Rất nhiều người có thể chưa đến Huế, chưa gặp Huế nhưng ít ra cũng đã từng nghe nói đến một thôn Vỹ Dạ bình yên , thơ mộng trong câu thơ của Hàn Mặc Tử:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền...
Vậy mà chuyến ghé Huế mới đây, một người bạn Huế đã ngập ngừng khi tôi rủ anh về thôn Vỹ. Tức cảnh sinh tình , anh đọc cho tôi nghe mấy câu nhại thơ của Hàn thi sĩ:
Sao anh không về chơi thôn Vỹ.
Nhìn giá nhà lên ,giá đất lên.
Vườn ai tuốt luốt sâu trong hẻm.
Bỗng chốc hiên ngang giữa mặt tiền
Có thất thế chăng?
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Bên nét cổ kính rêu phong của kinh thành Huế, những vườn xanh cây lá của Kim Luông.Vĩ Dạ đã bổ trợ cho Huế dáng vẻ xưa mà không cũ, cổ mà không già. Ðâu phải ngẫu nhiên mà từ mấy trăm năm trước, những ông hòang, bà chúa của triều Nguyễn đã không chọn lầu son gác tía bên kia hòang thành mà lại về đây, cái thôn nhỏ Vỹ Dạ để lập nên các phủ đệ. Dấu xưa xe ngựa, qua trăm năm nắng mưa vẫn còn âm vọng dưới những vòm cổng phủ rêu xanh của Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương... những ông hoàng nổi tiếng về tài thơ, hay chữ, giữa chốn biếc xanh cây lá bỗng hóa thành tao nhân mặc khách, quên mất vòng danh lợi phù hoa phía bên kia sông Hương. Thuở ấy, Vỹ Dạ có đến 9 phủ đệ, 11 cung phòng, không hòang thân quốc thích thì cũng là đại thần triều đình. Ðành rằng Huế là chốn mộng mơ nhưng Vĩ Dạ mới là cõi hữu tình. Sông Hương qua đây rẽ làm hai ôm lấy cồn Hến tre trúc khói sương và đắp bồi phù sa cho những ngõ vườn biếc xanh lá ngọc. Cả những người con gái Huế đẹp và buồn nơi thôn nhỏ Vĩ Dạ này nữa đã lưu danh trong bao nhiêu thơ, nhạc...
Tôi về Vĩ Dạ, bấy giờ vần còn những mảnh vườn sum suê cây trái, có "lá trúc che ngang mặt chữ điền", vẫn có thể thấy những bãi cồn Hến ven sông Hương hình dảnh "dòng nước buồn hiu hoa bắp lay" và "thuyền ai đậu bến sông trăng"... Cho dẫu thế vẫn không khỏi chạnh lòng tiếc nuối, có một cái gì đó đã mất, không gọi thành tên nhưng day dứt khôn nguôi với những câu thơ "cải biên " của người bạn Huế.
Thôn Vỹ bây giờ ...
Hiếm có một địa danh nào ở Huế lại được "huy động" tối đa cho việc đặt tên khách sạn, nhà hàng, quán xá như Vĩ Dạ. Cuối đường Lê Lợi, vừa qua khỏi đập đá vào địa phận Thôn Vỹ sẽ thấy dọc trục đường về cửa Thuận An cơ man là bảng hiệu: khách sạn Thôn Vĩ, Vĩ Dạ; Restaurant cũng Vĩ Dạ Thôn Vĩ, rồi các quán cà phê vẫn" Vĩ Dạ quán' "Vĩ Dạ viên" và đủ các hiệu tạp hóa, hiệu buôn... "ăn theo" cái địa danh thơ mộng thuở nào. Trong dự tưởng riêng của mình, tôi vẫn mơ một ban mai thanh bình được ngồi trên đám cỏ dưới bóng vường cau thôn Vỹ mùa hè để hít vở lồng ngực cái hương cau thơm đến nhói đau. Bở hương cau, trong ký ức về làng quê của mỗi người bình thường thức gợi chút tình quê vốn hiền hoà.
Với Vĩ Dạ liên tưởng đầu tiên đối với tôi vẫn là những vườn cau vút nắng như câu thơ " nhìn nắng hàng cau nắng mới lên". Thế nhưng ,về đây mới hay cau bây giờ khá hiếm hoi trong những khu vườn Thôn Vĩ. Phần do gãy đổ bởi trận bão năm 1985, phần do người ta đào tận gốc để mang đi bán cho những khách sạn, nhà hàng trồng làm cảnh. Vĩ Dạ bây giờ, nhất là dọc trục đường về bãi biển Thuận An, nhiều khách sạn mọc lên với kiến trúc khá kỳ dị. Sau vòm cổng lợp ngói cổ kính của khách sạn Thôn vĩ (trung tâm dịch vụ du lịch) là hình ảnh con đại bàng co chân giơ vuốt đứng trên quả địa cầu ximăng cốt thép. Cái khối "sang trọng oai phong" ấy được đặt trên nóc vòm ban công bán nguyệt với khung nhôm cửa kính lại mang cái tên Thôn Vĩ, khiến khách về đây méo xệch một nụ cười. Không xa cách khách sạn ấy là bao phủ đệ của Tuy Lý Vương vừa được sửa sang với màu vôi đỏ, vàng làm mất đi nét cổ xưa thì cũng rất đáng để khách mừng vui tới sự quan tâm tới những di sản văn hóa của Vĩ Dạ.
Không thể không nhắc đến ngôi nhà cổ nằm trong khuôn viên công an phường Vỹ Dạ. Nghe đâu trước kia ngôi nhà này của ông Ưng Thông - một bác sĩ nổi tiếng thuộc hoàng tộc. Chiến tranh ly tán, giờ đây ngôi nhà xếp vào diện vắng chủ. Cho dẫu thế, vẫn không thể chạnh buồn khi nhìn ngôi nhà lở mái ngói, hàng hiên, phơi những rui, mè, mục nát giữa nắng mưa tuế nguyệt. Một buổi sáng loanh quanh giữa những nhà vườn Vĩ Dạ, không còn gặp những hàng giậu chè tàu cắt xén phẩng phiu, trước sân nhà không còn những bờ trúc rủ lá che bức bình phong mà họ Hàn đã ví là "mặt chữ điền". Thay vào đó là bờ tường rào bằng sắt uốn khô cứng và đẹp một cách... buồn cười. Biết làm sao được khi cuộc đời cứ biến dịch không ai ngồi đó để chăm chút những giậu chè tàu quanh co lối ngõ, khi ngòai kia người ta đi bằng tốc độ của ...DreamII; và giữ lại những vườn cau không mang lại chút hoa lợi khả dĩ nào để làm gì khi đất đang muốn dành chỗ cho nhà hàng, khách sạn, lợi nhuận ào ào những "cây" và "chỉ". Biết thế , đành thế, nhưng tiếc vẫn cứ tiếc!.
Mười năm trước khi còn là sinh viên những đêm trăng bọn chúng tôi hay đạp xe long rong dọc theo những con đường thôn Vỹ - những con đường trăng, nghe gió thông thống ào lên từ xông, chen qua bờ cây mát rượi. Giờ thì những nhà hộp mặt phố đã chen kín chặng gió thổi từ sông. Và thôn Vỹ đã mất dần thơ mộng. Tôi cảm nhận điều đó khi chạy qua cầy Vĩ Dạ vừa mới xây xong, hun hút con đường rộng thênh thang qua cánh đồng thôn Vĩ về tận Phú Mậu. Những mùa lũ trước chỉ cần nước sông Hương chớm dâng, tràn qua Đập Đá là dân Vĩ Dạ và miệt Phú Vang bị "cắt đường giao thông" với thành phố. Họ đã mơ ước từ rất lâu một chiếc cầu... Và hôm 19-5-1998, cầu đã được thông xe. Nối theo cầu là 4.2 km đường nhựa - nghĩa là sắp có ... 8400m ngan đất mặt tiền. Đem điều này hỏi bác Lê Hồng Thi, bác cho biết: "tổng kinh phí xây cầu và 4.2km đường là 32 tỉ đồng. Từ trung tâm thành phố muốn về Vĩ Dạ, Phú Vang, Thuận An,.... dân trong vùng đông nam Huế không kho nước lũ qua Đập Đá. Chỉ chừng đó đã quá mừng. Còn dọc theo con đường này có mọc lên phố xá, những cánh đồng kia có trở thành đất cho nhà cửa ... còn tùy". Nghĩa là sự thể chưa biết thế nào, nhưng nhiều hộ tuốt luốt giữa đồng Vĩ Dạ, khi con đường chạy qua, đã sướng run lên vì bỗn chốc vườn ruộng hóa mặt tiền. Biết đâu vài mươi năm sau, quảng này còn sầm uất hơn cả bên kia Đông Ba - Gia Hội, và Vĩ Dạ bây giờ chỉ con lưu ảnh trong câu thơ.
Bác Thi cũng cho hay Vĩ Dạ là phường nội thành nhưng gian nan còn nhiều. Trong 15,000 dân của phường chỉ có chừng 1/5 là "Vĩ Dạ gốc", người Vĩ Dạ gốc tự hào nếp cổ gia phong truyền đời qua nhiều thế hệ. Còn thì không mấy người giàu. Nghề thợ chạm, mộc, nề,... theo bước chân của người Vĩ Dạ xiêu tán làm ăn lắm miền đất nước. Không có một cái gì cho Vĩ Dạ "bật" lên, giàu lên.
Vĩ Thanh cho Vĩ Dạ...
Như một tao khách bị rủ rê bởi câu thơ của Hàn Mạc Tử để thường về thôn Vĩ với chút tình hoài cổ, tôi tiếc nuối những vườn xưa, ngõ cũ chỉ để mà tiếc nuối. Nhưng đó không phải là những mơ mộng viễn vông, vì rằng nếu những mảnh vườn Vĩ Dạ vẫn cứ đẹp, cứ thơ như ngày xưa hẳn du lịch Huế sẽ có thêm nguồn thu cho "tour Vĩ Dạ". Khác đến đây đâu chỉ thăm đền đài lăng tẩm? Câu thơ của họ Hàn cũng là một sự "tiếp thị" cho Vĩ Dạ - một sản phẩm du lịch của Huế đấy chứ? Tiếc là không ít người tin vào câu thơ "siêu tiếp thị" để rồi thất vọng. Buồn thân, tôi tìm về nhà một người bạn cũ, một khu vường ngày xưa có những sán mai ngồi mê đắn giữa hương cau. Ngôi nhà lợp mái ngói liệt không còn. Vườn cau không còn. Một nửa đất của khu vườn đã biến thành ngôi nhà ba tầng có con đại bàng cắp quả địa cầu trên nóc. Chỉ còn mẹ của bạn với ghánh cơm hến rong ruổi mỗi ngày lên phố là y như ngày xưa.
Lê Đức Dục