Giấc mơ của chúng ta là chuyển hóa được tình trạng đó, làm cho mọi người có thể đến được với nhau, chia sẻ với nhau những tâm tình, những khó khăn, những ước vọng...
Nối lại nhịp cầu
Giấc mơ của tôi không phải là một phương tiện giúp tôi trốn tránh thực tại, lãng quên thực tại. Giấc mơ của tôi là một năng lượng giúp tôi đối diện được với thực tại và chuyển hóa được thực tại. Bạn hãy hình dung một gia đình trong đó cha mẹ không hiểu được nhau và cha mẹ cũng không hiểu được con trai và con gái của mình, một gia đình mà trong đó những người trẻ không có khả năng truyền thông với cha mẹ. Có những người làm cha mẹ vì bị thất chí, hoặc đã từng bị cuộc đời bạc đãi, hoặc vì đã từng bị bầm dập ngay từ hồi ấu thơ, nên đã cất chứa trong thân tâm nhiều nỗi bực dọc, oan ức và thù hận. Những năng lượng bạo động đó, vì các vị chưa biết cách chuyển hóa, càng ngày càng được dồn chứa nhiều thêm. Mỗi khi chúng phát hiện, các vị lại làm khổ nhau và làm khổ các đứa con của các vị. Người trẻ tiếp nhận bạo động mà không dám chống trả, bởi vì các vị kia là cha mẹ của họ. Vì vậy cho nên người trẻ để cho những bạo động ấy dồn chứa vào thân tâm mình, rồi để sau này chúng được phát hiện nơi học đường hoặc ngoài xã hội. Hiện tượng bạo động, phá phách và giết chóc của người trẻ ở học đường và ngoài xã hội là một trong những triệu chứng bất an lớn của thời đại chúng ta, ở Tây phương cũng như ở Đông phương. Sự tiếp thu bạo động từ phim ảnh, sách báo và băng đảng... càng làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng. Nếu ta không biết cách tu tập và chuyển hóa bản thân, chuyển hóa gia đình và học đường thì ta sẽ đi vào ngõ cụt, ta sẽ phá hoại cả cuộc đời của ta.
Giấc mơ của chúng ta là chuyển hóa được tình trạng đó, làm cho mọi người có thể đến được với nhau, chia sẻ với nhau những tâm tình, những khó khăn, những ước vọng... Tôi có rất nhiều người bạn trẻ biết tu tập, biết chuyển hóa, giúp được cả cha mẹ và gia đình mình chuyển hóa, đem lại tình thương và hạnh phúc trong đời sống gia đình và xã hội của mình. Họ có khả năng hiểu được những khó khăn và những khổ đau của cha mẹ. Với sự thực tập, họ ôm được những nỗi khổ niềm đau của họ để dần dần chuyển hóa, và sau đó giúp cho cha mẹ của chính mình chuyển hóa. Họ đem lại cho tôi một niềm tin lớn. Chúng ta không bí lối. Chúng ta có con đường thoát. Có được con đường rồi chúng ta sẽ không còn lo sợ gì nữa. Chúng ta chỉ cần nắm tay nhau cùng đi. Tổ tiên của chúng ta cũng đã từng đi trên con đường ấy. Con đường ấy là con đường của tình huynh đệ, cao quý hơn bất cứ một chủ nghĩa hay một tôn giáo nào.
Trong giấc mơ của tôi, chúng ta có thể ngay từ ngày hôm nay, bắt đầu thực hiện được chuyện đó. Tại Làng Mai nơi chúng tôi cư trú, ai cũng được học phương pháp thực tập lắng nghe với tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ. Người kia là cha mình, mẹ mình, anh mình, chị mình, em mình, bạn mình, người yêu của mình hay người bạn hôn phối của mình. Người ấy có những nỗi khổ, niềm đau, những khó khăn, những cái bất đắc chí, những ước vọng... mà người ấy chưa nói ra được. Những khi cảm thấy bức xúc quá, người ấy thường nói ra những điều chua chát, trách móc, buộc tội, la rầy... chỉ có tác dụng gây thêm đổ vỡ, đổ vỡ trong bản thân của người ấy cũng như đổ vỡ trong ta và trong gia đình. Thực tập lắng nghe và sử dụng ái ngữ là những gì chúng ta có thể sử dụng để giúp cho người ấy. Nếu bạn biết nghệ thuật theo dõi hơi thở để làm lắng dịu thân tâm thì bạn đã có thể thực tập ái ngữ và lắng nghe. Với giọng nói chân thật, ôn tồn và đầy ưu ái, bạn có thể nói, ví dụ: “Con biết là trong những năm qua, bố có rất nhiều khó khăn, nhiều nỗi thương tâm mà bố không nói ra được. Con đã không giúp được bố mà con lại còn trách móc, than phiền, chống đối và giận hờn bố, và làm cho tình trạng càng ngày càng khó khăn thêm. Nay con đã thấy được điều đó, con rất hối hận, và con tự hứa từ nay trở đi, con không còn dại dột như thế. Con sẽ không còn dám trách móc, than phiền hay thách đố bố, và con muốn làm được một cái gì đó để giúp bố bớt khổ. Bố ơi, con muốn được bố tâm sự với con, nói cho con nghe những gì bố chưa nói ra được, để con có thể hiểu được những khó khăn, những phiền muộn của bố. Con muốn được chia sẻ niềm đau của bố, con muốn cùng gánh chung với bố những phiền muộn khó khăn ấy. Trong quá khứ con đã dại dột trong cách suy tư, nói năng và hành động của con. Xin bố nói cho con nghe về những cái dại dột ấy để từ nay con không còn nghĩ, nói và làm như thế nữa. Con muốn làm được những gì bố đã muốn làm nhưng chưa làm được. Con muốn con là một sự tiếp nối đẹp đẽ của bố. Con muốn bố sẽ tự hào về con. Nhưng con cần bố giúp con. Trước hết con xin bố nói cho con nghe về những vụng về dại dột của con đi. Con hứa sẽ ngồi lắng nghe bố mà không cãi bướng hoặc phản ứng như xưa nay. Con xin bố giúp con.”
Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương
Những lời trên, bạn phải nói bằng một tấm lòng chân thật, một quyết tâm muốn thay đổi, một quyết tâm muốn lắng nghe để giúp cho cha mình bớt khổ. Phương pháp này gọi là phương pháp lắng nghe với lòng xót thương, đạo Bụt gọi là bi thính, tại Làng Mai chúng tôi dịch là compassionate listening. Bạn có hạt giống của lòng xót thương ấy chôn sâu trong lòng mà bạn cứ nghĩ là bạn không thể tha thứ được, không thể chấp nhận được, không thể thương yêu được, bởi vì bạn nghĩ người kia đã nói đã làm những điều đã làm tan nát hết. Nhưng nếu nhìn kỹ lại (trong đạo Bụt gọi là quán chiếu ) bạn sẽ thấy sở dĩ người kia đã làm và đã nói như thế tại vì người kia có quá nhiều khổ đau bực dọc trong tâm mà không biết cách quản lý và chuyển hóa được cho nên người ấy đã làm vung vãi khổ đau của người ấy ra chung quanh và nhất là trên bạn. Bạn đừng tưởng chỉ có bạn mới là nạn nhân, là người nhận hết thương tích. Người kia sau khi đã nói, đã làm như thế cũng trở thành nạn nhân như bạn, cũng đã mang thêm vào người nhiều thương tích như bạn. Thấy được sự thật là người ấy đang khổ và đang không có lối thoát cho nên bạn cảm thấy lòng xót thương nơi bạn bắt đầu trào dâng. Đó là hạt giống của từ bi nơi bạn đang được tưới tẩm và đang phát hiện thành năng lượng. Và tự nhiên bạn thấy có khả năng tha thứ, chấp nhận và thương yêu. Bạn muốn người ấy nói ra được nỗi lòng để cho người ấy bớt khổ. Đó là ý tốt, đó là tâm thương yêu, đó là nguyện lành. Bạn đang trở thành vị bồ tát Quan Thế Âm, bởi vì Quan Thế Âm là người có khả năng lắng nghe với tâm xót thương. Bạn đừng tưởng đức Quan Thế Âm là một thiên thần đang đứng trên mây. Quan Thế Âm là hạt giống của tình thương chôn vùi trong tâm thức bạn, đã được tưới tẩm bởi sự quán chiếu, và đang trở thành năng lượng giúp bạn có thể lắng nghe người kia với lòng xót thương. Nếu bạn có thể nói ra được những lời trên kia tự đáy lòng, thì người kia, trong trường hợp này là ông thân sinh của bạn, sẽ cảm được tấm chân tình ấy, và trái tim của ông sẽ mở ra. Bạn phải hết sức thành khẩn mới thành công được. Và khi ông nói ra, ông có thể không sử dụng được ngôn từ hòa ái, bởi vì ông chưa có cơ hội luyện tập phép ái ngữ . Lời nói của ông còn có thể chua chát, giận hờn, trách móc và có tính cách buộc tội. Nhưng nếu bạn đã nắm được phép lắng nghe thì bạn sẽ không để cho sự bực bội và giận hờn chiếm cứ lấy bạn. Bạn vẫn có thể tiếp tục lắng nghe với lòng xót thương, dù ông ấy đang sử dụng những lời nói trách móc buộc tội, và nhất là ông ấy đang có những tri giác rất sai lầm về bạn và về tình trạng. Làm sao để có thể tiếp tục lắng nghe với tâm từ bi khi những lời người kia nói đụng tới những vết thương sẵn có trong tâm? Đó là bí quyết của sự thực tập. Nếu bạn biết nắm được hơi thở, duy trì được ước muốn lắng nghe để cho người kia nói ra được những điều người kia chưa nói ra được, nếu bạn luôn luôn ý thức là người kia đang khổ, đang có những tri giác sai lầm về bạn và về chính người kia, và việc lắng nghe mà bạn đang làm đây chỉ có một mục đích là làm cho người đó bớt khổ, thì bạn có khả năng tiếp tục lắng nghe được người kia mà những bực bội vẫn không phát khởi trong bạn, và những vết thương trong bạn vẫn không bị đụng tới. Đó là phép lạ của tâm từ bi . Duy trì được tâm xót thương thì bạn được che chở. Bạn cứ thực tập đi rồi bạn sẽ thấy. Cố nhiên trong khi lắng nghe bạn nhận thấy người ấy có nhiều hiểu lầm, nhiều cố chấp, nhưng bạn không nóng nảy ngắt lời người ấy, vì bạn biết rất rõ nếu bạn cắt lời người ấy, nói cho người ấy biết là người ấy sai lầm, thì người ấy sẽ bực bội, khựng lại, sẽ không còn tiếp tục nói được nữa, và cả hai sẽ bị kéo vào trong một cuộc cãi vã. Bạn thấy được những tri giác sai lầm của người ấy, nhưng bạn tự nhủ: Ta hãy lắng nghe đã, mai mốt thế nào ta cũng có cơ hội cung cấp cho người ấy những dữ kiện về những gì đã thực sự xảy ra để người ấy có thể từ từ điều chỉnh nhận thức và tri giác của người ấy. Bây giờ đây công việc ta đang làm là chỉ lắng nghe thôi. Lắng nghe với lòng xót thương. Bởi vì bạn biết rằng do những tri giác sai lầm như thế cho nên người kia mới tự làm khổ mình và làm khổ người mình thương. Duy trì được lòng xót thương ấy suốt trong buổi ngồi nghe là bạn thành công. Bạn thành công là bạn làm được như bồ tát lắng nghe, nghĩa là bồ tát Quan Âm.
Điều chỉnh nhận thức
Trong khi lắng nghe, bạn có thể tự bảo: “Tội nghiệp quá, tri giác sai lầm như thế, thảo nào mà lại không khổ và không làm người khác khổ.” Và nếu bạn cần nói một câu gì đó trong khi lắng nghe để khuyến khích người kia nói tiếp, thì câu ấy có thể là: “Tội nghiệp bố quá, vậy mà con không biết.” hoặc “Tội nghiệp mẹ quá, vậy mà con không biết.” Tôi đã từng giúp rất nhiều người làm cha làm mẹ hòa giải với con. Trong khi họ lắng nghe, họ cũng nói: “Tội nghiệp cho con tôi quá, thế mà mẹ không biết.” Và hàng ngàn những người làm cha làm mẹ đã nhờ phép lắng nghe mà hòa giải được với con.
Được người khác lắng nghe như thế trong một giờ đồng hồ, mình có cảm tưởng nhẹ hẳn người, như vừa uống tới mười thang thuốc bổ! Trong xã hội ta, Đông cũng như Tây, có quá nhiều gia đình trong đó không ai biết lắng nghe ai, do đó sự truyền thông bị bế tắc, những hiểu lầm chồng chất, và ai cũng khổ. Có người khi bị bế tắc phải đi tìm thầy trị liệu bệnh tâm thần. Bổn phận của những nhà trị liệu tâm thần là lắng nghe ta. Nhưng không chắc khả năng và phẩm chất lắng nghe của những người ấy được bảo đảm. Nếu vị thầy trị liệu ấy có quá nhiều khổ đau trong tâm, nếu chính người ấy không truyền thông được với những thành viên khác trong gia đình, thì phẩm chất lắng nghe của người ấy còn kém, và khi nói ta không cảm thấy được lắng nghe, được hiểu, và ta không cảm thấy có thuyên giảm. Còn nếu bạn biết nắm lấy hơi thở, ôm lấy niềm đau, duy trì được lòng xót thương, thì khả năng lắng nghe của bạn sẽ lớn lắm và bạn có thể làm hay hơn những nhà trị liệu tâm thần!
Mai kia, gặp những dịp an lành, hòa hoãn, bạn sẽ tìm cách cung cấp những dữ kiện về sự thật đã xảy ra để giúp bố hoặc mẹ điều chỉnh những tri giác sai lầm của các vị ấy. Phải làm việc này từ từ, mỗi lần chỉ đưa ra một ít dữ kiện, để quý vị ấy có thể đủ sức tiếp nhận và quán chiếu. Nếu bạn nóng nảy, muốn nói hết ra một lần thì sợ người kia chịu không nổi. Bạn có thấy là năng lượng từ bi luôn luôn chuyên chở năng lượng kiên nhẫn hay không?
Trái tim đã nở như một đóa hoa
Còn nếu trong khi lắng nghe mà bạn thấy được những sai lầm và những vụng về của bạn thì bạn nên sử dụng những dữ kiện mà bạn mới tiếp nhận để điều chỉnh ngay những nhận thức sai lầm của bạn và xin lỗi bố hoặc mẹ ngay về những vụng về của mình. Tôi đã từng yểm trợ cho rất nhiều bậc làm cha làm mẹ để họ có thể xin lỗi con của họ về những nhận thức sai lầm và những vụng về của họ trong khi đối xử với con. Và chúng tôi cũng đã giúp được rất nhiều người trẻ hòa giải được với cha mẹ. Trong những khóa tu tập bảy ngày hoặc hăm mốt ngày tổ chức tại Làng Mai hay tại các nước khác, luôn luôn phép lạ của sự hòa giải được xảy ra vào gần cuối khóa. Những ngày đầu của khóa tu tập là để tập thở, tập đi, tập ôm ấp và nhận diện những nỗi khổ niềm đau của chính mình. Những ngày kế tiếp là để quán chiếu, thấy được niềm đau của người kia, tập hiểu, tập chấp nhận, tập nói và tập nghe. Vào ngày thứ sáu, mọi người được yêu cầu thực tập các phép lắng nghe và ái ngữ để đi đến hòa giải. Và phải làm cho được trước khi khóa tu tập kết thúc! Có không biết bao nhiêu cặp vợ chồng, cha con, mẹ con, anh em, bạn bè, v.v... đã thành công trong việc thực tập, và điều này đem lại cho chúng tôi rất nhiều hạnh phúc.
Tôi còn nhớ năm 2002 tại thành phố Oldenburg, trong khóa tu cho trên sáu trăm người Đức, vào ngày chót, có bốn người thanh niên Đức đã tới báo tin cho tôi biết là tối hôm trước đó họ đã dùng điện thoại di động để thực tập lắng nghe và ái ngữ và đã hòa giải được với phụ thân của họ! Tôi rất phục những chàng thanh niên ấy. Vẻ mặt họ rạng rỡ, hạnh phúc của họ rất lớn. Trong những năm qua, họ đã không nói được với cha họ những lời nói thương yêu như hôm qua họ đã nói. “Tại sao?”, bạn sẽ hỏi. Tại vì hạt giống thương yêu trong họ đã được tưới tẩm và đâm hoa kết trái sau sáu ngày thực tập, trái tim của họ đã nở ra được như một bông hoa cho nên họ đã có thể nói lên được dễ dàng những câu nói đầy ân tình và thương yêu như thế. Thực tập hòa giải được với người thân có mặt ngay trong khóa tu đã là một chuyện mầu nhiệm rồi, mà sử dụng điện thoại cầm tay để làm được thành công việc này với một người ở xa hàng trăm cây số, tôi nghĩ đó là một phép lạ đích thực.
HT.Thích Nhất Hạnh