm chấp trước, tình ái trói trăng với ảo pháp thế gian, cho nên mới chịu cái trò không thấy được cái "Không" của tứ đại và chẳng chấm dứt được dòng sanh tử. Giả sử một niệm thể khởi vô sinh, thì bao nhiêu pháp môn của Phật dạy ắt dùng mà không chấp trước..., và như vậy thì đâu còn khó mà chấm dứt sanh tử nữa.

- Ma chướng: Chúng ta hiện tại tham khán thoại đầu. Vậy thoại đầu là cái đầu mối, là đầu con đường mà chúng ta phải đi. Lối vào là đó vậy.

Mục đích của chúng ta là cầu thành Phật, chấm dứt sanh tử.

Muốn liễu sanh tử, phải mượn câu thoại đầu này làm báu kiếm Kim Cang Vương. Ma đến thì chém ma, Phật đến thì chém Phật. Chẳng giữ lại một tình, chẳng lập ra một pháp, một vật(1). Trong tình trạng ấy, làm thế nào mà còn nhiều vọng tưởng để làm thi, tác kệ, thấy không, thấy sáng, thấy bay, thấy biến hóa này nọ? Dụng công như thế ấy... thì thử hỏi chúng ta đã để cho thoại đầu bay mất đi rồi sao?(2). Đó không phải là chỗ dụng công rồi!

Tham khán thoại đầu không phải ở chỗ nói hay thấy sáng như vậy đâu. Mới phát tâm tu hành, chúng ta cần phái lưu tâm tự trách về điều ấy vậy.

Nên nhớ: Tham thoại đầu có nghĩa là quan sát nó ngày đêm sáu thời và phải làm sao cho nó như dòng nước chảy xuôi không được gián đoạn. Như thế là tâm trí phải luôn luôn linh linh bất muội, liễu liễu thường tri, truất nhất thiết những tình cảm phàm, kiến giải thánh đều phải một đao chặt phăng chẳng tiếc (ý nói chánh tâm chẳng thôi, lúc nào cũng biết một cách tỏ rõ, tất cả những tình cảm của kẻ phàm, cũng như lời giải của bậc thánh đều một đao chặt đứt hết).

Thiền sư Hoàng Bá bảo:

 

Học đạo do như cấm thủ thành,
Khẩn thủ thanh đầu nhất chiến trường!
Bất thụ nhất phiên hàn triệt cốt,
Chẩm đắc mai hoa phác tị hương?

Học đạo cũng như giữ cấm thành,
Giữ thành một trận đánh cho oai.
Nếu không một chuyến thấy xương lạnh,
Sao được trước mũi ngát hương mai?

- Tâm vương: Mỗi người chúng ta có một tâm vương (vua tâm). Tâm vương này chính là đệ bát thức đó (thức thứ tám) có thể coi nhà là vua của tất cả các thức. Nói rõ hơn dó là A Lại Da thức.

Ngoài đệ bát thức này có: đệ thất thức, đệ lục thức và tiền ngũ thức (tức là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức) là năm têm trộm cướp.

Đệ lục thức là thức thứ sáu: ý thức là tên ý tặc ở bên trong chúng ta: nội tặc.

Đệ thất thức là Mạt Na thức. Mạt Na thức này thường lạm danh, lấy danh nghĩa của thức thứ tám (tức là đệ bát thức hay A Lại Da thức) làm cái ngã của mình để chỉ huy dẫn khởi thức thứ sáu xuất lãnh sai khiến năm thức trước là tiền ngũ thức, làm cho con người tham ái trần cảnh thuộc sắc, thanh, hương, vị, xúc... để rồi luôn bị trói vào mê hoặc không dứt... khiến cho Bát nhã tâm vương (tức A Lại Da) mãi bị vây khổn, không chuyển ra ngoài thân được, mà mãi hết thân này đến thân khác. Cho nên, cần phải mượn câu thoại đầu này làm gươm báu kim cương chém hết bọn giặc cướp đó, khiến cho:

- Thức thứ tám (A Lại Da thức) chuyển thành Đại viên cảnh trí.
- Thức thứ bảy (Mạt Na thức) chuyển thành Bình đẳng tánh trí.
- Thức thứ sáu (tiền nguc thức) chuyển thành Thành sở tác trí.

Nhưng khẩn yếu hơn hết là chuyển thức thứ sáu và thứ bảy trước các thức kia, vì chính chúng nó có tác dụng lãnh đạo, nhất là thức thứ bảy (tức Mạt Na thức) vì nó là tên "cặp rằng" (Corporal) nguy hiểm, thường lạm dụng danh nghĩa chủ, lấy quyền để chỉ thế chủ mà tác oai tác họa.

Học tham thiền chưa đâu ra đâu mà chúng ta làm thi, tác kệ, thấy không, thấy sáng, thấy Phật, thấy Tiên, thấy bay... là do hai thức này, hai tên giăc cướp này khởi tác dụng của chúng.

Nay chúng ta mượn câu thoại đầu chuyển thức thành trí, phàm thành thánh, khiến cho bọn giặc ác ôn xưa nay tham trước sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không còn xâm phạm tâm tánh mình được.

Bởi lẽ này mà thí dụ việc dùng thoại đầu giữ tâm tánh an định như việc thủ thành nghiêm mật, không cho một ai ra vào.

Hàn Sơn Tổ sư nói:

 

Cao cao sơn đảnh thượng,
Tức cố cực vô biên.
Tỉnh tọa vô nhân thức,
Cô nguyệt chiếu hàn tuyền.
Tuyền trung thả vô nguyệt,
Nguyệt thị tại thanh thiên.
Ngâm thử nhất khúc ca,
Ca trung bất thị Thiền.

Cao cao trên chót vót,
Bốn phía cảnh mênh mông.
Im ngồi không ai biết,
Suối lặng trăng soi hình.
Suối kia đâu có nguyệt,
Nguyệt thật tại trời xanh.
xem đừng ngâm vịnh,
Ngâm vịnh, Thiền chẳng thành.

Tuy nhiên hành giả nên chú ý, nên suy nghĩ nhiều về công án, đừng dụng công mình nột cách tạp nhạp. Tại sao vậy? Xin dẫn sau đây một vài sự kiện để cùng hiểu rõ hơn:

1.- Vị Tổ sư ngày xưa sáng lập chùa Tất Đàn ở núi Kê Túc, sau khi xuất gia đi hành cước học hỏi khắp nơi, dụng công biện đạo tinh tấn phi thường.

Một hôm đi đến một thành phố, trời tối phải vào lữ điếm ngủ trọ. Đêm khuya, ngồi tham thiền nghe nhà bên cạnh có tiếng cô gái nấu đậu hủ:

Trương đậu hủ, Lý đậu hủ,
Trẩm thượng tư lương thiên điều lộ.
Minh triêu nhưng cựu đả đậu hủ.

Ông Trương, ông Lý làm và bán đậu hủ
Đầu kê gởi mộng mơ nghìn chuyện
Nhưng sáng ra vẫn nấu đậu và gánh đậu hủ đi bán, có khác gì nhau đâu.

Nghe cô gái hát như thế, Tổ sư liền hoát ngộ.

2.- Một sư cô Nhật theo học thiền rất lâu, nhưng không đạt được két quả gì. Sau cùng, một đêm trăng thạt sáng, ni cô quảy thùng ra gánh nước. Bóng trăng in hình trong nước rất đẹp. Ni cô kề vai gánh thùng đi được một đoạn đường. Thùng cây quá cũ được ràng lại bằng nan tre. Bỗng dưng nan tre đứt, thùng bể nước xòa hết xuống đất. Trong giây phút đó, ni cô giác ngộ. Để kỷ niệm, cô viết một bài thơ:

 

Bằng cách ràng nan tre,
Ta cứu được chiếc thùng cũ.
Nan tre yếu lâu ngày mục đi,
Rồi nan đứt, thùng vỡ luôn.
Không còn nước trong thùng,
Không còn trăng trong nước.

3.- Một phụ nữ Ấn Độ đội tĩn ra bờ sông để tắm và múc nước đem về. Đến sông cô lội xuống nước, lực dòng nước nhận chìm tĩn xuống. Nước tràn vào đầy trong tĩn, mà tĩn cũng nằm trong trong nước sông tràn ngập.

Thi sĩ Ấn Độ Kabir viết hộ thiếu nữ bài thi: Tắm ở sông Madhya Pradesh.

 

La jarre est dans l'eau,
L'eau dans la jarre.
Au dehors et au dedans,
Rien que de l'eau.

Tĩn ở trong nước,
ở trong tĩn.
Bên trong và bên ngoài tĩn,
Toàn là nước với nước.

4.- Xưa kia hòa thượng Đỗ Từ chuyên thiền, rời chùa đi khắp nơi tham vấn. Một hôm, vào một chợ nọ đang buổi nhóm đông đủ kẻ bán người mua. Lúc đi ngang qua một cửa hàng thịt, thấy nhiều người đang xúm xít kêu chủ hiệu cắt thịt tươi và ngon bán cho mình. Chủ hiệu hốt nhiên nổi giận, quăng dao xuống đất lấy tay trỏ vào thân mình và đáp: "Vậy khối nầy đây, không phải là thịt tươi và ngon hay sao?"

Đỗ Từ hòa thượng nghe câu nói này đốn nhiên giác ngộ.

Theo đó, ta biết được sự dụng công của người tu hành, tham thiền, không phải định ngồi yên ở thiền đường mới dụng công được, mà bất cứ ở đâu, nơi nào làm gì bất luận như gánh nước, bửa củi, mua bán làm ăn, thậm chí lăn lóc giữa chợ đời cũng dụng công và đạt được kết quả như thường.

Vì rằng: Tu hành, dụng công quý ở chỗ chuyên tâm, đừng bao giờ phân tâm tán loạn, chẳng phân động tịnh, không cạnh tranh mà dù ở nơi chợ búa thậm chí vào ổ điếm đi chăng nữa.... thì vẫn xem nơi nào cũng là chỗ tốt hết.

Việc tu hành, muốn nói dễ thì không dễ gì hơn; còn muốn nói khó thì thật là rất khó.

- Dễ: Vì cốt yếu không gì khác hơn là hễ buông thì phải buông cho triệt để, buông cho rơi tới tấp, cho sát đất; hễ tin là phải đến chỗ thật tin, gìn lòng kiên cố và lâu dài.

Thực hiện hoàn toàn đầy đủ mấy điều kiện này là hoàn toàn thành công.

- Khó: Ở chỗ chúng ta ai cũng sợ khổ, muốn sướng mà không suy nghĩ không biết rằng trên thế igan này, dù muốn làm một việc tầm thường, người ta cũng phải trải qua một thời kỳ học tập, nhiên hậu mới thành công, hà huống là việc học thánh hiền, thành Phật, tác Tổ. Như vậy, há bồn chồn, hùng hổ trong một lúc mà có kết quả được sao?

Sở dĩ người tu hành phải có tâm kiên cố thiết yếu bậc nhất như vậy là tại sao? Vì người tu hành biện đạo không ai khỏi bị ma chướng. Ma chướng tức là trần lao nghiệp cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là oan gia sanh tử của chúng ta.

Do đấy, nhiều vị pháp sư giảng kinh khuyên chúng ta không nên dừng chân lưu luyến với cái trạm cảnh giới này, vì biết rằng cái lưu luyến ấy là nguyên nhân của tâm không kiên cố.

Còn nói giữ tâm lâu dài là như thế nào?

Chúng ta sanh trên thế gian này, tạo không biết bao nhiêu nghiệp. Nay dù có quyết tâm tu hành, tưởng đến việc ra khỏi vòng sanh tử... thì đâu có thể trong nhất thời dứt bỏ được tập khí. Tập khí, đại thừa chia ra làm ba thứ:

1.- Hiện hành.
2.- Chủng tử.
3.- Phần khí.

Dù đã hàng phục được hiện hành, đoạn các chủng tử, vẫn còn cái phần khí là cái cảm nhiễm lâu đời, nó có thể hiện hành những tư tưởng, lời nói, việc làm, tham, sân, si v.v... Tóm lại là hoặc tưởng.

Xưa nay chư Tổ dầy công lắm lắm, như Trường Khánh thiền sư đã ngồi nát bảy chiếc bồ đoàn mới ngộ đạo. Tổ Triệu Châu phải bỏ bốn mươi năm trong tám mươi tuổi hạc tham khán một chữ "Vô", không bao giờ dùng tâm tạp nhạp, nhiên hậu mới được đại triệt ngộ.

Chúng ta nay nên theo gương chư Tổ bỏ những sợi lông tập khí, lóng sạch cõi lòng đến chỗ nhất niệm, thì chúng ta sẽ đồng hàng với chư Phật, chư Tổ.

Kinh Lăng Nghiêm có câu: "Như trừng trược thủy, trữ ư tịnh khí, tĩnh thâm bất động. Sa thổ tư trầm, thanh thủy hiện tiền, danh vi sở phục khách tràn phiền não, như nê thuần thủy, danh vi vĩnh đoạn căn bổn vô minh. Nghĩa là như lóng nước dơ, phải để nước vào bình sạch và đừng cho xao động. Cát đất tự chìm, nước trong xuất hiện, ấy gọi là bước đầu trên đường hàng phục khách trần phiền não. Lọc bùn để còn thuần nước là vĩnh viễn chặt dứt gốc rễ vô minh vậy. Phiền não (phiền tâm, não thân) là một lối gọi tham muốn, giận hờn, si mê (tham, sân, si) vì ba độc này làm phiền tâm (làm cho tâm lộn xộn, bối rối) và não thân (làm cho thân nổi giận, buồn bực) nên gọi là phiền não.

Tập khí phiền não của chúng ta như bùn cặn. Ta phải dùng thoại đầu như dùng phèn chua để lóng (để hàng phục phiền não).

Dụng công đến chỗ thân tâm nhất như(3), rồi khi tịnh cảnh hiện tiền, ta nên chú ý điều này là đừng dừng bước ở dó mà nên biết rằng đây mới là bước đầu mà thôi, phiền não vô minh chưa đoạn trừ hết đâu.

Từ tâm phiền não đến tâm thanh tịnh ví như nước dơ đã lóng thành nước sạch, tuy nhiên bùn cặn ở đáy vãn chưa khử hết. Phải gia công thêm và đi tới nữa.

Người xưa đã dạy:

 

Bách xích can đầu tọa đích nhân,
Tuy nhiên đắc kiến vị vi chân.
Nhược năng can trùng đầu tấn bộ,
Thập phương thế giới hiện toàn chân.

Trăm thước đầu sào dù đã tới,
Chân như nào đã thấy gì đâu.
Nhược bằng từ đấy bước thêm nữa,
Thế giới mười phương hiện rõ ràng.

Nếu không tiến nữa, tức là nhận cảnh này làm nhà. Đó là nhận "Hóa thành" tức là Niết bàn của hàng Thanh văn, Duyên giác, chứ chưa phải là Niết bàn của Phật. Nghĩa là chưa phải mức cuối cùng của con đường tu giải thoát.

Đó là cái thành mà Phật tạm hóa ra cho khách tu hành dừng chân dưỡng sức để đi tới nữa (Kinh Pháp Hoa).

Như vậy là phiền não vẫn còn có cơ hội phục phát, khó làm một người tự liễu sanh thoát tử.

Do đó mà phải "bỏ bùn giữ nước" như trong cách lọc nước nói trên. Được vậy, mới vĩnh viễn chặt đứt gốc rễ vô minh và mới thành Phật được.

Vĩnh đoạn xong phiền não rồi, chừng ấy chúng ta mới gánh vác được cái nhiệm vụ hiện thân thuyết pháp trong các thế giới mười phương như Bồ tát Quán Thế Âm có ba mươi hai tướng ứng hiện, cần thân nào để khả dĩ độ chúng sanh là hiện thân ấy mà thuyết pháp. Bấy giờ thì lầu xanh, quán rượu, bò ngựa, bào thai, thiên đường, địa ngục.... đều là những nơi mà chúng ta qua lại tự tại, không còn bị gì trói buộc nữa.

Sau đây là một câu chuyện dụng công tu hành kiên cố, lâu dài, gương mẫu:

Xưa kia, ở Châu Dương có một người nghèo nàn vào chùa xin xuất gia, tâm luôn tưởng đến việc tu hành, làm việc rất cực nhọc, nhưng không biết khổ là gì, cũng không hay nghỉ ngơi.

Một hôm, có vị tăng đến chùa ngủ trọ, thấy anh ta lúc nào cũng công việc bận rộn... mới hỏi thường làm công việc gì.

Đáp: chỉ làm tất cả công việc cực nhọc và xin vị tăng chỉ cho phương pháp tu hành.

Vị tăng bèn dạy anh tham khán thoại đầu: "Ai niệm Phật đây?"

Từ đó trọn ngày, bất luận làm việc gì, anh đều nắm chặt câu ấy trong tâm mà xem xét mãi. Về sau lại lên núi vào hang đá ẩn tu, kết cỏ làm áo, lấy vỏ cây mà ăn.

Lúc ấy anh còn một mẹ già và một người chị ở nhà. Nghe biết anh tu hành kham khổ, mẹ bảo chị anh mang ít thức ăn, gạo, muối và một xấp vải nhỏ cho anh.

Tới hang chị thấy anh chàng ngồi bên trong, nhưng kêu không đáp, lay không động, không biết làm sao, chị để lại đó các món quà rồi ra về.

Mãi đến mươi ba năm sau, bà chị trở lại cũng vẫn thấy vải, muối gạo còn y nguyên chỗ cũ.

Về sau, có một người vào núi lánh nạn, đói khát và lần đi đến hang, thấy một tu sĩ quần áo lang thang, bèn vào xin ăn. Anh ta bèn ra trước động, lượm ít hòn đá cuội bỏ vào nồi, múc nước suối đổ vào rồi nổi lửa nấu. Một chập sau đem ra cùng nhau ăn rất ngon, như khoai hấp.

Khách ăn no, cáo từ. Anh ta dặn đừng nói cho ai biết việc này.

Thời gian trôi qua!

Khi đã già, sư nghĩ: "Mình tu đã lâu rồi, nay đến kết duyên độ người. Bèn bỏ động xuống hạ môn dựng một chòi tranh bên ven đường cái, để nước cho khách bộ hành.

Bây giờ là năm Vạn Lịch, vua Thần Tông triều nhà Thanh, Hoàng Thái hậu thăng hà. Nhà vua đang nghĩ đến việc thỉnh các bậc cao tăng cầu siêu. Nhưng ở Kinh đô không có được những bậc tu hành đạo đức. Vua còn đang suy nghĩ lưỡng lự. Hoàng Thái hậu ứng mộng cho biết ở Dương Châu, tỉnh Phước Kiến có bậc cao tăng.

Hoàng đế cho người đến tận nơi thỉnh khá nhiều sư có danh lai Kinh. Khi đoàn các sư đi ngang chòi thí nước, Sư chủ chòi thấy cảnh đông đảo mới hỏi. Các sư trong đoàn đáp: "Chúng tôi vâng chỉ lai Kinh để thay Hoàng đế cầu siêu cho Thái hậu".

Nghe nói "Lai Kinh", Sư ta liền hỏi: "Tôi có thể theo quý thầy được chăng?"

- Bộ vó ông khổ não quá! Làm sao mà cùng đi theo cho được.

- Tôi không biết tụng kinh, nhưng nếu quý thầy cho theo gánh hành lý phục vụ quý thầy, để tôi biết Kinh đô một phen thì hay biết mấy.

Chư tăng nhận lời. Thế là Sư đóng cửa chòi ra gánh hành lý cùng đi theo đoàn. Nghe tin đoàn sắp đến, nhà vua dạy người lấy một bộ kinh Kim Cang bí mật đem đặt dưới lớp ván ở cửa ra vào hoàng cung. Không hay biết gì cả, chư tăng kẻ trước người sau dẫm lên mà đi, trừ vị "khổ não Hòa thượng" đi sau chót. Không biết thế nào mà đến trước ngưỡng cửa, ông ta chân quỳ tay chắp chẳng chịu vào. Quân lính thúc dục, ông vẫn quỳ mãi không đứng lên. Nghe tin báo, nhà vua suy nghĩ và cho là thánh tăng đã đến. Vua bèn ra hỏi: "Tại sao không vào?"

- Dưới đất có kinh Kim Cang, nên không dám đạp chân lên.

- Biết vậy sao không đảo ngược thân mà đi?

Nghe xong, Sư khổ não bèn "trồng chuối ngược", hai tay chống xuống đất, đưa chân lên trời mà vào. Hoàng đế hết sức kính trọng, cho bày yến tiệc thết đãi.

Được hỏi về cách lập cầu siêu, Sư khổ não đáp:

- Ngày mai canh năm khai đàn. Đàn đặt trên một cái đài, chỉ lo cho một lá phan tiếp dẫn, chút đèn, hương và một mâm ít trái cây là đủ.

Nhà vua không vui, cho như thế là quá đơn sơ, không long trọng và không đủ lễ cúng. Và bụng lại nghi cho Sư không phải là bậc đạo đức sâu dầy.

Để thử Sư, nhà vua cho hai thế nữ đưa Sư vào phòng tắm gội trước khi hành lễ. Tắm xong, hạ thể của Sư trước sau như vậy không hề động! Ngự sử đem việc này tâu lên. Hoàng đế càng thêm vui kính và y theo lời Sư khổ não mà lập đàn.

Sáng hôm sau, Sư lên đài, đọc một bài cáo rồi cầm phan đến trước linh vị, nói:

 

Ngã bổn bất lai,
Nễ biến yêu ái.
Nhất niệm vô sanh,
Siêu thăng thiên giới.

Ta vốn chẳng tới lui,
lại nhiều tham muốn.
Một niệm nếu không sanh,
Bay vượt về thiên giới.

"Ta" ám chỉ cho Phật tánh hay Như Lai tạng, bất khứ bất lai, không sanh không diệt. "Ngươi" ám chỉ cho tánh phàm thân, vì có tham dục, vọng tưởng nên luân hồi chuyển kiếp.

Pháp sự làm xong, Sư tâu:

- Tôi xin kính mừng Bệ hạ, Thái hậu đã giải thoát rồi.

Nhà vua rất nghi ngờ. Cúng lễ như thế này mà bảo là xong rồi, thì e cho công đức chưa được đầy đủ thì làm sao linh hồn được siêu thăng?

Thì ngay lúc ấy, trong phòng có tiếng Thái hậu bảo: "Hoàng thượng hãy làm lễ cám ơn Thánh tăng đi, ta đã được siêu thăng rồi".

Vua vừa kinh ngạc, vừa vui mừng! Liền quỳ xuống bái Sư và thiết trai cúng dường ngay trong cung.

Trong lúc ngồi ăn, Sư thấy vua mặc cái xiêm thêu hoa rất đẹp. Sư nhìn xem chăm chỉ, nhà vua thấy thế hỏi: "Đại đức thích chiếc xiêm này ư?" Nói xong liền cởi tặng Sư, đồng thời phong Sư là "Long Khổ Quốc Sư".

Tiệc chay xong, Hoàng đế thỉnh quốc sư đi dạo huê môn. Tại đây có một ngọn bảo tháp. Sư thấy tháp lòng rất hoan hỷ, đứng chiêm ngưỡng thật lâu. Vua hỏi: "Quốc sư có thích ngọn tháp này không?". Sư đáp: "Tháp này đẹp quá".

- Trẫm xin dâng cúng Quốc sư đó.

Nói xong, vua vừa muốn ra lệnh cho người triệt hạ ngọn tháp đưa về Châu Dương xây cất lại cho Quốc sư. Sư ngăn lại và bảo:

- Xin đừng cho dỡ, tôi có thể nguyên vẹn cầm tháp đi.

Nói xong Quốc sư đưa tay nhấc ngọn tháp để vào tay áo rồi bay lên trên không đi mất. Vua hết sức kinh ngạc, vui sướng cho là việc hy hữu.

Hòa thượng Hư Vân nói:

- Chúng ta nghĩ gì về câu chuyện này?

Lão Quốc sư này một khi đã xuất gia rồi, thì không để cho tâm còn tạp nhạp, cứ nhắm một con đường mà đi, lòng dạ cương quyết, chị đến thăm cũng không lơi việc tu hành, quần áo lang thang cũng không quản, xấp vải mẹ cho mười ba năm cũng không rớ đến.

Chúng ta nên quày đầu tự xét coi chúng ta có dụng công được đến mức đó không?

Những người lòng tin sâu dầy, đầy đủ... đã ra sức dụng công nhiều rồi thì công phu tham vấn các bậc trên trước, sư phó... đương nhiên cũng đã thuần thục rồi vậy.

Tuy nhiên trong chỗ thuần thục ấy, chỉ cần nên biết dụng công sâu sắc thêm lên, nên đi tới nguồn tới đáy, nên làm sao cho sự lý dung hòa hoàn toàn, cho lúc động cũng như khi tịnh không gặp một chướng ngại nào.

Chẳng nên ngồi chết một chỗ chìm trong cái "Không", nắm giữ cái vắng vẻ, ham dính với cảnh yên lặng. Đam mê trong cảnh yên lặng mà chẳng trợ cái yên lặng đó bằng sự gia tăng sức hồi quang phản chiếu, ấy là cá trong nước chết, hết hy vọng làm rồng vượt lạch. Đó là cá, rồng bị kẹp trong băng giá, là vật vô dụng vậy!

Chỗ dụng công của người sơ phát tâm là nên xót nghĩ đến sự sanh tử, sanh lòng biết xấu hổ và ném quách muôn duyên đang ràng buộc thân mình, như thế mới gọi là dụng công có lực lượng. Bằng không ném, không rời thì sự sanh tử quyết không thoát được.

Từ vô thủy, chúng ta bị thất tình lục dục làm mê loạn. Còn hiện tại thì từ sáng đến tối, chúng ta ngày ngày đều sống trong cảnh âm thanh sắc tướng, chẳng biết đến cái thường trú của chúng ta. Do đó, mà chìm đắm trong biển khổ. Nay chúng ta đã tỉnh thức, thấy ở thế gian này tất cả đều là khổ não.

Vậy khá nên tận tình vứt bỏ hết cả, để thành Phật ngay tại chỗ đứng của mình.

Nay cơ duyên hội đủ, chúng ta nên dũng mãnh tinh tiến trong ngoài mà tu.

- Trong tu là một mình tham khán thoại đầu "Ai niệm Phật", "Niệm Phật là ai" hoặc mật niệm danh hiệu A Di Đà Phật, không khởi tham, sân, si, khuể.... còn bao nhiêu tư tưởng, nhớ nghĩ khác, phải dùng Pháp tánh Chân như tống ra ngoài hết.

- Ngoài tu là chẳng sát sanh mà phóng sanh, đem mười điều dữ chuyển thành mười điều lành, chẳng nên từ sáng đến chiều rượu thịt dẫy đầy tạo vô biên tội nghiệp.

 

Phù sinh nhược mộng.
Ảo chất phi kiên.
Bất bằng ngã Phật chi từ,
Hạt toại siêu thăng chi lộ.

Đời người giấc mộng,
Thân xác chẳng bền.
Không nương lòng phật từ bi,
Há thỏa siêu thăng ước nguyện.

Trong chỗ sanh hoạt, chúng ta như ngủ nằm chiêm bao, như xem trò ảo thuật, điên điên, đảo đảo, chẳng thấy biết được cái vĩ đại của Phật, không nghĩ đến việc ra khỏi sanh tử, mãi chịu nổi chìm, tùy nghiệp lực mà thọ báo.

Phật, Bồ tát có hạnh nguyện từ bi, hỷ xả mạnh lớn năng khiến chúng ta xa lìa biển khổ đến bờ quang minh.

- Từ bi là trước cảnh chúng sanh đau khổ quá nhiều, dùng tâm thương xót mà cứu độ, khiến chúng sanh hết khổ được vui.

- Hỷ xả là thấy chúng sanh làm một công đức, hoặc phát ra một tư tưởng tốt lành, liền vui theo mà khen ngợi, rồi tùy nhu cầu của họ mà giúp đỡ những ai quyết tâm tu hành chân chánh.

Bụi hồng cuồn cuộn, chợ búa ồn ào... không phải là nơi đem công phu tâm tư để ngồi yên tham khán thoại đầu đâu. Chúng ta là người của đô thị phồn hoa, phải là người có căn lành thâm hậu mới được yên may, mới làm được cái việc lớn là hồi quang phản chiếu.

Trong quá khứ, các nhà tu thiền muốn đi tham vấn các phương, nếu chẳng đi bộ thì không còn phương tiện nào khác. Hiện tại thì xe lửa, xe hơi, tàu thủy, phi cơ đủ loại... hóa ra ai cũng nghĩ tưởng đến sung sướng mà không nghĩ đến việc kham khổ, thành ra đâu đâu cũng là phóng dật, càng ngày càng trói buộc thêm nhiều.

Chùa Phật, Phật học viện tùy thời mà mọc lên và số pháp sư càng thêm đông đúc. Do đó, vấn đề căn bản tu hành bị bỏ rơi, ít ai đoái hoài nghĩ tưởng đến. Từ sớm đến chiều người ta chuyên cầu tri giải, nói năng biện luận thông suốt hay ho, thao thao bất tuyệt mà chẳng cần tu chứng... Họ quên đi mất là phải tu chứng mới giải quyết được căn bản.

Vĩnh Gia thiền sư trong bài Chứng Đạo Ca, có đoạn:

 

- Đản đắc bổn, mạc sấu mạt,
Như tịnh lưu ly hàm bảo nguyệt.
Ta, mạt pháp, ác thời thế!
Chúng sanh phước bạc nan điều chế.
Khứ thánh viễn hề, tà kiến thâm,
Ma cường pháp nhước đa khủng hại
Văn thuyết Như Lai đốn giáo môn,
Hận bất diệt trừ linh ngã toái.

- Tác tại tâm, ương tại thân,
Bất tu oán Tổ cánh vưu nhân.
Dục đắc bất chiêu vô gián nghiệp,
Mạc báng như Lai cháp pháp luận.
Ngô lão niên tích học vấn,
Diệc tằng thảo sớ tầm kinh luân.
Phân biệt danh tướng bất tri lưu,
Nhập hải toán sa đồ tự khốn.
Khước bị Như Lai khổ hà trách,
Số tha trân bảo hữu hà ích?


Quí ở gốc, lo chi cành,
Như ngọc lưu ly ngậm ánh trăng.
Ôi! Mạt pháp, ác thời thế,
Chúng sanh phước mỏng không điều chế.
Hiền thánh xa rồi tà vạy sâu,
Ma mạnh, pháp yếu nhiều ác tệ.
Nghe nói Như Lai phép đốn tu,
Hận chẳng nghiền tan như ngói bể.

- Tại tâm làm, tại thân chịu,
Đừng có kêu oan chớ trach người.
Muốn khỏi nghiệp vương muôn kiếp lụy,
Vành xe chánh pháp chớ chê cười.
Ta sớm bao năm chuyên học vấn,
Từng viết sớ sao tìm kinh luân.
Phân biệt danh tướng mãi không thôi,
Vào biển đến cát tự chuốc hận.
Rõ ràng bị như Lai quở trách,
Châu báu của người có ích gì.
(Nguyễn Đức Tiến dịch).

 

Và đây một câu chuyện khác cho ta thấy việc làm con sâu mọt kinh sách, đọc, học thật nhiều để mà tri giải, thông hiểu, nói năng biện luận rất tài... mà không cần tu chứng thì không đi đến đâu, không làm sao giải quyết được vấn đề căn bản: liễu sanh thoát tử. Như vậy công phu tu tập ở chùa là vô ích thôi!

Thần Toàn thiền sư lúc nhỏ đi tìm đạo, thân cận Bách Trượng thiền sư và được khai ngộ. Nghĩ đến công ơn sư phụ xưa kia đã dìu dắt mình trong bước đầu, Thần Toàn trở về chùa cũ phục vụ thầy xưa.

Thầy cũ hỏi:

- Lúc xa ta, đi ra ngoài, ông đã lập được sự nghiệp gì?

- Không lập được gì!

Thầy bảo Thần Toàn ở lại giữ việc chùa như trước.

Một hôm thầy tắm, nhờ Toàn kỳ lưng dùm. Vừa xoa vừa vỗ lưng thầy, Toàn nói:

- Có một Phật đường rất tốt, nhưng Phật bên trong không linh.

Thầy không nhận ra ý của lời nói này, quay đầu nhìn đệ tử. Toàn lại nói tiếp:

- Phật tuy không linh, nhưng hay phóng quang được.

Lại một hôm khác, trong khi thầy đang xem kinh. Thần Toàn thấy gần đó một con ong cứ đâm đầu vào giấy phất cửa để tìm lối ra. Toàn nói:

- Thế giới rộng lớn như kia mà không khứng bay ra, lại cố xoi lớp giấy cũ này!

Nói xong, Toàn lại đọc luôn một bài kệ:

 

Không môn bất khả xuất,
Đầu song dã thái si.
Bách niên toàn cố chỉ,
Hà nhật xuất đầu thì.

Cửa không chẳng khứng xuất,
Song bít lại bổ vào.
Trăm năm cố xoi giấy,
Ngày nào mới lọt đầu?

Thầy của Toàn nghe, cho Toàn có ý thóa mạ mình, bèn xếp kinh lại, hỏi:

- Ông ra ngoài, đi đây đi đó một thời gian, đã gặp được ai, học được những gì mà lại lắm lời như thế?

- Từ ngày từ giã thầy, con vào làm môn hạ cho Bách Trượng thiền sư và đã được hòa thượng chỉ cho chỗ rốt ráo. Nhân nhớ sư phụ tuổi già, sức yếu nên con về đền đáp từ đức của sư phụ vậy.

Nghe xong, bổn sư của Toàn kêu đồ chúng trong chùa đặt trai đàn thỉnh Toàn thuyết pháp. Toàn thăng tòa, theo môn phong của Bách Trượng phát ngôn:

 

Linh quang độc diệu,
Quýnh thoát căn trần.
Thể lộ chân thường,
Bất cấu văn tự.
Tâm tánh vô nhiễm,
Bổn tự viên thành.
Đản ly vọng duyên,
Tức như chư Phật.

Linh quang sáng riêng,
Xa khỏi căn trần.
Thể rõ chân thường,
Chẳng chấp chữ nghĩa.
Tâm tánh không nhiễm,
Vốn sẵn hoàn toàn.
Chỉ lìa vọng duyên,
Thì là như Phật.

Lọt vào tai, thầy cảm ngộ, nói: "Sao ta đợi già đến tuổi này mới nghe được lời cùng cực?"

Nói xong, thầy bèn đem hết mọi việc nhà chùa giao cho Thần Toàn và làm lễ tôn Thần Toàn lên làm thầy.

(1) Ngồi thiền mà thấy ma, thấy Phật thì nên biết hai cảnh ấy đều do vọng tưởng sanh ra, cho nên phải dùng gươm trí tuệ mà trừ.

(2) Ý Hư Vân nói: xuất thiền rồi làm thi, viết kệ để bày tỏ sự chứng ngộ, hoặc tuyên bố là đã được trực ngộ chân không, hay thấy hào quang, chư Phật... đều là còn bị vọng tưởng sai sử đó. (Nôm na hơn: bị tẩu hỏa nhập ma đó! Coi chừng vậy!).

(3) Nhất như: Nhất là không phải hai, như là như vậy mãi mãi, không sai khác. Nhất như là lý của chân như. Nói thân tâm nhất như là ý nói không còn sự chia rẽ giữa tinh thần và vật chất, là thể nhập vào cái một bất sanh bất diệt.

(Trích dẫn sách Tiểu sử ngài Hư Vân Hòa thượng, Thanh Lan Võ Ngọc Thành biên soạn).

Hòa thượng Hư Vân

Nghiên cứu: