Bảy cái nhất của chùa Hà Nội

1. Chùa cổ nhất là chùa Trấn Quốc ở phường Yên Phụ quận Tây Hồ, chùa được xây dựng vào thời Lý Nam Đế (khoảng thế kỷ 6), khi Phật giáo mới được truyền bá vào Việt Nam. Chùa vốn có tên là Khai Quốc, lúc mới xây dựng, chùa ở ngoài bãi sông thuộc đất Yên Phụ, sau đổi là chùa An Quốc. Đến thế kỷ 17, chùa mới dời đến vị trí hiện nay. Tên gọi chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705). Cuối thế kỷ 18, các chúa Trịnh biến chùa thành nơi vui chơi, nên đổi gọi là hành cung Trấn Quốc. Đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) cho đổi làm chùa Trấn Bắc.


2. Chùa có niên đại muộn nhất là chùa Hưng Ký, được xây dựng vào những năm 1930 - 1933. Chùa do hai vợ chồng Hưng Ký - chủ hãng gạch Hưng Ký bỏ tiền ra xây cất trên đất thôn Đông, làng Hoàng Mai (nay chùa ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng). Chùa Hưng Ký còn gọi là Vũ Hưng Thiều am. Chùa có thờ Phật tổ và Mẫu Liễu Hạnh.


3. Chùa có kiến trúc "lạ" nhất là chùa Một Cột. Chùa Một Cột tên chữ là Nhất Trụ tự, được xây dựng từ thời nhà Lý (1049) ở giữa hồ Liên Hoa Đài của thành Thăng Long. Toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá, cùng với ao hình vuông phía dưới có thể là biểu tượng cho đất (trời tròn, đất vuông).


4. Tháp cổ nhất nội thành Hà Nội là tháp Cứu Sinh có từ thế kỷ 17 ở chùa Liên Phái (phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng), được xây bằng đá. Tháp là nơi chôn cất các vị cao tăng trụ trì, sư tổ của chùa... Tương truyền đây là nơi táng hài cốt vị sư tổ thứ nhất của chùa là Lân Giác Thượng Sĩ. Ngoài ra, ở chùa còn có 8 tháp khác nữa.


5. Chùa có nhiều bia nhất là chùa Liên Phái (34 bia); tiếp đến là chùa Quảng Bá (33 bia); chùa Tân Sách (29 bia); chùa Hòe Nhai (28 bia)... Chùa Liên Phái nằm trên đất ngõ chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng. Chùa do Trịnh Thập là cháu của chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657) bỏ tiền xây dựng, gọi là chùa Liên Tông. Sau khi tu ở chùa Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh), Trịnh Thập về tu ở đây. Đến đời vua Thiệu Trị, đổi tên gọi là chùa Liên Phái.


6. Chùa có nhiều tượng nhất là chùa Láng có 198 tượng, tiếp đến là chùa Diên Phúc (134 tượng), chùa Thánh Chúa (77 tượng), chùa Bảo Tháp (75 tượng), chùa Hòe Nhai (68 tượng)... Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền tự, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Chùa được xây dựng vào đời vua Lý Thần Tông (1128 - 1138). Trong chùa ngoài thờ Phật ra còn thờ Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông.


7. Chùa có ít tượng nhất là chùa Tự Khánh có 5 tượng. Chùa Tự Khánh thuộc xã Đông Ngạc (huyện Từ Liêm) còn có tên nôm là Vẽ, Cả, hoặc gọi theo tên xã Đông Ngạc.

Ngô Vũ Hải Hằng
 

Lịch sử: